Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

       BĐkhonggianSonLa1. Sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch

       Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La giai đoạn 2007 – 2015 và định hướng đến năm 2020 (sau đây gọi là Quy hoạch năm 2007) được phê duyệt tại quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 26/3/2008. Quy hoạch được thực hiện trong bối cảnh bước đầu có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Những năm đầu thế kỷ XXI, Du lịch thế giới phát triển mạnh mẽ với xu thế chuyển dần sang khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và đặc biệt là khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Ở trong nước và trên địa bàn tỉnh Sơn La, du lịch phát triển trong môi trường ngày càng được cải thiện: kinh tế phát triển với nhịp độ tăng trư¬ởng khá cao; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng đư¬ợc nâng lên; quan hệ quốc tế của Việt Nam rộng mở; tình hình chính trị – xã hội ổn định, bảo đảm điểm đến an toàn, thân thiện cho khách du lịch quốc tế; tài nguyên du lịch đư¬ợc bảo tồn và phát triển; hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được chú trọng đầu t¬ư nâng cấp. Vị trí, vai trò của Du lịch ngày càng được nâng cao, từng b¬ước vư¬ơn lên trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực vào tiến trình đổi mới, hội nhập khu vực và thế giới của đất nước.

       Trong bối cảnh thực hiện như vậy, nội dung quy hoạch đã có những định hướng quan trọng cho phát triển du lịch tỉnh thời gian qua. Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, du lịch tỉnh Sơn La đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận…

       Những kết quả đánh giá thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập, tỷ trọng GDP và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân. Du lịch Sơn La đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh.

       Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, đánh giá qua 7 năm thực hiện quy hoạch cho thấy du lịch Sơn La phát triển còn nhiều hạn chế và bất cập; kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, phát triển nhưng thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp những yếu tố mới và có nhiều yếu tố thiếu bền vững.

       Những năm gần đây, tình hình thế giới cũng có những biến động phức tạp. Thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế và nhiều yếu tố bất lợi khác trên thế giới đang gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội, trong đó có du lịch Việt Nam.

       Bên cạnh đó, xu hướng hội nhập, hợp tác, cạnh tranh toàn cầu, giao lưu mở rộng và tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong nền kinh tế tri thức trên thế giới đang tạo những cơ hội to lớn đồng thời cũng là thách thức đối với phát triển du lịch cả nước trong đó có du lịch Sơn La.

       Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Việt Nam với việc gia nhập các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại, trong đó có du lịch phát triển.

       Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược và năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 làm cơ sở quan trọng cho các địa phương trên cả nước lập quy hoạch phát triển ngành phù hợp với tiến trình và tổng thể phát triển chung.

       Đối với địa phương, ngày 01/4/2013 Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Sơn La đã ra Nghị quyết số 19/NQ-TU của về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

       Trước bối cảnh và xu hướng đó, ngành du lịch Sơn La cần thiết phải được điều chỉnh định hướng quy hoạch phát triển với tầm nhìn dài hạn và mang tính đột phá để làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch tỉnh phù hợp với định hướng phát triển du lịch Du lịch Việt Nam; vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, với đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới.

       Theo đó việc Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch Sơn La với giai đoạn phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là cần thiết và cấp bách.

       2. Giới hạn, phạm vi điều chỉnh quy hoạch

       – Về không gian: Theo địa giới hành chính tỉnh Sơn La: Phía Bắc giáp các tỉnh Yên Bái và Lai Châu; phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh Luông Pha Băng, Huổi Phan của CHDCND Lào; phía Đông giáp các tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ; phía Tây giáp tỉnh Điện Biên.

       Diện tích tự nhiên: 14.174,44 km2, dân số năm 2013 là 1.150,5 nghìn người, mật độ 81 người/ km2.

       – Về thời gian: Đánh giá hiện trạng giai đoạn 2007 – 2013; tính toán điều chỉnh dự báo và định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

       3. Căn cứ điều chỉnh quy hoạch

       – Luật Đất đai năm 2013 số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013;
       – Luật Du lịch Việt Nam số 44/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
       – Luật Di sản Văn hoá số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18/06/ 2009;
       – Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11ngày 29/11/200;
       – Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013;
       – Luật 28/2009/QH12 ngày 19/6/2009 về sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;
      – Nghị quyết 37-NQ/TW nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 và Kết luận 26-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW do Ban Chấp hành Trung ương ban hành;
       – Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
       – Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
       – Nghị định 98/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
      – Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/1/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội;
       – Nghị định số 180/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Luật du lịch;
       – Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) tỉnh Sơn La;
       – Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030;
       – Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
       – Quyết định số 1959/ QĐ-TTg ngày 29/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế – Xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2020;
       – Quyết định số 91/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm` 2020;
       – Quyết định số 1064/QĐ-TTg ngày 08/07/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể KTXH vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020;
       – Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 21/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030;
       – Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt , điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
       – Thông tư 01/2012/TT-BKHĐT ngày 9/2/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
       – Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010 – 2015;
       – Nghị quyết số số 19/NQ-TU ngày 01/4/2013 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La về phát triển du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030;
       – Quyết định số 743/ QĐ-UNBD ngày 26/3/2008 của UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La giai đoạn 2007-2015 và định hướng đến năm 2020;
       – Quyết định số 1067 /QĐ-UNBD ngày 31/5/2013 của UBND tỉnh Sơn La về việc cho phép lập dự án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
       – Quyết định số 1489/QĐ-UĐND ngày 16/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Quyết định ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TU ngày 01/4/2013 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La về phát triển du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030;
       – Quyết định số 2716/QĐ-UNBD ngày 18/11/2013 của UBND tỉnh Sơn La phê duyệt đề cương, dự toán Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
       – Quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
       – Quy hoạch các ngành có liên quan (giao thông vận tải, cấp thoát nước, đô thị, thông tin và truyền thông, dịch vụ…) trên địa bàn tỉnh;
       – Niên giám thống kê Sơn La năm 2011, 2012, 2013 và các tài liệu khác có liên quan.

       4. Mục tiêu và nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch
       4.1. Mục tiêu

       Điều chỉnh quy hoạch du lịch tỉnh Sơn La là bước cụ thể hóa Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2020; Nghị quyết Tỉnh ủy tỉnh Sơn La về phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, qua đó đề xuất được:

       – Điều chỉnh, bổ sung hệ thống quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Sơn La một cách toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường.
       – Điều chỉnh, bổ sung các định hướng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Sơn La phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để làm cơ sở lập các quy hoạch cụ thể và các dự án đầu tư phát triển du lịch tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

       4.2. Nhiệm vụ

       Thực trạng phát triển du lịch Sơn La trong thời gian qua và xu thế phát triển du lịch chung trong giai đoạn mới đòi hỏi một số nội dung của Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Sơn La (2007 – 2015) cần được bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, cụ thể như sau:

       – Kiểm kê, đánh giá, bổ sung các yếu tố nguồn lực phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2030.
       – Rà soát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch tỉnh Sơn La giai đoạn 2006-2013 để rút ra những bài học kinh nghiệm cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
       – Dự báo, nhận định những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đối với phát triển du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Sơn La nói riêng trong giai đoạn phát triển mới.
       – Xác định hệ thống quan điểm và mục tiêu phát triển du lịch Sơn La phù hợp định hướng phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam, vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và kinh tế – xã hội địa phương.
       – Điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển du lịch đến năm 2020 và bổ sung dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch đến năm 2030.
        – Điều chỉnh định hướng khai thác thị trường và sản phẩm du lịch phù hợp Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn mới.
       – Điều chỉnh và bổ sung định hướng phát triển về không gian, tổ chức tuyến, điểm du lịch và khu du lịch trên địa bàn
       – Bổ sung và điều chỉnh một số dự án ưu tiên đầu tư phát triển du lịch.
       – Điều chỉnh, bổ sung một số chính sách và giải pháp thực hiện.

       5. Phương pháp điều chỉnh quy hoạch

       – Phương pháp thu thập tài liệu: Được sử dụng để lựa chọn những tài liệu, số liệu, những thông tin có liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu trong điều chỉnh quy hoạch. Phương pháp này rất quan trọng, là tiền đề giúp cho việc phân tích, đánh giá tổng hợp các nội dung và đối tượng nghiên cứu một cách khách quan và chính xác. Phương pháp này được sử dụng để thu thập các tài liệu, số liệu như: Hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, hiện trạng các chỉ tiêu về du lịch (khách du lịch, thu nhập du lịch, lao động ngành du lịch)…của tỉnh Sơn La.

       – Phương pháp phân tích tổng hợp: Được sử dụng trong suốt quá trình phân tích, đánh giá toàn diện các nội dung, các đối tượng nghiên cứu trong điều chỉnh quy hoạch như: Thực trạng tiềm năng tài nguyên du lịch; thực trạng công tác tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên du lịch; thực trạng phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; thực trạng biến động của môi trường du lịch; thực trạng phát triển của các chỉ tiêu kinh tế du lịch…

       – Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa: Được thực hiện nhằm điều tra bổ sung hoặc kiểm tra lại những thông tin quan trọng cần thiết cho quá trình phân tích, đánh giá và xử lý các tài liệu và số liệu. Thông qua phương pháp này cho phép xác định cụ thể hơn về vị trí, ranh giới, quy mô cũng như tầm quan trọng của các đối tượng nghiên cứu; đồng thời còn cho phép xác định khả năng tiếp cận đối tượng (xác định được khả năng tiếp cận bằng các loại phương tiện gì từ thị trường khách du lịch đến các điểm tài nguyên). Mặt khác, trong thực tế công tác thống kê các số liệu của các ngành nói chung và của ngành du lịch nói riêng còn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, còn nhiều bất cập và chưa thống nhất, do vậy phương pháp nghiên cứu và khảo sát thực địa tại chỗ là không thể thiếu trong quá trình điều chỉnh quy hoạch.

       – Phương pháp kế thừa: Kế thừa các tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước và các số liệu từ các quy hoạch khác liên quan.

       – Phương pháp xử lý số liệu: Các số liệu điều tra, thu thập trong quá trình khảo sát thực địa và thu thập tài liệu được phân tích xử lý bằng phần mềm excel và các phần mềm khác phục vụ cho việc phân tích, đánh giá hiện trạng và đưa ra các định hướng phát triển phù hợp.

       – Phương pháp dự báo, chuyên gia: Được áp dụng để nghiên cứu một cách toàn diện các yếu tố khách quan và chủ quan; các yếu tố trong nước và quốc tế; các yếu tố trong và ngoài ngành du lịch; những thuận lợi và khó khăn thách thức… có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển du lịch của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Trên cơ sở đó dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch một cách bền vững; nghiên cứu tổ chức không gian lãnh thổ du lịch trong việc đề xuất các trọng điểm, các dự án, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư cũng như trong việc xác định các sản phẩm du lịch đặc thù.

       – Phương pháp bản đồ: Được sử dụng trên cơ sở kết quả các nội dung phân tích, đánh giá, tổng hợp của điều chỉnh quy hoạch. Với các kết quả đã được nghiên cứu, thông qua phương pháp bản đồ sẽ thể hiện một cách trực quan các nội dung nghiên cứu, các số liệu cụ thể trên biểu đồ; cũng như xác định đặc điểm và sự phân bố theo lãnh thổ của các đối tượng được nghiên cứu trên bản đồ (sự phân bố nguồn tài nguyên, sự phân bố của hệ thống kết cấu hạ tầng, các tuyến điểm du lịch, các hạt nhân du lịch, các dự án ưu tiên đầu tư phát triển…).

    Bài cùng chuyên mục