Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”

      spdl-20171 Sáng 29.8 tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch phối hợp cùng Báo Lao Động tổ chức hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”. Hội thảo có sự tham dự của ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động, ông Nguyễn Đình Chúc – Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động, lãnh đạo sở ban ngành của các thành phố du lịch nổi tiếng, cùng nhiều chuyên gia, lãnh đạo các công ty, tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực du lịch như Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Thiên Minh…

       Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, những năm qua, ngành du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của ngành du lịch. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao.

       Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đã đạt 10 triệu lượt, tăng 26% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 8,8% so với năm 2015. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 417 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2015. Năm 2016, ngành du lịch tạo ra khoảng 900.000 việc làm trực tiếp, trong tổng số hơn 2,5 triệu việc làm liên quan đến du lịch. Ngành du lịch đã thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược vào các khu vực có ý nghĩa trọng điểm quan trọng đối với du lịch Việt Nam như: Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn… đã góp phần hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tại nhiều địa phương. Sự gia tăng các khu vui chơi, giải trí, khách sạn có quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế (4-5 sao) đã góp phần tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại.

    spdl-2017

       Hội thảo diễn ra với hai phiên thảo luận sôi nổi với nội dung: 1) Tính chuyên nghiệp của ngành du lịch; 2) Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Tại phiên thảo luận thứ nhất, bàn về tính chuyên nghiệp là vấn đề mũi nhọn, TS. Trần Đình Thiên cho rằng đây là hội thảo khởi động để bàn về tính chuyên nghiệp mà 2 nội dung chính là chuyên nghiệp của quản trị nhà nước và chuyên nghiệp của quản lý kinh doanh, Trong đó, chuyên gia này cho rằng cần nhấn mạnh về chuyên nghiệp về chức năng quản lý trong du lịch và chuyên nghiệp trong quản lý nàh nước và quản lý kinh doanh. Chuyên nghiệp trong quản trị quốc gia phải bắt đầu từ tầm nhìn định hướng chiến lược, tạo ra cơ chế khuôn khổ cho du lịch chứ còn tuỳ nghi tuỳ tiện dựa trên quan hệ xin cho thì không thể chuyên nghiệp. Do đó, chuyên gia này cho rằng cần lật lại cơ chế quản lý, cơ chế phối hợp giữa Tổng cục du lịch với các địa phương giữa các bộ, ngành liên quan.

       Tới phiên thảo luận thứ hai với chủ đề Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch: Theo TS. Đỗ Cẩm Thơ, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (TCDL), chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết đảm bảo tính cạnh tranh, trong bối cảnh gay gắt hiện nay. Các nước đều thực hiện chất lượng sản phẩm du lịch một cách bài bản. Các yếu tố cấu thành nên sản phẩm du lịch thực tế thể hiện rất rõ bản chất của du lịch – là ngành kinh tế dịch vụ có tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Điều này đòi hỏi công tác chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng phải mang tính toàn diện và đồng bộ trong từng yếu tố và điều kiện cấu thành.

       Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch một lần nữa đánh giá cao những sáng kiến của Báo Lao Động trong việc tổ chức hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”. Tổng Cục trưởng cho biết sẽ tiến tới tổ chức sự kiện này thường niên, đồng thời phát động một cuộc thi trao giải báo chí về du lịch, trên cả lĩnh vực báo nói, báo viết, báo hình và báo điện tử.
    “Hội thảo đã đạt được mục tiêu đề ra và thành công tốt đẹp. Tôi hy vọng hiệu ứng của hội thảo sẽ được truyền đi, để mỗi chúng ta thấy cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình, để làm cho du lịch của Việt Nam được cất cánh, ngày càng chuyên nghiệp hơn” – Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định

    Hoàng Mai

    Bài cùng chuyên mục