Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo “Đánh giá năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam”

       1Trong khuôn khổ nhiệm vụ thuộc Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch năm 2016 được Tổng cục Du lịch giao, ngày 25/11/2016, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức Hội thảo “Đánh giá năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam” với mục đích tạo diễn đàn trao đổi ý kiến đánh giá về thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam, từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam.

       TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chủ trì Hội thảo, tham dự Hội thảo có đông đảo của đại diện các Vụ thuộc Tổng cục Du lịch, Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Du lịch; Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đại diện một số Sở Du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các chuyên gia trong lĩnh vực Du lịch.

       Phát biểu khai mạc TS. Nguyễn Anh Tuấn đưa ra bức tranh toàn diện về vị thế của Du lịch Việt Nam trong một vài năm gần đây. Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam so với Campuchia, Indonexia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan chưa được cải thiện, năm 2007 đứng thứ 6/7, năm 2011 vươn lên đứng thứ 5/7, nhưng đến năm 2015, mặc dù vị trí xếp hạng toàn cầu được cải thiện nhưng vị trí trong khu vực lại tụt xuống, xếp hạng 6/7, chỉ đứng trên Campuchia . Vậy nguyên nhân khiến Việt Nam luôn đứng sau các đối thủ cạnh tranh chính ở khu vực Đông Nam Á trong bảng xếp hạng của WEF là gì?

       Để giải quyết câu hỏi lớn đã đề ra ở trên, TS. Nguyễn Anh Tuấn đã trình bày tóm tắt báo cáo đề án “Đánh giá năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam”. Trong đó nhấn mạnh vào thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam theo mô hình lý thuyết của Dwyer&Kim, theo quan điểm của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF; theo kết quả điều tra xã hội học khách du lịch quốc tế và doanh nghiệp lữ hành và theo so sánh với Thái Lan. Bên cạnh đó báo cáo cũng chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt Nam để từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp để du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn và hơn hết nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.

       Hội thảo đã nghe tham luận của TS. Nguyễn Quang Vinh – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trình bày về “ Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho Doanh nghiệp Lữ hành quốc tế của Việt Nam trên thị trường quốc tế và khu vực”; Ths. Nguyễn Thanh Bình- Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn trình bày tham luận về “ Năng lực cạnh tranh cơ sở lưu trú Du lịch Việt Nam”. Cả 2 bài tham luận đã mang đến một khía cạnh khác trong việc đánh giá năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam dưới góc độ Doanh nghiệp Lữ hành và Cơ sở lưu trú.

       Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đóng góp ý kiến sôi nổi về những vấn đề xung quanh việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Bích- Giám đốc Mekong Rustic đã đưa ra ý kiến về kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch với tư cách là một doanh nghiệp du lịch (ví dụ minh họa là vườn quốc gia Tràm Chim). TS. Trần Thị Mai Hoa – giảng viên ĐHKHXH&NV lại có những chia sẻ rất gần gũi về kinh nghiệm làm du lịch của Nhật Bản từ chính sách phát triển du lịch, chương trình xúc tiến du lịch hoặc cộng đồng địa phương ở Nhật Bản làm du lịch như thế nào? Phần lớn các ý kiến trao đổi đều tập trung việc làm sao để ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực. Tất cả những ý kiến của đại biểu tham dự đều là những tài liệu quý báu cho Viện NCPTDL hoàn thiện hơn nữa báo cáo đề án “Đánh giá năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam”.

       Hội thảo kết thúc tốt đẹp và cũng mở ra thêm nhiều hướng đi mới trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong tương lai.

    Mội số hình ảnh

    4

    2

    3

    5

    6

     

    Diệu Linh

    Bài cùng chuyên mục