Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố Hà Nội

    Hiện trạng phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn Hà Nội

    Hà Nội có 17 huyện, 01 thị xã ngoại thành với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp. Thành phố Hà Nội đang có lợi thế vô cũng lớn đối với nhiều làng quê khi du lịch kết hợp với xây dựng nông thôn mới. Thành phố đã hình thành được nhiều điểm du lịch ở nông thôn như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức); làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp như: Trang trại Dê Trắng, trang trại Đồng Quê Ba Vì (huyện Ba Vì); Khu du lịch sinh thái Bản Rõm, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn)… Hà Nội còn có nhiều làng nghề nổi tiếng như làng nghề thêu ở xã Tuy Lai; nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Phùng Xá (Mỹ Đức); nghề mây, tre, giang đan ở Phú Nghĩa (Chương Mỹ)… có nhiều lợi thế để xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

    Cùng với các nguồn lực khác, các quận huyện trên địa bàn TP. Hà Nội có thể phát triển tốt du lịch nông nghiệp, nông thôn. Những phân tích về thực trạng đã chỉ ra thời gian vừa qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được chú ý, nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu được khai thác phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế sự phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội còn chưa tương xứng với tiềm năng, thể hiện ở số lượng các cơ sở sản xuất nông nghiệp, vùng nông thôn được khai thác phát triển du lịch còn ít, số khách du lịch chưa biết đến các cơ sở sản xuất nông nghiệp và sản xuất các sản phẩm nào có thể phục vụ khách du lịch so với tổng số khách du lịch đến vùng vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, với các cơ sở sản xuất nông nghiệp đã có hoạt động du lịch, các sản phẩm, dịch vụ và nhiều yếu tố khác vẫn còn hạn chế. Từ đó bài viết đưa ra một số những giải pháp đề xuất liên quan đến hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chính sách về tổ chức quản lý phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội, về thị trường – sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; cải thiện môi trường nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm; về chính sách phát triển, quảng bá làng nghề gắn với du lịch…

    • Điểm mạnh điểm yếu trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội.
    Điểm mạnh Điểm yếu
    –  Các tiềm năng, thế mạnh của DL TP. Hà Nội tiếp tục được phát huy.

    – Mạng lưới kết cấu hạ tầng được cải thiện.

    – Đời sống vật chất, tinh thần của CĐ được nâng lên.

    – Du lịch HN phát triển không ngừng 

    – Số lượng trang trại, nông trại các CSSXNN phục vụ PTDL rất lớn với nhiều quy mô khác nhau.

    – CSSX NN phân bổ theo tuyến, theo địa hình, của các huyện phong phú, với nhiều loại cây trồng, vật nuôi mang đặc trưng riêng, có sức hấp dẫn lớn. 

    – Chính quyền địa phương cũng có những chính sách quan tâm PTDL NNNT

    – Các CSSX NNNT có nhiều giá trị nhân văn nội tại có thể khai thác PTDL

    –  Sản phẩm du lịch NNNT chưa độc đáo, đa dạng. Du lịch Hà Nội chưa xác định rõ loại hình du lịch NNNT là sản phẩm chủ lực, sản phẩm khung để kết nối với các sản phẩm du lịch khác.

    – Nguồn nhân lực DLNNNT còn bộc lộ nhiều điểm yếu kém.

    – Vốn đầu tư cao

    – Xúc tiến, quảng bá chưa có điều kiện mở rộng ra nước ngoài.

    – Hầu hết các CSSX NNNT thiết kế thiếu khu trải nghiệm cho khách.

    – Mối liên kết giữa CSSX NNNT với Công ty lữ hành còn yếu.

    – Du lịch NNNT phát triển thiếu định hướng cụ thể.

    Giải pháp phát triển thị trường và xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn Tp. Hà Nội

    • Giải pháp phát triển thị trường khách du lịch

    Về thị trường khách của du lịch nông nghiệp, nông thôn: Lượng khách có nhu cầu đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày có xu hướng tăng lên, bao gồm khách trong nước và quốc tế.

    Thị trường khách du lịch nội địa: Trước mắt, xác định thị trường chính của du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện nay vẫn là thị trường khách du lịch nội địa với một số lý do như: Với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa như hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ và nhu cầu quay trở lại với cuộc sống và môi trường xanh, môi trường thiên nhiên ở đồng quê và trải nghiệm lối sống và sinh hoạt truyền thống rất lớn, đặc biệt đối với người dân sống ở các thành phố lớn. Ngoài ra, thị trường khách du lịch học sinh, sinh viên, học tập trao đổi kinh nghiệm của những người làm nông nghiệp truyền thống muốn được tham gia học hỏi cũng là một thị trường khách khá lớn đối với du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua các chương trình, hoạt động du lịch học đường, trao đổi kinh nghiệm. Hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá, học tập tại các vùng nông thôn, trải nghiệm làm nông dân, nghiên cứu sinh học, rèn luyện kỹ năng sống được đưa vào hoạt động ngoại khóa của nhiều trường học các cấp. Tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhu cầu nghỉ dưỡng, học tập trải nghiệm tại các vùng nông nghiệp, điểm, khu du lịch nông nghiệp, nông thôn có không gian, cảnh quan thoáng đạt sẽ ngày càng tăng lên. Lượng khách đi theo gia đình, nhóm bạn bè vào các kỳ nghỉ lễ, cuối tuần sẽ rất lớn. Bên cạnh hoạt động nghỉ dưỡng, tái tạo năng lượng, nhu cầu tiêu thụ đối với thực phẩm sạch, an toàn của đối tượng khách này sẽ là nguồn thu đáng kể đối với hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn của TP. Hà Nội.

    Khách du lịch quốc tế: sự trải nghiệm một nền văn hóa có sự khác biệt đặc biệt là những yếu tố văn hóa nông thôn, phương thức sản xuất, canh tác nông nghiệp, với những sản phẩm của vùng nhiệt đới nơi mà chỉ có ở Việt Nam, văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử của cộng đồng với khách du lịch… thực sự có sức hấp dẫn đối với nhiều đối tượng khách tại các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc… Trong đó, các dịch vụ du lịch trải nghiệm văn hóa, lối sống cộng đồng bản địa tại các cơ sở sản xuất nông nghiệp có sức hấp dẫn đối với khách trung niên, cao tuổi. Sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn ở khu vực các huyện ngoại thành Thành phố Hà Nội phù hợp với chương trình du lịch học đường, trao đổi học sinh, sinh viên từ các nước phát triển tới khám phá học tập tại khu vực cũng rất phát triển. Ngoài ra, còn một số dịch vụ du lịch phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu tại khu bảo tồn thiên nhiên, rừng quốc gia, kỹ thuật canh tác nông nghiệp…

    • Xác định thị trường khách du lịch mục tiêu đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.

    Có rất nhiều đối tượng khách du lịch với những mục đích đi du lịch khác nhau. Cơ quan quản lý địa phương (Sở Du lịch Hà Nội – Phòng VHTT các quận huyện trên địa bàn Thành phố) về du lịch nông nghiệp, nông thôn cần xác định được đối tượng khách du lịch là nhóm khách hàng mục tiêu (nhóm khách hàng chính) của mình để từ đó đưa ra các hoạt động tiếp thị sản phẩm phù hợp. Cần tập trung cả thị trường khách du lịch trong nước và khách du lịch quốc tế để có được số lượng khách đến với điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn lớn nhất và giảm thiểu yếu tố mùa vụ trong du lịch khi chỉ phụ thuộc vào thị trường khách hàng quốc tế. 

    • Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn

    Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn phù hợp với các quận huyện ngoại thành của TP. Hà Nội theo vùng sản xuất, phù hợp với điều kiện các cơ sở sản xuất nông nghiệp, các trang trại, phù hợp với các quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp của các quận huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội.

    – Đối với khu vực các huyện, quận ngoại thành trên địa bàn TP. Hà Nội phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với các loài hoa và rau củ quả, cụ thể các sản phẩm có thể như sau:

    Cụ thể điển hình về một số dịch vụ cần có trong các cơ sở kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn

    • Du lịch nông nghiệp, nông thôn là loại hình mà khách đến ở nhà nông dân, cùng sinh hoạt và vui chơi với họ, tham gia các hoạt động văn hoá và đi thăm các thắng cảnh trong vùng., các trang trại điền trang Có các loại hình, hình thức tham khảo cụ thể sau, có thể giúp du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển tốt và chuyên nghiệp:
    • Nhà khách: tiếp khách như “bạn” của gia đình, có phòng ngủ, bàn ăn, với món ăn cổ truyền, hoặc các sản phẩm do chính gia đình, hay trang trại mình sản xuất.
    • Nhà đón tiếp trẻ em: đón từng nhóm khoảng 10 trẻ em thành thị muốn sống ở nông thôn vài ngày để biết thế nào là nông thôn. Trẻ em được vui chơi, ăn ngủ với trẻ em nông thôn và có người phụ trách.
    • Trại hè: là một miếng đất là di tích văn hoá, lịch sử được tổ chức để có thể căng lều trại; nhà vệ sinh, bếp ăn ngoài trời có thể tiếp các nhóm khoảng 20 thanh thiếu niên về ở và du lịch quanh vùng.
    • Trạm dừng chân: là nhà nghỉ chân trên các lộ trình du lịch đi bộ, xe đạp, xe máy, xe điện gần các di tích lịch sử để các đoàn du lịch có thể nghỉ chân, ăn uống.
    • Nhà nghỉ: có thể đón tiếp các gia đình về nghỉ ở nông thôn, hay các farmstay trong vài ngày.
    • Nhà sàn vui chơi: tổ chức các nhóm 3 đến 25 nhà sàn có thể tiếp 6 người ăn, ngủ. Xung quanh có các nơi vui chơi như đi câu, đi thu hoạch, cấy trồng, cùng người dân tham gia sản xuất nông nghiệp, đi săn, đi xe đạp, dạo chơi quanh làng bản… ở các di tích lịch sử, văn hóa trong làng, trong vùng hay các điểm có phong cảnh đẹp (khu du lịch, điểm du lịch tự nhiên quanh vùng).
    • Hiệu ăn nông thôn: tổ chức ở khu dịch vụ, nơi đó nấu các món ăn đặc sản của vùng từ các sản phẩm sản xuất tại chỗ trong quanh cảnh cổ truyền.
    • Nhà bảo tàng nông dân: là các nhà nông dân giữ lại các cảnh sản xuất như một hộ nông dân cổ truyền của vùng với các cây trồng, vật nuôi truyền thống. Trong nhà lưu giữ các nông cụ và vật dụng cổ truyền (các dụng cụ sản xuất của cộng đồng người dân từ trước đến nay) như một bảo tàng.
    • Nhà bảo tàng phong tục nông thôn: giới thiệu các cách sống, phong tục cổ truyền nông thôn với quần áo, vật dụng gia đình truyền thống dưới hình thức các viện bảo tàng sống. Có thể sản xuất các vật kỷ niệm bán cho khách du lịch.
    • Các làng nghề: tổ chức lưu giữ các hoạt động thủ công nghiệp cổ truyền và sản xuất các mặt hàng truyền thống mang tính kỷ niệm.
    • Lễ hội nông thôn (ở khu vực làng cổ Đường Lâm), du lịch nông nghiệp (hoa anh đào, hoa cúc họa mi, mùa hoa Sen…): được tổ chức để đón khách trong các dịp ôn lại văn hóa hằng năm gắn liền hoạt động lễ hội và hoạt động du lịch.
    • Nhà trưng bày và bán sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch sau mỗi chuyến đi: Cung cấp những mặt hàng là những nông sản của bà con có thể bán trực tiếp cho khách du lịch. 

    + Thiết kế và bán những sản phẩm nông sản của cộng đồng thành sản phẩm, túi quà để khách du lịch có thể dễ dàng mang về sau khi tham quan tìm hiểu nông trại. (đóng gói đẹp mắt, hàng đảm bảo sạch, ngon, đạt tiêu chuẩn OCOP…).

    + Bán mặt hàng con giống để khách có thể mua về để tự tay có thể trồng…

    + Để dành một khoảng không diện tích để khách có thể tự trồng, tự reo hạt giống cây trồng.

    + Đối với cây trồng lâu năm có thể dành diện tích chăm sóc cây cho khách sau khi họ trồng và ghi dấu tên tuổi, ngày tháng khách tham gia trồng cây này, để sau đó còn có thể kéo được khách quay lại thăm xem cây mình trồng ở trang trại nó sẽ như thế nào? (kéo khách quan trở lại lần 2, lần 3…).

    Dù thế nào thì mục tiêu chính của du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn nằm trong mục tiêu của du lịch Việt Nam, đó là khai thác tài nguyên du lịch một cách hiệu quả, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái bền vững; đa dạng hoá kinh tế và mang lại hiệu quả cao; bảo tồn và phát triển văn hoá, bản sắc dân tộc; đồng thời quảng bá thương hiệu đất nước đến với bạn bè quốc tế một cách rộng rãi nhất.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Bùi Thị Lan Hương, 2010, Du lịch nông nghiệp và du lịch nông thôn . Trường cán bộ quản lý NN&PTNT II.
    2. Đỗ Văn Hải, 2018, “Agri-tourism”: Du lịch nông nghiệp, Khoa Nông Lâm, Phân Hiệu Đại học Thái Nguyên tỉnh Lào Cai.
    3. Phạm Trung Lương, 2003. Phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên với sự tham gia của cộng đồng. Viện nghiên cứu phát triển du lịch.
    4. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Luật du lịch 2017.
    5. Trần Thị Lan, 2019. Đề tài “Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở khu vực Tây Nguyên”. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.
    6. Sở Du lịch Hà Nội, năm 2023 “Kỷ yếu hội thảo – Đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

    Đặng Thị Hồng Vân

    Phòng Văn hóa thông tin Ba Vì Hà Nội

    Bài cùng chuyên mục