Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khảo sát dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại Đà Nẵng, Hội An, TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt

    Từ ngày 20/3 đến ngày 26/3/2022, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ 2021-2022 “Nghiên cứu phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại Việt Nam”, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức Đoàn khảo sát đến Đà Nẵng, Hội An, TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt. Đây là các địa phương phát triển du lịch, đã có hoạt động dịch vụ đêm và đang thí điểm áp dụng kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau đã được phê duyệt trong Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Mục đích của chuyến khảo sát nhằm đánh giá thực trạng phát triển và đánh giá các dịch vụ, sản phẩm du lịch tại các địa phương khảo sát, đặc biệt là thực trạng và các dịch vụ về đêm và các dịch vụ có khả năng khai thác về đêm.

    Đoàn công tác do TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn, TS. Trần Phương Mai – chủ nhiệm đề tài cùng các thành viên tham gia nhiệm vụ.

    Trải nghiệm tuyến du lịch đường sông trên sông Hàn, Đà Nẵng
    Trao đổi, phỏng vấn Giám đốc khu vui chơi giải trí biển Danabeach, Đà Nẵng

    Tại Đà Nẵng, đoàn khảo sát một số khu điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch như Khu du lịch suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Ngũ Hành Sơn; bảo tàng (điêu khắc Chăm, 3D Art in paradise Đà Nẵng…); khu vui chơi giải trí thể thao biển Danabeach và khảo sát trải nghiệm tuyến du lịch trên sông Hàn vào buổi tối.

    Khảo sát dịch vụ buổi tối tại phố cổ Hội An, Quảng Nam

    Đến Hội An, đoàn khảo sát làng nghề lồng đèn và các hoạt động, dịch vụ đêm đang khai thác tại phổ cổ Hội An như ăn uống, hoạt động nghệ thuật truyền thống, thả đèn, mua sắm đồ lưu niệm, thư giãn, làm đẹp…

    Khảo sát Khu di tích rừng Sác – Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh
    Dịch vụ xe bus Hop-on – Hop-off, TP. Hồ Chí Minh
    Khảo sát phố đi bộ Bùi Viện – một trong những điểm hấp dẫn về đêm tại TP. Hồ Chí Minh

    Điểm đến tiếp theo của Đoàn công tác là Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm văn hóa, kinh tế lớn cũng là điểm du lịch hấp dẫn nơi có nhiều hoạt động về đêm sôi động. Đoàn khảo sát khu di tích rừng Sác Cần Giờ; xe bus Hopon – Hopoff; các bảo tàng (bảo tàng thành phố, bảo tàng chiến tranh, bảo tàng mỹ thuật…); Phố đi bộ, trung tâm mua sắm (Vincom Đồng Khởi, Takashiyama…) và khảo sát tuyến du lịch trên sông Sài Gòn.

    Chợ đêm Đà Lạt, Lâm Đồng

    Đà Lạt đại diện cho khu vực Tây Nguyên là điểm khảo sát cuối cùng của Đoàn. Một số điểm khảo sát tại Đà Lạt như hồ Tuyền Lâm, đường hầm điêu khắc, chợ đêm và điểm cung cấp dịch vụ buổi đêm (quán cà phê, điểm biểu diễn âm nhạc…).

    Song song với việc khảo sát thực tế các điểm tham quan, trung tâm cung cấp dịch vụ để nắm bắt thực trạng, đánh giá khả năng liên kết các sản phẩm du lịch đang khai thác phục vụ khách du lịch, trong chuyến công tác, Đoàn làm việc với cơ quan quản lý nhà nước (Sở Du lịch/Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch; Trung tâm xúc tiến du lịch; Hiệp hội du lịch và đại diện một số Quận) ban quản lý chợ đêm tại Hội An, TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt. Nội dung trao đổi xoay quanh các vấn đề về thực trạng tiềm năng, thực trạng phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại các địa phương khảo sát; những khó khăn trong công tác tổ chức, quản lý và định hướng phát triển các dịch vụ này trong tương lai.

    Nhìn chung, dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại các địa phương hiện nay mới chỉ dừng lại ở các hoạt động như hoạt động/dịch vụ văn hoá, vui chơi giải trí chủ yếu tại các khu vui chơi giải trí quy mô lớn; hoạt động trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; chợ đêm (mua sắm, ẩm thực…); dịch vụ chăm sóc sức khỏe; một số dịch vụ khác (quán bar, quán cà phê có biểu diễn âm nhạc, biểu diễn nhạc nước…) và chỉ khai thác đến 22h00, tại một số điểm cung cấp dịch vụ muộn nhất là 24h00.

    Những khó khăn trong công tác tổ chức, quản lý trong quá trình phát triển dịch vụ đêm gắn với tình hình thực tiễn ở các địa phương được các nhà quản lý địa phương đưa ra bàn thảo thẳng thắn tại các buổi làm việc, cụ thể:

    – Hội An: Nhận thức chưa đồng bộ, thiếu chính sách; Sản phẩm, dịch vụ còn sơ sài, nên chủ yếu khách chỉ đến tham quan, ít lưu trú; Nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động, dịch vụ đêm hạn chế, do nếp sống và quạn niệm sống của người dân chưa phù hợp với các hoạt động đêm, thích cuộc sống bình yên, không xô bồ; Cơ quan quản lý nhà nước thiếu nguồn nhân lực, không đủ khả năng quản lý cả ngày lẫn đêm…). Tuy nhiên, do Hội An là phố cổ, là di sản văn hóa thế giới nên cần có quy hoạch phù hợp đặc thù khi phát triển dịch vụ đêm.

    Đoàn làm việc tại Uỷ ban nhân dân thành phố Hội An , Quảng Nam

    – Ở TP. Hồ Chí Minh, các quận trên địa bàn thành phố có định hướng và các hoạt động diễn ra về đêm chủ yếu gồm Quận 1, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 10 và TP Thủ Đức. Trong đó, hoạt động về đêm tại Quận 1 diễn ra mạnh nhất, chủ yếu khu vực chợ đêm Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ đêm khá lớn của khách du lịch. Những khó khăn gặp phải như: Nguồn nhân lực chưa được tập huấn bài bản; Việc thiếu nguồn nhân lực xảy ra ở hầu hết các khu vực; Các khu vực triển khai riêng lẻ, thiếu sự sâu chuỗi và liên kết giữa các quận, chưa xác định rõ mặt mạnh, yếu, nhiều hoạt động còn mang tính tự phát, chưa thống nhất trong chủ trương và tổng thể chung của toàn thành phố; Các khu vực đa phần gặp khó khăn trong việc phát triển dịch vụ đêm do vấn đề quy hoạch, thuê đất…Vấn đề về quản lý, ô nhiễm môi trường cũng cần quan tâm khi phát triển các dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch.

    Đoàn làm việc tại Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

    – TP. Đà Lạt đang trong quá trình xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm, hiện nay các hoạt động về đêm chủ yếu gồm chợ đêm, phố đi bộ (chỉ mở vào cuối tuần đến 9h tối). Các hoạt động dịch vụ đêm đang khai thác gặp phải nhưng vấn đề như: Cơ sở hạ tầng, quy hoạch thế nào để đáp ứng lưu thông cho các phương tiện, đảm bảo đi bộ; Chất lượng dịch vụ chưa thật sự chuyên nghiệp; Thiếu chính sách, hành lang pháp lý hoàn chỉnh; Ô nhiễm môi trường, tiếng ồn…

    Làm việc tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng

    Một số đề xuất, kiến nghị để phát triển dịch vụ đêm tại các địa phương khảo sát được đưa ra như: Cần có chính sách hỗ trợ tốt và phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan; Thúc đẩy xúc tiến quảng bá các thông tin về dịch vụ đêm; Hỗ trợ cho những người trực tiếp kinh doanh, ưu đãi về cơ chế vay vốn, thuế khoán…; Cần các chương trình đào tạo, tập huấn về kĩ năng, tiếng anh, văn minh thương mại; Nâng cấp hạ tầng, nhất là vỉa hè đi bộ để vừa triển khai kinh doanh trên vỉa hè, đảm bảo không gian đi bộ cho khách, cũng như đảm bảo lưu thông các phương tiện trên đường, trách việc tập trung quá nhiều ở các chợ đêm…

    Đoàn khảo sát kết thúc thành công với những thông tin, dữ liệu quan trọng thu thập được để xây dựng báo cáo tổng hợp nhiệm vụ./.

    Tin & ảnh: Thanh Hiền

    Bài cùng chuyên mục