Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025

    1.    Sự cần thiết phải tiến hành quy hoạch
    Quảng Bình nằm ở vùng du lịch Bắc Trung Bộ. Phía Bắc giáp Hà Tĩnh, phía Nam giáp Quảng Trị, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển Đông. Là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, an ninh quốc phòng, nằm trên hành lang Kinh tế Đông Tây của Việt Nam.
    Hệ thống giao thông của Quảng Bình tương đối thuận lợi với các tuyến giao thông quan trọng của Quốc gia như Quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh chạy qua tỉnh. Đồng thời, Quảng Bình còn có sân bay Đồng Hới, cửa khẩu quốc tế Cha Lo và một số cửa khẩu phụ khác thông sang Lào và cảng biển Hòn La giúp Quảng Bình thuận lợi trong việc kết nối đến các thị trường du lịch quan trọng của Việt Nam.
    Nguồn tài nguyên du lịch của Quảng Bình phong phú, đa dạng cả tự nhiên lẫn nhân văn. Quảng Bình vừa có rừng, vừa có biển, với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như cửa biển Nhật Lệ, đèo Ngang, đèo Lý Hoà, Bãi Đá Nhảy… và đặc biệt là Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng với động Phong Nha được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới – một trong những hang động đẹp nhất thế giới với nhiều kỷ lục guiness về hang động . Với bề dầy lịch sử, Quảng Bình còn nổi tiếng với những tài nguyên du lịch nhân văn từ các di chỉ văn hoá cổ thuộc nền văn hóa Hoà Bình và Đông Sơn, các di tich lịch sử như Quảng Bình Quan, Luỹ Thầy, Rào Sen, hệ thống các di tích, địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Cha Lo, Cổng Trời, Xuân Sơn, Long Đại, đường Hồ Chí Minh… cho đến các giá trị văn hóa truyền thống về ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật…. Những người con của đất Quảng Bình đã trở thành những danh nhân của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực quân sự, văn hoă – xã hội như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hàm Ninh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp… tất cả tạo thành những tiền đề quan trọng để du lịch Quảng Bình phát triển.
    Trong những năm qua, du lịch Quảng Bình đã có tăng trưởng vượt bậc lượng khách tăng trưởng với tốc độ cao, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước, tạo ra nguồn thu ngân sách cho địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật ngày càng hoàn thiện… Xác định vị trí quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và để khai thác hợp lý các tiềm năng du lịch phong phú, Quảng Bình đã coi phát triển du lịch là một trong những thế mạnh chủ yếu trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, nhiều yếu tố mới xuất hiện, đặt ra những phương hướng và nhiệm vụ mới cho kinh tế – xã hội Quảng Bình nói chung và du lịch nói riêng. Thực tế này đòi hỏi phải xây dựng được những định hướng phát triển tổng thể trên quan điểm bền vững làm cơ sở xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển du lịch để du lịch ngày càng đóng góp hiệu quả hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhanh chóng hoà nhập với sự phát triển du lịch trong khu vực và thế giới. Chính vì vậy việc triển khai lập “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025” là một đòi hỏi cần thiết và cấp bách.
    2.    Các căn cứ lập quy hoạch
    2.1.    Căn cứ pháp lý
    –    Luật Du lịch được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Du lịch.
    –    Nghị định số 92/2006/NĐ-CP, ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội.
    –    Nghị định số 4/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ v/v sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội.
    –    Thông tư số 3/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 07 năm 2008 của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội.
    –    Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu.
    –    Chỉ thị số 32/CT-TTg, ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến 2010.
    –    Quyết định số 170/QĐ-UBND ngày 16/7/2009 phê duyệt Đề cương và dự toán lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.
    2.2.    Các tài liệu
    –    Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 – 2010 được phê duyệt tại Quyết định số 307-TTg ngày 24/5/1995 của Thủ tướng Chính phủ;
    –    Chiến lược Phát triển Du lịch giai đoạn 2001 – 2010 được phê duyệt tại Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ.
    –    Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình khóa XV (nhiệm kỳ 2010 – 2015).
    –    Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 – 2015.
    –    Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch năm 2010 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2011 (Báo cáo số 158/BC-UBND ngày 02/12/2010)
    –    Du lịch Quảng Bình – sách hướng dẫn du lịch – Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Bình phát hành 12-2008.
    –    Niên giám thống kê tỉnh Quảng Bình năm 2009
    –    Số liệu về hiện trạng du lịch Quảng Bình do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Bình cung cấp.
    –    Các tài liệu về tiềm năng du lịch Quảng Bình trên internet
    3.    Phạm vi quy hoạch
    –    Về không gian: Toàn bộ lãnh thổ các huyện, thành phố thuộc tỉnh Quảng Bình, có xét đến các yếu tố liên hệ vùng, cả nước và khu vực.
    –    Về thời gian: số liệu hiện trạng đến năm 2009 và số liệu dự báo đến năm 2025.
    4.    Mục tiêu và nhiệm vụ của quy hoạch
    Lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Bình nhằm mục tiêu
    –    Cụ thể hóa các định hướng phát triển du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Bình.
    –    Tạo ra cơ sở pháp lý và khoa học để xây dựng định hướng phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình  giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2025 trên quan điểm phát triển du lịch bền vững phù hợp với những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội địa phương và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, bối cảnh hội nhập của du lịch với khu vực và quốc tế.
    Để thực hiện này, quá trình lập quy hoạch phải xác định các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm
    –    Đánh giá toàn diện các yếu tố về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế –  xã hội, hiện trạng và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Quảng Bình.
    –    Xác định quan điểm và mục tiêu, dự báo các chỉ tiêu, các phương án phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình.
    –    Tổ chức không gian du lịch, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
    –    Xác định danh mục các khu vực, các dự án ưu tiên đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư, nguồn nhân lực cho du lịch.
    –    Đánh giá tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường.
    –    Đề xuất chính sách giải pháp thực hiện quy hoạch.
     
     

    Bài cùng chuyên mục