Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo “Nhu cầu và xu hướng mới trong phát triển du lịch”

       IMG 8566Thực hiện Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng 2017 và hưởng ứng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2017, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức hội thảo “Nhu cầu và xu hướng mới trong phát triển du lịch” tại Hà Nội vào ngày 31/5/2017. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch và TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưỡng đồng chủ trì hội thảo.

       Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong năm 2016 có 1,2 tỷ lượt người trên thế giới đi du lịch. Trong năm 2017, du lịch toàn cầu sẽ tiếp tục phát triển bất chấp tình hình bất ổn, khủng hoảng, dịch bệnh. Trong đó, châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Khách du lịch có xu hướng lựa chọn các điểm đến được trải nghiệm cùng người dân bản địa; các dòng khách khác nhau cũng có những nhu cầu khác nhau…
       Để thu hút khách, ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch cần có thông tin định hướng làm cơ sở để có kế hoạch, chiến dịch phù hợp, đối với cơ quan quản lý nhà nước là việc thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết 08-NQ/TW bằng những, giải pháp phát, chính sách triển du lịch. Những thông tin, căn cứ về nhu cầu và xu hướng mới trong phát triển du lịch hiện nay cũng là nguồn thông tin tham chiếu cho các chuyên gia, các nhà khoa học… quan tâm nghiên cứu về du lịch.

    IMG 8573

       Tại hội thảo, đại biểu đã được nghe các tham luận liên quan đến một số vấn đề quan trọng và đang thu hút sự quan tâm lớn của xã hội như: Phát triển du lịch Việt Nam – những yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới; Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 và những thay đổi trong kinh doanh du lịch; Marketing số trong du lịch; Đổi mới trong xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu và xu hướng các loại hình du lịch mới,…
       Hội thảo cũng nghe 7 ý kiến đóng góp liên quan đến vấn đề: Nhu cầu và xu hướng đi du lịch nội địa tại Việt Nam, sử dụng sản phẩm du lịch của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam; Cơ quan quản lý cần quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển khu nghỉ dưỡng cần quan tâm đến thị trường nội địa, quan tâm các phân khúc thị trường nhỏ theo từng nhóm khách, quan tâm đến người dân bản địa; Số hóa dữ liệu từ đó kế hoạch quản lý, tư vấn phù hợp theo nhu cầu khách hàng, tận dụng hiệu ứng lan tỏa của các trang mạng xã hội quảng bá điểm đến; Phát triển du lịch cộng đồng, tập trung vào đặc trưng của từng loại hình du lịch; Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường thường xuyên, phối kết hợp quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh; Sớm phổ biến rộng rãi, cung cấp thông tin chính sách cho khách hàng, định hướng phát triển hướng dẫn viên tiếng hiếm phù hợp các thị trường mục tiêu…Các đại biểu tham dự đã trao đổi thẳng thắng, tranh luận sôi nổi và đóng góp những ý kiến tâm huyết nhằm phát triển du lịch đất nước.

       Kết luận hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn nhận đinh, hội thảo đã góp phần cung cấp thông tin về các nhu cầu, xu hướng mới trong phát triển du lịch đã, đang và sẽ diễn ra. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đứng trước thách thức cạnh tranh khu vực mạnh mẽ; trong cạnh tranh du lịch ASEAN, Việt Nam đứng thứ 5. Các đối thủ của du lịch Việt Nam hơn chúng ta về mọi mặt, từ kinh nghiệm phát triển do đi trước đến tiềm lực phát triển hơn hẳn. Để cạnh tranh thu hút khách đòi hỏi phải tăng cường năng lực. Theo đó phải nhận biết nhu cầu, xu hướng mới trong thị hiếu của khách; đòi hởi sự năng động của doanh nghiệp. Hội thảo cũng góp phần khẳng định, ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ số vào du lịch là cách hỗ trợ cho du lịch tiếp cận các xu hướng mới, nhu cầu mới; làm thế nào để đáp ứng, đi nhanh hơn, tiếp cận nhanh hơn, thỏa mãn nhu cầu của du khách tốt hơn, chất lượng hơn và hiệu quả hơn. TS. Nguyễn Anh Tuấn tiếp tục nhấn mạnh: “Ngành Du lịch đang đứng trước cơ hội lớn trở thành ngành công nghiệp lớn nhất khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần thay thế sức lao động, giúp con người có nhiều thời gian để đi du lịch. Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, cùng đồng hành trong thời gian tới vì mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

    IMG 8586

     Toàn cảnh hội thảo

    Tin: Văn Dương – Ảnh: Diệu Linh

    Bài cùng chuyên mục