Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy ẩm thực truyền thống Việt Nam”

      banner-vitm2018 Ngày 31/3/2018, trong khuôn khổ hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và Phát huy Ẩm thực Truyền thống Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học, nghiên cứu trong lĩnh vực ẩm thực, du lịch, và di sản. Giáo sư sử học Lê Văn Lan, PGS. TS. Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam và ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đã đến dự và phát biểu ý kiến.

       Ẩm thực Việt Nam rất phong phú và độc đáo bởi sự tinh tế, thanh đạm và có sự hài hòa của các loại gia vị, luôn gắn bó với sự phát triển hàng ngàn năm của dân tộc. Các món ăn của người Việt được xây dựng trên nền tảng thực phẩm giản dị, bình dân nhưng rất phong phú. Ẩm thực Việt Nam hấp dẫn khách du lịch, cả khách quốc tế và khách nội địa. Nhiều món ăn truyền thống Việt Nam như phở, bún chả, nem… đã được thừa nhận là những món ăn ngon, độc đáo hàng đầu thế giới và không thể không thưởng thức khi đến Việt Nam.
       Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập Hội Đầu bếp Việt Nam với lực lượng đầu bếp chuyên nghiệp hiện đã có trên 50.000 người. Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về tầm quan trọng của việc Hội Đầu bếp Việt Nam hàng năm tổ chức các sự kiện ẩm thực nhằm khôi phục và bảo tồn, phổ biến các món ăn truyền thống Việt, tôn vinh các món ăn tiêu biểu, tôn vinh các đầu bếp xuất sắc, góp phần nâng cao vai trò của nghề đầu bếp trong xã hội.

    hoithaoamthuc2018-1

    Bà Tôn Nữ Thị Hà – Nghệ nhân ẩm thực tỉnh Thừa Thiên – Huế phát biểu tại hội thảo

       Trước nguyện vọng của các hội viên Hội Đầu bếp Việt Nam, trước nhu cầu đưa nhanh Ẩm thực truyền thống trở thành sản phẩm độc đáo của Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự kiến sẽ triển khai Dự án “Xây dựng khu bảo tồn Ẩm thực truyền thống và tôn vinh Tổ nghề Đầu bếp Việt Nam”. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao hình ảnh của Ẩm thực Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đưa Ẩm thực trở thành một sản phẩm độc đáo của Du lịch Việt Nam. Trước mắt, dự án sẽ đặt mục tiêu khôi phục và bảo tồn các món ăn, đồ uống truyền thống của các dân tộc, xác định Tổ nghề Đầu bếp Việt Nam để tôn vinh Tổ nghề và vinh danh các đại diện tiêu biểu cho lực lượng đầu bếp Việt Nam và các món ăn truyền thống Việt Nam qua các thời kỳ.

       Tham gia góp ý tại Hội thảo, GS.TS. Đặng Văn Bài đưa ra một số khuyến nghị để bảo vệ & phát huy giá trị văn hóa ẩm thực gắn với du lịch bền vững, cụ thể như sau:
       1. Thống kê các loại hình di sản văn hóa ẩm thực đặc sắc của cộng đồng các dân tộc;
       2. Tư liệu hóa di sản văn hóa ẩm thực;
       3. Đưa di sản văn hoá ẩm thực vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;
       4. Vinh danh cho các nghệ nhân;
       5. Đưa di sản văn hoá ẩm thực vào các thiết chế văn hóa, phục vụ DL;
       6. Xây dựng một số trung tâm văn hóa ẩm thực – điểm đến DL;
      7. Phối hợp liên ngành, hợp tác giữa các thành phần liên quan
       TS. Lê Thị Minh Lý – Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản Văn hóa – Hội Di sản Việt Nam bày tỏ ý kiến về việc Hội Đầu bếp Việt Nam có thể làm được và mang lại hiệu quả rõ rệt là việc phong tặng các danh hiệu trong ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, việc đề cử một danh hiệu di sản thì cần nghiên cứu rõ các khía cạnh sau đây: (1) di sản phải liên quan đến sinh kế của cộng đồng; (2) có lợi cho sức khỏe; (3) có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ; (4) có tính gắn kết cộng đồng.

    hoithaoamthuc2018-3

    Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung nhận xét tại hội thảo

       Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung nhận xét: Ẩm thực là tài nguyên có giá trị gắn với phát triển du lịch. Nếu nhận thức về vai trò của ẩm thực trong phát triển du lịch được nâng lên thì sẽ là một lợi thế để phát triển loại hình du lịch ẩm thực và cần nghiên cứu quản lý. Trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành du lịch, các cơ quan cần tăng cường quảng bá, xúc tiến ẩm thực Việt Nam ra thế giới để tăng cường sự hấp dẫn.
       Kết thúc hội thảo, đoàn chủ tọa đã ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, bày tỏ tính cấp thiết trong việc đưa nhanh ẩm thực truyền thống trở thành sản phẩm độc đáo của Du lịch Việt Nam. /.

    hoithaoamthuc2018-2

    Toàn cảnh hội thảo

     Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục