Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khảo sát tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng khu vực ven biển Phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên

    Trong khuôn khổ triển khai thực hiện Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng khu vực ven biển Phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch là đơn vị tư vấn đề án đã tổ chức chuyến khảo sát tại địa phương từ ngày 10 – 13/04/2023, đoàn công tác do Phó Viện trưởng Đỗ Thị Thanh Hoa làm trưởng đoàn.

    Làm việc tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên

    Phường Hoà Hiệp Trung nằm ở phía Đông Bắc thị xã Đông Hoà, phía đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp các phường Hoà Vinh, Hoà Xuân Tây và xã Hoà Xuân Đông, phía Nam giáp phường Hoà Hiệp Nam, phía Bắc giáp phường Hoà Hiệp Bắc. Trong phạm vi thực hiện đề án, nhóm khảo sát chủ yếu tập trung và khu vực ven biển phường Hoà Hiệp Trung gồm các khu phố Phú Thọ 1, Phú Thọ 2, Phú Thọ 3 và Phú Thọ, tương ứng với 3 làng trước đây là Lò 1, Lò 2 và Lò 3. 

    Trong 4 ngày khảo sát và làm việc tại địa bàn, trao đổi, thảo luận cùng với UBND phường Hoà Hiệp Trung, UBND thị xã Đông Hoà, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, trò chuyện cùng người dân tại đây, nhóm nghiên cứu đã bước đầu nhận định được những lợi thế và tiềm năng rất lớn của khu vực ven biển phường Hoà Hiệp Trung trong việc phát triển du lịch, cụ thể:

    – Địa bàn chỉ cách sân bay Tuy Hoà 5 phút di chuyển bằng ô tô là một lợi thế tiếp cận; đồng thời nằm ngay khu vực ven biển với nhiều bãi biển có tiềm năng phát triển các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí biển.

    – Cộng đồng tại đây chủ yếu làm nghề chài lưới, đánh bắt hải sản và mang những phong tục, tập quán và nét văn hoá riêng trong đời sống là điểm nổi bật để khai thác các giá trị văn hoá phát triển du lịch. Tiêu biểu như lễ hội nghinh ông được tổ chức vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch hàng năm với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, trong đó có nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể; hoạt động chài lưới của cộng đồng ngư dân cũng là nét đẹp có thể khai thác phục vụ du lịch…

    – Một số nghề truyền thống vẫn được duy trì, tuy không còn giữ được quy mô rộng thành làng nghề, tiêu biểu như làm mắm, bánh tráng, nuôi trồng tôm giống, trụng cá cơm… Đây có thể coi là tiềm năng để xây dựng một số những hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách tới địa phương.

    – Địa phương có hạ tầng cơ sở tương đối tốt, thuận lợi trong việc tiếp cận và di chuyển trong các làng; rất nhiều nhà trên địa bàn còn giữ được những nét kiến trúc xưa cũ, mang đặc trưng riêng, phù hợp để khai thác và phát triển dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch lưu trú tại phường.

    – Ẩm thực của địa phương gắn với đặc trưng vùng biển là các loại cá được đánh bắt tại vùng nước sâu, xa bờ nên mang hương vị tươi ngon khác biệt như cá hồng biển, cá thẫn, cá mai, cá gáy, cá saba, cá ồ, cá cơm, cá bớp, cá mú… Đây cũng sẽ là một trong những điểm hấp dẫn đối với du khách khi ghé thăm Hoà Hiệp Trung.

    – Địa bàn cũng nằm tại khu vực có khả năng kết nối cao với các điểm du lịch đã nổi ở Phú Yên như Mũi Điện – cực đông Tổ quốc, bãi Môn, Vũng Rô – khu di tích tàu không số (phường Hoà Hiệp Nam), Ghềnh đá đĩa, bãi Xép…(phường Hoà Hiệp Bắc), trung tâm thành phố Tuy Hoà…

    Làm việc tại UBND thị xã Đông Hoà

    Bên cạnh những tiềm năng lớn có thể phát triển hoạt động du lịch, nhóm nghiên cứu cũng nhận định một số những vấn đề địa phương cần tập trung tháo gỡ để đảm bảo sự phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng và bền vững, cụ thể như:

    – Vấn đề quy hoạch đất đai tại địa bàn các khu phố Phú Thọ 1, Phú Thọ 2, Phú Thọ 3 và Phú Thọ cần được nhanh chóng tập trung tháo gỡ. Việc người dân bán đất cho các nhà đầu tư từ các địa phương khác đến kinh doanh bất động sản, kinh doanh homestay một mặt đem đến tính hiệu tốt cho du lịch địa phương, nhưng về lâu dài cần cân nhắc đến việc các hoạt động kinh doanh homestay này có thật sự hướng đến phát triển du lịch địa phương hay phần nhiều nhằm vào mục đích kinh doanh bất động sản. Hơn nữa, cần xem xét lại hoạt động kinh doanh tại đây khi một phần các homestay không giữ được nét đặc trưng văn hóa riêng của vùng miền, cũng như chưa đảm bảo điều kiện để đón và phục vụ khách.

    Cảng cá ở Hoà Hiệp Trung

    – Ô nhiễm môi trường cũng là một vấn đề địa phương cần quan tâm khi thực tế khảo sát cho thấy rác thải tại các bãi biển vẫn chưa được thu gom, xử lý; các quán ăn, các cơ sở nuôi tôm giống vẫn xả thải trực tiếp ra biển; nhận thức của người dân về môi trường còn hạn chế.

    – Những giá trị văn hoá đặc sắc đang dần bị mai một, các làng nghề truyền thống cũng không còn. Ngoài việc lễ hội nghinh ông vẫn được tổ chức hàng năm như một hình thức tín ngưỡng, tâm linh truyền thống thì địa phương cần phải đối mặt với việc duy trì và truyền dạy cho các thế hệ kế cận loại hình văn hoá bài chòi, cũng như các ngành nghề truyền thống mang nét đặc trưng bản địa khi thực tế cho thấy lớp trẻ đang dần thờ ơ, không mấy quan tâm đến những tài nguyên vô giá này.

    – Khảo sát cũng cho thấy nhận thức của cộng đồng về du lịch và làm du lịch còn khá mờ nhạt, chủ yếu 95% đang gắn bó với  nghề đi biển và một nửa trong số đó làm nghề thương lái. Một số hoạt động homestay mới tự phát tại phường chủ yếu là từ các nhà đầu tư bất động sản ở các tỉnh/ thành khác vào kinh doanh, phát triển mới từ khoảng năm 2019.

    Cơ sở trụng cá cơm

    Chuyến khảo sát giúp nhóm nghiên cứu bước đầu ghi nhận sơ bộ hiện trạng thực tế tại địa phương. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để nhóm nghiên cứu tiến phân tích, đánh giá và xây dựng báo cáo tổng hợp của đề án. Dự kiến, sau chuyến khảo sát, bên cạnh việc hoàn thiện xây dựng đề án, nhóm nghiên cứu Viện NCPT Du lịch sẽ tiến hành kế hoạch tổ chức tập huấn cho cộng đồng địa phương tại Hoà Hiệp Trung trong khoảng tháng 5, 6/2023./.

    Tin & Ảnh: Phương Mai

    Bài cùng chuyên mục