Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo “Phân tích, đánh giá xu hướng phát triển du lịch golf ở Việt Nam”

    Ngày 06/11/2019, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức Hội thảo xin ý kiến Nhiệm vụ Thường xuyên theo chức năng 2019 về “Phân tích, đánh giá xu hướng phát triển du lịch golf ở Việt Nam”. Hội thảo tổ chức nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực thể thao, du lịch để đề xuất những giải pháp phù hợp thực tiễn, có tính khả thi cao cho báo cáo nhiệm vụ.

    TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, chủ trì Hội thảo

    TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chủ trì Hội thảo. Buổi họp có sự tham gia của các chuyên gia từ lĩnh vực thể thao và du lịch gồm PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt – Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao; ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Vụ trưởng vụ Thể thao thành tích cao II, Trưởng bộ môn Golf – Bowling, Tổng cục Thể dục Thể thao; ông Chu Đức Tâm – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thịnh- Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam; ông Vũ Nguyên – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam; ông Trần Ngọc Hải -Tổng giám đốc sân golf Long Biên. Ngoài ra, cũng có sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp du lịch như công ty du lịch Indovina travel, Alegolf, HanoiRedtours, Viettrans tour, Green tours và các cán bộ nghiên cứu của Viện NCPT Du lịch.

    ThS. Nguyễn Thị Lan Hương – Chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu

    Thay mặt nhóm thực hiện, ThS. Nguyễn Thị Lan Hương trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu nhiệm vụ với bốn nội dung chính: (1) tổng quan về du lịch golf, (2) khái quát thực trạng phát triển du lịch golf, (3) du lịch golf ở Việt nam, (4) một số vấn đề đặt ra đối với du lịch golf ở Việt Nam, định hướng và đề xuất giải pháp phát triển. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, nhiệm vụ đề xuất 5 giải pháp phát triển du lịch golf tại Việt Nam: về cơ chế chính sách; về phát triển sản phẩm du lịch golf; về nghiên cứu và phát triển thị trường; về marketing và quảng bá và liên kết hợp tác.

    Ông Trần Ngọc Hải -Tổng giám đốc sân golf Long Biên phát biểu tại Hội thảo

    Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Cường – Tổng giám đốc Công ty du lịch Indovina Travel trình bày tham luận “Du lịch golf Việt Nam – thực trạng và xu hướng”. Trong những năm gần đây, một thực trạng ghi nhận được đó là phong trào chơi golf phát triển ngày càng mạnh, nhất là từ năm 2015. Theo ông Cường, số lượng người Việt Nam chơi golf ước tính khoảng 100.000 người, và trong tương lai, con số này chắc chắn sẽ tăng nhanh và mạnh. Một trong những đặc điểm nổi bật của của khách chơi golf đó là họ sẵn sàng chi trả chi phí rất cao cho chất lượng dịch vụ. Bên cạnh những con số ấn tượng (về doanh thu, lượng người chơi, những danh hiệu…) của du lịch golf đạt được, ông Cường cũng nêu ra khó khăn của công ty du lịch hiện đang khai thác du lịch golf gặp phải như golfer ở Việt Nam khó tính, đòi hỏi yêu cầu phục vụ chuyên nghiệp; tuy nhiên hỗ trợ của sân golf đối với các doanh nghiệp còn hạn chế, không có sự hỗ trợ nhiều về giá (không có sự khác biệt giá so với mức giá của khách golf lẻ)… Ông cũng đưa ra kiến nghị về điều chỉnh thuế đối với đầu tư, kinh doanh sân golf ở mức hợp lý, nhằm giảm giá thành các dịch vụ chơi golf, tạo điều kiện cho việc phổ biến rộng rãi bộ môn thể thao golf trong toàn xã hội; nâng cao vai trò của Hiệp hội golf Việt Nam và Hiệp hội du lịch golf Việt Nam; cần sự phối hợp chặt chẽ của các nhà đầu tư, quản lý sân golf với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và cộng đồng địa phương trong việc xây dựng, phát triển và xúc tiến những tour du lịch golf kết hợp các loại hình du lịch khác (nghỉ dưỡng, tham quan…).
    Tiếp đó, Hội thảo diễn ra sôi nổi với phần trao đổi, thảo luận của các chuyên gia tham dự từ phía đại diện sân golf, Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, Hiệp hội Golf Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch.
    Ông Trần Ngọc Hải -Tổng giám đốc sân golf Long Biên nhận định: hiện các sân golf Việt Nam chủ yếu kinh doanh tự phát (chưa có sự liên kết hỗ trợ của Tổng cục du lịch, các Hiệp hội); chưa có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các sân golf với các công ty du lịch, vai trò của Hiệp hội golf còn mờ nhạt, bên cạnh đó là mức thuế “đặc biệt” dành cho các sân golf cao là những nguyên nhân dẫn đến du lịch golf ở Việt Nam – rất có tiềm năng nhưng chưa phát triển so các nước làng giềng như Thái Lan.
    Ông Nguyễn Quốc Hùng- Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II, Tổng cục thể dục thể thao đánh giá: Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển thể thao golf cũng như du lịch golf như đội ngũ phục vụ (caddie) chuyên nghiệp (1 caddie phục vụ 1 golfer), lợi thế về thời tiết (có thể chơi golf quanh năm), nhân công rẻ… Vì vậy, du lịch golf hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.
    Góp ý về giải pháp phát triển du lịch golf tại Việt Nam các đại biểu nhấn mạnh: Về giải pháp liên kết cần đẩy mạnh kết nối các đại lý du lịch và các sân golf, liên kết giữa Tổng Du lịch và Tổng cục Thể dục Thể thao và giữa các Hiệp hội; Về phát triển sản phẩm (kết hợp du lịch golf với các sản phẩm du lịch khác như tham quan, tìm hiểu văn hóa, chăm sóc sắc đẹp – spa…) ; Về quảng bá, xúc tiến (tập trung quảng cáo ngay tại các hội chợ du lịch trong nước; tổ chức Hội chợ Du lịch golf quốc tế tại Việt Nam…) bên cạnh đó, việc cải thiện chất lượng dịch vụ tại sân golf, nâng cao trình độ ngoại ngữ của caddie cũng cần được chú trọng …

    Toàn cảnh Hội thảo

    Kết thúc Hội thảo, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa cảm ơn sự góp mặt, những góp ý đầy nhiệt huyết của các chuyên gia nhằm phát triển du lịch golf ở Việt Nam trong thời gian tới và đây cũng là những ý kiến quý báu, hữu ích cho nhóm thực hiện hoàn thiện nội dung báo cáo nhiệm vụ./.

    Thanh Hiền

    Bài cùng chuyên mục