Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Quy hoạch và định hướng đầu tư phát triển du lịch Tây Ninh và vùng Đông Nam Bộ

    1. Bối cảnh
    Định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm đến 2020, tầm nhìn đến 2030 đã xác định Đông Nam Bộ là 1 trong 7 vùng du lịch trọng điểm, giữ vị trí quan trọng hàng đầu và là cửa ngõ đón khách quốc tế lớn nhất của cả nước. Những năm qua, du lịch vùng Đông Nam Bộ với trung tâm phân phối khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả tăng trưởng vượt bậc cả về lượng khách, sự đa dạng về loại hình du lịch, dẫn đầu về các chỉ tiêu quy mô, chất lượng dịch vụ, thu nhập và tạo việc làm. Năm 2010, toàn Vùng đón tiếp và phục vụ trên 3,6 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 25% trong cơ cấu ngày khách quốc tế đến Việt Nam và 18 triệu lượt khách nội địa, chiếm 27% trong cơ cấu ngày khách nội địa; tổng thu từ du lịch toàn Vùng năm 2010 đạt trên 31.500 tỷ đồng (tương đương 1,54 tỷ USD), chiếm 28% tổng thu nhập du lịch cả nước.
    Tuy vậy, những thành tựu nổi bật đó hầu như tập trung trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy sự phát triển chênh lệch cục bộ trong Vùng. Các địa bàn Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh hầu như phát triển còn tự phát, bị động về thị trường, sản phẩm du lịch còn đơn sơ, chậm thích ứng và chưa đáp ứng yêu cầu quy hoạch phát triển chung của cả Vùng. Nhiều nơi du lịch chưa khai thác được tiềm năng và lợi thế vốn có và chịu nhiều tác động tiêu cực của công nghiệp hóa về ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên du lịch. Trong Vùng, Tây Ninh là cửa ngõ thuận lợi về du lịch đường bộ kết nối với Campuchia và các nước ASEAN nhưng cho đến nay hoạt động du lịch vẫn còn đơn sơ, chưa bứt phá vươn lên xứng tầm.
    Trong 15 năm trở lại đây hầu hết các địa phương đều đã có quy hoạch phát triển du lịch. Nhưng thực chất những quy hoạch đó mới đưa ra được một số định hướng cơ bản, các chỉ tiêu phát triển chủ yếu cũng như khoanh vùng không gian phát triển một vài khu, điểm du lịch mà chưa làm được vai trò hoạch định phát triển ngành. Thực tế đó dẫn tới việc tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch du lịch ở các địa phương còn lỏng lẻo, thiếu triệt để và kém hiệu quả.
    Nhằm đưa du lịch Đông Nam Bộ phát triển xứng tầm một vùng du lịch trọng điểm với tâm điểm Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề đặt ra cần nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo vai trò hoạch định phát triển, tính thực thi với tầm nhìn dài hạn và hiệu quả, làm tiền đề định hướng và thu hút đầu tư phát triển du lịch cho từng địa phương. Hệ thống quy hoạch phát triển du lịch bao gồm: (1) quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên phạm vi vùng, (2) quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố và (3) quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch cụ thể.

    2. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ
    Về nguyên tắc, quy hoạch dựa trên định hướng phát triển kinh tế xã hội của vùng, địa phương; chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch chung của cả nước; tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn; đánh giá nguồn lực và dự báo xu hướng nhu cầu thị trường. Trên cơ sở đó quy hoạch xác định quan điểm, mục tiêu, các định hướng và giải pháp phát triển. Cụ thể đối với du lịch Tây Ninh và vùng Đông Nam bộ nổi bật với những tài nguyên có giá trị và tương đối độc đáo như Hồ Dầu Tiếng, Núi Bà đen, Tòa Thành Cao Đài, Hồ Trị An, hệ thống sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, các bãi biển Vũng Tàu, Long Hải-Phước Hải, khoáng nóng Bình Châu, hệ sinh thái Cần Giờ, vườn quốc gia Côn Đảo,  Cát Tiên… cùng với hệ thống các di tích lịch sử văn hóa như địa đạo Củ Chi, Tà Thiết, di tích Trung ương Cục Miền Nam… Dựa trên đặc điểm tự nhiên, vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, đặc điểm kinh tế xã hội, điều kiện kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực cùng các chính sách, định hướng phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển du lịch Vùng Đông Nam bộ hướng tới tập trung vào những điểm then chốt sau:
    2.1. Quan điểm phát triển du lịch
    Quan điểm chủ đạo trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030 đó là chuyển sang phát triển về chiều sâu, chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả, nâng tầm thương hiệu và sức cạnh tranh, theo hướng (1) Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; (2) Phát triển du lịch bền vững theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; (3) Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và nội địa; (4) Phát triển du lịch gắn với bảo tổn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường và (5) Xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực liên ngành; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các vùng, miền trong cả nước. 
    Ngoài 5 quan điểm chung, Vùng Đông Nam bộ cần cụ thể hóa quan điểm phát triển du lịch phù hợp với đặc điểm riêng của Vùng:                                                     
    –       Thứ nhất, tạo điểm nhấn: Điểm nhấn về quy mô và tính chất các hoạt động du lịch. Vùng Đông Nam Bộ cần làm nổi bật vai trò là trung tâm phân phối khách, trung tâm đô thị hiện đại và tiên phong về dịch vụ chuyên nghiệp với tâm điểm Thành phố Hồ Chí Minh. Một mặt Thành phố Hồ Chí Minh phải trở thành đầu tầu về thị trường, sản phẩm, trung tâm phân phối khách với điểm nhấn du lịch đô thị, vui chơi giải trí, du lịch MICE được kết nối với các trung tâm tỉnh lỵ và các khu, điểm du lịch nổi bật trong Vùng. Mặt khác, mỗi khu, điểm du lịch ở các tỉnh trong Vùng cần được quy hoạch, tập trung đầu tư phát triển tạo thành những điểm nhấn du lịch chuyên đề về văn hóa, sinh thái, là những vệ tinh gắn kết với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Sự nổi bật, mang dấu ấn của mỗi địa danh du lịch phải được thể hiện trong quy hoạch phát triển du lịch.
    –       Thứ hai, phong cách đặc trưng: phát triển ý tưởng (concept) với phong cách đặc trưng, tạo sự khác biệt dựa vào thế mạnh nổi trội với đặc thù về yếu tố tự nhiên và văn hóa của mỗi địa phương. Sản phẩm du lịch được hình thành và thiết kết theo ý tưởng riêng đối với từng phân khúc thị trường. Nét đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh có thể là trung tâm giải trí cao cấp, du lịch MICE; của Tây Ninh có thể tạo sự khác biệt về văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với Núi Bà Đen, trung tâm du lịch thể thao; đối với Bà Rịa-Vũng Tàu có thể tạo dấu ấn đặc trưng bởi du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển v.v
    –       Thứ ba, sản phẩm liên hoàn: Hệ thống sản phẩm du lịch hình thành các tuyến du lịch đặc sắc liên hoàn giữa các khu, điểm du lịch trong Vùng. Mỗi địa phương, mỗi khu du lịch, điểm du lịch có sản phẩm đặc trưng riêng được kết nối trong chuỗi giá trị cung ứng du lịch của Vùng, đảm bảo bổ sung cho nhau. Những yếu tố tương đồng về sản phẩm du lịch được thiết kế có khả năng thay thế nhau; những yếu tố khác biệt về sản phẩm du lịch được thiết kế bổ sung cho nhau. Quy hoạch phân cụm, nhóm sản phẩm du lịch vừa đảm bảo khả năng thay thế vừa đảm bảo tính bổ sung định dạng thành những chuỗi sản phẩm liên hoàn với khả năng thay đổi và làm mới liên tục tùy thuộc nhu cầu thị trường. Chẳng hạn du lịch văn hóa gắn với di tích địa đạo Củ Chi có thể thay thế với địa đạo An Thới, kết nối bổ sung với Núi Bà Đen hay di tích Trung ương Cục Miền Nam.
    –       Thứ tư, tính phân biệt: kết hợp cả hai quan điểm phát triển sản phẩm đặc trưng và liên hoàn đặt ra yêu cầu đảm bảo sự phân biệt xuất phát từ sự khác biệt của nhu cầu các đoạn thị trường khác nhau. Trong cùng một loại hình du lịch, cùng một không gian du lịch cần thiết quy hoạch các khu, điểm, dịch vụ khác nhau phục vụ các đối tượng khách khác nhau. Sự phân biệt thể hiện trong chi tiết thiết kế sản phẩm, phong cách phục vụ, phương thức tiêu dùng dịch vụ, chất lượng và giá dịch vụ. Quan điểm phân biệt thể hiện trong quy hoạch du lịch cả về không gian và thời gian, chẳng hạn khu dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp không thể đi liền hoặc đan xen trong khu dịch vụ bình dân, ồn ào, xô bồ; khu tập trung đón khách cao tuổi nghỉ dài ngày không thể bị phá vỡ bởi sự “hip hop” của giới trẻ; phong cách sinh thái phải phân biệt với kiểu du lịch đô thị, du lịch đại chúng; thiết kế quy hoạch khu tâm linh không thể chộn lẫn với các loại hình dịch vụ đa tạp…
    2.2. Mục tiêu phát triển
    a) Mục tiêu chung
    Các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường được thể hiện trong quy hoạch phát triển du lịch. Tuy vậy, điểm chung nhất cần hướng tới đối với vùng Đông Nam Bộ có thể là:
    –       Thứ nhất, theo đuổi mục tiêu tăng thu nhập du lịch: xác định hiệu quả kinh tế là trọng tâm, coi trọng chất lượng tăng trưởng, không chạy theo số lượng mà kiểm soát số lượng tương xứng với quy mô, sức chứa đảm bảo chất lượng ổn định, và bền vững về xã hội và môi trường;
    –       Thứ hai, theo đuổi mục tiêu hài lòng khách: xác định lấy giá trị trải nghiệm của khách làm phương châm hành động để xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch, tổ chức đón tiếp phục vụ đáp ứng nhu cầu, mong đợi của khách. Phát triển các công trình, dịch vụ du lịch gắn liền với việc từng bước không ngừng nâng cao chất lượng thụ hưởng, giá trị trải nghiệm du lịch của du khách.
    –       Thứ ba, theo đuổi mục tiêu tạo thương hiệu cạnh tranh: chỉ tiêu tổng thể của phát triển đánh giá bằng sức cạnh tranh của Vùng và thể hiện ở những thương hiệu nổi bật về sản phẩm, khu, tuyến, điểm du lịch và trên cơ sở đó hình thành thương hiệu du lịch Vùng Đông Nam Bộ.
    b) Các chỉ tiêu phát triển cụ thể
    –       Về khách du lịch, trong giai đoạn đến 2020 vùng Đông Nam bộ tiếp tục giữ vị trí quan trọng hàn đầu trong không gian phát triển du lịch của Việt Nam. Dự báo năm 2015, toàn Vùng sẽ đón tiếp và phục vụ 5,2 triệu lượt khách quốc tế, chiếm tỷ trọng trên 25% trong cơ cấu ngày khách quốc tế và 24 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2020 đạt 7,3 triệu lượt khách quốc tế, với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,5%/năm, và 32 triệu lượt khách nội địa, tăng trưởng trung bình 5,8%/năm.
    –       Về thu nhập du lịch, năm 2015, tổng thu nhập từ du lịch của Vùng Đông Nam bộ đạt gần 3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 27,9% tổng thu nhập từ du lịch của cả nước. Đến năm 2020, đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm 28% tổng thu nhập du lịch cả nước.
    –       Về lao động và tạo việc làm du lịch, đến 2015 du lịch vùng Đông Nam Bộ sẽ tạo việc làm cho trên 530.000 lao động, trong đó có 155.000 lao động trực tiếp; đến 2020 tạo việc làm cho 730.000 lao động, trong đó 225.000 lao động trực tiếp.
    –       Về cơ sở lưu trú, dự báo đến năm 2015, vùng Đông Nam Bộ sẽ có 97.000 buồng lưu trú và con số năm 2020 là 150.000 buồng lưu trú.
    2.3. Một số định hướng chính
    a) Về phát triển sản phẩm
     Đông Nam bộ cần tập trung khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng về du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, nghỉ dưỡng biển, giải trí cao cấp, du lịch MICE, du lịch thể thao, du lịch mua sắm và du lịch gắn với cửa khẩu…
    b) Về thị trường mục tiêu
    Thị trường khách quốc tế tập trung thu hút khách đến từ Tây Âu (Pháp, Đức), Châu Mỹ (Mỹ, Canada), Úc, Việt Kiều; tiếp đến thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Căm Pu Chia, Thái Lan, Singapore, Malaysia. Các phân khúc thị trường nghỉ dưỡng, công vụ, khám phá, thăm thân, sự kiện, chữa bệnh… Đối với thị trường nội địa nên tập trung vào du lịch mua sắm, văn hóa, tâm linh, thể thao và các thị trường đến từ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và các vùng miền trên cả nước.
    c) Về các tuyến du  lịch chủ yếu:
    + Tuyến đường không qua cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất (hoặc Long Thành), kết nối với Côn Đảo
    + Tuyến du lịch caravan theo đường xuyên Á qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát, gắn với thương mại cửa khẩu
    + Tuyến du lịch văn hóa, tâm linh: Củ Chi, An Thới, núi Bà Đen, và Toà thánh Cao Đài, Trung Ương cục Miền Nam
    + Tuyến du lịch thể thao, giải trí và MICE gắn trung tâm TP Hồ Chí Minh với quần thể thể thao, sân golf, du tuyền Hồ Dầu tiếng, Đại Nam
    + Tuyến du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái, văn hóa: Vũng Tàu, Côn Đảo, Bình Châu,-Phước Bửu, Long Hải-Phước Hải

    d) Về các khu, điểm, đô thị du lịch
             * Các Khu du lịch quốc gia
    1. Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen
    2. Khu du lịch quốc gia Cần Giờ
    3. Khu du lịch quốc gia Long Hải-Phước Hải 
    4. Khu du lịch quốc gia Côn Đảo
            * Các điểm du lịch quốc gia
    1. Điểm du lịch quốc gia Căn cứ Tà Thiết
    2. Điểm du lịch quốc gia Căn cứ TƯ Cục Miền Nam
    3. Điểm du lịch quốc gia Cát Tiên
    4. Điểm du lịch quốc gia Hồ Trị An-Mã Đà
    5. Điểm du lịch quốc gia Củ Chi
           * Đô thị du lịch: thành phố Vũng Tàu

    3. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Ninh
    Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Ninh đến năm 2010 và định hướng đến 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 36/2009/QĐ-UBND ngày 07/7/2009 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh trên cơ sở điều chỉnh Quy hoạch năm 1995. Khái quát một số nội dung chính của Quy hoạch như sau:
    3.1. Quan điểm phát triển du lịch
    –       Phát triển du lịch Tây Ninh đặt trong mối liên hệ với các tỉnh, Thành phố trong khu vực trọng điểm kinh tế phía nam; vùng Đông Nam bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long; với thị trường Campuchia và các nước ASEAN.
    –       Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế, nét đặc thù, đặc trưng của Tỉnh về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử, đồng thời chú trọng công tác bảo vệ môi trường.
    –       Thực hiện xã hội hóa đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, cảnh quan môi trường, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch; huy động tối đa nguồn lực trong nước và tăng cường, mở rộng mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ quốc tế để phát triển du lịch.
    3.2. Mục tiêu phát triển
    –       Phát triển du lịch bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, tăng dần tỷ trọng đóng góp của Du lịch trong GDP của Tỉnh.
    –       Thúc đẩy tiêu dùng và phát triển nhiều loại dịch vụ để lôi kéo các ngành kinh tế khác phát triển, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
    –       Cải tạo cảnh quan môi trường, nâng cao trình độ dân trí, tạo điều kiện cho nhân dân đi du lịch trong nước và ngoài nước thuận lợi.
    3.3. Các chỉ tiêu phát triển
    –       Tổng thu từ du lịch: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2015 là 18,92%/năm và giai đoạn 2016-2020 là 16,42%/năm (đạt 1.292 tỷ đồng vào năm 2015 và 2.764 tỷ đồng vào năm 2020)
    –       Đóng góp vào GDP: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2015 là 17,06%năm; giai đoạn 2016-2020 là 12,96%/năm; đạt 855 tỷ đồng vào 2015 và 1.400 tỷ đồng vào năm 2020.
    –       Khách du lịch: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 3,88%năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 4,48%/năm; đạt 2,5 triệu lượt khách vào năm 2015 và 3,1 triệu lượt khách vào năm 2020.
    3.4. Các định hướng chính
    a) Các loại hình sản phẩm du lịch chính
    –       Du lịch văn hóa, về nguồn, lịch sử, lễ hội
    –       Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao
    –       Du lịch cử khẩu, mua sắm, caravan
    b) Thị trường mục tiêu:
    –       Thị trường quốc tế: thu hút khách du lịch đến từ ASEAN (Campuchia, Thái Lan, Malaysia), Nhật Bản, Pháp, Mỹ
    –       Thị trường nội địa: Thành phố Hồ Chí Minh và thông qua TP. HCM đến từ đồng bằng Sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung bộ và các tỉnh miền Bắc (Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng)
    c) Không gian du lịch
    –       Khu vực Núi Bà Đen-Hồ Dầu Tiếng bao gồm thị xã Tây Ninh, huyện Hoà Thành và hồ Dầu Tiếng thuộc huyện Dương Minh Châu, Khu vực cửa khẩu Mộc Bài và vùng phụ cận.
    Đây sẽ là khu vực có tiềm năng du lịch lớn nhất của tỉnh Tây Ninh tập trung khai thác du lịch tâm linh – lễ hội với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao cao cấp, du lịch cuối tuần, du lịch cửa khẩu…. Hoạt động du lịch sinh thái ở hồ Dầu Tiếng sẽ cung cấp các dịch vụ và sản phẩm du lịch sinh thái hỗ trợ cho các hoạt động du lịch tâm linh, lễ hội ở khu vực núi Bà Đen.
    Khu vực này có Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen; các điểm du lịch Hồ Dầu tiếng, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, Khu Long Điền Sơn, Mộc Bài và phụ cận
    –       Khu vực quần thể di tích lịch sử cách mạng Miền Nam-Lò Gò Xa Mát, với điểm du lịch quốc gia Trung ương cục Miền Nam, các điểm du lịch Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát, Căn cứ Ban An ninh Miền, Căn cứ Chính phủ lâm thời MNVN, Căn cứ MTDT giải phóng MN, sân bay Thiện Ngôn, tháp Chót Mạt.
    d) Các tuyến du lịch trọng điểm
    –       Tây Ninh-Miền Đông Nam bộ và duyên hải Nam Trung bộ
    –       Tây Ninh- Đồng bằng Sông Cửu Long
    –       Tây Ninh- Tây Nguyên
    –       Các tuyến Nội tỉnh: Thị xã Tây Ninh-Mộc Bài-Trảng Bàng-Bời Lời; Thị xã Tây Ninh-Núi Bà Đen-Hồ Dầu tiếng; Thị xã Tây Ninh-Trung tương Cục Miền Nam-Lò Gò Xa Mát-Ma Thiên Lãnh;
    3.5. Đánh giá sơ bộ về tình hình thực hiện quy hoạch du lịch Tây Ninh
    Năm 1995, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Ninh được thực hiện cùng thời điểm với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam lần đầu tiên. Có thể nói, Tây Ninh là tỉnh sớm có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Sau quy hoạch tổng thể, các quy hoạch cụ thể cũng được lập cho các khu du lịch Núi Bà đen, Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát, Hồ Dầu Tiếng… Mặt tích cực của quy hoạch là đã chỉ ra được hướng đi cơ bản cho ngành du lịch của Tỉnh, định hướng về thị trường, sản phẩm và tổ chức không gian phát triển du lịch để trên cơ sở đó có những chính sách, giải pháp, quy hoạch, kế hoạch hành động cụ thể.
    Tuy nhiên, qua đánh giá thực trạng phát triển du lịch Tây Ninh so với các chỉ tiêu, định hướng phát triển trong quy hoạch (mặc dù đã được điều chỉnh năm 2009) có thể thấy những hạn chế nhất định của việc quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch thời gian qua:
    –       Về công tác quy hoạch: có thể nói việc quy hoạch đã thực hiện đi trước một bước, làm nền móng cho việc hoạch định chính sách, thu hút nguồn lực, định hướng đầu tư cho phát triển du lịch giai đoạn từ 1995 tới nay. Tuy nhiên, mục tiêu và những chỉ tiêu đặt ra trong quy hoạch có thể nói chưa sát với thực lực của Tây Ninh. Nguyên nhân có thể do dự báo xác định các chỉ tiêu còn chịu tác động bởi yếu tố “thành tích”, chưa tính hết các yếu tố, điều kiện liên quan về thị trường, điêu kiện hạ tầng và nguồn nhân lực. Các định hướng phát triển trong quy hoạch chưa hoạch định lộ trình, giải pháp, các bước đi, các chính sách, kế hoạch hành động cụ thể mà còn chung chung trong khi đó điều kiện nguồn lực thực hiện còn rất hạn chế. Có thể thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế về quy hoạch du lịch Tây Ninh phần nào chưa làm tốt vai trò hoạch định và thúc đẩy du lịch phát triển.
    –       Về quản lý và thực hiện quy hoạch: Tây Ninh được xem là địa phương tích cực làm quy hoạch du lịch. Nhưng việc thực hiện quy hoạch thì hầu như chưa triển khai được mấy. Hầu như các hoạt động du lịch diễn ra như tự nó vận động. Sự tác động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong việc định hướng phát triển dựa trên quy hoạch thể hiện còn mờ nhạt. Sự bị động về thị trường, phát triển tự phát các hoạt động du lịch cho thấy các quy hoạch du lịch chưa thực sự đi vào cuộc sống. Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch chưa được thực hiện triệt để. Các điều kiện cần và đủ cho việc thực hiện quy hoạch như các chính sách khuyến khích, các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà nước về phát triển hạ tầng, xúc tiến quảng bá khai thông thị trường, phát triển ngồn nhân lực cùng với sự phối hợp liên ngành còn lỏng lẻo do vậy chưa tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch. Môi trường đầu tư du lịch trong bối cảnh đó chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Chính vì vậy, các khu du lịch như Núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát… tuy đã có quy hoạch nhưng cho đến nay chưa thu hút được các dự án đầu tư theo định hướng của quy hoạch.
    Như vậy, quy hoạch phát triển du lịch ở Tây Ninh cũng tương tự một số địa phương khác Vùng Đông Nam bộ mới vạch ra những nội dung khái quát mang tính định hướng chung. Nhiều nội dung cụ thể trong quy hoạch cho đến nay chưa được thực hiện. Bản thân quy hoạch cũng như công tác quản lý và thực hiện quy hoạch chưa thực sự tạo ra môi trường thuận lợi cùng với các chính sách khuyến khích và các chương trình hành động hỗ trợ để có thể hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch. Thực tế đó đòi hỏi cần có định hướng đúng cho một chiến lược đầu tư để làm tiền đề thúc đẩy công tác xúc tiến đầu tư du lịch, qua đó hiện thực hóa các quy hoạch phát triển du lịch.


    4. Định hướng đầu tư phát triển du lịch Tây Ninh và Đông Nam Bộ

    4.1. Định hướng đầu tư
    –       Đầu tư phát triển du lịch Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam bộ cần bám sát định hướng chung của cả nước theo quan điểm tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực then chốt, các địa bàn trọng điểm, các khu, điểm du lịch quan trọng của tỉnh, của Vùng; tiến hành đồng thời nhiều hình thức đầu tư, coi trọng thu hút và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài; tăng cường hợp tác Công-Tư để thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân; Đầu tư từ ngân sách nhà nước được tập trung có ưu tiên làm tiền đề tạo hiệu ứng kích thích và thu hút đầu tư tư nhân. Huy động nguồn lực đầu tư gián tiếp từ thị trường tài chính thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và phát huy vai trò thị trường chứng khoán, liên doanh, liên kết, hợp nhất, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp.
    –       Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, nhu cầu đầu tư cả nước giải đoạn 2011-2020 là 850.000 tỷ đồng (tương đương 42,5 tỷ USD), trong đó vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 30% tương đương 250.000 tỷ đồng (tương đương 12,5 tỷ USD). Nhu cầu đầu tư vào du lịch Tây Ninh theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh (phê duyệt điều chỉnh năm 2009) đến 2020 nhu cầu đầu tư du lịch cần 3.265 tỷ đồng.
    –       Định hướng thu hút nguồn vốn đầu tư du lịch khoảng 15-20% từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) cho các lĩnh vực phát triển hạ tầng du lịch cơ bản, phát triển nguồn nhân lực và xúc tiến quảng bá du lịch, phát triển thương hiệu du lịch của Vùng và của Tỉnh, đồng thời với đầu tư của nhà nước về kết cấu hạ tầng đồng bộ, trùng tu tôn tạo di tích, bảo vệ môi trường và giáo dục đào tạo.
    –       Khu vực tư nhân cần được khuyến khích và thu hút đầu tư vào du lịch với nguồn vốn chiếm tới 80-85% tổng nhu cầu đầu tư. Các lĩnh vực thu hút đầu tư tư nhân chủ yếu đầu tư vào các khu, điểm du lịch với các công trình cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các cơ sở dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí…; đầu tư cho phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường, nghiên cứu triển khai, đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
    –       Liên kết giữa nhà nước và khu vực tư nhân trong đầu tư phát triển du lịch theo hướng nhà nước chỉ đầu tư mang tính chất khơi thông, mở đường, vốn “mồi” để các doanh nghiệp đầu tư.  Nhà nước (trung ương hoặc tỉnh) chỉ đầu tư những lĩnh vực mà doanh nghiệp không đủ tầm, không trực tiếp sinh lời, hoặc sinh lời thấp chẳng hạn như xúc tiến quảng bá hình ảnh, thương hiệu chung của Vùng, của tỉnh; đào tạo nhân lực cơ bản; phát triển hạ tầng du lịch… Vốn đầu tư của nhà nước phải trở thành động lực cho đầu tư tư nhân.
    4.2. Các địa bàn ưu tiên đầu tư phát triển
    –       Đối với toàn Vùng Đông Nam bộ, ngân sách nhà nước trung ương hỗ trợ tham gia đầu tư trực tiếp vào các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia và đô thị du lịch. Khu du lịch quốc gia gồm: Núi Bà Đen, Cần Giờ, Long Hải-Phước Hải, Côn Đảo; Các điểm du lịch quốc gia gồm: Căn cứ Tà Thiết, Căn cứ TƯ Cục Miền Nam, Cát Tiên, Hồ Trị An-Mã Đà, Củ Chi và Đô thị du lịch: thành phố Vũng Tàu.
    –       Toàn Vùng tạo cơ chế khuyến khích và thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia nêu trên. Ngoài ra các tỉnh quy hoạch và xúc tiến đầu tư các khu, điểm du lịch quan trọng khác trên địa bàn tỉnh.
    –       Các địa bàn ưu tiên đầu tư phát triển du lịch Tây Ninh gồm:
    + Khu vực Núi Bà Đen: Tập trung phát triển thành khu du lịch quốc gia với quần thể các điểm du lịch vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần, công viên sinh thái… khai thác tiềm năng du lịch lễ hội, tâm linh và sinh thái của
    + Khu vực Hồ Dầu Tiếng: Khu vực này tập trung phát triển dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, giải trí cao cấp, thể thao nước.. để tạo bước đột phá mới về thương hiệu cho du lịch Tây Ninh.
    + Khu vực thị xã Tây Ninh: Ưu tiên đầu tư các công trình dịch vụ, trung tâm thông tin, phân phối khách, các dự án phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hệ thống dịch vụ các khu công viên giải trí, hội nghị, triển lãm.
    + Khu vực Lò Gò Xa Mát và quần thể các di tích LSCM miền Nam: Tập trung đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích Trung ương cục Miền Nam và các di tích liên quan trử thành điểm du lịch quốc gia; đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch gắn với du lịch sinh thái vườn quốc gia, du lịch giáo dục, du lịch về nguồn kết nối với các điểm du lịch khác của tỉnh.
    + Khu vực cửa khẩu Mộc Bài: tập trung ưu tiên phát triển các khu dịch vụ phục vụ khách du lịch caravan, khách du lịch thương mại cửa khẩu…
    + Khu vực sông Vàm Cỏ Đông: Tập trung phát triển loại hình du lịch mang tính chất sinh thái, vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch nghỉ cuối tuần.
    + Khu vực sông Sài Gòn: Tập trung phát triển các điểm du lịch, vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu của khách du lịch nội tỉnh; khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đồng thời kết nối tour từ địa đạo Củ Chi-Bến Dược.
     
    Kết luận
    Đông Nam Bộ là Vùng du lịch trọng điểm của cả nước với vai trò đầu tàu, trung tâm phân phối khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Những năm qua, hoạt động du lịch trong Vùng có nhiều khởi sắc và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, hoạt động du lịch của Vùng chủ yếu dựa vào vị trí chiến lược của Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động du lịch ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai hầu như chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế, chưa vượt qua được khó khăn, thách thức để đầu tư phát triển du lịch.
    Quy hoạch phát triển du lịch ở các địa phương đã được triển khai nhiều năm nay nhưng hiệu quả thực hiện chưa nhiều; Các chính sách khuyến khích du lịch, các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà nước chưa phát huy hiệu quả đồng bộ dẫn tới môi trường đầu tư du lịch kém hấp dẫn. Từ thực tế đó, Vùng Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng cần có giải pháp cấp bách trong việc quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch du lịch đồng thời với việc định hướng đầu tư và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư du lịch./.

    Bài cùng chuyên mục