Vị trí, vai trò du lịch Khánh Sơn trong phát triển kinh tế xã hội của huyện và ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa
Tóm tắt: Khánh Sơn sở hữu những lợi thế khác biệt về mặt tài nguyên của huyện miền núi so với các điểm đến nghỉ dưỡng biển, đảo của tỉnh Khánh Hòa xác định phát triển du lịch Khánh Sơn giữ vai trò quan trọng trong phát triển du lịch của tỉnh, được thể hiện trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng huyện Khánh Sơn là tiểu đô thị sinh thái núi rừng. Phát triển du lịch huyện Khánh Sơn nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch liên kết biển – rừng sẽ góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch tỉnh Khánh Hòa, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch tỉnh, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo sức hút cho điểm đến Khánh Hòa.
Hiện nay, du lịch Khánh Sơn vẫn chưa phát triển, nói chính xác hơn là mới bắt đầu những bước đi đầu tiên, nhưng với lợi thế nêu trên, Khánh Sơn hoàn toàn có thể trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng đặc biệt là sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi. Du lịch Khánh Sơn phát triển sẽ tạo một điểm nhấn riêng biệt so với các phố biển náo nhiệt của Khánh Hòa nói riêng và của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung.
Vị trí, vai trò của du lịch đối với phát triển KT-XH của huyện Khánh Sơn
Trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Khánh Hòa, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Đối với huyện Khánh Sơn, du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Huyện. Một trong những quan điểm tại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Khánh Sơn đến năm 2025 là “Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa; chú trọng phát triển theo chiều sâu các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch có lợi thế …”.
Theo đó, du lịch luôn được quan tâm, chú trọng, đưa vào nghị quyết, chương trình công tác hàng năm của Ủy ban nhân dân huyện. Mục tiêu chính được xác định trong Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 30/8/2016 về thông qua Chương trình phát triển du lịch huyện Khánh Sơn giai đoạn 2016 – 2020, định hướng năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là: “Khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương về tài nguyên du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội bền vững” đã nhận định vị trí quan trọng của phát triển du lịch trong phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Những năm gần đây, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện Khánh Sơn đã đạt được khá nhiều kết quả tích cực: lượng khách du lịch đến huyện có sự tăng trưởng hàng năm (đặc biệt qua 2 mùa lễ hội trái cây Khánh Sơn, lượng khách đến thăm quan tăng mạnh; năm 2022, qua 04 ngày lễ hội đã thu hút được 15.000 lượt khách đến với Khánh Sơn), hình ảnh du lịch Khánh Sơn đã bắt đầu được biết đến.
Tuy vậy, du lịch Khánh Sơn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có, chưa có những đóng góp đáng kể về kinh tế, thời gian tới khi Đề án phát triển du lịch huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 được thực hiện và du lịch huyện phát triển, du lịch sẽ có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của huyện, cụ thể:
Du lịch huyện Khánh Sơn phát triển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện để các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Phát triển du lịch và dịch vụ du lịch ở huyện Khánh Sơn sẽ góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; tăng tỷ trọng đóng góp của ngành trong cơ cấu kinh tế chung; tăng nguồn thu cho ngân sách… phù hợp chính sách phát triển kinh tế, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đối với các địa phương miền núi. Ngành dịch vụ du lịch phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để một số ngành kinh tế như nông nghiệp (trồng cây ăn quả như sầu riêng, mít, măng cụt, mía tím…), tiểu thủ công nghiệp (sản xuất các mặt hàng lưu niệm quà tặng cho khách du lịch) tại địa phương gia tăng sản xuất.
Góp phần tăng khả năng tiêu thụ những sản phẩm hàng hóa khác, gia tăng sản xuất một số mặt hàng. Khách du lịch tới Khánh Sơn không chỉ với mục đích tham quan, trải nghiệm thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa, họ còn có nhu cầu mua sắm, thưởng thức đặc sản địa phương. Qua đó, ngoài việc tiêu thụ sản vật tại chỗ, nhu cầu mua sắm đặc sản làm quà cho người thân, bạn bè sau mỗi chuyến đi cũng trở thành kênh quảng bá sản phẩm nông sản có lợi thế so sánh địa phương như: sầu riêng, mít, chôm chôm, măng cụt,…
Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc. Du lịch phát triển đi đôi với gìn giữ, phát huy các giá trị cảnh quan, các di tích, các giá trị văn hóa. Là địa phương có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa truyền thống của Khánh Sơn. Giá trị văn hóa chính là giá trị cốt lõi tạo sự khác biệt giữa các địa phương. Do đó, du lịch Khánh Sơn phát triển sẽ góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện đặc biệt là của đồng bào Raglai. Thông qua quảng bá và sự giao lưu của khách du lịch, lễ hội, các phong tục truyền thống sẽ được lưu truyền; nghệ thuật truyền thống với các làn điệu sử thi, dân ca, dân vũ, không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng…; các nghề thủ công truyền thống được khôi phục.
Góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, góp phần mở rộng sinh kế cho người dân. Du lịch huyện Khánh Sơn phát triển giúp tạo cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Ngoài việc thu hút lực lượng lao động trực tiếp phục vụ trong du lịch (lao động tại khách sạn, cơ sở ăn uống, nhà hàng phục vụ khách du lịch,…) thì lượng lớn lao động gián tiếp tham gia vào chuỗi các hoạt động du lịch như sản xuất hàng thủ công, nông sản… góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mở rộng sinh kế cho người dân.
Ngoài việc làm tăng thêm thu nhập cho địa phương, góp phần nâng cao đời sống về vật chất, phát triển du lịch còn có vai trò nâng cao dân trí nhờ sự mở rộng giao tiếp của người dân với khách du lịch. Những sự kiện, lễ hội quan trọng được tổ chức trên địa bàn sẽ thúc đẩy giao lưu giữa người dân với khách du lịch, góp phần nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng.
Góp phần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho xã hội. Phát triển du lịch sẽ góp phần thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, công viên… góp phần cải thiện đáng kể cơ sở vật chất kỹ thuật cho địa phương và thông quá đó, cải tạo bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện, tạo dựng hình ảnh văn minh, hiện đại của điểm đến du lịch Khánh Sơn.
Hệ thống đường giao thông đến huyện cho đến nay đã được nâng cấp cải thiện một cách rõ rệt như đường tỉnh lộ 9, giao thông đến các điểm du lịch, các xã trong huyện về cơ bản đạt chất lượng tương đối tốt. Tuy nhiên khi dịch vụ du lịch phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm cả giao thông, điện, nước… trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục được cải thiện và đầu tư.
Góp phần tăng cường liên kết với các địa phương khác. Khánh Sơn có vị trí thuận lợi nằm gần trục tuyến liên kết các điểm du lịch phát triển và những thị trường khách lớn từ Nha Trang, Cam Ranh, Đà Lạt, Ninh Thuận. Hình thành các chương trình liên kết du lịch không chỉ góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng; kết nối với các điểm du lịch phát triển sẽ làm tăng lượng khách du lịch đến với Khánh Sơn. Qua đó, ngành du lịch Khánh Sơn nói riêng, của Khánh Hòa nói chung sẽ mở rộng mối quan hệ hợp tác, liên kết với các địa phương trong Vùng.
Tóm lại, cùng với việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội, du lịch có vị trí khá quan trọng, tạo thêm nhiều cơ hội trong quảng bá hình ảnh và đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. Hoạt động của du lịch ngày càng sôi động và đóng góp ngày càng hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện Khánh Sơn. Với sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện và những giải pháp đồng bộ, du lịch huyện sẽ tiếp tục có những bước tiến quan trọng, đóng góp ngày càng hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn./.
ThS. Lê Hoàng Anh