Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo Sáng kiến và hướng dẫn sự tham gia của cộng đồng địa phương và khối tư nhân trong phát triển du lịch

    Sáng ngày 16/11, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức hội thảo “Sáng kiến và hướng dẫn sự tham gia của cộng đồng địa phương và khối tư nhân trong phát triển du lịch”, kết nối trực tuyến với các điểm cầu ở các quốc gia ASEAN. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức hội thảo. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy dự và chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của các doanh nghiệp, các cơ sở du lịch cộng đồng; đại diện Sở quản lý du lịch các địa phương Khánh Hòa, Ninh Bình, Lào Cai, Lâm Đồng, Nam Định, Lai Châu, An Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ngãi…; đại diện các nước Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Indonesia…

    Toàn cảnh hội thảo. Ảnh TITC

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy nhận định, đây là một hoạt động có ý nghĩa, nhằm tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, xác định phương thức thực hiện cũng như sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương, khối tư nhân trong phát triển du lịch. Đặc biệt là khi ngành Du lịch Việt Nam đang tăng cường thu hút khách quốc tế và phục hồi, phát triển trong bối cảnh mới. Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết, “Chiến lược tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương và khối tư nhân trong phát triển du lịch” đã được xây dựng theo ATSP 2016 – 2025 và thực hiện trong thời gian qua. Ở Việt Nam, việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng, khối tư nhân trong phát triển du lịch tại các địa phương cũng đã có một số kết quả khả quan. Một số điểm đến, cộng đồng đã làm chủ trong việc tận dụng thế mạnh, phát huy các giá trị tự nhiên và văn hóa địa phương; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp quản lý du lịch; phát triển chuỗi sản phẩm du lịch trong vùng… Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy, việc tham gia của cộng đồng và khối tư nhân vẫn còn gặp khó khăn, lúng túng về cơ chế chính sách khuyến khích, cách thức triển khai. Thiếu sự dẫn dắt một cách đồng bộ, chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các địa phương, doanh nghiệp; bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện sự kết nối giữa các bên tham gia chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, Việt Nam mong muốn được lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, cung cấp thông tin giữa các nước thành viên trong khối ASEAN, các chuyên gia, đại biểu, đại diện các cộng đồng và khối tư nhân trong việc triển khai “Chiến lược tăng cường sự tham gia của cộng đồng và khối tư nhân trong phát triển du lịch”. Qua đó, xác định các phương thức thực hiện, sáng kiến hay nhằm hỗ trợ cho việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân trong phát triển du lịch đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, tìm kiếm, phát huy các sáng kiến hợp tác kết nối giữa cộng đồng địa phương (trực tiếp và gián tiếp) với khu vực tư nhân (doanh nghiệp vừa và nhỏ) trong phát triển du lịch.

    Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy phát biểu tại hội thảo. Ảnh TITC

    Tại Hội thảo, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã giới thiệu tóm tắt nội dung “Chiến lược về sự tham gia của cộng đồng và khối tư nhân trong phát triển du lịch”; Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam chia sẻ “Mô hình điển hình về tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch”. Hội thảo cũng nghe tham luận của Ngân hàng phát triển châu Á về “Hỗ trợ cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch”; tham luận Ngân hàng thế giới về “Hỗ trợ và khuyết khích sự tham gia của khối tư nhân trong phát triển du lịch”; tham luận của Tổ chức Lao động quốc tế về “Sinh kế và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch”. Bên cạnh đó, đại biểu các nước, các địa phương cũng chia sẻ một số thông tin, sáng kiến, mô hình về sự tham gia của cộng đồng và khối tư nhân trong phát triển du lịch. Bộ quản lý du lịch Thái Lan đã thành lập bộ phận hỗ trợ cộng đồng và kết nối khu vực công vào khu vực tư. Từ đó tạo ra cơ hội nâng cao hoạt động du lịch, nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, thúc đẩy liên kết khu vực tư nhân nâng cấp dịch vụ… Lào tập trung phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực dưới sự giám sát của Bộ quản lý du lịch. Myanmar cho rằng sự tham gia của cộng đồng cần được nhìn nhận nghiêm túc để phát triển bền vững; đồng thời phải có sự tham gia hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

    Tại phiên trao đổi thảo luận, một đại diện đến từ Quảng Ngãi cho rằng việc phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam còn thiếu sự tham gia của ngành Nông nghiệp. Sự liên kết giữa cộng đồng và chính quyền ở một số địa phương chưa thật sự mạnh, cần được tăng cường hơn nữa. Mặt khác, cần triển khai công tác quy hoạch để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Đại diện Hợp tác xã du lịch cộng đồng Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) cho rằng văn hóa là nền tảng để phát triển kinh tế du lịch. Du lịch cộng đồng luôn cần được đầu tư về nguồn nhân lực, marketing, hạ tầng nên cần có sự quan tâm của chính quyền, các cơ quan quản lý, từ đó tạo ra giá trị cho cộng đồng. Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải lại chia sẻ sáng kiến về sự quan tâm, chăm lo đời sống cho cộng đồng, từ đó thúc đẩy hoạt động bền vững của cộng đồng.

    Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo

    Kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy đánh giá cao sự quan tâm tham gia, cũng như những ý kiến đóng góp chính xác, trách nhiệm của các đại biểu đã góp phn vào thành công của Hội thảo. Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết sẽ tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ các ý kiến đóng góp để đưa vào các chương trình tiếp theo. Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh: “Hội thảo đã góp phần làm rõ, đánh giá đươc thực trạng; đưa ra được những nhiệm vụ, giải pháp để triển khai về “Chiến lược Tăng cường sự tham gia của cộng đồng và khối tư nhân trong phát triển du lịch” trong thời gian tới. Đây là những căn cứ quan trọng để các nước thành viên ASEAN tiến hành tổ chức và triển khai phù hợp với yêu cầu trong bối cảnh mới”.

    Hoàng Mai

     

    Bài cùng chuyên mục