Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hải Dương đến năm 2020

    Sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch

             Hải Dương là địa phương nằm trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, có vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, trong đó có du lịch với các tỉnh trong vùng đồng bằng Bắc bộ đặc biệt là các trung tâm động lực của vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh qua hệ thống tuyến giao thông quan trọng là quốc lộ 5, quốc lộ 18, quốc lộ 10 và hệ thống sông Thái Bình, sông Kinh Thầy.

             Là một tỉnh đồng bằng có diện tích không lớn với 1.655,98 km2 song với bề dày lịch sử phát triển và những đặc điểm về địa lý, Hải Dương có tiềm năng tài nguyên du lịch tương đối phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều tài nguyên có giá trị đặc biệt như khu di tích danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc; khu di tích Văn Miếu Mao Điền; v.v.

             Để quản lý, khai thác và phát huy tiềm năng du lịch nhằm phát triển một ngành kinh tế được xác định là quan trọng của tỉnh, năm 2004 quy hoạch tổng thể Phát triển du lịch tỉnh Hải Dương đến 2020 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch 2004) đã được xây dựng và phê duyệt tại quyết định số 1433/QĐ-UBND ngày 16/4/2004 của UBND tỉnh Hải Dương.  

             Trong hơn 5 năm thực hiện, Quy hoạch 2004 đã có những đóng góp quan trọng vào những thành tựu đạt được của du lịch Hải Dương, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý và khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú; hình thành hệ thống các khu, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn; v.v. Tuy nhiên trong quá trình phát triển du lịch Hải Dương thời gian qua, một số vấn đề hạn chế và còn chưa được làm rõ trong Quy hoạch 2004 liên quan đến phát triển thị trường và sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh cao; liên quan đến tổ chức lãnh thổ du lịch Hải Dương trong mối quan hệ với gắn kết với tổ chức lãnh thổ du lịch của vùng du lịch Bắc Bộ, trước hết là với Trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận; liên quan đến môi trường và sự tham gia của cộng đồng hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững; v.v. đã và đang có những ảnh hưởng đến phát triển du lịch Hải Dương. Bên cạnh đó, sự phát triển của du lịch Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng trong giai đoạn đến năm 2020 sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức mới; nhiều vấn đề kinh tế xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng cũng đã có những thay đổi trong bối cảnh du lịch Việt Nam hội nhập ngày một toàn diện hơn với khu vực và quốc tế tác động đến hoạt động phát triển du lịch; tính cạnh tranh trong phát triển du lịch giữa các điểm đến du lịch, trong đó có Hải Dương diễn ra ngày một gay gắt hơn. 

             Đứng trước những vấn đề đặt ra trên đây và để du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, theo đó “Đến năm 2020, Hải Dương trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển, trong đó công nghiệp và dịch vụ có tỷ trọng lớn trong có cấu kinh tế, có nền văn hóa – xã hội tiên tiến” cần thiết là phải điều chỉnh Quy hoạch 2004 nhằm xem xét đánh giá có hệ thống hơn tiềm năng và vị trí của ngành du lịch, xác định những định hướng phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh cũng như xu hướng phát triển kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế, đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững về lâu dài.

     Mục tiêu và nhiệm vụ điều chỉnh

    Mục tiêu:

           Điều chỉnh Quy hoạch 2004 trên quan điểm phát triển du lịch bền vững đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương đặt ra tại Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 – 2020 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn mới đến năm 2020 gắn liền với bối cảnh hội nhập của du lịch với khu vực và quốc tế.

    Nhiệm vụ điều chỉnh:

    Căn cứ vào mục tiêu, những nhiệm vụ chủ yếu của Điều chỉnh Quy hoạch phát triển du lịch Hải Dương đến năm 2020 bao gồm :

    – Đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch được đưa ra tại Quy hoạch 2004 đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt tại Quyết định số 1433/QĐ-UBND ngày 16/4/2004; xác định những kết quả đạt được, những hạn chế, và những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng.

    – Xác định vị trí, vai trò, lợi thế, những cơ hội và thách thức của du lịch Hải Dương đối với phát triển du lịch trong giai đoạn đến năm 2020 gắn với bối cảnh kinh tế – xã hội và du lịch trong nước cũng như quốc tế.

    – Phân tích, đánh giá bổ sung có hệ thống tiềm năng và những nguồn lực phát triển du lịch của Hải Dương; mối quan hệ trong phát triển du lịch giữa Hải Dương với thủ đô Hà Nội và các địa phương phụ cận thuộc địa bàn kinh tế trọng điểm Phía Bắc; những tác động của xu thế phát triển du lịch trong nước và quốc tế đối với mục tiêu phát triển du lịch của Hải Dương.

    – Xác định quan điểm, mục tiêu, tính chất, quy mô phát triển, dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch Hải Dương trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

    – Xác định các định hướng phát triển thị trường – sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch đặc thù gắn với hoạt động marketing du lịch phù hợp với điều kiện của Hải Dương và xu thế phát triển du lịch trong nước và quốc tế.

    – Nghiên cứu đánh giá và đề xuất điều chỉnh định hướng phát triển du lịch theo lãnh thổ phù hợp với bối cảnh phát triển mới trong mối quan hệ liên vùng với các địa phương thuộc Trung tâm Hà Nội và phụ cận; vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; với khu vực và quốc tế.

    – Điều chỉnh định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phù hợp với điều chỉnh tổ chức lãnh thổ du lịch và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của Hải Dương và định hướng tổ chức lãnh thổ du lịch Trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận đến năm 2020.

    – Xác định danh mục các địa bàn, lĩnh vực và dự án ưu tiên đầu tư phát triển du lịch của Hải Dương với phân kỳ phát triển hợp lý.

    – Đề xuất các giải pháp phát triển du lịch Hải Dương trong giai đoạn 2011 – 2020.

    Xin vui lòng mở tập tin đính kèm để xem toàn văn bản quy hoạch!

    Bài cùng chuyên mục