Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo “Du lịch Hải Phòng – Cơ hội vàng bứt phá”

    Ngày 20/4/2022, tại Flamingo Cát Bà Beach Resort, Sở Du lịch Hải phòng phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Du lịch Hải Phòng – Cơ hội vàng bứt phá”.  Tham dự Hội thảo, về phía Ban tổ chức gồm có: Bà Nguyễn Thị Phương Huyền, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng; ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong đồng Chủ trì Hội thảo. Về phía Đại biểu gồm có: ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; đại diện Vụ Lữ hành – Tổng cục Du lịch; đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch; đại diện Cục Hàng không Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số Sở, Phòng, Ban của thành phố Hải Phòng; đại diện Sở Du lịch Hà Nội, Sở Du lịch Quảng Ninh, Sở Du lịch Ninh Bình; các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch; các phóng viên báo chí cùng dự và đưa tin.

    Nhà báo Vũ Tiến – Phó TBT Báo Tiền Phong phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhà báo Vũ Tiến – Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong nhấn mạnh Hải Phòng là một trong những địa phương có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, trong đó lợi thế về biển đảo, cảng biển, du lịch sinh thái, tâm linh, đặc biệt Hải Phòng được xác định là một trong những thành phố trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải đông bắc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Thông qua Hội thảo, thay mặt Ban tổ chức ông mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý, những gợi mở về giải pháp, định hướng, sự liên kết đồng hành của các đại biểu tham dự, các bên liên quan để thành phố Hải Phòng tìm ra hướng phát triển và tận dụng được cơ hội vàng để phát triển đúng như kỳ vọng của Chính phủ, kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

    Phó Tổng cục trưởng TCDL, ông Nguyễn Lê Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

    Tham dự và phát biểu Chỉ đạo tại Hội thảo, ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao sáng kiến của Báo Tiền Phong trong việc phối hợp với Sở Du lịch Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Du lịch Hải Phòng – Cơ hội vàng bứt phá”, ông cũng đánh giá cao sự chủ động của Sở Du lịch Hải Phòng thời gian qua trong việc chuẩn bị các điều kiện và sẵn sàng cùng cả nước mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch. Theo ông, hội thảo là hoạt động cần thiết, nhằm cùng với các địa phương trên cả nước khởi động lại các hoạt động du lịch ngay sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, cho phép mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các điều kiện phòng chống dịch COVID-19. Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, là địa phương có tài nguyên du lịch phong phú, giàu truyền thống văn hóa – lịch sử, là một trong những trung tâm du lịch biển lớn của khu vực miền Bắc và của cả nước, được định hướng là một trong những khu vực trọng điểm du lịch quốc gia. Trong những năm qua Hải Phòng đã ưu tiên phát triển du lịch, tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, về nhân lực du lịch nên đã có những kết quả nhất định, năm 2019 Hải Phòng đã đón hơn 9 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch quốc tế chiếm 1 triệu lượt. Tuy nhiên du lịch Hải Phòng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như tốc độ phát triển hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của khách, vấn đề về môi trường chưa được xử lý dứt điểm, các dịch vụ, sản phẩm bổ trợ, khu mua sắm, tổ chức sự kiện tầm cỡ quốc tế còn thiếu… Trong bối cảnh cùng với cả nước tận dụng cơ hội vàng sau khi Việt Nam mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, thay mặt Tổng cục Du lịch, ông đề nghị du lịch Hải Phòng tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm thu hút du khách như:

    – Phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hóa khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch của thành phố, kết nối với các tỉnh, thành; liên kết khu vực miền Trung tạo ra những nhóm sản phẩm du lịch phục vụ cho nhiều đối tượng khách khác nhau, đặc biệt là kết nối các tuyến du lịch với Hà Nội và Quảng Ninh tạo nên hành lang du lịch an toàn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú của du khách tạo thành những tour du lịch trọn gói.

    – Đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí, dịch vụ bổ trợ, nhằm tăng cường khả năng chi tiêu và đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du khách khi đến Hải Phòng; phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE, du lịch Golf, du lịch cộng đồng, du lịch gắn với nông nghiệp, văn hóa – lịch sử, văn hóa nghệ thuật, ẩm thực trên cơ sở liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển; quan tâm phát triển một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch như kinh tế chia sẻ…

    – Đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch, đẩy mạnh các đường bay từ cảng hàng không quốc tế Cát Bi nhằm tối ưu hóa hiệu suất sử dụng cảng hàng không Cát Bi trong hoạt động du lịch du lịch; tăng cường tổ chức các đoàn khảo sát các doanh nghiệp lữ hành, báo chí đến các khu, điểm du lịch của Hải Phòng.

    – Tham mưu triển khai hiệu quả đề án du lịch thông minh nhằm thúc đẩy chuyển đổi số du lịch của Hải Phòng, kết nối với hệ thống của Tổng cục Du lịch.

    – Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, nhân lực làm việc trong khách sạn, hướng dẫn viên, thuyết minh viên nhằm nâng cao kỹ năng, ngoại ngữ, nghiệp vụ du lịch đạt chuẩn khu vực, quốc tế, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.

    – Tiếp tục thúc đẩy công tác hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19; tiếp tục nghiên cứu đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hải Phòng một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật.

    – Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên, không để xảy ra các trường hợp hướng dẫn viên dung giấy tờ giả xin cấp thẻ hướng dẫn viên.

    Hội thảo tiếp tục diễn ra với hai phiên làm việc với hai nhóm chủ đề chính: (1) Thế mạnh phát triển du lịch của Hải Phòng; (2) Giải pháp để du lịch Hải Phòng bứt phá.

    TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng, Viện NCPTDL trình bày tham luận

    Phát biểu và trình bày tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhấn mạnh, Hải Phòng được xác định là một địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình. Trong bối cảnh cả nước triển khai thực hiện phương án mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, Hải Phòng cần có những bước đi chủ động, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, để đưa ra những quyết sách quan trọng, xậy dựng cơ chế ưu đãi đặc thù, phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của Hải Phòng, thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là thu hút đầu tư cho các dự án du lịch có quy mô lớn, đẳng cấp, chất lượng cao để tạo nền tảng xây dựng, phát triển du lịch của thành phố xứng tầm với vị trí của mình trên bản đồ du lịch cả nước. Và giải pháp cho các vấn đề tồn tại của du lịch Hải Phòng hiện nay, theo ông ngành du lịch Hải Phòng cần tăng cường vai trò liên kết giữa các Sở Du lịch, đặc biệt là Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình, cụ thể với các giải pháp sau: Đổi mới mạnh mẽ tư duy về phát triển du lịch và có những quyết sách táo bạo tạo nền tảng để du lịch bứt phá; cần hoàn thiện cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch thực chất và hiệu quả; tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, đẳng cấp; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch; chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức quản lý nhà nước về du lịch; bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Ở góc độ đơn vị quản lý về du lịch ở địa phương, bà Nguyễn Thị Thương Huyền – Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, giai đoạn trước đây, Hải Phòng tập trung phát triển dịch vụ cảng, công nghiệp và đã đạt được những bước phát triển quan trọng. Những năm gần đây, cùng với nhu cầu thị trường du lịch tăng nhanh và định hướng chiến lược trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế thành phố, ngành du lịch đang nhận được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, thành phố Hải Phòng đã quyết nghị 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có “Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa”.

    Toàn cảnh Hội thảo

    Về hạ tầng, Ông Trịnh Đăng Thanh – Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh nhấn mạnh, muốn tạo sự bứt phá được trong du lịch, đầu tiên phải quan tâm vấn đề hạ tầng. “Cảnh quan có đẹp, hấp dẫn nhưng không có đường đến thì các nhà làm du lịch không thể dẫn khách đến được”. Ông phân tích: Các địa phương cần làm tốt chính sách giải phóng mặt bằng cho các nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cần được quan tâm; nâng cao nhận thức và sự đồng thuận từ trong chính quyền đến người dân về vai trò của dịch vụ du lịch, thực hiện phát triển du lịch.

    Ở góc độ là các doanh nghiệp, Ông Phạm Hà – CEO Lux Group chia sẻ: Trong quá trình đầu tư, hoạt động du lịch, các doanh nghiệp nhận thấy Hải Phòng có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt du lịch biển đảo. Tuy nhiên, hiện còn một số nút thắt cần được thành phố và các ngành chức năng tháo gỡ để phát triển bứt phá. Thành phố cần có cơ chế, chính sách đồng bộ hơn nữa hỗ trợ các đơn vị kinh doanh, phát triển dịch vụ du lịch. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông từ trung tâm thành phố ra đảo Cát Bà hiện còn nhiều bất cập. Ngày cao điểm, nghỉ lễ, tình trạng ùn tắc kéo dài qua phà Gót-Cái Viềng khiến lịch trình di chuyển tham quan, nghỉ dưỡng của du khách bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Hải Phòng cần có thêm các sản phẩm du lịch cao cấp. Từ sản phẩm cao cấp, du khách sẽ có thêm nhiều lựa chọn kết hợp với du lịch golf, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, văn hóa, tâm linh… Trong đó, cần liên kết chặt chẽ với Quảng Ninh để có những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và du khách, ví dụ kết nối các tour du thuyền, tour tham quan liên kết giữa vịnh Lan Hạ với vịnh Hạ Long…

    Đại diện doanh nghiệp vận tải, bà Nghiêm Thu Hòa – Phó Giám đốc Khối Thương mại Hãng hàng không Bamboo Aiways có đề xuất một số kiến nghị, chính sách hợp tác với ban lãnh đạo tỉnh Hải Phòng, lãnh đạo ngành hàng không, du lịch và các công ty, đối tác lữ hành như: mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ hãng bay tiếp tục kết nối sâu rộng và bền vững với các doanh nghiệp lữ hành – lưu trú tại đây nhằm đẩy mạnh hoạt động xây dựng các mô hình liên kết hàng không, du lịch. Mong các bộ, ban, ngành cùng các cơ quan chức năng, Tổng cục Du lịch tiếp tục đóng vai trò cầu nối hiệu quả, có những động thái hỗ trợ về mặt thể chế, chính sách, xây dựng các chương trình kích cầu hấp dẫn ở trong và ngoài nước nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không- du lịch phát triển hoạt động kinh doanh. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiếp tục cần có sự chung tay, song hành của các đơn vị báo chí, truyền thông, các tổ chức, đoàn thể, để chúng tôi có thể tiếp cận được với tối đa khách hàng trong và ngoài nước. Cuối cùng, phục hồi ngành hàng không, du lịch là một quá trình dài hơi, và cần sự liên kết chặt chẽ giữa các trụ cột trong ngành làm nền tảng để phát triển bền vững.

    Kết thúc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thương Huyền – Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cảm ơn các đại biểu tham dự và những góp ý của đại biểu, doanh nghiệp đã chỉ ra những tồn tại, vướng mắc ngành du lịch Hải Phòng: “Chúng tôi tiếp thu những ý kiến xây dựng, đóng góp, hiến kế giúp thành phố, ngành du lịch định hướng phát triển du lịch bứt phá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố trong tương lai”./.

    Trần Cường

    Bài cùng chuyên mục