Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành Du lịch”

      hoithaonganhdl2017 1 Ngày 22/12/2017, Hội thảo Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành Du lịch đã diễn ra tại khách sạn Daewwoo, Hà Nội. Hội thảo do Tổng cục Du lịch chủ trì và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch phố hợp với Văn phòng TCDL tổ chức. Đến dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đại biểu đại diện cho các Hiệp hội Du lịch, lữ hành, khách sạn, đầu bếp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược trong ngành Du lịch và các phóng viên báo chí. Hội thảo đề xuất cụ thể các nội dung liên quan đến những vấn đề trong tái cơ cấu ngành Du lịch, giúp TCDL hoàn thiện đề án trình Chính phủ phê duyệt. Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn chủ trì Hội thảo và điều hành các phiên thảo luận.

       Ngành Du lịch đã trải qua quá trình 57 năm hình thành và phát triển, đến nay đã khẳng định được sự lớn mạnh vượt bậc và thu hút được sự quan tâm và kỳ vọng của Đảng, Chính phủ và các tầng lớp xã hội. Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn đã nêu rõ sự cần thiết phải tái cơ cấu ngành Du lịch. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/1/2018 đã nêu tám nhóm giải pháp nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó nhiệm vụ cụ thể là: Cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Bên cạnh đó, bối cảnh Luật Du lịch năm 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 19/6/2017 sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018 cũng đặt ra yêu cầu về việc tái cơ cấu ngành Du lịch đứng trên góc độ hệ thống bao gồm Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; doanh nghiệp; cộng đồng dân cư, khách du lịch và người lao động. Vì vậy, Tổng cục trưởng TCDL đã nêu phương hướng để Hội thảo trao đổi, góp ý, bao gồm: nhận định những những vấn đề đối với việc tái cơ cấu Ngành, những điểm yếu, lĩnh vực cần phải hoàn thiện, đi kèm với đó là giải pháp thực hiện, vai trò của chủ thể là gì và lộ trình thực hiện như thế nào.

    hoithaonganhdl2017 3

       Các diễn giả tham gia đoàn chủ tọa gồm có: Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn; Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu; TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; Ông Lương Hoài Nam – Phó tổng Giám đốc Vietstar Airlines; Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Tổng giám đốc Công ty Vietravel; TS. Vũ Đặng Hải Yến – Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC; TS. Đỗ Cẩm Thơ – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Tổng cục Du lịch. Các diễn giả đã phát biểu các vấn đề xoay quanh các lĩnh vực chính như:
       1. Cải thiện chính sách visa du lịch;
       2. Chính sách “mở cửa bầu trời” – tạo điều kiện cho các hãng hàng không mới tham gia vào dịch vụ vận chuyển và song song với đó là mở thêm và đưa vào khai thác các sân bay quốc tế;
       3. Phát triển sản phẩm độc đáo, sáng tạo, thông minh, tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển sản phẩm du lịch; Đặc biệt, cần xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm du lịch Việt Nam. Theo đó, phải có phải có một điểm kết nối chung các giá trị của lữ hành, khách sạn, dịch vụ để sản phẩm du lịch Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.
       4. Định hướng trong tương lai về vai trò độc lập của ngành Du lịch trong mô hình Bộ đa ngành ở Việt Nam, thậm chí có thể đề xuất thành lập Bộ Du lịch như hầu hết các nước ASEAN hiện đang áp dụng.
       Các đại biểu tham dự hội thảo đã rất tán thành ý kiến về việc tái cấu trúc ngành Du lịch Việt Nam là để tạo ra một diện mạo mới, thể khoác lên một chiếc áo mới rộng rãi hơn cho ngành Du lịch. Với cách tiếp cận đó, các vấn đề đặt ra là: (1) Đổi mới nhận thức – Tư duy; (2) Đổi mới chính sách; (3) Nâng cao năng lực đội ngũ lao động và (4) Kiện toàn tổ chức.

    hoithaonganhdl2017 2

    Toàn cảnh hội thảo

       Năm 2017 sắp đi qua với nhiều dấu ấn rất đậm nét của ngành Du lịch như Nghị quyết 08-NQ/TW, Luật Du lịch sửa đổi, ngành Du lịch dự kiến sẽ đạt được mục tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế, 74 triệu lượt khách nội địa… Hội thảo Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành Du lịch cũng như một điểm nhấn quan trọng trong lịch sử phát triển ngành Du lịch Việt Nam phù hợp với xu thế mới và tương xứng với tiềm năng của đất nước./.

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục