Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo nhân lực du lịch thích ứng với trạng thái bình thường mới sau đại dịch Covid-19”

    Sáng ngày 26/11/2020 tại Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo nhân lực du lịch thích ứng với trạng thái bình thường mới sau đại dịch Covid-19”.
    Tham dự và điều hành Hội thảo có PGS. TS. Tạ Quang Đông – Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ Giáo dục Đào tạo; PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Ngoài ra, còn có hơn 200 đại biểu đại diện các bộ, ngành, đơn vị liên quan trên cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch TS. Nguyễn Anh Tuấn đã tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo.

    Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Tạ Quang Đông – Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính Trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã tạo cú hích cho du lịch phát triển, đặc biệt trong năm 2019 là năm thành công của du lịch Việt Nam, với các con số ấn tượng cũng như dấu ấn lịch sử trên tất cả các hoạt động của ngành du lịch, từ số lượng khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa đến doanh thu và các danh hiệu mà du lịch Việt Nam đã đạt được. Tuy nhiên, năm 2020 đại dịch Covid đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế toàn cầu, du lịch trên thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo đó, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, việc cắt giảm nhân lực tại các doanh nghiệp trở nên phổ biến, dẫn đến cơ hội việc làm của người học tại các cơ sở đào tạo du lịch bị ảnh hưởng sâu sắc, cơ hội thực tập, việc làm cũng bị gián đoạn hoặc không thực hiện được, qua đó nhiều cơ sở đào tạo đã có những điều chỉnh phù hợp trong công tác tuyển sinh cũng như công tác đào tạo… Vấn đề đặt ra trong bối cảnh trước mắt, về hoạt động đào tạo nhân lực du lịch sẽ được tổ chức như thế nào để thích ứng trong điều kiện hiện nay và đảm bảo việc cung cấp đủ về số lượng và chất lượng cho phát triển ngành trong thời gian tới. Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học bàn bạc, đánh giá tình hình, tác động của đại dịch Covid-19 đến công tác đào tạo nhân lực du lịch; đề ra phương hướng và giải pháp đào tạo nhân lực ngành Du lịch thích ứng với trạng thái bình thường mới sau đại dịch Covid-19 và các rủi ro khác.
    Hội thảo diễn ra với hai phiên làm việc: Phiên 1: Báo cáo tham luận chuyên đề “Đánh giá tác động của Covid-19 đối với ngành du lịch và công tác đào tạo nhân lực du lịch”; Phiên 2: Báo cáo tham luận chuyên đề “Thách thức và cơ hội đối với đào tạo nhân lực du lịch giai đoạn hiện nay và trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”.

    TS. Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tham luận tại Hội thảo

    Tham dự Hội thảo và có bài phát biểu tham luận, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thách thức và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong ngành du lịch, kể cả kinh doanh truyền thống hay trên nền tảng công nghệ, điều này đã ảnh hưởng lớn đến cơ hội việc làm trong ngành du lịch. Đây là thời điểm các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo xem xét cơ hội và thách thức trong đào tạo nguồn nhân lực với mục tiêu đáp ứng tốt nhất về những năng lực quan trọng, cần có để đáp ứng thị trường trong tương lai, bên cạnh đó cần có thêm những cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp để giữ chân được lực lượng lao động trong ngành du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao tại các cơ sở lưu trú và doanh nghiệp lữ hành sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, TS. Nguyễn Anh Tuấn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao nhân lực du lịch như sau:
    – Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, đảm bảo số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập
    – Đa dạng các hình thức đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch
    – Tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục du lịch cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, chương trình và đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý đào tạo
    – Chú trọng liên kết, đa dạng hình thức đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nhân lực du lịch, khuyến khích doanh nghiệp trực tiếp hoặc phối hợp với cơ sở đào tạo tham gia đào tạo nhân lực du lịch…

    Toàn cảnh Hội thảo

    Trong phần thảo luận, các đại biểu quan tâm, chú trọng phần giải pháp đưa ra nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch cũng như khả năng thích ứng với trạng thái bình thường mới sau đại dịch Covid-19, cùng với các nội dung như: đánh giá tác động của đại dịch Covid đối với ngành du lịch và công tác đào tạo nhân lực du lịch; tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực du lịch; thách thức và cơ hội đối với đào tạo nhân lực du lịch giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới; cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; đánh giá thực trạng hiện nay và đề xuất một số dự án ưu tiên, giải pháp cần thiết trước mắt trong đào tạo nhân lực du lịch.
    Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cảm ơn các đại biểu tham dự và đã có những ý kiến tham luận, khuyến nghị sâu sắc về công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân lực du lịch, sự hưởng ứng tích cực của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp hiện nay là hết sức cần thiết góp phần quan trọng cho sự phát triển ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 trong thời gian tới./.

    Doãn Cường

    Bài cùng chuyên mục