Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

    “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
    được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 09/11/2016

    Son Tra - quy hoach phat trien du lich den 2030-1

       1. Sự cần thiết lập quy hoạch
    Bán đảo Sơn Trà thuộc vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ là khu vực có tiềm năng phát triển du lịch khá phong phú đã được Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 định hướng phát triển thành khu du lịch quốc gia.
       Bán đảo Sơn Trà thuộc quận Sơn Trà (tên quận đặt theo tên bán đảo), thành phố Đà Nẵng, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10 km về hướng Ðông Bắc. Bán đảo Sơn Trà có diện tích khoảng 4.439ha, chiều dài 13 km, chiều rộng 5 km, nơi hẹp nhất 2 km. Bán đảo Sơn Trà cùng với đèo Hải Vân và vịnh Đà Nẵng bao bọc thành phố Đà Nẵng.
       Bán đảo Sơn Trà có nhiều thắng cảnh thiên nhiên và nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị cho phát triển du lịch.
       Từ xưa, Sơn Trà là một hòn đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao. Ngọn phía Đông Nam trông như hình con nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn phía Tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu, nên nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Ngọn phía Bắc vươn về phía ngọn Ngự Hải bên kia cửa biển dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa. Qua thời gian, dòng nước biển chảy ven bờ đã tải phù sa đến bồi đắp dần lên tạo thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo. Bán đảo Sơn Trà hình thành từ đó. Ngày nay ngay tại những ngọn này hình thành những địa danh du lịch nổi tiếng như Bãi Rạng, Bãi Đa, Bãi Bụt, hay khu resort Biển Đông. Đặc biệt tại đây có ngôi chùa Linh Ứng là điểm đến lý tưởng của tăng ni phật tử và cả những người không theo Phật…
       Cùng với hệ thống núi non của Hải Vân sơn ở phía Bắc, bán đảo Sơn Trà ở phía Nam hợp lại thành hình cánh cung tạo nên một vịnh biển mang tên vũng Sơn Trà, hay còn gọi bằng nhiều tên khác khá quen thuộc như vũng Tiên Sa, vũng Thùng, vũng Hàn, vịnh Ðà Nẵng. Vị trí địa lý tạo nên Sơn Trà như một bình phong che chắn cho thành phố.
       Sơn Trà có 2.810,8ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó một phần là đất đồi đang được phủ thêm loại cây công nghiệp. Sơn Trà là nơi giao lưu giữa hai hệ động vật và thực vật tiêu biểu của hai miền Nam – Bắc.
       Rừng Sơn Trà với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng mang đặc tính chung của rừng nhiệt đới Việt Nam là tài nguyên du lịch sinh thái rất giá trị.
       Núi Sơn Trà cao gần 700 m, xưa nay được xem như đài khí tượng thiên nhiên của nhân dân quanh vùng. Hiện nay đang có xu hướng trở thành điểm du lịch vọng cảnh và thể thao. Núi Sơn Trà có Suối Tiên và suối Đá đẹp và hoang sơ.
    Nằm ở phía Nam bán đảo Sơn Trà có nhiều bãi tắm đẹp như Mỹ Khê, bãi tắm Phạm Văn Đồng, T20 hay của những khu resort như Furama, Sandy Beach, Olalani, Silver Shores Hoàng Đạt trải dài hàng chục km. Sau khi có con đường ven biển đi vòng quanh bán đảo, các tiềm năng du lịch đang có cơ hội phát triển.
       Xa hơn nữa về phía Nam là Hội An, một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của du lịch Việt Nam hiện nay.
       Phía Bắc, đối diện với Sơn Trà, Hòn Chảo (Đảo Ngọc hay Hòn Sơn Trà Con) là điểm cuối nếu tính từ cửa sông Cu Đê, dọc theo đèo Hải Vân, ngang qua hòn Hành, làng Vân đâm thẳng ra biển.
       Vịnh Đà Nẵng được bao bọc bởi hai dãy núi Hải Vân và Sơn Trà, hình thành từ một nhánh của dãy Trường Sơn. Từ Đông Bắc Trường Sơn đâm thẳng ra biển, điểm chấm cuối cùng là hòn Chảo. Nhánh của dãy Trường Sơn này làm thành một vòng cung từ Đông Bắc chạy xuống Tây Nam, liên kết với dãy đất liền và bán đảo Sơn Trà, thành một hình vòng cung tạo thành vùng vịnh.
       Xuất phát từ những tiềm năng du lịch của bán đảo Sơn Trà và khu vực phụ cận, căn cứ vị trí và vai trò du lịch của khu vực Sơn Trà với du lịch vùng và cả nước, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã định hướng phát triển Sơn Trà thành một trong những khu du lịch trọng điểm của quốc gia. Phát triển du lịch khu vực bán đảo Sơn Trà sẽ là động lực phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng và du lịch cả nước, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội cho thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung.
       Thời gian qua khu vực bán đảo Sơn Trà đã được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư khai thác phát triển du lịch với nhiều chương trình, dự án du lịch mới và thu hút khá đông khách du lịch đến tham quan.
       Tuy nhiên, việc phát triển du lịch Sơn Trà vẫn còn chưa có định hướng phát triển dài hạn rõ ràng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế cũng như với vị trí của Sơn Trà trong vấn đề an ninh, quốc phòng của cả nước và bảo vệ môi trường của thành phố.
       Để đạt được mục tiêu trở thành một trong những khu du lịch trọng điểm của quốc gia theo định hướng của Chiến lược phát triển du lịch quốc gia và để góp phần quản lý khai thác hợp lý tiềm năng du lịch ở Sơn Trà  trước hết cần thiết phải lập quy hoạch phát triển khu du lịch Sơn Trà trên bình diện tổng thể với tầm nhìn dài hạn làm tiền đề quản lý khai thác tài nguyên, xây dựng các quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư phát triển khu du lịch phù hợp với tiềm năng và yêu cầu thực tế phát triển.
       2. Căn cứ lập quy hoạch
       – Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
       – Luật Di sản Văn hoá số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 29/11/2005;
       – Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014;
       – Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày     21/6/2012;
       – Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
       – Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
       – Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 7/9/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
       – Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
       – Nghị định 70/2012/NĐ-CP ngày 18-9-2012 của Chính phủ về việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
       – Nghị định 161/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới biển;
       – Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ xét duyệt quy hoạch sử dụng đất thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015);
       – Quyết định số 2412/QĐ-TTg ngày 19/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn cả nước giai đoạn 2011-2020;
       – Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
       – Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
       – Quyết định số 2054/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
       – Quyết định số 2350/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
       – Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 8/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020;
       – Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
       – Quyết định số 7099/QĐ-UBND ngày 17/9/2010 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020;
       3. Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ lập quy hoạch
       3.1. Quan điểm
       – Đảm bảo các nguyên tắc về quy hoạch được quy định trong Luật Du lịch;
       – Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội vùng và Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước;
       – Phát huy lợi thế khu du lịch, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đáp ứng nhu cầu du lịch và phát triển bền vững.
        3.2. Mục tiêu
       Việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà cần đạt được những mục tiêu sau:
       – Làm cơ sở cho việc lập quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Sơn Trà,  quy hoạch cụ thể các khu chức năng, các dự án đầu tư xây dựng phát triển Sơn Trà thành một khu du lịch đáp ứng các tiêu chí của một khu du lịch quốc gia, làm động lực phát triển du lịch vùng và cả nước.
       – Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan, quỹ đất.v.v… nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
       4. Phương pháp lập quy hoạch
       4.1. Phương pháp thu thập tài liệu: Được sử dụng để lựa chọn những tài liệu, số liệu, những thông tin có liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch. Phương pháp này rất quan trọng, là tiền đề giúp cho việc phân tích, đánh giá tổng hợp các nội dung và đối tượng nghiên cứu một cách khách quan và chính xác.
       4.2. Phương pháp phân tích tổng hợp: Được sử dụng trong suốt quá trình phân tích, đánh giá toàn diện các nội dung, các đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch như: thực trạng tiềm năng tài nguyên du lịch; thực trạng công tác tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên du lịch; thực trạng phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; thực trạng biến động của môi trường du lịch; thực trạng phát triển của các chỉ tiêu kinh tế du lịch…
       4.3. Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa: Được thực hiện nhằm điều tra bổ sung hoặc kiểm tra lại những thông tin quan trọng cần thiết cho quá trình phân tích, đánh giá và xử lý các tài liệu và số liệu. Thông qua phương pháp này cho phép xác định cụ thể hơn về vị trí, ranh giới, quy mô cũng như tầm quan trọng của các đối tượng nghiên cứu; đồng thời còn cho phép xác định khả năng tiếp cận đối tượng (xác định được khả năng tiếp cận bằng các loại phương tiện gì từ thị trường khách du lịch đến các điểm tài nguyên). Mặt khác, trong thực tế công tác thống kê các số liệu của các ngành nói chung và của ngành Du lịch nói riêng còn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, còn nhiều bất cập và chưa thống nhất, do vậy phương pháp nghiên cứu và khảo sát thực địa tại chỗ là không thể thiếu trong quá trình lập quy hoạch.
       4.4. Phương pháp dự báo, chuyên gia: Được áp dụng để nghiên cứu một cách toàn diện các yếu tố khách quan và chủ quan; các yếu tố trong nước và quốc tế; các yếu tố trong và ngoài ngành du lịch; những thuận lợi và khó khăn thách thức… có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển du lịch Việt Nam nói chung và của khu du lịch nói riêng. Trên cơ sở đó dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch một cách bền vững; nghiên cứu tổ chức không gian khu du lịch; trong việc đề xuất các dự án, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư; cũng như trong việc xác định các sản phẩm du lịch đặc thù.
       4.5. Phương pháp bản đồ: Được sử dụng trên cơ sở kết quả các nội dung phân tích, đánh giá, tổng hợp của quy hoạch. Với các kết quả đã được nghiên cứu, thông qua phương pháp bản đồ sẽ thể hiện một cách trực quan các nội dung nghiên cứu, các số liệu cụ thể trên hệ thống bản vẽ quy hoạch. .

    Toàn văn Báo cáo tổng hợp:

    Bài cùng chuyên mục