Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo :”Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng miền núi phía Bắc”

    HTSP     Triển khai thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình hành động quốc gia về Du lịch năm 2015, vào cuối tháng 12 năm 2015, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến cho dự thảo nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng miền núi phía Bắc (Đông Bắc + Tây Bắc). TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện NCPTDL đã đến tham dự và chủ trì hội thảo.

         Tham gia hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các vụ chức năng thuộc tổng cục du lịch, đại diện lãnh đạo các sở VHTTDL 14 tỉnh thuộc Vùng du lịch miền núi phía Bắc (Đông Bắc + Tây Bắc), đại diện hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, và các cơ quan truyền thông.

         Vùng miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh (Vùng Tây Bắc bao gồm tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai); (Vùng Đông Bắc bao gồm tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang).

         Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã chỉ rõ quan điểm phát triển dựa trên thế mạnh của từng khu vực, từng địa bàn trong vùng tạo sản phẩm đặc thù, độc đáo để góp phần thu hút phát triển du lịch của vùng.Theo đó, các dòng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng trung du miền núi phía Bắc được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm: Du lịch về nguồn tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam; tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái núi cao, hang động, hệ sinh thái trung du; nghỉ dưỡng núi; nghỉ cuối tuần; thể thao, khám phá; du lịch biên giới gắn với thương mại cửa khẩu.

          Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh Vùng miền núi phía Bắc là vùng đặc biệt, nơi có 2 cực Tây, cực Bắc của Việt Nam. Vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cả về tài nguyên tự nhiên như sự độc đáo về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái có giá trị; lợi thế về tài nguyên nhân văn là nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống gắn bó lâu đời, là căn cứ cách mạng, an toàn khu cho các cuộc kháng chiến,… Với những giá trị hấp dẫn du lịch như vậy, nhưng việc phát triển du lịch của Vùng cũng chưa tương xứng với tiềm năng du lịch hiện có, các sản phẩm chưa thu hút, thỏa mãn được nhu cầu của khách du lịch, lượng khách du lịch đến Vùng thấp hơn các Vùng du lịch khác. Chính vì vậy, việc xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cho vùng miền núi phía Bắc là hết sức cần thiết, nhằm phát huy thế mạnh Vùng, tăng cường năng lực cạnh tranh chung, nâng cao sức hấp dẫn của toàn vùng, góp phần từng bước hiện thực hóa những mục tiêu và giải pháp phát triển của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

         Trong các phiên thảo luận, các đại biểu đã trao đổi, góp ý cho nhóm nghiên cứu xoay quanh các vấn đề liên quan đến xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng miền núi phía Bắc bao gồm: cách thức xây dựng và quản lý các sản phẩm đặc thù, phát triển nguồn nhân lực du lịch, cơ chế chính sách ưu đãi phát triển du lịch, bảo vệ môi trường du lịch và tài nguyên du lịch,…

    Bài cùng chuyên mục