Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố phía bắc với Tp.Hồ Chí Minh: “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Quảng Ninh”

    logoVien

       1. Một số vấn đề chung về sản phẩm du lịch đặc thù

       “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch” (Luật Du lịch Việt Nam, 2005). Các dịch vụ ở đây bao gồm dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ thông tin hướng dẫn và các dịch vụ khác liên quan…

       Trong thực tế phát triển của ngành du lịch, các sản phẩm du lịch được hiểu trong phạm vi rộng hơn, không chỉ giới hạn trong tập hợp các dịch vụ đơn thuần, mà còn bao gồm những yếu tố vật chất và phi vật chất như những nhân tố tạo nên sức hấp dẫn khách du lịch, đó là các nhân tố về tài nguyên du lịch, về khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Dưới góc độ này thì Tổ chức Du lịch Thế giới cho rằng “Sản phẩm du lịch là sự tổng hợp của 3 nhóm nhân tố cấu thành là Tài nguyên du lịch; Hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; và Hệ thống dịch vụ, quản lý điều hành”.

       Sản phẩm du lịch tạo nên sự khác biệt trong phát triển du lịch, tạo nên thương hiệu và hình ảnh của mỗi điểm du lịch, mỗi địa phương và mỗi quốc gia; và được hình thành trên cơ sở kết hợp giữa các giá trị tài nguyên du lịch, các điều kiện về cơ sở hạ tầng xã hội, hệ thống các dịch vụ và khả năng đáp ứng của các cơ sở du lịch. Như vậy, việc nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch, trước hết cần nghiên cứu các yếu tố về “Cầu du lịch”, bao gồm đặc điểm tâm lý, văn hóa, nhu cầu, sở thích, khả năng thu nhập, xu hướng đi du lịch, điểm đến, sản phẩm du lịch ưa thích… của các thị trường khách du lịch; về “Cung du lịch”, bao gồm các đặc điểm về giá trị tài nguyên du lịch (thế mạnh, đặc thù…), các điều kiện về cơ sở hạ tầng xã hội, hệ thống các dịch vụ và khả năng đáp ứng (cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, con người…). Ngoài ra, việc nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch cần tuân theo nguyên tắc phát triển bền vững (kéo dài vòng đời của sản phẩm du lịch), có tính đặc thù riêng, có thương hiệu và đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

       Sản phẩm du lịch đặc thù là những sản phẩm du lịch được xây dựng dựa trên các giá trị đặc thù, độc đáo (có thể là duy nhất), nguyên bản của tài nguyên du lịch; dựa trên các giá trị đặc sắc, thành tựu nổi trội của nền kinh tế – xã hội, khoa học kỹ thuật… của mỗi điểm đến, mỗi địa phương, mỗi quốc gia với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn các nhu cầu của khách du lịch mà còn tạo được những ấn tượng bởi tính độc đáo (duy nhất), sáng tạo… trong lòng du khách.

        Sản phẩm du lịch đặc thù là những sản phẩm có khả năng tạo nên thương hiệu du lịch, hình ảnh du lịch; tạo nên sự khác biệt giữa điểm du lịch này với điểm du lịch khác (giữa địa phương này với địa phương khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác). Tuy nhiên tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch đặc thù còn phụ thuộc vào thị hiếu, phù hợp với nhu cầu của từng thị trường khách du lịch; có thể hấp dẫn với thị trường này, nhưng lại không hấp dẫn đối với thị trường khác.

        Sản phẩm du lịch đặc thù có vị trí vai trò rất quan trọng trong hệ thống sản phẩm du lịch của mỗi điểm đến. Sản phẩm du lịch đặc thù tạo nên sự khác biệt, gây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch; tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch; nâng cao khả năng cạnh tranh… cho mỗi điểm đến.

        Nhân tố quan trọng hàng đầu cấu thành sản phẩm du lịch đặc thù là các giá trị đặc thù của tài nguyên du lịch. Do vậy, tài nguyên du lịch mang ý nghĩa cấp quốc gia, cấp vùng hay cấp địa phương sẽ quyết định sản phẩm du lịch đặc thù có ý nghĩa cấp quốc gia, cấp vùng hay cấp địa phương. Như vậy, sản phẩm du lịch đặc thù có ý nghĩa quốc gia (hay cấp vùng và cấp địa phương) sẽ được xây dựng dựa trên các giá trị đặc thù của tài nguyên du lịch cấp quốc gia (hay cấp vùng và cấp địa phương).

       2. Tài nguyên du lịch điển hình của Quảng Ninh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù

        Quảng Ninh là một tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng, có nhiều lợi thế so sánh với các địa phương khác trong Vùng Đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, cũng như trong cả nước.

       – Lợi thế hàng đầu, sự khác biệt hàng đầu về tài nguyên du lịch của Quảng Ninh so với các địa phương khác trong cả nước là Vịnh Hạ Long – Kỳ quan thiên nhiên thế giới, hai lần được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới với 4 giá trị điển hình là giá trị thẩm mỹ – cảnh quan; giá trị địa chất địa mạo; giá trị văn hóa lịch sử; và giá trị đa dạng sinh học. Các giá trị về tài nguyên của Vịnh Hạ Long không những có ý nghĩa quốc gia mà còn có tầm cỡ trên phạm vị toàn cầu. Các sản phẩm du lịch đặc thù sẽ được xây dựng dựa trên các giá trị điển hình của Vịnh Hạ Long, và sẽ mang tầm quốc gia và quốc tế.

       – Nói đến Quảng Ninh là nói đến Vùng Mỏ, thương hiệu Vùng Mỏ đã trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước, và đã truyền cảm hứng cho những sáng tác vào thơ ca, hội họa. Có thể nói các giá trị về tài nguyên gắn với thương hiệu Vùng Mỏ sẽ là chủ đề để nghiên cứu xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù cho Quảng Ninh, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
        
       – Lịch sử phát triển của Quảng Ninh gắn liền với quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, gắn liền với trận đại thắng trên trên sông Bạch Đằng – một biểu tượng cho truyền thống người Việt đánh giặc ngoại xâm từ phương Bắc. Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã từng ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chiến thắng Bạch Đằng năm 981 và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Với giá trị lịch sử tiêu biểu, với giá trị về chiến thuật quân sự tài tình của Ông Cha ta… sẽ là chủ đề nghiên cứu để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của Quảng Ninh.

       – Yên Tử là một trong những Trung tâm du lịch lễ hội tâm linh, là Trung tâm Phật giáo lớn nhất trong cả nước, hàng năm đón hàng triệu lượt khách hành hương về đây để tham gia lễ hội, cầu siêu, cầu may, vãn cảnh chùa. Nơi đây còn có Chùa Đồng – Ngôi chùa Đồng lớn nhất Châu Á, nằm trên đỉnh núi thiêng Yên Tử cao 1.068m (Chùa Đồng có trọng lượng 70 tấn, chiều dài 4,6m chiều rộng 3,6m chiều cao 3,35m). Về giá trị lịch sử, Chùa Đồng Yên Tử từng là nơi tu hành của vua Trần Nhân Tông, con trưởng của vua Trần Thánh Tông (1258-1308). Ngoài Chùa Đồng, Khu di tích danh thắng Yên Tử còn có một hệ thống chùa mà tiêu biểu là Chùa Hoa Viên, Chùa Giải Oan, Chùa Bí Thượng, Chùa Một Mái…; và bên cạnh đó còn có Thiền viện Trúc lâm Yên Tử… Toàn bộ các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của Yên Tử được kết hợp thành một khối là những nét độc đáo, cá biệt về tài nguyên du lịch của Quảng Ninh, và từ đó có thể nghiên cứu phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

       – Trong phạm vị Vùng Đồng Bằng Sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, và rộng hơn là khu vực phía Bắc…, Trà Cổ, Quan Lạn, Ngọc Vừng… là những địa điểm có lợi thế nổi trội để phát triển du lịch tắm và nghỉ dưỡng biển. Nét đặc biệt ở đây là các bãi cát trắng mịn, nước biển trong xanh, khí hậu mát lành, cảnh quan còn hoang sơ… (những giá trị mà những nơi khác ở phía Bắc không có được).

        Trên đây là 5 giá trị điển hình, giá trị khác biệt về tài nguyên du lịch mà Quảng Ninh có được. Trên cơ sở đó có thể nghiên cứu xây dựng thành những sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

       3. Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Quảng Ninh

       3.1. Quan điểm chung về phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù

        – Tập trung đầu tư phát triển hệ thống các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh đặc biệt.

        – Đầu tư, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù phải đảm bảo tính bền vững, ổn định và lâu dài.

        – Các sản phẩm du lịch đặc thù phải có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh; đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển của các thị trường trong nước và quốc tế.

        – Đầu tư xây dựng một số sản phẩm du lịch hấp dẫn đặc biệt, mang thương hiệu du lịch Quảng Ninh, và có thể đại diện cho thương hiệu du lịch quốc gia, mang hình ảnh Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến.

       3.2. Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù

       A. Dựa trên việc khai thác các giá trị của Vịnh Hạ Long
         + Với giá trị điển hình về thẩm mỹ – cảnh quan: Vịnh Hạ Long là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật hùng vĩ và kỳ lạ của tạo hóa, do vậy bất cứ du khách nào khi đến Hạ Long đều muốn được trải nghiệm, được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ ấy. Du lịch tham quan thắng cảnh Vịnh Hạ Long là một sản phẩm du lịch đặc thù đã và đang được khai thác. Sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh Vịnh Hạ Long mang ý nghĩa tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, hình thức tổ chức tham quan thắng cảnh Vịnh Hạ Long hiện nay còn đơn điệu, chủ yếu tham quan bằng tàu du lịch. Với cách thức này, khách du lịch được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long còn hạn chế tầm nhìn. Gần đây, ở Hạ Long đã đưa vào sử dụng thủy phi cơ để khách tham quan có cơ hội ngắm nhìn Vịnh Hạ Long từ trên cao, phạm vi bao quát rộng hơn. Tuy nhiên, tốc độ của thủy phi cơ sẽ không cho phép khách du lịch có nhiều thời gian để chiêm ngưỡng toàn cảnh Vịnh Hạ Long. Do vậy, cần nghiên cứu và đưa vào sử dụng những hình thức tham quan mới để tạo nên những sản phẩm mới, đặc thù ở Vịnh Hạ Long. Cụ thể:

        – Tổ chức tham quan bằng khinh khí cầu: Lợi thế của việc sử dụng khinh khí cầu là tăng thêm vẻ đẹp cho Vịnh Hạ Long, không gian bao quát rộng, khách du lịch có thể ngắm cảnh từ mọi phía, thời gian bay chậm, du khách có đủ thời gian để cảm nhận vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long từ trên cao…

    Việc sử dụng khinh khí cầu trong tổ chức tham quan Vịnh Hạ Long sẽ tạo nên một diện mạo mới, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Ngoài ra, song song với việc sử dụng khinh khí cầu, hàng năm cần tổ chức Festival quốc tế về khinh khí cầu (Quảng Ninh đã rất thành công với Carnaval Hạ Long, nếu có thêm Festival Khinh khí cầu Hạ Long thì sẽ tạo nên một thương hiệu mới cho du lịch Quảng Ninh), đây sẽ là một sản phẩm du lịch đặc thù mới của Hạ Long.

        – Xây dựng video clip 4D về toàn cảnh Vịnh Hạ Long (kể cả trong các hang động và dưới đáy biển…) với mục đích quảng bá hình ảnh Vịnh Hạ Long (chiếu trong các khách sạn, nhà hàng, trên tàu, bến tàu, và cả ra nước ngoài…).

        – Xây dựng công viên biển mà điểm nhấn là Thủy cung Hạ Long: Thủy cung Hạ Long sẽ được thiết kế theo mô hình Rồng, nửa chìm nửa nổi. Với thủy cung Hạ Long, du khách có thể được chiêm ngưỡng tính đa dạng sinh học biển của Vịnh Hạ Long, được tham quan đáy Vịnh Hạ Long…, tạo nên một sản phẩm mới đặc thù của Hạ Long, và làm tăng thêm vẻ đẹp của Kỳ quan Thế giới…

        + Với giá trị điển hình về địa chất địa mạo: Với tính đa dạng về địa hình núi đá vôi, với sự phong phú về hệ thống hang động…, ngoài những sản phẩm du lịch đang được khai thác hiện nay (tham quan khám phá hang động), cần nghiên cứu xây dựng một số sản phẩm du lịch mới đặc trưng cho Hạ Long dựa trên việc khai thác các giá trị về địa chất địa mạo như:

        – Xây dựng Công viên địa chất Hạ Long, có thể mô phỏng toàn cảnh Vịnh Hạ Long thu nhỏ; vườn sinh vật cảnh theo các chủ đề; lịch sử hình thành của Vịnh Hạ Long; phòng trưng bày và nghiên cứu về các hóa thạch, trầm tích ở Vịnh Hạ Long…

        – Tổ chức các tour du lịch leo núi mạo hiểm, khám phá các đảo, khám phá các hang động mới, khám phá đáy biển…

        + Với giá trị điển hình về đa dạng sinh học: Kết hợp với Công Viên địa chất Hạ Long, mở rộng thêm: Bảo tàng về tính đa dạng sinh học, giới thiệu về các loài đặc hữu ở Hạ Long…

        + Với giá trị điển hình về văn hóa, lịch sử: Kết hợp với Công Viên địa chất Hạ Long, mở rộng thêm Phòng trưng bày, nghiên cứu khảo cổ về Văn hóa Soi Nhụ, Văn hóa Cái Bèo, Văn hóa Hạ Long;

       B. Dựa trên việc khai thác các giá trị thương hiệu “Vùng Mỏ”

        Quảng Ninh còn nổi tiếng với thương hiệu Vùng Mỏ, là vùng khai thác than đá lâu đời của nước ta. Thương hiệu Vùng Mỏ đã được đi vào các bài hát, thơ ca, hội họa… từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc khai thác thương hiệu này vào hoạt động du lịch hầu như chưa được đề cập đến, chỉ mới dừng lại ở việc chế tác một số sản phẩm lưu niệm mỹ nghệ từ than đá để bán cho khách du lịch.

        Việc gắn các hoạt động du lịch với thương hiệu Vùng Mỏ cần được nghiên cứu triển khai để tạo nên một sản phẩm du lịch mới, đặc thù của Quảng Ninh. Theo hướng này có thể nghiên cứu, lựa chọn một hoặc vài đường hầm đã ngừng hoạt động khai thác than để gia cố, tu sửa, lắp hệ thống ánh sáng, thông gió, đảm bảo an toàn, xây dựng các mô hình thợ lò đang khai thác than… để tổ chức cho khách du lịch tham quan. Song song với đó, trước khi khách vào hầm tham quan sẽ được giới thiệu (tại phòng trưng bày, giới thiệu, hướng dẫn) về các công cụ, quy trình, cũng như xem các video clip… về các hoạt động khai thác than.

        C. Dựa trên việc khai thác các giá trị lịch sử gắn liền với Chiến thắng Bạch Đằng

        Hiện nay, việc khai thác các giá trị lịch sử gắn với Chiến thắng trên sông Bạch Đằng lịch sử còn rất hạn chế, chủ yếu khách du lịch đến thăm một số dấu tích của Bãi cọc Bạch Đằng mà chưa có những hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về lịch sử chiến thắng của Ông Cha ta trên sông Bạch Đằng. Nếu tổ chức tốt việc khai thác các giá trị lịch sử này sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc thù cho Quảng Ninh.

        Theo hướng đó, cần nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án Bảo tàng Chiến thắng Sông Bạch Đằng, bao gồm các hạng mục: Khu vực mô phỏng hình ảnh sống động (thu nhỏ) của Chiến thắng Bạch Đằng, phòng trưng bày các hiện vật liên quan, phòng chiếu phim 4D về chiến thắng Bạch Đằng, phòng nghiên cứu, khu vực dịch vụ…

        D. Dựa trên việc khai thác các giá trị của Khu di tích danh thắng Yên Tử

        Với giá trị về tài nguyên du lịch, đặc biệt là Chùa Đồng (lớn nhất Châu Á), hoạt động du lịch tham quan, lễ hội, tâm linh, hành hương ở Yên Tử hiện nay có thể được coi là sản phẩm du lịch đặc thù của Quảng Ninh, có lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm du lịch cùng loại trong Vùng và cả nước.

        Việc cần hoàn thiện ở đây là xây dựng đồng bộ hệ thống các cơ sở dịch vụ du lịch (theo quy hoạch) để đáp ứng nhu cầu cho khách du lịch, góp phần nâng cao chất lượng các các hoạt động du lịch ở Yên Tử.

        E. Dựa trên việc khai thác các giá trị của các bãi biển

        Các bãi biển ở Trà Cổ, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Cô Tô… là những tài nguyên nổi trội của Quảng Ninh so với các địa phương khác trong Vùng. Do vậy việc đầu tư xây dựng các khu (resort) nghỉ dưỡng biển cao cấp sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù mang tính cạnh tranh cao trong Vùng. Bên cạnh đó, để làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, có thể tổ chức cho khách tham quan và trải nghiệm các trang trại nuôi trồng hải sản – đặc sản của vùng biển Quảng Ninh (tu hài, trai ngọc, sá sùng…).

    TS. Lê Văn Minh – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục