Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo “Thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới – Thách thức và Giải pháp”

    Sáng ngày 02/11/2022 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức hội thảo khoa học: “Thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới – Thách thức và Giải pháp”. TS. Nguyễn Anh Tuấn –  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của các đại diện đến từ Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL), Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn (TCDL) Sở Du lịch/Sở VHTTDL các địa phương (Khánh Hòa, Ninh Bình, Lào Cai, Lâm Đồng, Nam Định, Lai Châu, An Giang, Tiền Giang và Bình Định), đại diện doanh nghiệp du lịch (Viettrans tour, Haydi tour, Mai Châu Highway… ), đại diện một số Viện nghiên cứu, Khoa Du lịch các Trường đại học,  chuyên gia và các nhà khoa học…

    ThS. Nguyễn Thị Lan Hương – Chủ trì nhiệm vụ trình bày tóm tắt báo cáo

    Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Nghiên cứu Thị trường sản phẩm, Đào tạo và Quản lý khoa học (Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch) trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu nhiệm vụ với bốn nội dung chính: (1) Hiện trạng khách du lịch nội địa giai đoạn 2015 – 2022, (2) Xu hướng thay đổi tiêu dùng du lịch của khách du lịch nội địa, (3) Đặc điểm và xu hướng tiêu dùng du lịch của khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới, (4) Đề xuất định hướng, giải pháp thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới . Để hoàn thành mục tiêu đề ra, nhiệm vụ đề xuất (tám) giải pháp thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới: về cơ chế chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường; về đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; về phát triển sản phẩm; về xúc tiến quảng bá du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch; về tăng cường năng lực cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch; về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại với phát triển du lịch; về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; về đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch nội địa.

    PGS. TS. Phạm Hồng Long trình bày tham luận Hội thảo

    Tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa du lịch – Trường Đại học KHXH &NV Hà Nội đã trình bày tham luận: “Định hướng khai thác thị trường khách du lịch nội địa sau đại dịch Covid – 19 và giai đoạn tiếp theo”. Du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải trải qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Do vậy, việc định hướng khai thác thị trường du lịch nội địa cần tập trung các vấn đề như:  chiến lược phát triển sản phẩm du lịch mới, đa dạng các dịch vụ phục vụ du lịch nội địa, tăng cường xúc tiến và quảng bá,… đây là những chính sách căn cơ và chiến lược nhằm khôi phục và khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh phục hồi ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19.

    ThS. Trịnh Thanh Thủy, Trường Đại học Giao thông Vận tải tham luận với chủ đề: “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch Covid – 19, Cơ hội và thách thức”. Trong đó, nhận định: Du lịch Việt Nam đã chính thức chuyển mình sang giai đoạn mới, giai đoạn phục hồi và phát triển hậu COVID-19 với nguồn nhân lực sụt giảm do tác động từ đại dịch. Thực tế, dù lượng khách tăng, nhưng chất lượng nhân lực ngành du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng. Tình trạng thiếu nguồn nhân lực đã tạo ra “lỗ hổng” lớn trong ngành du lịch nhất là thời điểm khi các hoạt động du lịch trở lại trong điều kiện bình thường mới. Việc đào tạo mới và đào tạo lại trở nên cấp bách, trong đó có việc đào tạo nhân lực chất lượng cao. Để ngành Du lịch Việt Nam phát triển trong thời gian tới cần định hướng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tập trung một số vấn đề như: Hỗ trợ doanh nghiệp trong các chương trình đào tạo lại; Chương trình đào tạo hướng tới nguồn lao động du lịch chất lượng cao và ứng dụng chuyển đổi số (Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa); Thống kê, rà soát đội ngũ giảng viên, đào tạo viên của ngành du lịch;  Xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp cho giảng viên nhằm nâng cao kỹ năng giảng dạy tích hợp – lý thuyết đi đôi với thực hành; Đầu tư cơ sở vật chất trong công tác giảng dạy để người học có cơ hội thực hành nghề tại chỗ.

    Trong phần trao đổi, thảo luận: TS. Nguyễn Văn Lưu – Hàm Vụ trưởng, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo – Bộ VHTTDL đánh giá cao kết quả của nhóm nghiên cứu. Và ông cũng nhấn mạnh việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp khuyến khích tăng cường du lịch nội địa là việc hết sức quan trọng. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là của Trung Quốc. Một số ý kiến đề xuất nghiên cứu thêm để đảm bảo chất lượng nghiên cứu như: Nâng cao nhận thức về du lịch nội địa; Hoàn thiện chính sách, cơ chế và luật pháp liên quan đến phát triển du lịch nội địa. Đồng thời cần dự báo xu hướng phát triển để duy trì và huy động nguồn lực công tư, kinh nghiệm quốc tế và xác định những giải pháp hợp lý trong trường hợp khủng hoảng; Xác định rõ chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch nội địa để lựa chọn mục tiêu và giải pháp phù hợp trong trạng thái bình thường mới; Tăng cường quá trình số hóa và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các tổ chức, các bên liên quan trong trạng thái bình thường mới.

    Về phía cơ quan Quản lý nhà nước, theo đại diện Vụ Lữ hành – Tổng cục Du lịch  kiến nghị: Trong giải pháp đưa ra, nhóm nghiên cứu cần lưu ý sức chứa và sự quá tải để tránh gây áp lực lên điểm đến và quá tải về sản phẩm (lưu ý tính mùa vụ).

    Đại diện Trung tâm xúc tiến du lịch – Sở du lịch Ninh Bình: Địa phương đã có phương án tích cực đối với việc tăng trưởng của khách du lịch nội địa trong thời gian vừa qua  (Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để phát triển du lịch).

    Ông Hà Quốc Trung, Sở Du lịch Lào Cai: Trong việc khai thác thị trường nội địa, Lào Cai đã áp dụng chính sách thích ứng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu, duy trì trạng thái thích ứng và ứng phó linh hoạt nên vẫn đạt được hiệu quả trong quá trình phát triển du lịch hiện tại. Khách du lịch nội địa có thể được coi là cứu cánh cho hoạt động du lịch Lào Cai, tỉnh đã có những thay đổi phù hợp với xu thế và định hướng bền vững hơn với phương châm: Xanh, bền vững và trải nghiệm du lịch cộng đồng.

    Về phía Doanh nghiệp, đại diện Viettranstour cũng đưa ra ý kiến về sự phát triển nhanh chóng của thị trường du lịch nội địa cũng là thách thức đối với doanh nghiệp về việc đổi mới sản phẩm và nhân lực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần trang bị thêm các phần mềm mới để giảm thiểu nhân lực văn phòng. Thay đổi gói sản phẩm như tổ chức bán tour theo combo, theo nhóm nhỏ trực tiếp…

    Đại diện Công ty Haydi Tour: Nhu cầu nghỉ dưỡng có sự thay đổi. Định hướng các tour du lịch ngắn ngày tập trung vào nghỉ dưỡng cuối tuần.

    Về phía Cơ sở đào tạo, Đại điện trường Đại học công nghiệp Hà Nội nhận định rằng: Du lịch nội địa là thị trường có nhu cầu lớn, tiềm ẩn và nhấn mạnh các giải pháp cần thiết như: đẩy mạnh marketing, truyền thông, xúc tiến thị trường trọng điểm; thông tin tiếp cận khách hàng và phát triển sản phẩm. Đối với các cơ sở đào tạo: cần thay đổi chương trình phù hợp và kịp thời. Xây dựng mối quan hệ giữa các bên (nhà trường – cơ sở nghiên cứu – doanh nghiệp) nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nội địa.

    Theo TS. Lê Tân, Trưởng khoa Văn hóa du lịch trường Đại học Công đoàn: Phát triển du lịch cần gắn với chiến lược “Đại dương xanh” để triển khai một cách bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Sự tiệm cận về thị trường du lịch nội địa trong tương lai sẽ ngang bằng với thị trường du lịch quốc tế do đó cần có sự chuẩn bị về sản phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực và đặc biệt là điểm đến để có phương án khai thác tốt và bền vững. Ứng dụng công nghệ trong việc phát triển chất lượng dịch vụ. Do tư duy và cách tiếp cận khác nhau ở mỗi vùng sản phẩm là khác nhau do đó cần tăng cường về nhận thức từ cấp lãnh đạo để có thể tạo ra liên kết hợp lý và tạo dấu án về sản phẩm du lịch xanh.

    Nguyễn Thu Hương – Đại học Nội Vụ góp ý bổ sung thêm một số vấn đề: Chính sách và triển khai chính sách; Định hướng xây dựng sản phẩm cho từng khu vực một cách đồng bộ; Định hướng thị trường sản phẩm, tiêu dùng khách du lịch theo hướng gia tăng trải nghiêm du lịch; Sử dụng công nghệ hỗ trợ khách hàng định hướng trải nghiệm.

    Nguyễn Thị Thu Mai – Đại học Mở Hà Nội cũng nêu 2 ý kiến để đảm bảo các giải pháp mang tính tổng thể hơn: Thứ nhất là vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn, sức khỏe cho khách du lịch. Thứ hai là giải pháp quảng bá, xúc tiến trực tuyến: Tiếp cận khách hàng qua các kênh quảng cáo (nếu có thể bổ sung thêm các thông tin về cơ cấu khách, và tác động lựa chọn đi du lịch của khách sẽ tốt hơn).

    Toàn cảnh Hội thảo

    Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch thay mặt cơ quan chủ trì cảm ơn các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và các đại biểu đã đến dự và góp ý để nhóm nghiên cứu hoàn thiện nội dung báo cáo nhiệm vụ./.

    Bài cùng chuyên mục