Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khảo sát thực địa mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam

    Triển khai thực hiện Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ 2021 – 2022: “Mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Việt Nam”, từ ngày 24/4 – 28/4/2022, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức đoàn công tác khảo sát thực địa, làm việc tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam nhằm nắm bắt tình hình thực tế và đánh giá hiện trạng mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại các địa phương. Đoàn công tác do TS. Lê Quang Đăng – Chủ nhiệm Đề tài làm trưởng đoàn, cùng các thành viên tham gia thực hiện đề tài.

    Chuyến khảo sát được thực hiện với mục đích: thu thập tài liệu, số liệu có liên quan để phục vụ thực hiện đề tài; khảo sát, làm việc với một số doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp kinh doanh nền tảng chia sẻ; khảo sát một số khu, điểm du lịch kết hợp điều tra xã hội học.

    Trong chuyến công tác, tại Quảng Nam, đoàn đã có các buổi khảo sát và làm việc với một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú trên các nền tảng chia sẻ như: The Palm Garden Beach Hoi An, Vinpearl Resort & Spa, Hoi An Odyssey. Cùng với đó, tiến hành khảo sát kết hợp điều tra khách du lịch tại một số khu, điểm du lịch tại Hội An: phố cổ Hội An, rừng dừa Bảy Mẫu, làng gốm Thanh Hà.

    Đoàn khảo sát và làm việc tại The Palm Garden Beach Hoi An
    Đoàn khảo sát và làm việc tại Vinpearl Resort & Spa

    Tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, đoàn đã khảo sát, gặp gỡ và làm việc với đại diện quản lý một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố: đại diện quản lý Công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài, đại diện quản lý khu du lịch sinh thái Lái Thiêu, ban lãnh đạo Furama Resort Danang (Đà Nẵng); đại diện quản lý Pilgrimage Village Resort, khảo sát kết hợp điều tra khách tại Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế)…

    Đoàn khảo sát và làm việc tại Furama Resort Danang
    Đoàn khảo sát và làm việc tại Khu du lịch sinh thái Lái Thiêu
    Đoàn khảo sát và làm việc tại Pilgrimage Village Resort

    Theo chia sẻ, các doanh nghiệp nói trên đều đã có kinh nghiệm (trên 5 năm) kinh doanh phòng lưu trú trên các nền tảng chia sẻ trực tuyến (OTA) của nước ngoài và Việt Nam. Liên kết chủ yếu qua các nền tảng: Booking, Expedia, Agoda, Booking, Traveloka, iVIVU, Chudu24h.com, Mytour… nhằm đa dạng các kênh bán hàng để đạt được hiệu quả tối ưu nhất. Mỗi doanh nghiệp đều bố trí một bộ phận chuyên biệt phụ trách hoạt động liên kết với các OTA và bán phòng trực tuyến. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú trên các nền tảng chia sẻ đó là việc kiểm soát giá bán phòng của các OTA. Đối với một số tập đoàn lớn như Vinpearl, Furama… sẽ có những ràng buộc về chính sách giá với các OTA, đơn cử như yêu cầu các OTA không được bán giá thấp hơn với giá bán của khách sạn, ký cam kết số lượng phòng các OTA cần bán ra trong một tháng thì mới có chiết khấu. Trong khi đó, các khách sạn nhỏ lẻ đôi khi bị lệ thuộc nhiều vào các OTA khi tỷ lệ bán phòng trên các nền tảng chia sẻ trực tuyến cao hơn so với bán hàng trực tiếp dẫn đến bị các OTA phá giá, phải chi trả hoa hồng cao.

    Một số kiến nghị, đề xuất từ các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trên các nền tảng chia sẻ tại các địa phương trong chuyến khảo sát: cần ban hành các văn bản pháp quy và quy định cụ thể về kinh tế chia sẻ nói chung và kinh tế chia sẻ trong du lịch nói riêng; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa OTA và các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh trên các nền tảng chia sẻ; tạo được sự liên kết và thống nhất về giá bán giữa các doanh nghiệp cùng cấp trong cùng địa phương…

    Kết thúc chuyến khảo sát, Đoàn công tác đã thu thập được những thông tin, dữ liệu quan trọng, làm cơ sở để nhóm nghiên cứu xây dựng nội dung nghiên cứu của đề tài./.

    Tin & Bài: Hồng Trang

    Bài cùng chuyên mục