Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Du lịch đô thị – tổng quan nghiên cứu và những vấn đề đặt ra ở Việt Nam

    dldothi-c.huong-2018   Hoạt động du lịch thực chất là sự trải nghiệm, khám phá những gì khác với cuộc sống hàng ngày. Du khách luôn mong muốn tìm đến những điểm đến mới lạ, tìm hiểu những nền văn hóa khác biệt, độc đáo để tự trải nghiệm nhằm khám phá bản thân và tự vượt qua chính mình. Họ coi đây là cơ hội để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và nâng cao kiến thức của bản thân. Việc lựa chọn điểm đến không đơn giản chỉ là tính mới lạ mà còn bị chi phối bởi yếu tố tình cảm, nhu cầu đặc trưng hay vì cơ hội được giao lưu, chia sẻ thiện nguyện.

    Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, sức hút của các thành phố đối với khách du lịch là không nhỏ. Sự hấp dẫn của các trung tâm đô thị không chỉ thể hiện trên phương diện là điển hình cho sự phát triển, cho nền kinh tế tri thức bên cạnh sự đa dạng và tập trung của các giá trị văn hóa, kiến trúc, tôn giáo…, và các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách du lịch khi đến đây. Cùng với quá trình phát triển đô thị, du lịch đô thị từ chỗ bị coi là thứ yếu cả trong nghiên cứu lẫn trong thực tế quy hoạch đã buộc các nhà quản lý phải nhìn nhận lại vai trò của nó và cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng do sự gia tăng mạnh của các hoạt động du lịch mới, chất lượng trải nghiệm du lịch và những đóng góp mà du lịch mang lại cho đô thị, thành phố. Mối tương quan giữa việc tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ và vai trò cửa ngõ du lịch và là trung tâm thu hút và phân bổ khách du lịch trở thành một trong những vấn đề quan trọng cần phân tích và tìm ra giải pháp tích cực.

    Thời gian trước đây, sản phẩm du lịch đô thị không được đánh giá cao bởi rất nhiều yếu tố như phương tiện đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, giá cả không ổn định… Tuy nhiên, hiện nay, việc đi du lịch tới các khu đô thị không còn là một trở ngại đối với khách du lịch, mà gắn với xu hướng đô thị hóa ngày càng nhanh và mạnh, nhận thức về du lịch đô thị đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua trên tất cả các bình diện.

    Trong nghiên cứu về xu hướng phát triển du lịch đô thị, “Current trends in developing urban tourism”, Selin Yıldız and M. Tolga Akbulut, (2013), đã tổng hợp những phân tích có liên quan đến lịch sử phát triển của việc nghiên cứu về du lịch đô thị, từ những quan điểm sơ khai nhất. Tác giả cho rằng từ những năm 1970, nghiên cứu về du lịch đô thị khá phân tán và chưa được công nhận là một lĩnh vực riêng biệt trong các nghiên cứu về du lịch. Trong số những nghiên cứu ban đầu của một số tác giả như Burgess (1975), Pearce (1977) dựa trên ý tưởng của Lynch (1960) về đánh giá hình ảnh thành phố trong quá trình khai thác du lịch; hay Blank và Petkovich (1979); và Judd và Collins (1979) đã đặt nền móng đầu tiên trong nghiên cứu du lịch đô thị và đánh dấu sự công nhận chính thức du lịch đô thị như một hiện tượng và lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt vào những năm 1980. Vandermey (1984) chỉ ra rằng trong tất cả các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch đô thị là một trong những vấn đề dễ bị hiểu lầm và thường bị đánh giá thấp nhất. Hall (1987) hướng sự chú ý đến đánh giá tiềm năng du lịch để đóng góp cho việc tái tạo các trung tâm đô thị công nghiệp đang suy giảm. Hay phân tích về sự liên kết giữa khách du lịch có nguồn gốc cơ bản từ thành phố và nhu cầu tham gia các hoạt động du lịch trong thành phố của Ashworth (1989) cũng mới chỉ dừng lại ở góc độ cụ thể về loại hình đô thị hay tập trung vào góc độ tâm lý mà chưa có được những đánh giá tổng hợp về du lịch đô thị nói chung. Christopher M. Law đã đánh giá du lịch đô thị là một lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm bởi lẽ, một phần, bản thân du lịch đã là một ngành công nghiệp mang tính tổng hợp và phụ thuộc, một phần là vì du lịch thường được coi là yếu tố độc đáo của một công trình đa mục đích [27, 18]. Loại hình du lịch này trên thế giới không còn mới và được coi là rất phức tạp. Đặc biệt với sự phát triển khá mạnh của các nghiên cứu thời kỳ sau này như Ashworth và Tunbridge (1990, 2000); Page (1995); Law (1993, 1996); Van den Burg, Van der Borg và Van der Meer (1995); Murphy (1996); Grabler, Maier, Mazanec và Woèber (1997); Tyler, Guerrier và Robertson (1998); Judd và Fainstein (1999); Orbasli (2000); Medlik (2003) và Hayllar, Griffin và Edwards (2008).[40,41], Gregory Ashworth và Stephen J. Page (2010)[20], [18],…vai trò và những vấn đề của du lịch đô thị trong quá trình phát triển được nhìn nhận dưới nhiều góc độ mang tính tổng hợp hơn.

    Hệ thống tài liệu nghiên cứu bổ sung cho lý thuyết tổng quát mô tả về du lịch đô thị bao gồm một số chủ đề đặc trưng cho du lịch đô thị như: hoặc là thiên về phân tích các các hiện tượng trong mối quan hệ giữa đô thị và du lịch hoặc là thiên về một số loại hình du lịch mang đặc điểm riêng biệt trong bối cảnh đô thị. Các chủ đề tập trung vào phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố cơ bản và các tác động tương hỗ giữa du lịch và các ngành có liên quan như bảo tồn di sản, cấu trúc đô thị và cơ sở hạ tầng du lịch, tái sinh khu vực nội đô và phát huy nguồn lực du lịch, hoặc những hoạt động du lịch được thực hiện cụ thể trong bối cảnh đô thị như mua sắm tại thành phố lớn, khu vui chơi giải tríhay khu vực ăn uống ngoài trời. Các chủ đề liên quan đến các lễ hội, sự kiện văn hoá, kinh tế và xã hội, ứng xử trong du lịch, tiếp thị điểm đến, những sự thay đổi cơ bản trong du lịch đô thị cả về cấu trúc ngành và các yếu tố ảnh hưởng… cũng được đã được quan tâm. Như vậy có thể thấy, từ rất lâu, du lịch đô thị đã đưa vào nghiên cứu nhằm giúp cho việc gia tăng lượng khách và quy mô phát triển của ngành du lịch ở mỗi quốc gia[40].

    Trong cuốnUrban tourism and urban change cities in a Global Economy”, Costas Spirou đã nghiên cứu sự thay đổi diễn ra ở các thành phố trên thế giới dưới cả góc độ xã hội và văn hóa.Đồng thời, ông cũng chỉ ra những khía cạnh cơ bản trong thành công và thất bại của việc quản lý và quy hoạch đô thị đối với những thay đổi về bản chất đô thị hiện nay[17]. Trên thực tế, yếu tố sản phẩm du lịch đô thị cũng chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ trong vai trò thúc đẩy sự phát triển trong nghiên cứu này.

    Tác giả Douglas G. Pearce (2011) đã trình bày trong nghiên cứu của mình “An integrative framework for urban tourism research” hệ thống du lịch đô thị và các ứng dụng có liên quan đến các vấn đề được lựa chọn của các công trình đã nghiên cứu trước đây và minh họa trong một khung tích hợp để thấy mối quan hệ và xác định yếu tố trọng tâm cho mỗi đô thị khi phát triển du lịch. Trong phạm vi nghiên cứu, tác giả đã xác định các ô chủ đề trong một ma trận được xác định theo quy mô (địa điểm, huyện, thành phố, khu vực, quốc gia và quốc tế) và các chủ đề (nhu cầu, cung ứng, phát triển và tác động). Trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét và đánh giá các mối quan hệ giữa chúng, cả theo chiều dọc và chiều ngang. Phân tích này giúp cho việc đánh giá có tính thống nhất và chặt chẽ hơn về du lịch đô thị dưới góc độ tích hợp của sự hoạt động và phát triển của một chỉnh thể. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa chỉ rõ các yếu tố tác động và các phân tích có liên quan đến cấu trúc để đề xuất các giải pháp phát triển trong tương lai trong lĩnh vực du lịch đô thị, cả về mặt khái niệm lẫn thực nghiệm[19].

    Bên cạnh các nhà nghiên cứu với các tài liệu, sách, báo được công bố, chủ đề này cũng được quan tâm trong rất nhiều các công trình nghiên cứu tiến sĩ, thạc sỹ. Tác giả Roxana Valentina Lungu (Căs. GÂRBEA), (2014) trong luận án tiến sĩ Urban tourism – current state and development prospects of cities in Western Moldova(Du lịch đô thị – thực trạng và triển vọng phát triển của các thành phố tại Tây Moldova), đã phân tích một cách tổng thể về phát triển du lịch đô thị trên cơ sở phân tích thực tế một số thành phố lớn tại miền Tây Moldova và cũng đã hướng tới việc xác định, phân loại và xếp hạng các loại sản phẩm du lịch đô thị trong mối quan hệ với các sản phẩm du lịch vốn có tại Romany. Trên góc độ hoàn thiện hệ thống sản phẩm trong quy hoạch phát triển du lịch của khu vực, tác giả cũng đã phân tích khá đầy đủ các yếu tố nguồn lực và cơ chế hoạt động cũng như dự kiến tác động khi triển khai trong tương lai[25].

    Luận án thạc sĩ Urban tourism and waterfronts: Exploring the case of Auckland waterfront development” (Du lịch đô thị và các khu vực cảng biển: Nghiên cứu trường hợp phát triển tại khu vực cảng Auckland)của tác giả Juliane Adamietz, (2012) lại xem xét và đánh giá khả năng phát triển cũng như những vấn đề đối với việc phát triển du lịch đô thị tại các đô thị, nơi có các bến tàu, các cảng biển nghiên cứu ví dụ điển hình tại Auckland. Đây được coi là đầu mối phân phối một lượng khách du lịch, nhưng đồng thời cũng làm một trung tâm thương mại, vận chuyển sản phẩm đường biển. Du lịch ở những khu đô thị này vừa phải đảm bảo tính bền vững về môi trường đồng thời duy trì sự cân bằng trong các hoạt động kinh tế khác, đặc biệt là các khu vực cảng biển thương mại. Được nghiên cứu đánh giá với góc nhìn kết hợp giữa cảng biển thương mại, khai thác thủy hải sản trong mối quan hệ với phát triển du lịch, vấn đề đặt ra là việc cân đối giữa các hoạt động thương mại và bảo tồn các giá trị truyền thống phục vụ du lịch.[21]

    Tác giả cũng nhìn nhận và đánh giá sản phẩm du lịch đô thị hướng tới việc bảo tồn và phát triển bền vững đô thị với hướng tiếp cận nhận diện những yếu tố tiềm ẩn của thành phố và tạo ra các sản phẩm du lịch nhằm kết hợp giữa đặc điểm mang tính du lịch và tính đô thị hóa để xác định chất lượng của điểm đến. Những phân tích của tác giả cũng cho thấy những tồn tại và tầm quan trọng của công tác bảo tồn, các yếu tố quy hoạch và hợp tác trong lĩnh vực phát triển đô thị tại các khu đô thị lớn có tính thương mại cao.

    Đến năm 2012, báo cáo chính thức của UNWTO về du lịch thành phố “Global Report on city tourism” với những số liệu thống kê đẩy đủ đã cho thấy loại hình sản phẩm du lịch này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xu hướng phát triển chung [28]

    Việc nghiên cứu đánh giá về du lịch đô thị cho thấy tính tổng hợp và toàn diện của loại hình du lịch này. Ashworth (1989) đã chỉ ra bốn cách tiếp cận để phân tích du lịch đô thị, tuy có hơi thiên lệch theo hướng địa lý, như ông đã thừa nhận. Thứ nhất, phương pháp tiếp cận cơ bản đề cập đến việc phân tích riêng rẽ các yếu tố gồm không gian, vị trí của các điểm tham quan du lịch, các cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng và các khu vực chức năng, các tuyến vận tải, các khu vực có giá trị lịch sử và khu vực kinh doanh. Thứ hai, cách tiếp cận sinh thái tập trung vào việc nghiên cứu cấu trúc hoặc hình thái của các khu đô thị để xem xét quá trình phát triển và hoạt động du lịch một cách có hệ thống và có mối quan hệ hữu cơ với sự tồn tại và phát triển của môi trường tự nhiên và hệ sinh thái đô thị. Một đặc điểm của cách tiếp cận này là xác định các phân khu chức năng, các khu hành chính(khu di tích lịch sử, khu vực chợ, khu công nghiệp…) và các khu vực dành riêng cho du lịch. Thứ ba, cách tiếp cận từ góc độ của người tiêu dùng tập trung vào các đặc điểm, hoạt động, động cơ, mục đích và thái độ của khách du lịch – đặc biệt liên quan đến tiếp thị du lịch. Thứ tư, các cách tiếp cận dưới góc độ quản lý nhà nước tập trung vào việc xây dựng cơ chế, chính sách. Chính quyền thành phố cần tạo môi trường phù hợp để thích ứng và/hoặc thúc đẩy du lịch thông qua các cơ chế chính sách có liên quan, đặc biệt với những vấn đề mang tính chất đặc thù của đô thị.[41, 45, 52]

    Có thể nói, việc nghiên cứu và đánh giá về du lịch đô thị nói chung và sản phẩm du lịch đô thị nói riêng trên thế giới đã được phát triển từ rất lâu và cũng đã có những kết quả đáng kể. Hiện nay với sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ và sự xuất hiện của các thành phố thông minh, các hướng nghiên cứu mới đang được mở ra để tận dụng các lợi thế mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại nhằm phát triển các loại hình sản phẩm du lịch đô thị thông minh đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch đặc biệt là phân đoạn thị trường thế hệ Y, thế hệ Z.

    Ở Việt Nam

    Ở Việt Nam, việc nghiên cứu về du lịch đô thị và hệ thống sản phẩm du lịch đô thị cũng đã được tiến hành trong các nghiên cứu cơ bản cũng như trong các đề án phát triển sản phẩm của mỗi địa phương. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch đô thị chưa được định danh chính thức trong các nghiên cứu. Phần lớn được đánh giá, phân tích trên góc độ phát triển du lịch chung của đơn vị tỉnh, vùng hay trong các bài viết giới thiệu sản phẩm trên các báo, tạp chí.

    Các nghiên cứu cũng đã được thực hiện cho từng thành phố, địa phương thường tập trung dưới hình thức quy hoạch phát triển điểm đến, đề án, dự án phát triển du lịch. “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030” [5] đánh giá tổng thể về các giá trị tài nguyên và nguồn lực để phát triển du lịch và đề xuất các giải pháp nhằm quy hoạch và phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020. “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trung tâm du lịch thành phố Hồ Chí Minh và phụ cận thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1998 -2010”[14, 11] mở rộng phân tích và nghiên cứu du lịch trong phạm vi lớn hơn bao gồm Tp HCM và các khu vực lân cận để tạo cơ sở cho việc đa dạng hóa dịch vụ và sản phẩm du lịch , đề án “Phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”[7] tập trung vào phân tích các ngành và các sản phẩm dịch vụ đang được thực hiện trên địa bàn thành phố nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ của một thành phố du lịch kết hợp thương mại. Các khu vực trung tâm, đô thị được đánh giá một cách tổng thể kết hợp giữa việc đánh giá tiềm năng, thị trường và loại hình sản phẩm của địa phương. Theo đó, du lịch đô thị chưa được nhìn nhận và đánh giá với vai trò và vị trí của một loại hình cụ thể.

    Việc nghiên cứu một cách chính thức về loại hình sản phẩm này trong các đề tài nghiên cứu khoa học và các luận văn ở các bậc đào tạo ở Việt Nam cũng tương tự. Trong nghiên cứu, các tác giả thường định hướng tới một sản phẩm hoặc một lĩnh vực thế mạnh của thành phố để nghiên cứu mà chưa tập trung nghiên cứu một cách đầy đủ, cụ thể về bản chất của loại hình du lịch đô thị và coi đây là một sản phẩm đặc thù. Sự đánh giá tiềm năng và thực trạng một điểm đến là thành phố Hà Nội được thể hiện trong luận văn thạc sỹ “Phát triển du lịch thành phố Hà Nội” (2008) [4] của tác giả Đỗ Thị Bích Huệ, hoặc nghiên cứu đánh giá về sản phẩm du lịch gắn với văn hóa nhằm đánh giá nguồn lực và tìm ra giải pháp khai thác và đa dạng hóa được khai thác trong đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Đà Nẵng từ tài nguyên văn hóa” (2014) [2] của tác giả Trần Thị Mai Anh. Tác giả Châu Văn Bình chọn hướng nghiên cứu phân tích và tìm giải pháp phát triển một loại hình du lịch đặc trưng, du lịch đường sông, của của thành phố Hồ Chí Minh “Phát triển sản phẩm du lịch đường sông tại thành phố Hồ Chí Minh” (2015) [3] ….

    Nhìn chung, việc nghiên cứu về du lịch đô thị cũng đã được quan tâm trong công tác nghiên cứu chung về du lịch. Tuy nhiên, du lịch đô thị vẫn là một khoảng trống trong nghiên cứu đánh giá. Cho đến nay, việc hệ thống hóa về mặt lý luận cũng như mở rộng nghiên cứu về du lịch đô thị ở Việt Nam là việc làm hết sức cần thiết để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, đánh giá và phát triển trên cả bình diện nghiên cứu khoa học lẫn thực tiễn kinh doanh. Để có được cái nhìn thực tế về loại hình du lịch đô thị ở Việt Nam những vấn đề cần được làm rõ bao gồm:

    + Hệ thống cơ sở lý luậnvà thực tiễn về du lịch đô thị

    + Nguồn lực hình thành, quá trình xây dựng và thực trạng khai thác, phát triển du lịch đô thị;

    + Định hướng và các giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch đô thị phù hợp điều kiện và bối cảnh của Việt Nam trong thời gian tới.

    Trong tương lai, đây được coi là một loại hình có sức ảnh hưởng lớn đối với việc phát triển du lịch nói chung của một quốc gia. Với sự đổi mới không ngừng và khả năng thích ứng cao của các đô thị đối với các trào lưu mới trong xu hướng tiêu dùng của khách du lịch, loại hình du lịch này sẽ giúp cho việc khẳng định các giá trị đặc trưng văn hóa của đô thị đồng thời định vị được điểm đến trong lòng du khách bên cạnh việc mở rộng giao lưu quốc tế và nâng cao đời sống cho cư dân đô thị nói chung.

    Tài liệu tham khảo

    I. Tài liệu tiếng Việt

    1.       Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2011), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

    2.       Trần Thị Mai Anh, (2014), “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Đà Nẵng từ tài nguyên văn hóa” Đề tài KH&CN cấp đại học Đà Nẵng, mã số DD2014-03-58.

    3.       Châu Văn Bình, (2015) “Phát triển sản phẩm du lịch đường sông tại thành phố Hồ Chí Minh”, Luận văn thạc sỹ, Đại học quốc gia, đại học khoa học xã hội nhân văn,

    4.       Đỗ Thị Bích Huệ, (2008) “Phát triển du lịch thành phố Hà Nội”, Luận văn thạc sỹ, Trường đại học quốc gia, trung tâm đào tạo bồi dưỡng giáo viên lý luận chính trị.

    5.       Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (2012), Nghị quyết số 12/2012/NQ-HĐND vềQuy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

    6.        Hồ Kỳ Minh, Đề án “Phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng.

    7.       Đoàn Tranh, “Đô thị và định hướng phát triển đô thị hiện đại tại Việt Nam”, Trường đại học Duy Tân. http://kqtkd.duytan.edu.vn/uploads/ dothivadacdiemdothitaivietnamdoantranh.pdf

    8.       Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 -2017, Báo cáo tổng kết.

    9.       Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định 2631/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

    10.  Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định 2351/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

    11.  UBTVQH, Nghị quyết số: 1210/2016/UBTVQH13 về Phân loại đô thị,

    12.  Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, (2018), Kỷ yếu Hội thảo “Du lịch đô thị, thực trạng và giải pháp phát triển”.

    13.  Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 2001, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh và phụ cận đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.  

    14.  Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, (2017), “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Duyên hải Nam Trung Bộ”, Đề án thuộc chương trình hành động quốc gia về du lịch năm 2017.

    II. Tài liệu tiếng Anh

    15.  COMCEC coordination office, (September 2013), Tourism product development and marketing strategies in the COMCEC member country.

    16.  Costas Spirou (2011), Urban tourism and urban change cities in a Global Economy, Routledge

    17.  Deborah Edwards; Tony Griffin Bruce Hayllar (2008), “Urban tourism research, developing an Agenda”, University of Technology Sydney, Australia; Annals of Tourism Research, Vol. 35, No. 4, pp. 1032–1052.

    18.  Douglas G. Pearce (2001), “An integrative framework for urban tourism research”, Victoria University of Wellington, New Zealand, Annals of Tourism Research, Vol. 28, No. 4, pp. 926–946,

    19.  Gregory Ashworth a, Stephen J (2011), “Urban tourism research: Recent progress and current paradoxes” Page b, Tourism Management 32.

    20.  Juliane Adamietz, (2012), Urban tourism and waterfronts: Exploring the case of Auckland waterfront development” (Du lịch đô thị và các khu vực cảng biển: Nghiên cứu trường hợp phát triển tại khu vực cảng Auckland),Luận văn thạc sỹ du lịch và khách sạn, Trường đại học kỹ thuật Auckland

    21.  Judith Ruetsche, “Urban tourism what attacts visitors to cities”, Let’s Talk, Business E-newsleter, Issue 117, May 2006, ngày truy cập 24/6/2018

    22.  Law, C.M., “Urban Tourism and its Contribution to Economic Regeneration, Urban Studies”, Vol 29 (3,4), str.599-618.

    23.  Murgoci Cristiana Stefania, Busuioc Marian Florin, Andrei Ruxandra Daniela, “Urban tourism – form of tourism with real economic development perspective for cities”, The article’s JEL code: L83,

    http://steconomiceuoradea.ro/anale/volume/2009/v2-economy-and-business-administration/27, Ngày truy cập 14/6/2018.

    24.  Roxanna Valentina Lugu Roland Begger (Căs. GÂRBEA), (2014) Urban tourism – current state and development prospects of cities in Western Moldova, Tóm tắt Luận án tiến sĩ, “Alexandru Ioan Cuza” University.

    25.  Ruth Gragg (April 2008), “Tourism and urban regeneration: an analysis of visitor perception, behavior and experience in the quay in Salfords”, Partial Fulfilment of the Requirements of the Degree of Doctor of Philosophy.

    26.  Selin Yıldız and M. Tolga Akbulut, (2013), “Current trends in developing urban tourism”, Archnet-IJAR, Volume 7 – Issue 2 – July 2013 – (297-310) – Selected Papers

    27.  UNWTO, (2012), Global report on city tourism, AM Report: Volume six, Marid, Spain

    28.  UNWTO and CICtourGUNE (2014), Global benchmarking for city tourism measurement, AM report, volume 10, Affiliate members report.

    Lan Hương

    Bài cùng chuyên mục