Khảo sát thực địa nhiệm vụ Giải pháp phát triển loại hình du lịch giáo dục tại Việt Nam
Năm 2024, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Giải pháp phát triển loại hình du lịch giáo dục tại Việt Nam” thuộc hệ thống các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Triển khai nhiệm vụ, Đoàn công tác của Viện NCPTDL đã thực hiện chương trình khảo sát tại 3 khu vực: Miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh/ thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau…) từ ngày 7-10/5/2024; Miền Trung tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Bình Định từ ngày 24/6/2024 Miền Bắc tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh từ ngày 15-17/7/2024 dưới sự chỉ đạo của Phó Viện trưởng Đỗ Thị Thanh Hoa.
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, đoàn đã có các buổi họp và làm việc trực tiếp với các Sở Du lịch/ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các tỉnh thành phố cùng các bên liên quan (các cơ sở đào tạo, đại diện doanh nghiệp du lịch hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đơn vị quản lý điểm đến du lịch, phòng Văn hóa thông tin huyện, thị xã…) nhằm trao đổi và xin ý kiến chuyên gia và các nhà quản lý địa phương về những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển du lịch giáo dục; phát triển thị trường, sản phẩm… Trên cơ sở đó, lấy ý kiến đóng góp, kiến nghị đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển phù hợp với thực tiễn từ địa phương, cơ sở kinh doanh.
Đoàn cũng đã trực tiếp khảo sát tại một số điểm đến và mô hình điển hình về du lịch giáo dục và du lịch kết hợp với các hoạt động trải nghiệm, giáo dục tại các địa phương trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, cụ thể:
+ Tại thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long: Đoàn khảo sát tại khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ; Khu du lịch sinh thái Dần Xây, Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, Khu bảo tồn khỉ, Chiến khu rừng Sác, Trung tâm sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh; Nhà máy điện gió Hòa Bình 1, Nhà công tử Bạc Liêu, Nhà hát Cao Văn Lầu, Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu); Khu du lịch Mũi Cà Mau, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vườn chim Cà Mau (Cà Mau); Chợ nổi Cái Răng, Giàn Gừa, Vườn trái cây Chín Hồng (Cần Thơ)
+ Tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Bình Định: đoàn đã đến khảo sát tại một số điểm: Bảo Tàng Ký Ức Điêu Khắc Đá Mỹ Nghệ Non Nước Đà Nẵng; Khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp Banarita Glamping Farm (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) và Bán Đảo Sơn Trà và một số điểm du lịch do Sở Du lịch Đà Nẵng đề xuất… Tại Quảng Nam việc khảo sát được thực hiện tại Nhà Lưu niệm đồng chí Võ Chí Công;… . Tại Bình Định đoàn đã đến: Bảo tàng Quang Trung và Khu di tích điện thờ Tây Sơn; Yuuki Farm, Trung tâm Khám phá khoa học Quy Nhơn…
+ Tại Hải Phòng, Quảng Ninh: đoàn đã khảo sát tại: Làng cổ Đường Lâm, thành cổ (Sơn Tây, Hà Nội)…; Bảo tàng Hải Phòng, Bảo tàng Hải quân (Hải Phòng)…, Khu du lịch Quảng Ninh Gate và huyện Bình Liêu (Quảng Ninh…và một số điểm du lịch gắn với giáo dục khác trên địa bàn.
Tuy thời gian không nhiều song chương trình khảo sát đã đem lại cái nhìn khách quan trong việc đánh giá thực trạng cũng như thu thập những thông tin hết sức có ý nghĩa đối với việc phát triển du lịch giáo dục ở một số địa phương trong cả nước. Những kết quả của chương trình sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và góp phần làm rõ hơn về thực trạng cũng như định hướng của loại hình du lịch này tại Việt Nam từ góc nhìn đa chiều. Đây sẽ là những chất liệu có giá trị trong việc phát huy hiệu quả trong khai thác, phát triển loại hình du lịch này, phù hợp với xu thế thị trường hiện nay./.
Tin & Ảnh: Lan Hương