Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội nghị: “Nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch và kết nối điểm du lịch Phú Xuyên với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023”

    Ngày 26/4, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tham dự chương trình Hội nghị: “Nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch và kết nối điểm du lịch Phú Xuyên với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023” do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Phú Xuyên tổ chức.

    Tham dự và điều hành Hội nghị có ông Nguyễn Văn Cương, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Phú Xuyên, ông Nguyễn Mạnh Huy, ủy viên ban Thường vụ, phó chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, ông Trần trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội. Các đại biểu gồm đại diện các xã có làng nghề, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là sự có mặt của gần 30 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội.

    Toàn cảnh Hội nghị

    Phú Xuyên nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời . Toàn huyện hiện có 154/154 làng, cụm dân cư có nghề, trong đó 43 làng nghề được thành phố công nhận. Nhiều làng nghề mang nét đặc trưng cao như: Làng nghề đan cỏ tế (11 làng), khảm trai sơn mài (8 làng), làng nghề may mặc, thêu, cào bông (5 làng), làng nghề sản xuất hương (1 làng), làng nghề nặn tò he (1 làng)… Sản phẩm của làng nghề huyện Phú Xuyên không chỉ tiêu thụ khắp trong trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Phi, châu Mỹ… Trên địa bàn huyện hiện có 2 điểm du lịch đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch: Làng nghề khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ và làng nghề may Vân Từ. Đây được dự báo sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong thời gian tới.

    Các đại biểu tham dự hội nghị đã được đi tham quan khảo sát tại một số làng nghề tiêu biểu như Chùa Ráng, làng Cựu, làng nghề may veston xã Vân Từ, làng nghề giày da Phú Yên, làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, làng nghề Mộc xã Tân Dân…

    Đoàn khảo sát tham quan làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ
    Đoàn khảo sát tham quan Viên Minh Tự ( Chùa Ráng)
    Đoàn khảo sát thích thú nghe giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ của làng khảm trai Chuyên Mỹ
    Đoàn khảo sát tham quan chiếc giầy khổng lồ tại làng giày da Phú Yên
    Làng cổ Cựu – Xã Vân Từ – Huyện Phú Xuyên

    Trong Hội nghị, các đại biểu đã tích cực trao đổi và đưa ra những ý kiến phát triển du lịch và xây dựng điểm đến du lịch làng nghề đạt chuẩn huyện Phú Xuyên. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy, huyện Phú Xuyên phấn đấu trong giai đoạn 2025 – 2030 trở thành một trong những huyện trọng điểm du lịch làng nghề của Hà Nội, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế cùng phát triển. Bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên có 112 di tích lịch sử được xếp hạng (35 di tích cấp quốc gia, 77 di tích cấp thành phố) cùng một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đình, đền, chùa có giá trị về văn hoá như: Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy xã Nam Triều, Chùa Ráng xã Quang Lãng, cây Lộc vừng cứu quốc xã Chuyên Mỹ, đình Kim Quy xã Minh Tân – là nơi thờ Linh Lang Hùng Vương, đình làng Đa Chất xã Đại Xuyên – ngôi đình cổ hơn 500 năm tuổi, đền thờ Công chúa Ả Lanh và Đại tướng Văn Bồng tại thị trấn Phú Xuyên…

    Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy
    phát biểu tại Hội nghị

    Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở Du lịch Hà Nội luôn quan tâm, hỗ trợ các điểm du lịch trên địa bàn huyện Phú Xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, góp phần tạo điểm đến du lịch chất lượng cao, tiêu biểu của thành phố, đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các gói sản phẩm du lịch phù hợp nhằm thu hút khách.

    Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu Phát biểu tại Hội nghị

    PGS.TS Phạm Thị Mỹ Dung – chuyên gia về phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng cần gắn kết các làng nghề với phát triển du lịch nông thôn xanh, tạo thương hiệu cho du lịch Phú Xuyên.

    Ông Lưu Đức Kế, giảng viên trường ĐH Thủ Đô, nguyên Giám đốc Hanoitourist cho biết, Phú Xuyên với mật độ di tích khá nhiều (35 di tích cấp Quốc Gia), là địa phương giàu tài nguyên du lịch, cần nâng cấp các làng nghề truyền thống để trở thành làng nghề du lịch. Khách đến Phú Xuyên đi đường nào từ trung tâm Hà Nội, thăm gì, mua gì? Cần hướng dẫn người làm nghề cách bán hàng cho du khách…

    Đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, bà Nguyễn Thị Lan Hương đã phát biểu dưới góc nhìn của khách du lịch. Nơi đây là sự kết hợp văn hóa của làng truyền thống Việt Nam trong đó những dấu ấn của truyền thống văn hóa, tôn giáo đặc trưng (Phật giáo và Thiên chúa giáo và tín ngưỡng bản địa…) và những yếu tố hấp dẫn vô cùng đặc sắc khác của làng quê Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề các làng nghề cần lưu ý trong quá trình phát triển du lịch bao gồm: việc đảm bảo các sản phẩm mang thương hiệu làng nghề, tránh các sản phẩm hàng giả, hàng mang thương hiệu nước ngoài được bày bán lẫn lộn; việc bảo tồn và lưu giữ nghề truyền thống và nét đặc trưng của các làng nghề cho các thế hệ mai sau; bảo đảm vệ sinh môi trường và không gian làng nghề truyền thống.

    Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cũng chia sẻ ý kiến, cùng đưa ra giải pháp nhằm kết nối điểm đến và hỗ trợ điểm du lịch huyện Phú Xuyên trên bản đồ du lịch thủ đô. Các doanh nghiệp đều mong muốn sẽ có sự tìm hiểu sâu hơn nữa để tạo dựng những sản phẩm cụ thể và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch hướng tới việc hình thành các chương trình du lịch tiêu biểu hấp dẫn dành cho du khách trong và ngoài nước góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn thủ đô.

    Tin & Ảnh: Bùi Hạnh

    Bài cùng chuyên mục