Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Bắc Ninh

    Tóm tắt: Sản phẩm du lịch đặc thù là những sản phẩm du lịch được xây dựng dựa trên các giá trị đặc thù, độc đáo (có thể là duy nhất), nguyên bản của tài nguyên du lịch; các giá trị đặc sắc, thành tựu nổi trội của nền kinh tế – xã hội, khoa học kỹ thuật… của điểm đến, địa phương, vùng và quốc gia với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn các nhu cầu của khách du lịch mà còn tạo được những ấn tượng bởi tính độc đáo (duy nhất), sáng tạo… cho du khách. SPDLĐT góp phần tạo nên thương hiệu du lịch, hình ảnh du lịch và sự khác biệt giữa các điểm du lịch, các địa phương, các vùng và quốc gia. Tuy nhiên, tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch đặc thù phụ thuộc vào thị hiếu, phù hợp với nhu cầu của từng thị trường khách du lịch; có thể hấp dẫn với thị trường này, nhưng lại không hấp dẫn đối với thị trường khác.

    Xây dựng Sản phẩm du lịch đặc thù có vai trò rất quan trọng trong hệ thống sản phẩm du lịch của điểm đến. Sản phẩm du lịch đặc thù tạo nên sự khác biệt, hình ảnh và thương hiệu du lịch; sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch; nâng cao khả năng cạnh tranh cho mỗi điểm đến.

    Nhân tố quan trọng hình thành nên sản phẩm du lịch đặc thù là các giá trị đặc thù của tài nguyên du lịch. Do vậy sản phẩm du lịch đặc thù có ý nghĩa quốc gia, hay cấp vùng và cấp địa phương sẽ được xây dựng dựa trên các giá trị đặc thù của tài nguyên du lịch cấp quốc gia, cấp vùng hoặc cấp địa phương.

    Giới thiệu về Bắc Ninh

    Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng, ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội,  một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ của Việt Nam. Với vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi, Bắc Ninh có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, đồng thời là địa bàn mở gắn với phát triển của thủ đô Hà Nội theo định hướng xây dựng các thành phố vệ tinh và sự phân bố công nghiệp của Hà Nội. Đây là những yếu tố rất thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội. Là trung tâm xứ Kinh Bắc cổ xưa, một trong tứ trấn (trấn Bắc) của kinh thành Thăng Long, là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi có truyền thống khoa bảng và nền văn hóa lâu đời. Bắc Ninh có lợi thế lớn để phát triển du lịch văn hóa, đặc biệt các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa truyền thống. 

    Bắc Ninh được biết đến là xứ sở của đình, chùa, làng nghề và lễ hội truyền thống, là một trong những tỉnh có số lượng di tích nhiều nhất cả nước. Tính đến 31/12/2021, toàn tỉnh Bắc Ninh có 1.589 di tích, trong đó có 643 di tích được Nhà nước xếp hạng (04 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 204 di tích xếp hạng quốc gia và 435 di tích xếp hạng cấp tỉnh); 14 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Nhiều di tích nổi tiếng gắn liền với các sự kiện lịch sử – văn hóa quan trọng của quốc gia, dân tộc như: Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, nơi khởi nguồn của các bậc Thủy tổ dân tộc Việt; chùa Dâu (tổ đình của Phật giáo Việt Nam) và hệ thống chùa Tứ Pháp là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta và từ đây Phật giáo được lan rộng sang Lạc Dương (Trung Quốc) và tỏa khắp các vùng miền trong cả nước; chùa Phật Tích, chùa Dạm là những đại danh lam cổ tự được xây dựng có quy mô lớn vào thời Lý, thế kỷ XI; đền Đô nơi tôn thờ 8 vị vua nhà Lý có công khai sáng nền văn minh Đại Việt; Văn Miếu Bắc Ninh nơi tôn thờ và ghi danh 677 vị đỗ đại khoa; đền Vua Bà thờ Thủy tổ Quan họ; đền Cao Lỗ Vương thờ ông Tổ ngành quân khí. Đền Xà còn đó âm vang hùng tráng của bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam…Cùng với hệ thống di tích là 547 lễ hội truyền thống mang quy mô vùng miền và ở đó đã kết tinh và tỏa sáng bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống, những thuần phong mỹ tục của quê hương, đất nước. Hàng năm đã thu hút hàng ngàn vạn du khách khắp mọi miền về trẩy hội, chiêm ngưỡng, tham quan, học tập.

    Bắc Ninh cũng là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc, vùng đất của những huyền thoại, truyền thuyết, giai thoại, thơ ca, hò vè dân gian…Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nơi đây đã hội tụ, sản sinh và lưu truyền một kho tàng các di sản văn hoá quý báu, với nhiều di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú, đa dạng, bao gồm: 140 làng nghề (62 làng nghề truyền thống, trong đó có 05 nghề truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) và các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như: tuồng, chèo, rối nước, ca trù, hát trống quân… Đặc biệt, nơi đây còn sản sinh ra làn điệu Dân ca Quan họ mượt mà, thắm đượm nghĩa tình, đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

    Miền đất Kinh Bắc xưa với những làng mạc trù phú được bồi đắp bởi 3 con sông lớn gồm sông Đuống, sông Cầu và sông Thái Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Kinh Dương Vương, Lý Bát Đế, nơi hội tụ của kho tàng văn hóa nghệ thuật đặc sắc với những hệ thống di sản văn hóa được công nhận trong nước và quốc tế  bao gồm di sản vật thể như Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp, Chùa Phật Tích; Di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý: (Khu lăng mộ, Đền Đô)… và phi vật thể như: Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Ca Trù; Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh, 08 Di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch tâm linh.

          Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Bắc Ninh – một số gợi ý bước đầu

    Sản phẩm du lịch đặc thù có vai trò rất quan trọng trong hệ thống sản phẩm du lịch của điểm đến. Sản phẩm du lịch đặc thù tạo nên sự khác biệt, hình ảnh và thương hiệu du lịch; sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch; nâng cao khả năng cạnh tranh cho mỗi điểm đến. Nhân tố quan trọng hình thành nên sản phẩm du lịch đặc thù là các giá trị đặc thù của tài nguyên du lịch. Do vậy sản phẩm du lịch đặc thù có ý nghĩa quốc gia, vùng, địa phương phải được xây dựng dựa trên các giá trị đặc thù của tài nguyên du lịch tương xứng. 

    Việc nghiên cứu sản phẩm du lịch đặc thù với ý nghĩa phát hiện và xác định các giá trị độc đáo, có khả năng phát triển thành các sản phẩm du lịch chính giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển du lịch địa phương. Trên cơ sở đó, các yếu tố này được nhìn nhận trong mối tương quan, so sánh với các địa phương khác trong cả nước và trên thế giới, đồng thời kiểm định với nhu cầu thị trường để chỉ ra mức độ hấp dẫn và khả năng khai thác ở những giai đoạn khác nhau để đảm bảo lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Quá trình triển khai và đánh giá, điều chỉnh sự phát triển cần được thực hiện thận trọng, với yêu cầu đảm bảo tính nguyên vẹn của các giá trị đặc thù của sản phẩm du lịch để nó thực sự hấp dẫn khách du lịch và hình thành thương hiệu tích cực cho du lịch địa phương.

       Bắc Ninh có nhiều tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần lựa chọn được rác tài nguyên du lịch khác biệt để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt và hấp dẫn để thu hút khách du lịch, qua đó tạo dựng thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến Bắc Ninh. Dưới góc nhìn nghiên cứu, chúng tôi có gợi ý bước đầu về xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Bắc Ninh như sau:

    Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Bắc Ninh với nhân tố cốt lõi là các giá trị văn hóa truyền thống, nhiều về số lượng và đa dạng, phong phú về loại hình: Bắc Ninh là tỉnh có mật độ di tích dày đặc, là một trong những tỉnh có số lượng di tích nhiều nhất cả nước. Với bề dày lịch sử và do đặc điểm địa hình của lãnh thổ vùng đồng bằng sông Hồng tiếp giáp với vùng trung du (Bắc Giang, Quảng Ninh), Bắc Ninh là địa phương có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú (khí hậu, địa hình, sinh thái, sông hồ, di tích lịch sử văn hóa; lễ hội, nghề truyền thống v.v.), trong đó có nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt mà tiêu biểu là: Dân ca Quan họ Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; cảnh quan núi Dạm, núi Thiên Thai…; hệ thống sông hồ mà tiêu biểu là sông Đuống, sông Cầu; nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh như chùa Dâu, chùa Phật Tích, đền Đô, đình Đình Bảng…; các lễ hội truyền thống như lễ hội đền Bà Chúa Kho, lễ hội Lim, v.v.; các làng nghề mà tiêu biểu là tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, gỗ Đồng Kỵ, đồng Đại Bái, v.v.  

    Sản phẩm du lịch đặc thù Bắc Ninh gắn với việc lưu giữ và phổ biến các giá trị cội nguồn của lịch sử – văn hóa Việt Nam. Việc đánh giá, quy hoạch và đưa vào khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã được công nhận trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các giá trị này sẽ được đưa vào cuộc sống, được truyền bá cho các thế hệ người Bắc Ninh và tạo sức hấp dẫn trong trải nghiệm dành cho khách du lịch đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.

    Sản phẩm du lịch đặc thù Bắc Ninh được quy hoạch và phát triển theo  cụm, nhóm tạo với các chủ đề tiêu biểu như các cụm di tích dọc sông Đuống, sông Cầu. Cụm di tích gắn với triều đại nhà Lý (Đền Đô, chùa Tiêu, đình làng Dương Lôi…), cụm di tích gắn với chiến tuyến sông Như Nguyệt, cụm di tích các ngôi chùa cổ: chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Bút Tháp…

    Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sự gắn kết giữa văn hóa với các giá trị tự nhiên khác nhằm thúc đẩy sự khám phá và kết nối trong trải nghiệm vùng miền.  Có thể nói, sông Đuống và sông Cầu là một trong số nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị nhất ở Bắc Ninh không chỉ vì giá trị bản thân hệ thống này với vai trò hình thành và khai thác các sản phẩm du lịch sông nước mà còn vì khả năng kết nối các giá trị văn hóa đôi bờ để tạo thành các sản phẩm du lịch tổng hợp cũng như tôn giá trị của các sản phẩm du lịch sông nước trên địa bàn tỉnh và kết nối với các tỉnh lân cận dọc bờ sông .

    Thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù Bắc Ninh cần thể hiện yếu tố đặc trưng duy nhất khó thay thế: Trong định hướng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc,  trong nhóm sản phẩm được ưu tiên đầu tư  tại Bắc Ninh đó là Du lịch văn hóa gắn với các giá trị nền văn minh sông Hồng; Du lịch – Nơi hội tụ các di sản thế giới. Ngoài các sản phẩm du lịch đã và đang hình thành theo đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” của UBND tỉnh Bắc Ninh, 

    Một số khuyến nghị 

    Việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Bắc cần được nghiên cứu, đánh giá và thử nghiệm đảm bảo tính khoa học, hợp lý và cân đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể phục vụ phát triển du lịch, Chúng tôi có một số khuyến nghị như sau:

    Một là, cần xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh và xác định rõ các điểm du lịch có động lực phát triển du lịch và các yếu tố hỗ trợ, đánh giá hiện trạng, tiềm năng và thế mạnh về sản phẩm du lịch của tỉnh, từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp cụ thể mang tính đột phá, trọng tâm thúc đẩy phát triển du lịch Bắc Ninh.

    Hai là, phối hợp với các cơ quan văn hóa nghệ thuật xây dựng kịch bản Chương trình nghệ thuật, sinh thực cảnh đẳng cấp với giá trị đặc sắc mang đậm chất Kinh Bắc, hội tụ tất cả những nét tinh túy từ các giá trị nghệ thuật  “riêng” của Bắc Ninh: Dân ca quan họ Bắc Ninh, kết hợp với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như: (Hát ca trù, múa Rối nước, biểu diễn tranh Đông Hồ…) nhằm kết hợp với các điểm du lịch động lực đưa vào các chương trình du lịch để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

    Ba là, Sở VHTTDL tham mưu xây dựng đề án trình UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất với Bộ VHTTDL trình Chính phủ đề nghị nâng cấp Hội Lim thành lễ hội cấp tỉnh và có thể nâng tầm cấp quốc gia tổ chức định kỳ hàng năm. Tỉnh Bắc Ninh có thể là địa phương đăng cai để tổ chức các hoạt động như: liên hoan nghệ thuật truyền thống quy mô toàn quốc, liên hoan quốc tế nghệ thuật truyền thống…. nhằm đưa Hội Lim nâng tầm quốc gia.

     Bốn là, tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá đặc biệt là các chương trình famtrip, presstrip nhằm tạo điều kiện thu thập thông tin, lấy ý kiến tư vấn về phát triển sản phẩm du lịch đồng thời tăng hiệu quả giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch Bắc Ninh thông qua các kênh chính thống. Bên cạnh đó cần phát động, tổ chức cuộc thi thiết kế, sáng tác ấn phẩm du lịch Bắc Ninh, quà tặng dành cho khách du lịch, phục vụ xúc tiến quảng bá du lịch cả trong và ngoài nước.

    – Năm là, Phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở các làng Quan họ, làng nghề và làng nông nghiệp nông thôn, (điểm du lịch khu điểm, du lịch đền Bà Chúa Kho, du thuyền Sông Cầu…); du lịch trải nghiệm văn hóa, ẩm thực gắn với các làng nghề truyền thống Kinh Bắc.

    Mỗi vùng đất đều có những dấu ấn đặc biệt. Tỉnh Bắc Ninh với những đặc thù văn hóa cốt lõi có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong phát triển du lịch. Phát triển sản phẩm đặc thù du lịch tỉnh Bắc Ninh cũng chính là tạo ra một sắc diện mới trong việc bảo tồn, tôn vinh những giá trị văn hóa vùng miền đồng thời góp phần xây dựng một điểm đến di sản đặc trưng của Việt Nam trong tương lai./.

    ThS. Lê Hoàng Anh

    Phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm, Đào tạo và QLKH

    Bài cùng chuyên mục