Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khảo sát thực địa tại huyện Chi Lăng, Lạng Sơn

    Đề án “Phát triển du lịch huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là nhiệm vụ do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch làm đơn vị tư vấn, với mục đích nhằm tạo cơ sở cho việc quản lý, khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
    Triển khai hoạt động thuộc Đề án, từ ngày 19-22/9/2019, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức đoàn công tác khảo sát thực địa tại huyện Chi Lăng do Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn làm trưởng đoàn cùng các thành viên tham gia đề án.
    Chi Lăng là một huyện miền núi phía nam của tỉnh Lạng Sơn, là cửa ngõ chính ở phía Bắc tổ quốc, là yết hầu của đất nước trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh xâm lược phương Bắc. Ngoài việc sở hữu nhiều tài nguyên du lịch thiên nhiên và văn hóa hấp dẫn, cái tên Chi Lăng còn gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc.
    Trên địa bàn huyện hiện nay có nhiều dân tộc sinh sống như dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mường, Cao Lan, Sán Chỉ, Ngái, Kinh với những bản sắc văn hóa riêng độc đáo. Một số làn điệu hát then, hát sli, hát lượn, hát phong slư, hát lượn cổ Tày- Nùng, múa chầu, xiêngtâng, múa sư tử của các nghệ nhân tại các xã Gia Lộc, Bằng Mạc, Quan Sơn… được làm tư liệu để bảo tồn và lưu giữ tại Viện Âm nhạc Việt Nam. Các điệu múa Xiêng tâng, múa Chầu mang đậm sắc thái của vùng xứ Lạng. Chi Lăng còn có nhiều di tích đình, đền, chùa như Đền Chầu Bát (TT. Đồng Mỏ), Đền Chầu Mười (xã Hòa Bình), Đền suối Lân (TT. Chi Lăng), Chùa Làng Trung (xã Quang Lang); Các lễ hội cổ truyền có lễ Hội làng Than Muội (xã Quang Lang), Hội chợ Háng Ví (xã Chiến Thắng), Hội chợ Nhân Lý (xã Nhân Lý) với nhiều hoạt văn hóa cổ truyền như đẩy gậy, tung Còn, quay sảng…. Bên cạnh đó, Chi Lăng còn được biết đến là địa phương có nhiều phong cảnh đẹp của vùng núi với các điểm danh thắng, di tích lịch sử, du lịch sinh thái trên địa bàn như danh thắng Hang Gió, Hang Nàng Tiên, thảo nguyên Khau Sao, thác Hố Dùng,… nếu tuyên truyền quảng bá tốt, Chi Lăng sẽ thú hút được nhiều du khách trong nước và nước ngoài để phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ du lịch.
    Với mục tiêu tìm hiểu thực trạng phát triển du lịch, đánh giá một số điểm có khả năng khai thác phát triển du lịch, đoàn công tác đã tiến hành khảo sát các di tích, danh thắng nổi bật của địa phương như: Suối Pá Mị, thác Hố Dùng, Cổng trời, thảo nguyên Khau Sao (xã Hữu Kiên); Làng văn hóa Làng Khoác (xã Bằng Mạc); Rừng Nghiến (thôn Lũng Nưa, xã Gia Lộc); cảnh quan và các cơ sở sản xuất Cao Khô (xã Vạn Linh); Hang Nàng Tiên (thôn Quán Hàng, xã Thượng Cường), Danh thắng Hang Gió (xã Mai Sao); Đền Chầu Năm Suối Lân, Đền Chầu Bát, Đền Chầu Mười, Ga Đồng Mỏ, Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng, Lũy Ải, Núi Quỷ, Ải Chi Lăng (cũ), Núi Mặt Quỷ, Đấu Đong quân, Thành Kho, Núi Kỳ Lân, Núi Mã Yên, Bãi Đầm, Hòn Đá Mổ lợn…
    Bên cạnh đó, để nắm bắt tình hình khai thác và quản lý phát triển du lịch tại địa phương, đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo UBND, cán bộ phòng Văn hóa Thông tin huyện, cán bộ phụ trách các xã. Đoàn khảo sát đã kết thúc chuyến khảo sát thành công tốt đẹp và thu thập được nhiều dữ liệu quan trọng từ thực địa để phục vụ Đề án.
    Một số hình ảnh của đoàn công tác:

    Đoàn khảo sát làm việc với UBND huyện Chi Lăng
    Đoàn Khảo sát tại làm việc tại Làng Văn hóa Làng Khoác – Xã Bằng Mạc
    Đoàn khảo sát chụp với nghệ nhân hat Sli – Xã Vân Thủy
    Khảo sát Thác Hố Dùng – Xã Hữu Kiên

    Văn Dương

    Bài cùng chuyên mục