Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

    PHẦN MỞ ĐẦU
    I. SỰ CẦN THIẾT LẬP QUY HOẠCH:
    Bình Dương là một tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích tự nhiên 2.694,43 km2, có những điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội và du lịch. Bình Dương là cửa ngõ giao thương với TP. Hồ Chí Minh – là trung tâm của nền kinh tế Việt Nam, là nơi có nền kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao thông và giao lưu của cả nước và cũng là thị trường du lịch lớn nhất Việt Nam. Trong những năm qua, với vị trí thuận lợi, môi trường đầu tư hấp dẫn, với các thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phát triển tương đối đồng bộ,… Bình Dương đã trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động của cả nước.
    Bình Dương có tài nguyên du lịch tương đối đa dạng với hệ thống miệt vườn Lái Thiêu đã có thương hiệu trên thị trường; hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn với những cù lao nổi trên sông,… bên cạnh đó Bình Dương còn được xem là cái nôi của những làng nghề nổi tiếng vùng Đông Nam Bộ. Mặc dù có sự đa dạng trong tài nguyên du lịch nhưng Bình Dương không có những tài nguyên du lịch nổi trội, đặc trưng so với một số địa phương khác trong khu vực song với hệ thống tài nguyên của tỉnh cũng tạo thành những điều kiện tương đối thuận lợi trong việc hình thành các loại hình sản phẩm du lịch dịch vụ hướng đến khai thác thị trường du lịch dịch vụ đầy hứa hẹn của các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu và cả Bình Dương.
        Những năm gần đây, hoạt động du lịch Bình Dương nhìn chung có chuyển biến tương đối mạnh và đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ như:
    – Các chỉ tiêu du lịch như lượt khách, doanh thu đều tăng trong giai đoạn 1997 – 2010, nhưng tập trung nhất từ năm 2008 – 2010 từ khi khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến đi vào hoạt động, mỗi năm lượt khách và doanh thu đều tăng từ 2-3 lần so với năm 2007;
    – Cơ chế, chính sách thông thoáng của tỉnh đã tạo được sức hấp dẫn không nhỏ đối với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Cùng với các hoạt động đầu tư công nghiệp, hoạt động đầu tư phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cũng thu hút được một số dự án có quy mô lớn;
    – Bước đầu khai thác được tiềm năng du lịch để hình thành các sản phẩm du lịch dịch vụ phục vụ du khách;
    – Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất phục vụ du lịch tương đối phát triển bước đầu đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
    Bên cạnh đó, quá trình phát triển du lịch ở Bình Dương còn tồn tại một số bất cập:
    – Một số khu vực đang phát triển tự phát với quy mô nhỏ lẻ ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững và thương hiệu du lịch của Bình Dương;
    – Thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù có thể tạo thành động lực nâng tầm thương hiệu cho du lịch Bình Dương thu hút khách;
    – Thị trường du lịch dịch vụ chưa phát triển tương xứng với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý kinh tế;
    – Hoạt động của du lịch chiếm vị trí vai trò không đáng kể trong cơ cấu kinh tế;
    – Hoạt động kêu gọi đầu tư phát triển du lịch theo quy hoạch còn chậm, chưa đạt hiệu quả cao;
    – Cơ cấu đầu tư du lịch chưa cân đối, do đó sản phẩm du lịch đơn điệu, nghèo nàn.
        Những kết quả đạt được cũng như tồn tại hạn chế nêu trên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, một trong những nguyên nhân chủ yếu do Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Dương thời kỳ 1998 – 2020 được phê duyệt năm 1997 (từ sau gọi là Quy hoạch 1997) đến nay không còn phù hợp với những điều kiện hiện tại, một số dự báo, định hướng không còn phù hợp với thực tế,… điều này đặt ra yêu cầu phải lập Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới (đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030), để tiếp nối những kết quả đạt được của Quy hoạch 1997 và xây dựng những định hướng, giải pháp cho các giai đoạn tiếp theo nhằm tạo thành cơ sở triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch và làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, góp phần nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
    II. NHỮNG CĂN CỨ LẬP QUY HOẠCH:
    1. Căn cứ pháp lý
    – Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
    – Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
    – Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội;
    – Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội;
    – Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội;
    – Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội;
    – Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ yếu.
    – Quyết định số 06/2011/QĐ-TTg ngày 24/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
    2. Các quy hoạch liên quan
    – Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995-2010 được phê duyệt tại Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 24/5/1995 của Thủ tướng Chính phủ;
    – Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010 được phê duyệt tại Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ;
    – Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam;
    – Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
    – Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Dương, thời kỳ 1998 – 2020 (từ sau gọi tắt là Quy hoạch 1997);
    – Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 81/2007/QĐ-TTg ngày 05/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ;
    – Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và dân cư nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2020;
    – Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020;
    – Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006 – 2020.
    3. Các tài liệu liên quan
    – Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ  IX;
    – Công văn số 303/STMDL-QLDL ngày 13/9/2006 của sở TM&DL Báo cáo tình hình sử dụng đất phục vụ cho quy hoạch phát triển du lịch;
    – Công văn số 63/BC-SVHTTDL ngày 05/12/2008 của Sở VHTT&DL Báo cáo tình hình quản lý cơ sở lưu trú du lịch;
    – Nhiệm vụ Quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 09/3/2009 của UBND tỉnh Bình Dương;
    – Số liệu kinh doanh du lịch qua các năm 1997- 2010;
    – Niên giám thống kê năm 1997- 2010;
    – Cẩm nang du lịch Bình Dương;
    – Một số tài liệu liên quan.
    4. Cơ sở bản đồ
    – Bản đồ du lịch tỉnh Bình Dương;
    – Bản đồ hành chính tỉnh Bình Dương, tỷ lệ 1/100.000.

     

    Xin vui lòng xem nội dung toàn văn dưới đây.
     

    Bài cùng chuyên mục