Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khảo sát học tập kinh nghiệm về quy hoạch phát triển du lịch tại Malaysia và Indonexia

    Trong khuôn khổ thực hiện đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, theo kế hoạch khảo sát đã được thông qua, từ ngày 18-25/4/2011, Viện NCPT Du lịch đã tổ chức chuyến đi khảo sát học tập kinh nghiệm về quy hoạch phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm đặc thù và quảng bá du lịch tại 2 quốc gia có ngành công nghiệp du lịch phát triển trong khu vực là Malaysia và Indonesia.

    Đoàn khảo sát gồm 6 thành viên (5 cán bộ nghiên cứu của Viện NCPT Du lịch và 01 chuyên viên theo dõi thực hiện đề án của Vụ Kế hoạch – Tài chính của Bộ VHTT&DL), đoàn do Phó viện trưởng Phạm Trung Lương làm trưởng đoàn.

    Đoàn đã đi khảo sát tại Kualalumpur, Genting (Malaysia), BaLi, Jakarta (Indonesia) và làm việc với các Cơ quan:

    –    Bộ Du lịch Malaysia
    –    Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia
    –    Cục Du lịch Bali (Indonesia)
    –    Bộ Văn hoá và Du lịch Indonesia (Vụ Phát triển thị trường, Trung tâm Nghiên cứu Du lịch và Phát triển).

             Làm việc với Bộ Du lịch Malaysia,  đoàn công tác đã trao đổi về những kinh nghiệm trong phát triển du lịch của Malaysia. Malaysia là đất nước có ngành công nghiệp du lịch rất phát triển. Năm 2009 Malaysia đón 23,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, xếp thứ 9 trên toàn thế giới (chuyển dịch từ thứ 11 năm 2008). Vể thu nhập du lịch đạt 17,19 tỷ USD và xếp thứ 13 trên toàn thế giới (năm 2008 xếp thứ 16). Năm 2010 đã đón được 24,6 triệu lượt khách quốc tế và thu 17,93 tỷ USD. Mục tiêu phát triển du lịch Malaysia đặt ra đến năm 2020 trở thành nước phát triển về du lịch, hàng đầu trong khu vực và quốc tế (dự kiến đón 36 triệu lượt khách quốc tế và thu nhâp du lịch có thể đạt 52,9 tỷ USD) . Thông điệp chính của ngành du lịch thể hiện mục tiêu và quan điểm phát triển trên: «Định vị Malaysia là điểm đến du lịch hàng đầu trong nhận thức thị trường (top-of-mind tourist destination) và Xây dựng ngành du lịch thành ngành có đóng góp chính trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ».  10 thị trường khách hàng đầu của Malaysia theo thứ tự quan trọng gồm: Singapo, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Brunay, Ấn Độ, Úc, Philipin, Anh và Nhật. Trong chiến lược chung của Malaysia về việc chuyển dịch kinh tế, ngành du lịch xây dựng kế hoạch chuyển dịch phát triển du lịch đến năm 2020 với lộ trình cụ thể, tập trung vào việc phát triển sản phẩm và thị trường với mục tiêu chính là tập trung vào thị trường có khả năng chi trả cao ; đẩy mạnh tăng trưởng tiêu dùng của khách du lịch. Hai hướng chính trong quan điểm phát triển của Kế hoạch chuyển dịch là :  Bảo vệ, bảo tồn và giữ gìn môi trường : phát triển Du lịch Xanh, Giải thưởng khách sạn Xanh, Chiến dịch quốc gia về 1 Malaysia xanh, 1 Malaysia sạch (1 Malaysia green, 1 Malaysia clean) và  Phát triển toàn diện, chú trọng tính cân bằng và tính bền vững (tầm quan trọng của lợi ích cộng đồng). Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay, Malaysia xác định phải có những sáng kiến và cải tiến trong phát triển sản phẩm.  Các sáng kiến tập trung vào tổ chức các sự kiện tầm quốc gia bao gồm :
     
    – Tổ chức lễ hội giầy quốc tế Malaysia (7-10 tháng 4)
    – Tổ chức Diễu hành hoa đêm Malaysia (9-17 tháng 7)
    – Lễ hội nghệ thuật đương đại du lịch Malaysia (tháng 7- hết tháng 9)
    – 1 Malaysia với ẩm thực tuyệt vời (tháng 10, 11, 12)
    – Du lịch công viên, vườn cảnh Malaysia (quanh năm)
    – Kết nối – nghỉ tại nhà dân và du lịch đường sắt (quanh năm).

               Một trong những sáng kiến rất đáng chú ý là việc Malaysia đưa ra chính sách và khuếch trương chương trình « Malaysia ngôi nhà thứ 2 của tôi » để khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại Malaysia để đi lại nghỉ ngơi, du lịch và kéo theo người thân và bạn bè tới du lịch tại đây.  Ngoài ra, Malaysia cũng tập trung vào duy trì và khuếch trương sản phẩm du lịch mua sắm. Họ cũng tập trung các sản phẩm cho thị trường du lịch cao cấp và xác định địa điểm cụ thể về từng hoạt động : nghỉ dưỡng tại các khu du lịch, vui chơi giải trí, các loại hình thế thao, các địa điểm mua sắm. Các sản phẩm đặc biệt : Malaysia tập trung vào đẩy mạnh du lịch chữa bệnh, du lịch giáo dục và cuối cùng là du lịch MICE.

               Về quy hoạch du lịch,  Malaysia không có một quy hoạch tổng thể phát triển du lịch như cách tiếp cận của Việt Nam mà chỉ có «Kế hoạch chuyển đổi du lịch Malaysia đến năm 2020» nhằm thu hút các thị trường du lịch có khả năng chi trả cao và tăng chi tiêu du lịch. Các khu vực/địa bàn phát triển du lịch chính với các chức năng cụ thể đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch từ những năm 1970 vẫn được duy trì.   Căn cứ vào định hướng có tính quốc gia này, các địa phương/thậm chí doanh nghiệp du lịch sẽ có những kế hoạch phát triển du lịch cụ thể.

      Tại buổi làm việc với Bộ Bộ Văn hoá và Du lịch Indonesia, đoàn công tác được thông báo, hiện Indonexia đã xây dựng xong chiến lược tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, theo đó tư tưởng chính sẽ tập trung nâng cao chất lượng du lịch. Mục đích của chiến lược là đến năm 2025 sẽ phát triển khoảng 50 điểm đến quy mô quốc gia với một số «hành lang du lịch»; lượng khách du lịch quốc tế tại thời điểm này dự kiến sẽ đạt khoảng 25 triệu lượt.  Cùng với chiến lược là một kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2015 cũng đã được hoàn tất với nội dung tập trung phát triển 3 loại hình du lịch chính là du lịch sinh thái, du lịch nông thôn và du lịch biển. Đối với du lịch nông thôn sẽ triển khai trên 54 điểm ; du lịch sinh thái là 50 điểm ở các vườn quốc gia.
      Khác với Malaysia, tiềm năng du lịch Indonexia chủ yếu dựa vào văn hóa nên lĩnh vực du lịch và văn hóa thường gắn chặt với nhau.     Kế hoạch phát triển du lịch 5 năm của Indonesia có các mục tiêu và quan điểm chính gồm : tập trung vào yếu tố chất lượng sản phẩm ; tập trung thu hút khách có khả năng chi trả cao, không chú trọng vào số lượng tăng trưởng mà chất lượng khách ; thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa bàn khác ngoài những trọng điểm phát triển du lịch hiện tại, đặc biệt tập trung phát triển du lịch nông thôn để thúc đẩy phát triển các địa bàn vùng sâu, vùng xa ; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.     Năm 2010 Indonesia thu hút 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Indonesia có chủ trương phát triển du lịch luôn dựa vào cộng đồng. Chính phủ hỗ trợ phát triển bằng việc cho thuê đất với giá rẻ để cộng đồng làm du lịch, đồng thời hướng dẫn và đào tạo cộng đồng về nghiệp vụ du lịch.  Các sản phẩm chính  được định hướng : du lịch di sản, du lịch sinh thái, du lịch đánh golf, du lịch lặn biển, du lịch MICE. Ở Indonexia, Vụ Thị trường của Cục Xúc tiến Indonesia có nhiệm vụ theo dõi diễn biến thị trường, định hướng và tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch ở cấp quốc gia. Từ việc theo dõi thị trường và đánh giá tình hình, xu hướng phát triển kinh tế – chính trị – xã hội và du lịch, Insdonesia chuyển hướng thu hút thị trường khách du lịch ASEAN. Ngân sách xúc tiến quảng bá du lịch năm 2010 xâp xỉ 40 tr. USD. Về hình thức quản lý du lịch,  mỗi địa phương  có một Cục Du lịch (Tourism board), là đơn vị tư nhân được hình thành từ địa phương và quản lý, kiểm soát các hoạt động du lịch tại địa phương. Đến nay, Indonesia đang triển khai hình thành Cục Du lịch Quốc gia (National Tourism Board) triên cơ sở các Cục du lịch địa phương và Cục du lịch Vùng và tiến tới thực hiện việc xúc tiến quảng bá chung cho Indonesia. Đây cũng là kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia có ngành du lịch phát triển. Đối với việc phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt tại địa bàn đảo Bali -một trong những điểm du lịch nổi bật của Indonesia – thì những thành công chính nằm ở những vấn đề như tôn trọng ý kiến, tập tục và tư duy của người bản địa; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch theo một quá trình; ban hành các quy định chặt chẽ và rõ ràng về kiến trúc, xây dựng các khu du lịch trong đó có tôn trọng ý kiến và tập tục địa phương, có quan điểm bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống….
     

     

                 

          Làm việc với Bộ Du lịch Malaysia

        Trên cơ sở thông tin, tư liệu có được qua các cuộc làm việc với các cơ quan và quan hoạt động khảo sát thực tế tại một số điểm du lịch ở Maylaysia và Indonesia như đã đề cập ở trên, một số bài học kinh nghiêm cho quy hoạch du lịch Việt Nam đến năm 2020 có thể  được rút ra bao gồm :

    –    Đối với nội dung quy hoạch/kế hoạch du lịch ở tầm quốc gia thì không quá chú trọng đến «sự toàn diện/tính đầy đủ» theo cấu trúc của một báo cáo quy hoạch theo truyền thống như hiện nay đang thực hiện ở Việt Nam. Quy hoạch cần tập trung giải quyết những vấn đề thực tế hơn cho giai đoạn trung hạn nhằm đảm bảo tính khả thi của các mục tiêu quy hoạch đặt ra.
    –    Tổ chức không gian du lịch trên phạm vi cả nước được xác định trong chiến lược du lịch, theo đó nội dung này là nhằm xác định rõ các địa bàn/không gian trọng điểm du lịch với chức năng du lịch chính (du lịch sinh thái, du lịch văn hoá). Ví dụ Kinabalu được xác định là địa bàn trọng về du lịch sinh thái của Malaysia, trong khi Kuala Lumpur được xác định là địa bàn phát triển du lịch MICE, du lịch vui chơi giải trí, du lịch mua sắm. Tổ chức không gian du lịch ở phạm vi quốc gia hầu như không có sự thay đổi trong thời gian dài (thực tế là ở Malaysia và Indonesia các địa bàn trọng điểm du lịch như Kinabalu, Bali, v.v. đã hình thành và không đổi cách đây hàng chục năm).
    –    Điều quan trọng nhất đối với một quy hoạch/kế hoach du lịch ở tầm quốc gia là việc đề xuất ra được các chương trình du lịch cho giai đoạn quy hoạch gắn với trách nhiệm của nhà nước. Các địa phương, các công ty tư nhân có thể tham khảo để xây dựng quy hoach/kế hoạch phát triển riêng.
    –    Quy trình thực hiện các quy hoạch/kế hoạch của một điểm đến cụ thể đều có sự tham gia của cộng đồng ngay từ giai đoạn đầu nhằm đảm bảo các nội dung quy hoạch/kế hoạch có thể thực thi. Chính quyền rất tôn trọng ý kiến cộng đồng trong quá trình xây dựng cũng như trong quá trình thực hiện quy hoạch/kế hoạch du lịch. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thành công của du lịch Bali (Indonesia) chinh là kinh nghiệm này.
    –    Để có thể thực hiện thành công các quy hoach/kế hoạch phát triển du lịch, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước về hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, cần có sự đầu tư thoả đáng cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch (hiện nay Malaysia đầu tư cho hoạt động này khoảng 150 triệu USD/năm; Indonesia khoảng 40 triệu USD/năm)
    –    Trong xây dựng quy hoạch/kế hoạch phát triển du lịch cấn chú trọng việc nghiên cứu đề xuất những trọng tâm phát triển cho từng giai đoạn ; chú trọng việc đề xuất những loại hình du lịch mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Ví dụ, trong kế hoạch du lịch Malaysia đến năm 2020 sẽ tập trung phát triển 02 loại hình du lịch mới là du lịch chữa bệnh (Medical tourism) và du lịch giáo dục (Education tourism) bên cạnh việc mỗi năm sẽ đề xuất hệ thống các sự kiện để thu hút khách du lịch. Indonesia sẽ tập trung phát triển 03 loại hình du lịch là du lịch sinh thái (ở 50 VQG) ; du lịch nông thôn (ở 54 điểm) và du lịch biển, đặc biệt là ở Bali.  
    –    Cần coi trọng công tác thống kê du lịch phục vụ việc xây dựng và điều chỉnh quy hoach/kế hoạch phát triển du lịch.

    Bài cùng chuyên mục