Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động tới phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới

    Bối cảnh quốc tế

    Bối cảnh du lịch toàn cầu trong thời kỳ mới được đánh giá là có nhiều vấn đề bất ổn chính trị, khó khăn kinh tế, dịch bệnh, thiên tai là thách thức lớn đối với triển vọng phát triển phát triển du lịch trong giai đoạn tới. Về ngắn hạn, du lịch sẽ có những bước hồi phục mạnh mẽ sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhưng những tác động của đại dịch sẽ làm thay đổi toàn bộ phương thức tiếp cận để phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Về dài hạn, ngành du lịch phải có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức có thể xảy của các cuộc khủng hoảng mới, có các phương án thích ứng linh hoạt trong mọi hoàn cảnh.

    Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), lượng khách quốc tế trên toàn cầu chỉ ở mức -67% vào tháng 1/2022 so với cùng kì năm 2019, sau khi đạt -60% vào quý 4 năm 2021 (UNWTO, 2022). Sau sự sụt giảm của năm 2020-2021, du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi dần dần vào năm 2022. Tính đến ngày 24/3/2022, đã có 12 điểm đến trên thế giới tuyên bố không có hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19 và ngày càng nhiều điểm đến được nới lỏng hoặc dỡ bỏ các hạn chế đi lại, đang giúp giải phóng nhu cầu du lịch quốc tế bị dồn nén. Trong khi du lịch quốc tế đang mở cửa trở lại, du lịch nội địa sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch của các quốc gia với số lượng điểm đến ngày càng tăng.

    Tuy nhiên, với những vấn đề bất ổn xuất phát từ cuộc tấn công quân sự của Liên bang Nga vào Ukraine, các biến thể của vi-rút Sars-Cov2 cùng với khó khăn của nền kinh tế thế giới và các hạn chế đi lại vẫn còn áp dụng do đại dịch đang diễn ra, dự báo những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi và phá vỡ xu hướng đi lên của ngành du lịch từ năm 2021. Các kịch bản của UNWTO được công bố vào tháng 1/2022 dự báo lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng từ 30% đến 78% vào năm 2022 so với năm 2021, tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau. Con số này sẽ thấp hơn mức trước đại dịch (năm 2019) từ 50% đến 63%. Các kịch bản này có thể sẽ được điều chỉnh khi các yếu tố y tế, chính sách, địa chính trị và kinh tế thay đổi. Những dự báo xa hơn về du lịch quốc tế toàn cầu trước đây cũng chưa được UNWTO đưa ra hay điều chỉnh bởi bối cảnh hiện tại còn nhiều vấn đề rủi ro cho sự phục hồi của du lịch.

    Các quốc gia đã và đang dần mở cửa biên giới sau COVID-19, thực hiện chính sách hộ chiếu vắc-xin và nới lỏng các quy định về nhập cảnh đối với khách du lịch. Tuy nhiên, biến thể Omicron đã khiến những nỗ lực mở cửa hoàn toàn ngành du lịch có thể bị chậm lại phần nào. Thị trường nguồn lớn nhất thế giới và đặc biệt của Việt Nam là khách Trung Quốc cũng đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới. “Chính sách không COVID linh hoạt” đang được quốc gia này áp dụng và những quy định về hạn chế đi ra nước ngoài của chính phủ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới sự trở lại của thị trường này trong giai đoạn ngắn hạn, ít nhất là đến năm 2025 theo dự đoán của các chuyên gia (UNWTO&ADB, 2022). Điều này đặt ra yêu cầu về quy hoạch để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường lớn này trong tương lai, đặc biệt đối với các điểm đến ưa thích của khách Trung Quốc tại Việt Nam như khu vực biên giới, Quảng Ninh, Khánh Hòa…

    Đặc biệt, hành động can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine đã gây ra sự bất ổn chính trị lớn trong năm 2022 và ảnh hưởng tới cả nền kinh tế toàn cầu. Đối với lĩnh vực du lịch, cuộc xung đột này tạo ra rủi ro lớn đối với sự phục hồi của du lịch quốc tế bởi nó là nguy cơ cản trở sự trở lại của du lịch toàn cầu. Các thị trường nguồn lớn như Mỹ và châu Á đang dần mở cửa trở lại có thể vì vấn đề này mà phần nào hạn chế hơn bởi nguy cơ rủi ro an ninh, đặc biệt là việc đi du lịch sang châu Âu và ngược lại. Việc đóng cửa đường hàng không của Nga, Ukraine và lệnh cấm bay của các hãng hàng không Nga làm ảnh hưởng tới các chuyến du lịch đường dài từ châu Âu sang châu Á bởi các chuyến bay phải bay vòng, dài hơn và chi phí cao hơn. Thị trường khách Nga và Ukraine chiếm tổng cộng 3% chi tiêu toàn cầu cho du lịch nước ngoài (năm 2020), có nghĩa là ít nhất 14 tỷ USD doanh thu du lịch có thể bị mất do hậu quả của một cuộc xung đột kéo dài này (UNWTO, 2022). Tầm quan trọng của cả hai thị trường này không chỉ có ý nghĩa đối với các quốc gia láng giềng, mà còn đối với các điểm đến du lịch biển (sun, sea, sand) ở châu Âu và xa hơn nữa, bao gồm cả các hòn đảo và châu Á, trong đó có Việt Nam, một điểm đến du lịch biển ưa thích của khách Nga. Các khu du lịch biển ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam (Khánh Hoà, Bình Định, Phú Yên…) chắc chắn sẽ chịu tác động không nhỏ trong giai đoạn này khi có định hướng thu hút thị trường khách Nga và khách châu Âu.

    Cuộc tấn công quân sự đã gây thêm áp lực đối với các vấn đề kinh tế thế giới vốn đã đầy thách thức, làm suy giảm niềm tin của khách du lịch và làm gia tăng sự không chắc chắn trong các hoạt động đầu tư du lịch. Các yếu tố kinh tế bất lợi có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại bao gồm giá dầu tăng và lạm phát, cũng như việc tăng lãi suất và sự gián đoạn liên tục của chuỗi cung ứng cũng gây khó khăn cho sự trở lại của du lịch. Xung đột đã khiến giá cả hàng hóa như năng lượng và thực phẩm cao hơn, vì Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu hàng hóa lớn. Giá dầu tăng đột biến, cũng như lạm phát gia tăng đang làm cho việc đi lại và lưu trú trở nên đắt đỏ hơn và gây áp lực lên sức mua và tiết kiệm.

    Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 từ 3,6% xuống 2,6% và cảnh báo rằng các nước đang phát triển sẽ dễ bị tổn thương nhất do suy thoái kinh tế. IMF cũng dự báo tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại còn 3,8% vào năm 2023 (IMF, 2022). Ngoài ra, sự xuất hiện của các biến thể COVID-19 mới có thể kéo dài đại dịch và gây ra những gián đoạn kinh tế mới. Lạm phát, vốn đã ở mức cao vào đầu năm 2022, có thể cao hơn ít nhất 2,5% nữa (IMF, 2022). Giá năng lượng tăng và gián đoạn nguồn cung đã dẫn đến lạm phát cao hơn và trên diện rộng hơn so với dự đoán, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

    Những vấn đề kinh tế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực du lịch, các dự án du lịch quy mô lớn được quy hoạch sẽ phải cân nhắc các rủi ro, ảnh hưởng từ khó khăn kinh tế, tài chính toàn cầu. UNCTAD nhận định nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu tăng trở lại mạnh mẽ vào năm 2021, nhưng không đồng đều. Dòng vốn FDI đổ vào các nền kinh tế đang phát triển tăng 30% lên gần 870 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á tăng 20%, khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận sự phục hồi gần mức trước đại dịch. FDI toàn cầu có thể tăng trưởng trong năm 2022, song khó có thể lặp lại tốc độ tăng trưởng phục hồi như của năm 2021. Nguồn vốn dự án quốc tế trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng của FDI. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn có thể là nguy cơ làm giảm sút mạnh dòng tiền đầu tư.

    Bên cạnh các vấn đề kinh tế, địa chính trị, sự thay đổi về văn hóa-xã hội trong thời kỳ mới của thế giới cũng đặt ra các yêu cầu thay đổi cho du lịch Việt Nam. Sự phát triển của mạng xã hội tạo ra nhiều thay đổi cả tích cực lẫn áp lực lớn cho du lịch. Các hoạt động du lịch đã thay đổi do ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội, trong đó Instagram, Facebook, Tiktok hay Snapchat hiện đang khiến người dùng chụp ảnh nhiều hơn trong các chuyến đi của họ. Nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm khi đi du lịch dường như là nhu cầu cơ bản của du khách. Hơn 70% tài khoản mạng xã hội chia sẻ ảnh của họ trong chuyến du lịch, khoảng 35% quyết định của khách du lịch đã bị ảnh hưởng bởi thông tin có sẵn trên phương tiện truyền thông xã hội về điểm đến và chỗ ở (Adamo, 2021). Trong thời đại mới này khách du lịch sẽ tăng thời gian dành cho mạng xã hội trong chuyến đi của họ. Phát triển điểm đến du lịch trong xã hội hiện đại cần quan tâm đến vấn đề thông tin giả mạo, đánh giá điểm du lịch giả mạo, khủng hoảng truyền thông online…

    Ngoài ra, nhận thức về tôn giáo, chủng tộc, bình đẳng giới của xã hội hiện đại, đặc biệt là giới trẻ hiện nay, cũng thay đổi hành vi của khách du lịch đối với điểm đến, cộng đồng bản địa và trong việc đưa ra quyết định du lịch. Điều nay mang tới tín hiệu tích cực trong việc khách du lịch thích thú gia tăng trải nghiệm, tiếp xúc với cộng đồng địa phương khi những vấn đề phân biệt đối xử, khác biệt văn hoá đang dần giảm. Trong thời đại công nghệ và nhạy cảm thông tin như hiện nay, phát triển du lịch quốc tế rất cần thiết phải cân nhắc đến những vấn đề về bất bình đẳng mà xã hội đang quan tâm để đảm bảo sự phù hợp với xu thế, nhận thức của xã hội, đồng thời mang lại lợi ích về tinh thần cho cộng đồng.

    Trong thời kỳ quy hoạch, công nghệ được xác định sẽ tạo ra đột phá và thay đổi cách tiếp cận kinh doanh và quản lý du lịch, tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hay chia sẻ, trao đổi thông tin, cung cấp dịch vụ trong du lịch sẽ có sự can thiệp đáng kể của công nghệ. Theo dự báo, đến năm 2035, những tiến bộ công nghệ sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế và xã hội, có khả năng tác động sâu rộng hơn so với giai đoạn đầu của tin học hóa từ những năm 1980 trở đi (EPRS, 2017). Các công nghệ liên quan đến tự động hóa và trí tuệ nhân tạo có khả năng phá vỡ thị trường việc làm, khiến hàng triệu việc làm trở nên lỗi thời, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Việc hoạch định và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong thời kỳ mới phải đặt trong bối cảnh công nghệ phát triển để nhân lực được đào tạo không bị lỗi thời và khó khăn trong tiếp cận việc làm. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện cũng đã được sử dụng để hiển thị quảng cáo, kết quả tìm kiếm và nguồn cấp dữ liệu cho người dùng. Thông tin du lịch cung cấp bởi tổ chức quản lý điểm đến hay hướng dẫn viên địa phương có thể sẽ không còn phổ biến trong tương lai khi mà AI và dữ liệu lớn cho phép người sử dụng tiếp cận theo hướng khác. Việc này đặt ra yêu cầu với các nhà quản lý du lịch phải xây dựng khuôn khổ pháp lý và có giải pháp đối với các vấn đề độc quyền, thao túng thông tin người dùng của các công ty sử dụng thuật toán AI, đồng thời nâng cao tính minh bạch và tốc độ cập nhật thông tin về điểm đến khi cung cấp dữ liệu du lịch. Công nghệ cũng tạo ra những loại hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng mà ở đó rút ngắn khoảng cách trung gian giữa nhà cung cấp và khách hàng. Các quốc gia hiện tại vẫn gặp nhiều vấn đề khi thực hiện quản lý loại hình kinh tế này. Ngành du lịch cũng phải đặt ra những phương án quản lý và phát triển cơ sở lưu trú có cân nhắc đến sự phát triển của kinh tế chia sẻ trong tương lai.

    Vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay là biến đổi khí hậu cũng vẫn đang và sẽ cần được quan tâm cho sự phát triển của du lịch trong tương lai. Ngành du lịch rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, các vấn đề như hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra biến đổi hoàn lưu khí quyển và đại dương, nước biển dâng, xâm thực mặn, sạt lở bờ biển… tác động tới các tài nguyên du lịch tự nhiên trên toàn thế giới. Đồng thời, du lịch cũng góp phần phát thải khí nhà kính, nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Do đó, phát triển du lịch cần quan tâm thúc đẩy các hành động ứng phó và giảm thiểu biến đổi khí hậu như việc thực hiện các nỗ lực đo lường và giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường năng lực thích ứng với các tác động do khí hậu gây ra.

    Có thể đánh giá, trong bối cảnh hiện tại, việc khôi phục lại hiệu quả du lịch quốc tế cũng sẽ tiếp tục phụ thuộc vào việc đảm bảo công bằng vắc xin và phối hợp ứng phó giữa các quốc gia về hạn chế đi lại, các quy trình an toàn và vệ sinh, và thông tin liên lạc hiệu quả để giúp khôi phục niềm tin của khách du lịch. Các rủi ro toàn cầu khác có thể xảy ra khi căng thẳng địa chính trị vẫn ở mức cao và tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra, khả năng xảy ra các thảm họa thiên nhiên lớn vẫn tăng cao.

    Bối cảnh trong nước

    Sự ổn định của nền chính trị Việt Nam đã và đang là lợi thế nền tảng quan trọng cho sự phát triển của du lịch. Các chủ trương, đường lối đồng nhất của Đảng và nhà nước cho thời kỳ mới đã định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, giúp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành, lĩnh vực khác. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đã định hướng các vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng cho sự phát triển của quốc gia đến năm 2045. Trong đó, ngành du lịch được định hướng phải thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển du lịch; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

    Kinh tế Việt Nam thực hiện mạnh mẽ cải cách và kết hợp xu hướng thuận lợi của toàn cầu đã phát triển nhanh chóng từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD (WB, 2022). Năm 2020-2021, bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 bùng phát với biến chủng mới, diễn biến phức tạp tại các tỉnh kinh tế trọng điểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an sinh của người dân và phát triển kinh tế – xã hội. Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã mở ra đột phá mới cho việc trở lại cuộc sống bình thường mới và cơ hội mở cửa, phục hồi của ngành du lịch. Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến ​​sẽ phục hồi lên 5,5% vào năm 2022 (WB, 2022). Về các ngành kinh tế, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong giai đoạn này đã thể hiện rõ vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn và đảm bảo về nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23% (Tổng cục Thống kê, 2022).

    Việt Nam đã đặt ra những tầm nhìn phát triển hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để làm được điều này, nền kinh tế cần tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm khoảng 5% trên đầu người trong 25 năm tới. Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu phát triển theo hướng xanh hơn, bao trùm hơn đồng thời đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Những triển vọng kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ quy hoạch là điều kiện cơ bản quan trọng giúp ngành du lịch có cơ hội thuận lợi để phục hồi và bứt phá.

    Về đặc điểm dân số, năm 2020, dân số Việt Nam ước đạt 97,2 triệu người, trong đó dân số thành thị chiếm 36,4%, dân số nông thôn chiếm 63,6%. Tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) chiếm 67,8%. Tỷ trọng những người có trình độ học vấn từ trung học cơ sở trở lên chiếm 65,8% dân số từ 15 tuổi trở lên. Tỷ trọng những người có học vấn cao nhất là đại học trở lên chiếm 9,8%, còn tỷ trọng những người không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 73,1% trong tổng dân số từ 15 tuổi trở lên (Tổng cục Thống kê, 2021). Dân số Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” trong độ tuổi lao động, là cơ hội để nâng cao hiệu quả lao động, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực. Cơ cấu dân số vàng thường kéo dài 30-35 năm, đồng nghĩa từng đó thời gian cho đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, cải thiện năng suất lao động. Tuy nhiên, tỷ trọng trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của dân số Việt Nam còn thấp nên vấn đề không “vàng” về tri thức và tay nghề lại là thách thức trong bối cảnh hội nhập và dịch chuyển dễ dàng của thị trường lao động. Ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch thiếu hụt lớn nhân lực, cùng yêu cầu đặt ra về lao động trình độ cao trong bối cảnh công nghệ

    Giao thông vận tải thuận lợi tạo đà cho du lịch phát triển. Dự kiến đến năm 2030, hơn 80% số tỉnh, thành phố được kết nối bằng đường bộ cao tốc và tổng chiều dài đường cao tốc đạt khoảng 5.000km; trong đó ưu tiên đầu tư đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đường bộ cao tốc trên các hành lang vận tải chủ yếu, các tuyến cao tốc cửa ngõ kết nối với Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, những trung tâm kinh tế lớn, các tuyến cao tốc vành đai đô thị. Hệ thống đường bộ được đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mê Công mở rộng và xuyên Á. Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ, một trong 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải (đường bộ; đường thủy nội địa; cảng hàng không, sân bay; cảng biển; đường sắt) cũng đã được phê duyệt, phân công rõ vai trò dựa trên lợi thế từng phương thức trên từng hành lang vận tải chính, đảm bảo tính hệ thống, kết nối đồng bộ giữa các chuyên ngành. Có thể thấy, hệ thống GTVT và KCHT trong thời kỳ quy hoạch tạo thuận lợi cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.

    Về vấn đề môi trường, Việt Nam được cảnh báo thuộc nhóm 5 nước trên thế giới bị tác động nặng nề nhất của BĐKH. Trong 50 năm gần đây nhiệt độ trung bình ở Việt Nam tăng khoảng 0,70C, mực nước biển dâng cao khoảng 20 cm. Thiên tai và các hiện tượng biến đổi khí hậu đã tác động ngày càng khốc liệt. Ngập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng lấn sâu vào đất liền. Hạn hán kéo dài và bất thường, nguồn nước ở các hệ thống sông lớn có xu hướng giảm nhanh, hai vùng bị ảnh hưởng nặng nhất đó là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long (đồng bằng sông Cửu Long có năm xâm nhập mặn đã vào sâu trong đất liên từ 50-70km). BĐKH trong thời gian tới sẽ tác động rất lớn tới các nguồn nước, dòng chảy có xu hướng thấp đi, nhưng mùa lũ, có thể lại dữ dội hơn so với nhiều năm trước. Nước biển dâng, kèm theo bão tố, triều cường làm xâm nhập mặn, ngập lụt, xói lở sẽ ngày càng nghiêm trọng… trong thời gian tới. BĐKH tại Việt Nam đã và đang là vấn đề tác động trực tiếp gây ảnh hưởng đế số lượng, chất lượng tài nguyên du lịch, vì vậy công tác quy hoạch du lịch từ tổng thể tới chi tiết cần phù hợp với thực tế, thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH ở Việt Nam.

    Trong bối cảnh mới, y tế và an toàn sức khỏe là vấn đề được quan tâm hàng đầu để ngành du lịch Việt Nam có thể phục hồi và phát triển. Việt Nam là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới, đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ. Năng lực của ngành y tế quốc gia hiện nay được coi là một trong những yếu tố để hoạt động du lịch có thể phát triển đảm bảo yếu tố an toàn cho khách du lịch. Các trung tâm y tế lớn chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên – Huế, tạo ra khả năng tiếp cận khám chữa bệnh của người dân chênh lệch nhau giữa các vùng, trong đó khó khăn nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL. Vì vậy, việc phát triển du lịch trong thời kỳ mới đảm bảo an toàn và tính mạng, sức khỏe cho khách du lịch cũng phải quan tâm tới năng lực mạng lưới y tế ở địa phương, vùng.

    Sự phát triển của khoa học và công nghệ tại Việt Nam trong thời kỳ quy hoạch sẽ góp phần tích cực vào tạo động lực phát triển cho ngành du lịch, đặc biệt là du lịch thông minh. Năm 2020, Việt Nam khởi động chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Số lượng người dùng Internet tại Việt Nam năm 2021 là 68,72 triệu người (chiếm 70,3% dân số) với 72 triệu người dùng mạng xã hội và 154,4 triệu thuê bao di động, 96,9% dùng điện thoại thông minh, tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của thế giới (Wearesocial, 2022). Sự phát triển nhanh chóng của Internet và công nghệ tại Việt Nam đã dần xoá nhoà khoảng cách địa lý, khoảng cách vùng, là điều kiện thuận cho việc ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực.

    Du lịch Việt Nam trong bối cảnh trong nước mới có nhiều vấn đề cần quan tâm như khó khăn phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, năng lực hệ thống y tế chưa đảm bảo, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng chưa cao… Để phát triển du lịch Việt Nam, các cơ hội và thách thức do bối cảnh đặt ra phải được cân nhắc đầy đủ và kĩ lưỡng trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch.

    Tài liệu tham khảo:

    1. 2021. Technology in tourism reshaping the travel and hospitality industry globally. Truy cập tại: https://adamosoft.com/blog/technology-in-tourism-reshaping-the-hospitality-industry/
    2. 2022. World economic outlook update: Rising caseloads, a disrupted recovery, and higher inflation. Truy cập tại: https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2022/01/25/world-economic-outlook-update-january-2022
    3. Johnson. 2021. Worldwide digital population as of January 2021. Truy cập tại: https://www.statista.com/statistics/617136/digital-population-worldwide/
    4. Nayyar. 2020. Why It’s Time to Start Talking about Consumption Equality. Davos: World Economic Forum.
    5. Tổng cục Thống kê (a). 2021. Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình thời điểm 01/4/2020. Nhà xuất bản Thống kê
    6. Tổng cục Thống kê (b). 2021. Một số nét chính tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2021. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/12/mot-so-net-chinh-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2021/
    7. UNWTO and ADB. 2022. COVID-19 and the future of tourism in Asia and the Pacific
    8. 2022. World tourism Barometer. Volume 20, issue 2.
    9. World Bank. 2022. Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam. Truy cập tại: https://documents1.worldbank.org/curated/en/099615004142237343/pdf/IDU0566b54370c1b40411f0a5d10d60dbe367f2c.pdf
    10. We are social & Hootsuite. 2022. Báo cáo Việt Nam Digital 2022. Truy cập tại: http://digitalvn.vn/vi/viet-nam-digital-2021/

    ThS. Nguyễn Hoàng Mai

    Phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm, Đào tạo & Quản lý khoa học

    Bài cùng chuyên mục