Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khảo sát tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

       Khai thác du lịch tại các Vườn Quốc gia (VQG) đã góp phần hỗ trợ thu nhập kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương; nâng cao hiểu biết, ý thức của cộng đồng và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Hoạt động du lịch sinh thái tại các VQG đã tạo điều kiện mở rộng quan hệ, gắn kết giữa các vùng miền trên cả nước và nước ngoài. Nguồn lợi thu được từ các dịch vụ du lịch đã được sử dụng đề thực hiện các biện pháp bảo tồn và phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển của các hoạt động du lịch tại các VQG, trong một số trường hợp đã gây ra các tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái. Rõ rệt nhất là sự gia tăng mức độ sử dụng tài nguyên, tăng lượng rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường; hoạt động tham quan gây ảnh hưởng đến tập tính sinh hoạt của các loại động vật; việc bẻ cành, hái hoa, dẫm đạp lên thảm thực vật gây ảnh hưởng đến cảnh quan tại các VQG…. Ngoài ra, mâu thuẫn do việc chia sẻ lợi ích chưa hợp lý giữa các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch và cộng đồng địa phương đã gây ra những tác động không nhỏ, giảm hiệu quả trong công tác bảo tồn.
       Năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện nhiệm vụ “Khảo sát đánh giá tác động của hoạt động du lịch đối với môi trường sinh thái tại một số Vườn Quốc gia (không bao gồm 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới)”. Để thực hiện nhiệm vụ trên Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã lựa chọn 5 VQG đại diện cho 3 vùng miền (Bắc, Trung, Nam). Các VQG được lựa chọn là những VQG có hoạt động du lịch phát triển cũng như chịu nhiều tác động từ hoạt động du lịch; có các đặc tính về khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau; có các giá trị khai thác các loại hình du lịch khác nhau bao gồm: VQG Hoàng Liên (Lào Cai – Lai Châu); VQG Cúc Phương (Ninh Bình – Thanh Hóa – Hòa Bình); VQG Tam Đảo (Vĩnh Phúc – Thái Nguyên – Tuyên Quang); VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình); VQG Phú Quốc (Kiên Giang).
       Từ ngày 6/9 đến ngày 9/9/2018, đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch do Phó Viện trưởng – TS. Trương Sỹ Vinh làm trưởng đoàn cùng các cán bộ nghiên cứu đã đi khảo sát thực địa tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Tại đây, đoàn đã có buổi làm việc với BQL VQG và đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin Huyện Bố Trạch nhằm tìm hiểu hiện trạng phát triển du lịch cũng như công tác bảo vệ môi trường tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Đoàn công tác của Viện cũng đã khảo sát thực tế các tuyến du lịch tại VQG như: Động Phong Nha, Khu suối Moọc; Vườn thực vật – đây là các điểm du lịch phổ biến và thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Qua quá trình làm việc và khảo sát Đoàn công tác đã có những đánh giá cụ thể về những tác động của du lịch đến môi trường từ đó sẽ đề xuất các giải pháp kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn các giá trị sinh học cũng như môi trường sinh thái tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
       Trong thời gian tới Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch sẽ tiến hành khảo sát các VQG còn lại để có những đánh giá tổng quát cũng như dự báo cụ thể về mức độ tác động của hoạt động du lịch tới môi trường tại các VQG trên cả nước./.

    Một số hình ảnh khảo sát tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng:

    danhgia-pn-kb

    danhgia-pn-kb1

    danhgia-pn-kb2

    danhgia-pn-kb3

    Thanh Hiền

    Bài cùng chuyên mục