Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Tổng quan phương pháp đánh giá sức chịu tải du lịch

    Từ khóa: Du lịch, sức chịu tải, phương pháp đánh giá

    I. Giới thiệu chung 

    Du lịch phát triển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng giá trị tổng sản phẩm quốc dân, giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động, tăng thu nhập đầu người, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện giao lưu văn hoá và hội nhập với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch đã gây ra những hệ lụy nhất định đến môi trường và công tác bảo tồn di sản. Lượng khách du lịch quá lớn hay nhiều hoạt động du lịch trong một khu du lịch tại một thời điểm nhất định sẽ kéo theo việc tiêu thụ tài nguyên, tàn phá cảnh quan, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đồng thời, cũng xả thải lượng lớn chất thải. Thực tế phát triển du lịch ở Việt Nam những năm qua còn cho thấy nhiều khu, điểm du lịch đã có sự gia tăng các tệ nạn xã hội, văn hoá truyền thống của địa phương bị thay đổi. Các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể bị xâm hại hoặc thay đổi tính nguyên bản của di sản để phục vụ lượng khách du lịch ngày càng nhiều. 

    Những vấn đề trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững của du lịch Việt nam nói chung và hình ảnh của du lịch Việt Nam trong mắt khách du lịch quốc tế. Một trong những nguyên nhân cơ bản của vấn đề trên là sự phát triển quá nhanh của du lịch trong khi năng lực của hệ thống hạ tầng chưa theo kịp. Bên cạnh đó, các khu, điểm du lịch cũng chưa có biện pháp quản lý hiệu quả, đặc biệt là quản lý số lượng khách du lịch phù hợp với sức chịu tải để hạn chế những tác động tiêu cực của sự gia tăng khách du lịch. Việc khai thác du lịch vượt quá những giới hạn về sức chịu tải sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và những giá trị di sản, đôi khi không thể khắc phục được. Chính vì vậy, việc đánh giá sức chịu tải tại các khu, điểm du lịch để quản lý lượng khách du lịch đến đúng với khả năng đáp ứng về không gian, hạ tầng, môi trường… có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển du lịch một cách bền vững.

    Bài viết này sẽ tổng quan các khái niệm, phân loại và các phương pháp đánh giá sức chịu tải du lịch góp phần hệ thống hóa lý thuyết đồng thời có thể áp dụng tính toán tại các khu, điểm du lịch trên cả nước.

    II. Cơ sở dữ liệu

    Các cơ sở dữ liệu sử dụng của bài viết được tổng hợp từ các nghiên cứu, công trình khoa học, các công bố quốc tế và trong nước có liên quan.

    III. Nội dung nghiên cứu

    3.1. Khái niệm về sức chịu tải

    a. Khái niệm chung

    Khái niệm sức chịu tải lần đầu được các nhà khoa học Mỹ sử dụng khi xác định mật độ chăn thả gia súc phù hợp tại cao nguyên Kaibad từ đầu thế kỷ XX [1], đến nay đã được áp dụng vào nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội. 

    Trước những mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường không ngừng tăng lên, năm 1986, nhóm các chuyên gia khoa học về ô nhiễm biển (Group of Experts on Scientific Aspects of Marine Pollution – GESAMP) đã đưa ra định nghĩa: “Sức chịu tải là khả năng chịu đựng một hoạt động hoặc một mức độ hoạt động cụ thể (ví dụ, khối lượng xả thải, số lượng đổ thải, số lượng các khoáng chất được tách chiết trên đơn vị thời gian) mà tác động ở mức có thể chấp nhận”.

    Chanoon Jung và các đồng nghiệp [2] định nghĩa “Sức chịu tải là giới hạn của các hoạt động của con người mà môi trường có thể chịu đựng”. 

    Dưới góc độ sinh thái, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Calengie Mellon (Mỹ) đã xác định “Sức chịu tải là một khái niệm sinh thái thường được hiểu là quần thể các sinh vật có thể được giữ vững ở một trạng thái ổn định trong đó có cân nhắc đến các tài nguyên sẵn có trong hệ sinh thái mà chúng tồn tại”. 

    Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định, “Sức chịu tải của môi trường là giới hạn chịu đựng của môi trường đối với các nhân tố tác động để môi trường có thể tự phục hồi”. Theo đó, khái niệm về sức chịu tải môi trường và khả năng tự phục hồi của môi trường được xác định dựa trên việc nghiên cứu các chất ô nhiễm được đưa vào môi trường tự nhiên sẽ biến đổi theo thời gian và bị loại bỏ mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của con người được gọi là quá trình tự làm sạch hay tự phục hồi. 

    b. Khái niệm về sức chịu tải trong lĩnh vực du lịch

    Khái niệm về sức chịu tải trong du lịch bắt nguồn từ những năm 1960, khi nó được phát triển để đặt ra giới hạn về số lượng du khách đến một điểm đến. Cho đến nay, có nhiều khái niệm khác nhau về sức chịu tải trong lĩnh vực du lịch.

    * Tiếp cận theo số lượng khách du lịch 

    Năm 1981, Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đưa ra định nghĩa sức chịu tải trong lĩnh vực du lịch hay sức chịu tải du lịch như sau: “Là số du khách tối đa có thể đến thăm một điểm du lịch tại cùng một thời điểm mà không gây tổn hại tới môi trường vật lý, kinh tế, văn hóa xã hội và ảnh hưởng tới chất lượng trải nghiệm của khách du lịch”. 

    Zhiqiang Li [3] định nghĩa: sức chịu tải du lịch bao gồm sức chịu tải của môi trường tự nhiên, sức chịu tải của kinh tế – xã hội và sức chịu tải tâm lý, trong đó: sức chịu tải của môi trường tự nhiên bao gồm sức chịu tải của môi trường (không khí, nước, đất), sức chịu tải của môi trường sinh thái (độ che phủ của thảm thực vật, sự đa dạng của các loài động vật và thực vật…), sức chịu tải của không gian (diện tích đất sử dụng cho du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, chiều dài và rộng của các con đường…); sức chịu tải của môi trường kinh tế – xã hội bao gồm sức chịu tải của môi trường xã hội (liên quan đến tập quán, văn hoá truyền thống cộng đồng địa phương); sức chịu tải của hoạt động quản lý và sức chịu tải của hạ tầng. sức chịu tải tâm lý liên quan đến tâm lý của khách du lịch và của cộng đồng dân cư nơi có hoạt động du lịch và được hiểu là giới hạn lượng khách mà nếu vượt quá, bản thân du khách và cộng đồng sẽ bắt đầu cảm thấy khó chịu vì sự “đông đúc” và hoạt động của họ bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của các du khách khác (đi lại khó khăn, chờ đợi phục vụ, sự khó chịu do nảy sinh rác thải…). Những tác động này làm giảm đáng kể sự hài lòng của khách du lịch.

     LiuShi-Dong [4] trong nghiên cứu về sức chịu tải du lịch tại đảo Chongming (hòn đảo nằm ở cửa sông Trường Giang, Trung Quốc), cho rằng sức chịu tải du lịch bao gồm sức chịu tải của môi trường tự nhiên, sức chịu tải của môi trường kinh tế và sức chịu tải của môi trường xã hội. Điểm khác biệt so với Zhiqiang Li là sức chịu tải của môi trường kinh tế được hiểu là sức chịu tải của hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (khách sạn, nhà hàng…) và sức chịu tải của hệ thống hạ tầng giao thông.

     Luc Hens (1998) [5] định nghĩa: “Sức chịu tải du lịch là số lượng người lớn nhất sử dụng cùng một khu vực cung cấp dịch vụ du lịch mà không gây tác động ngoài ý muốn lên nguồn tài nguyên môi trường nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu của du khách”. 

    Trần Nghị và cộng sự  [6] định nghĩa: “Sức chịu tải du lịch là khả năng chịu lực cao nhất của một hệ thống tự nhiên, môi trường và kinh tế – xã hội, trong đó số lượng tối đa của khách du lịch không có ảnh hưởng đến phát triển bền vững của toàn bộ hệ thống và sự hài lòng của khách du lịch vẫn còn trong giai đoạn cao điểm du lịch”.

    Huỳnh Tấn Hải, Nguyễn Văn Hoàng [7, 8]: “Sức chịu tải trong hoạt động du lịch là số lượng du khách cực đại có thể tham quan một điểm du lịch cùng một thời gian mà không phá hủy đến môi trường sinh thái, đồng thời không làm giảm đi chất lượng của môi trường ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách”.

    Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch về sức chịu tải môi trường tại một số khu, điểm du lịch, di tích quốc gia Việt Nam [9] đưa ra định nghĩa: “Sức chịu tải môi trường đối với khu, điểm du lịch là khả năng đáp ứng lượng khách tối đa trong phạm vi giới hạn chịu đựng của môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế – xã hội tại khu, điểm đó”.

    * Tiếp cận theo mức độ tác động của khách du lịch

    Middleton và Hawkins Chamberlain (1997) định nghĩa sức chịu tải điểm đến du lịch là “mức độ hoạt động của con người mà một điểm đến có thể đáp ứng mà không làm khu vực đó xấu đi, cộng đồng cư dân bị ảnh hưởng xấu hoặc chất lượng trải nghiệm của du khách bị giảm sút”.

    KC Komsary và các cộng sự (2018) đề xuất sức chịu tải là giới hạn thay đổi chấp nhận được (Limits of Acceptable Change – LAC). Theo đề xuất này, cần xác định và đo lường những thay đổi chấp nhận được của sự phát triển du lịch ở khu vực để duy trì khả năng sự phát triển bền vững của du lịch. Trong khi sức chịu tải tiếp cận theo số lượng khách nhằm xác định số lượng/lượt người được phép tiếp cận, thì LAC cố gắng xác định mức độ thay đổi có thể chấp nhận được do những lần truy cập đó và cách giải quyết. 

    Ngoài các khái niệm nêu trên, theo cách tiếp cận này, cũng có các khái niệm, công cụ có liên quan khác về sức chịu tải của điểm đến như: Phổ cơ hội giải trí (Recreation Opportunity Spectrum  – ROS), Quản lý tác động của du khách (Visitor Impact Management -VIM), Trải nghiệm của du khách và Bảo vệ tài nguyên (Visitor Experience and Resource Protection – VERP), Quy trình quản lý hoạt động của du khách (Visitor Activity Management Process- VAMP) và Mô hình Quản lý Tối ưu hóa Du lịch (Tourism Optimization Management Model – TOMM)… 

    3.2. Phân loại sức chịu tải du lịch

    a. Phân loại theo tính chất

    – Sức chịu tải vật lý: Sức chịu tải vật lý có thể được hiểu là ngưỡng về mặt không gian dành cho mỗi du khách tại điểm du lịch. Ngưỡng này phụ thuộc vào hoạt động du lịch, vào đặc điểm của điểm du lịch đó, vào tập quán địa phương. Sức chịu tải vật lý cũng có thể được hiểu là số lượng tối đa khách du lịch mà khu vực (hay khu du lịch) có thể tiếp nhận (như định nghĩa trên). Theo đó, sức chịu tải vật lý liên quan đến những tiêu chuẩn tối thiểu về không gian đối với mỗi khách du lịch cũng như nhu cầu hoạt động của họ. 

    – Sức chịu tải sinh học: được hiểu là lượng khách tối đa hoặc mức độ tác động tối đa của khách du lịch ở khu du lịch mà nếu qua giới hạn đó sẽ vượt ngưỡng chấp nhận của môi trường, xuất hiện các tác động sinh thái do hoạt động của khách du lịch và tiện nghi mà họ sử dụng gây ra. Sức chịu tải này sẽ đạt tới giới hạn khi số lượng khách, các hoạt động của họ, các tiện nghi mà họ sử dụng bắt đầu có những ảnh hưởng đến tập tục sinh hoạt của các loài thú hoang dã và làm cho hệ sinh thái khu vực bị xuống cấp như phá vỡ tập quán kết bầy, làm đất bị xói mòn… 

    – Sức chịu tải tâm lý: sức chịu tải được hiểu là giới hạn tối đa lượng khách hoặc mức độ tác động của các khách du lịch trong khu du lịch mà nếu vượt quá thì bản thân người khách du lịch bắt đầu có sự xáo trộn về tâm lý, cảm thấy khó chịu về sự ồn ào, đông đúc, chật chội và hoạt động của họ bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của du khách khác.

    – Sức chịu tải xã hội: Được hiểu là giới hạn về lượng khách hoặc mức độ sử dụng tài nguyên của khách du lịch mà qua đó bắt đầu xuất hiện những tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch đến đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội của khu vực. Cuộc sống hàng ngày của cộng đồng dân cư có cảm giác bị phá vỡ, xâm nhập. 

    – Sức chịu tải quản lý: được hiểu là khả năng quản lý của khu/điểm du lịch đảm bảo hoạt động của khu/điểm không bị quá tải. Sức chịu tải quản lý cũng có thể được hiểu là giới hạn tối đa lượng khách hoặc mức độ tối đa trong sử dụng tài nguyên của khách du lịch mà khu/điểm du lịch có khả năng phục vụ. Nếu lượng khách hoặc mức độ vượt quá ngưỡng trên thì năng lực về quản lý như lực lượng nhân viên, trình độ, phương tiện quản lý,v.v…của khu du lịch sẽ không đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch làm mất khả năng quản lý và kiểm soát hoạt động của khách du lịch, kết quả là sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường, tâm lý và xã hội.

    Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn đề cập đến khái niệm sức chịu tải kinh tế. Theo đó, “Sức chịu tải về kinh tế thể hiện khả năng chấp nhận các chức năng du lịch mà không gây phương hại đến các hoạt động kinh tế khác của địa phương” (O’Reilly, 1986; Wetzel và Wetzel, 2000) hoặc là khả năng đáp ứng các nhu cầu về mặt kinh tế của khách du lịch như: Quy mô hợp lý của hoạt động du lịch để mang lại hiệu quả cao nhất mà không gây ra các xáo trộn và trượt giá; Ngưỡng quy mô số lượng lao động du lịch phù hợp với cộng đồng địa phương và sức chứa cơ sở hạ tầng: Khả năng đáp ứng của các công trình hạ tầng và cơ sở dịch vụ; Khả năng đáp ứng của các công trình công cộng như y tế, an ninh an toàn, chỗ ở cho nhân viên du lịch….

    b. Phân loại theo thời gian 

     Từ khái niệm về sức chịu tải, có thể nhận thấy nếu xét về khía cạnh thời gian, có 2 trường hợp sức chịu tải khác biệt nhau: Sức chịu tải thường xuyên hay sức chịu tải tức thời; Sức chịu tải trong một khoảng thời gian nhất định.

    Sức chịu tải thường xuyên (hay tức thời) là số lượng khách du lịch tối đa có thể xuất hiện tại một khu vực cụ thể trong cùng một thời điểm. 

    Sức chịu tải trong một khoảng thời gian là số khách du lịch hoặc mức độ sử dụng tài nguyên của khách du lịch mà một khu vực (khu/điểm du lịch, điểm đến) có khả năng tiếp nhận trong một khoảng thời gian, ví dụ trong một ngày, một tháng hoặc một năm.

    c. Phân loại theo cấp độ

    – Sức chịu tải tự nhiên (PCC): Là sức chịu tải vốn có của khu, điểm du lịch, SCT tự nhiên thể hiện số lượng du khách tối đa hoặc mức độ tác động tối đa mà điểm du lịch có thể đáp ứng trong một khoảng thời gian nhất định. Mục đích của việc tính sức chịu tải tự nhiên là xác định số khách tối đa hoặc mức độ tác động tối đa mà điểm du lịch có thể đáp ứng trong điều kiện bình thường. 

    – Sức chịu tải thực tế (RCC – Real Carrying Cappacity): Do bị chi phối bởi nhiều yếu tố như điều kiện môi trường (tự nhiên cũng như xã hội), hoàn cảnh thực tế trong thời gian có hoạt động du lịch (tình hình chính trị, kinh tế, thời tiết…) nên số khách du lịch tối đa hoặc mức độ tác động tối đa có thể sẽ thấp hơn số khách hoặc mức độ tác động tối đa được tính theo sức chịu tải tự nhiên.

    3.3. Các phương pháp đánh giá sức chịu tải du lịch

    Trên thế giới đã có nhất nhiều các nghiên cứu về phương pháp cũng như các cách triển khai thực hiện để đánh giá sức tải du lịch khác nhau. Các phương pháp đánh giá sức chịu tải có thể được phân loại tùy theo cách tiếp cận về sức chịu tải.

    a. Đánh giá theo mức độ tác động của khách du lịch

    * Phương pháp LAC (Limit of Acceptable Change)

    Phương pháp LAC (Limit of Acceptable Change) giới hạn thay đổi có thể chấp nhận được (Santkey GH, 1985 và Roman GSJ, 2007) là mức độ thay đổi hoặc tác động có thể chấp nhận được bởi tài nguyên đang sử dụng. LAC được xác định bằng quá trình sơ bộ xác định các điều kiện tài nguyên mong muốn và các hành động cần phải thực hiện để duy trì hoặc xây dựng để đạt được chúng. Sử dụng phương pháp LAC trong đánh giá sức tải nhằm đối phó với tác động không mong muốn của việc sử dụng khu vực du lịch; Thiết lập các tiêu chuẩn về cách quản lý một số khu vực du lịch để duy trì trạng thái bền vững; Giúp các bên liên quan hành động chống lại các tác động bất lợi.

    Hình 1. So sánh độ biến thiên và giới hạn thay đổi có thể chấp nhận được (Phillips, 2006)

    Phương pháp LAC đã được áp dụng trong đánh giá sức tải rất nhiều nơi trên thế giới, như đánh giá sức tải, duy trì đặc tính sinh thái của vùng ngập nước Ramsar, Australian (Hình 1).

    * Phương pháp VIM (Visitor Impact Management)

    Một phương pháp đánh giá sức tải du lịch khác là phương pháp VIM (Visitor Impact Management) quản lý tác động của du khách. Phương pháp này gồm một loại các quy trình và kỹ thuật để quản lý khách du lịch, hoạt động của họ và các tác động của họ đến các nội dung cụ thể. Phương pháp VIM được sử dụng rộng rãi trong quản lý khu vực được bảo vệ, đặc biệt ở Bắc Mỹ, Úc và New Zealand. Phương pháp được tiến hành theo các bước sau: 

    1. Xem xét và xác định các vấn đề; 
    2. Lựa chọn các chỉ số; 
    3. Đặc điểm kỹ thuật, các tiêu chuẩn của các chỉ số; 
    4. Thực hiện thông quan một quá trình giám sát lặp đi lặp lại; 
    5. So sánh các tác động với các tiêu chuẩn. 

    Phương pháp VIM được đánh giá tương tự như phương pháp đánh giá LAC, nên cũng đòi hỏi khoảng thời gian khảo sát liên tục, dữ liệu quan trắc phải trong thời gian dài. 

    b. Đánh giá theo số lượng khách du lịch 

    * Phương pháp chung

    Việc đánh giá sức chịu tải theo cách này thường là việc tìm ra số khách du lịch tối đa dựa trên những tính toán vật lý – để tạo ra một giới hạn trong việc tiếp nhận khách du lịch. Việc tính toán xác định ra con số này dựa trên những giả thuyết, những số liệu cố định ít nhiều thiếu mất sự thích ứng linh hoạt với sự thay đổi liên tục của điều kiện môi trường – xã hội cũng như hệ thống tài nguyên du lịch. Hơn nữa, những tính toán này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của nhà quản lý, mà không xét trên nhu cầu và đánh giá của du khách cũng như những yếu tố đặc biệt của tài nguyên tự nhiên, môi trường xã hội. 

    * Các công thức tính toán sức chịu tải

    – Sức chịu tải thường xuyên (Cpi)

    Sức chịu tải thường xuyên thường được tính toán theo công thức của Fred Lawson và Manuel Baud – Bovy, như sau:

    Trong đó:

    Cpi (Carrying Capacity Instantaneous): Sức chịu tải thường xuyên (hay Sức chịu tải tức thời), đơn vị tính người khách;

    – S: Diện tích khu vực được nghiên cứu tính toán. Đối với toàn khu du lịch là tổng diện tích không gian các khu vực được xác định để tính toán; đối với từng điểm tham quan trong khu du lịch là giới hạn không gian cụ thể cho từng điểm hay khu vực tham quan, đơn vị tính m2, ha, km2, tùy thuộc từng trường hợp cụ thể….

    – a: Tiêu chuẩn về không gian (diện tích) trung bình cho mỗi khách du lịch, đơn vị tính: m2/người. Chỉ tiêu này phụ thuộc vào từng loại hình hoạt động du lịch. 

    – Sức chịu tải hằng ngày (Cpd)

    Trong đó:

    Cpd (Daily Capacity): Sức chịu tải hằng ngày

    Cpi: Sức chịu tải thường xuyên (hay Sức chịu tải tức thời)

    Rf: Số lần sử dụng dịch vụ trong ngày của một khách du lịch, cũng có thể gọi là hệ số luân chuyển hay hệ số quay vòng. Chỉ số Rf phụ thuộc và thời gian một cuộc tham quan của khách và thời gian mở cửa phục vụ của khách du lịch.

    Sức chịu tải hằng ngày của khu, điểm du lịch:

    – Sức chịu tải hằng năm (Cpy)

    Trong đó:

    Cpy (Yearly Capacity): Sức chịu tải hằng năm

    Cpd: Sức chịu tải hằng ngày

      k: Tỷ lệ số khách trung bình trong ngày/số khách của cả năm.

    Có thể có thể xác định sức chịu tải hằng năm của khu, điểm du lịch:

    Trong đó, n là số ngày thực tế hoạt động (hay số ngày sử dụng dịch vụ) của khu vực tính toán Sức chịu tải.

    – Sức chịu tải tự nhiên (PCC)

    Sức chịu tải tự nhiên được đánh giá thông qua diện tích không gian phục vụ khách du lịch và diện tích cần thiết để đáp ứng nhu cầu khách tham quan của mỗi khách du lịch.

    Trong đó: A: Diện tích không gian phục vụ khách du lịch

      D: Diện tích cần thiết để đáp ứng nhu cầu khách đến tham quan hay nói cách khác là mật độ khách được đáp ứng trên diện tích m2.

    Rf (Rotation factor): Số lượng khách tham quan tối đa cho 01 ngày tại điểm tham quan.

    Trong đó: Tcp: Thời gian cho phép tham quan

    Ttq: Thời gian khách lưu lại điểm tham quan

    Theo S A Faiz and R I Komalasari (2020) [10], đối với một khu du lịch có chứa nhiều điểm du lịch, sức chịu tải tự nhiên của khu du lịch đó có thể được tính toán theo tổng cộng sức chịu tải tự nhiên của mỗi điểm du lịch trong khu du lịch đó.

    Sức chịu tải thực tế (RCC)

    Sức chịu tải thực tế được tính toán dựa trên Sức chịu tải tự nhiên và các yếu tố giới hạn.

    Cfi là các hệ số điều chỉnh hay còn được gọi là hệ số giới hạn

    Trong đó: 

    Mi: Giá trị giới hạn của yếu tố tác động thứ i, Mi thể hiện số lượt khách du lịch tối đa của yếu tố tác động i.

    Mt: Tổng các giá trị giới hạn cho một điểm khu vực mà khách du lịch đến tham quan.

    Thông qua các cách phân loại và phương pháp tính toán sức chịu tải tại các khu, điểm du lịch cho thấy, sức chịu tải tự nhiên và sức chịu tải thực tế đều có thể được tính toán theo thời gian (thường xuyên, hằng ngày, hằng năm).

    IV. Kết luận 

    Như đã phân tích, sức chịu tải du lịch bao gồm nhiều yếu tố thành phần về vật lý, sinh học, tâm lý, xã hội, kinh tế.v.v… Mức độ quan trọng của các yếu tố này và mối liên hệ giữa chúng đối với sức chịu tải du lịch không như nhau, chúng phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh không gian và thời gian cụ thể.

    Sức chịu tải có thể được coi là gắn liền với môi trường. Mỗi khu vực du lịch có sức chịu tải riêng đối với hoạt động du lịch cũng như đối với các hoạt động khai thác, sử dụng khác nhau… sức chịu tải sẽ phụ thuộc trực tiếp vào mức độ nhạy cảm của hệ sinh thái và môi trường của khu vực nghiên cứu cũng như đặc tính cụ thể của hoạt động du lịch được tổ chức.

    Xét một cách tổng thể, sức chịu tải khu du lịch chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy trong quá trình tính toán sức chịu tải cần xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện các yếu tố ảnh hưởng.

    Quá trình tính toán sức chịu tải tại các khu, điểm du lịch được cần tính toán Sức chịu tải tự nhiên theo thời gian (thường xuyên, hằng ngày, hằng năm), sau đó căn cứ theo các yếu tố giới hạn sức chịu tải của khu, điểm du lịch để tính toán sức chịu tải thực tế.

    Tài liệu tham khảo 

    1. Edwards, R.Y., and C. D. Fowle,, The Concept of Carrying Capacity. In Readings in Wildlife Management, edited by J. A. Bailey, W. Elder, and T. D. McKinney. Washington, DC: The Wildlife Society, 1974.
    2. Suh, C.J.C.K.S.K.K., Analysis of Environmental Carrying Capacity with Energy Perspective of Jeju Island. Sustainability, MDPI, 2018. 10.
    3. Li, Z., A Research on Evaluation Method of Tourism Environmental Bearing Capacity in the Context of Ecological Environment Protection. International  Journal  of Earth Sciences and Engineering, 2016. Vol. 9.
    4. SunRui-hong, L.-d., Research on Tourism Environmental Carrying Capacity of ChongMing Island. Proceedings of the 2009 International Conference on Environmental Science and Information Application Technology, 2009. Vol. 3. July 2009: p. 177-181.
    5. Hens, L., Tourism and Environment. 1998: Free University of Brussels, Belgium.
    6. Vượng, T.N.N.N.T.N.V., Đánh giá sức chịu tải tới hạn của hệ sinh thái môi trường tự nhiên – xã hội khu di sản thiên nhiên thế giới – Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình, đề xuất mô hình phát triển bền vững kinh tế du lịch. 2006, Đại học Quốc gia Hà Nội.
    7. Hải, H.n.T.n., Đánh giá sức tải du lịch sinh thái tại khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. 2015, Trường Đại Học Nha Trang.
    8. Hoàng, N.V., Đánh giá sức tải trong hoạt động du lịch – sự cần thiết cho quy hoạch và quản lí phát triển du lịch biển. Tạp chí Khoa học ĐHSP Tp.HCM, 2012. số 38 năm 2012.
    9. lịch, V.N.c.P.t.D., Đánh giá sức chịu tải môi trường của một số khu, điểm, di tích quốc gia tại Việt Nam. 2020.
    10. S A Faiz and R I Komalasari, The assessment of tourism carrying capacity in Lombok Island, in IOP Conference Series: Earth and Environmental Science. 2020.

    ThS. Nguyễn Thùy Vân & CN. Phạm Văn Dương

    Phòng Nghiên cứu Chính sách, Quy hoạch và Môi trường Du lịch

    Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục