Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tiếp đoàn nghiên cứu sinh thuộc Viện Du lịch Bandung Indonesia

       Ngày 01/11/2018, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã có buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch với Viện Du lịch Bandung thuộc Bộ Du lịch Indonesia theo đề nghị của TS. Haryadi Darmawan, Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục sau đại học. Buổi làm việc đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp với nhiều nội dung trao đổi liên quan đến chính sách, chiến lược sản phẩm và tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong phát triển du lịch.

    tiepdoan Bandung Indonesia-1

       Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã trình bày tóm tắt những thành tựu trong quá trình hình thành và phát triển của Viện cùng với cập nhật tình hình của du lịch Việt Nam trong những năm gần đây. Phía Viện Du lịch Bandung bày tỏ sự quan tâm và chia sẻ về sự tương đồng trong chiến lược, mục tiêu và tầm nhìn phát triển du lịch đến năm 2020. Theo đó, số lượt khách du lịch quốc tế dự kiến là 20 triệu lượt, đặc biệt, Indonesia đặt mục tiêu tăng trưởng số lượt khách du lịch nội địa lớn hơn nhiều so với khách quốc tế là 275 triệu vào năm 2020. Hai quốc gia có sự tương đồng về điểm mạnh thu hút du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch biển và du lịch dựa vào cộng đồng. Có thể nói, Indonesia là một trong số các quốc gia láng giềng cạnh tranh hàng đầu với Việt Nam về mức tăng trưởng du lịch, số lượng di sản thế giới, giá cả, và đặc biệt là du lịch nội địa cao gấp 25 lần so với du lịch quốc tế. Ông Haryadi Darmawan và Acep Unang Rahayu, giảng viên Chương trình Giáo dục sau đại học của Viện Du lịch Bandung đã chia sẻ: Du lịch Indonesia hàng năm đầu tư kinh phí cho hoạt động xúc tiến quảng bá lên tới 54 triệu USD.
       Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ những vấn đề khác hai bên cùng quan tâm như:
    1. Loại hình sản phẩm du lịch đặc thù, có tiềm năng phát triển gồm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
    2. Vấn đề vệ sinh môi trường và hoạt động hướng tới đảm bảo vệ sinh môi trường du lịch.
    3. Tầm quan trọng của việc phát triển mối quan hệ đối tác công – tư trong quảng bá, tăng cường quản lý điểm đến, tổ chức sự kiện xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch.
    4. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong quảng bá và xúc tiến thị trường, đặc biệt áp dụng marketing số.
    5. Quản lý giá trong kinh doanh du lịch, chính sách thuế áp dụng cho doanh nghiệp du lịch.
    6. Quản lý các di sản tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, quy định về việc đầu tư tại các khu di sản để đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.
       Cuộc họp đã diễn ra trong không khí trao đổi thẳng thắn và cởi mở. Qua đó, hai bên đã ghi nhận được những nét khái quát trong công tác nghiên cứu, chính sách quản lý và phát triển du lịch quốc gia của Việt Nam và Indonesia. Kết quả cuộc trao đổi là nền tảng để hai bên tăng cường mối quan hệ hợp tác, hiểu biết lẫn nhau và rút ra bài học kinh nghiệm trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển du lịch.

    tiepdoan Bandung Indonesia

    Các đại biểu chụp ảnh chung

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục