Tiềm năng phát triển du lịch huyện Chương Mỹ
Chương Mỹ là nằm ở phía Tây nam Hà Nội, cách thủ đô 20 km; phía Bắc giáp huyện Quốc Oai; phía Đông giáp với quận Hà Đông, huyện Thanh Oai; phía Nam giáp huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức; phía Tây giáp với huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình). Tổng diện tích tự nhiên của huyện trên 237 km2, là huyện có diện tích lớn thứ 3 của thành phố. Dân số 339.469 người. Toàn huyện có 30 xã và 02 thị trấn. Trung tâm hành chính của huyện đóng tại thị trấn Chúc Sơn.
Chương Mỹ được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho một địa hình khá đa dạng, vừa có đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ, vừa mang đặc trưng của vùng bán sơn địa có núi, sông, hồ, đồng, bãi, kết hợp với hệ thống sông Bùi, sông Tích phía Tây, sông Đáy bao bọc phía Đông đã dệt nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, thơ mộng và đầy ắp những huyền thoại.
Trên địa bàn huyện Chương Mỹ có tuyến Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh chạy qua đã giúp cho huyện trở thành đầu mối và cầu nối giao thương quan trọng giữa Thủ đô với các tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh vùng Tây Bắc; giữa Hà Nội với các tỉnh thành phía Nam. Bên cạnh đó, còn có đường đê Đáy, đường 419 nối liền các xã trong huyện và nối với các huyện của thành phố.
- Tiềm năng phát triển du lịch
Trong chiều dài lịch sử của dân tộc, Chương Mỹ là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học với nhiều làng khoa bảng, giàu truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước, được lưu truyền sử sách như nữ tướng Vĩnh Hoa, Lang Nương, Vĩnh Nương, Chu Tước trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; các danh nhân: Ngô Sỹ Liên, tác giả Đại Việt Sử ký toàn thư; Thám hoa Đặng Ma La đỗ đạt khi mới 14 tuổi, Đô đốc Đặng Tiến Đông tên tuổi gắn liền với chiến thắng Đống Đa lịch sử… Đặc biệt là chiến thắng Tốt Động – Chúc Động của nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt giặc Minh trên dòng sông Ninh (sông Đáy) tại bến Ninh Kiều (Ninh Sơn), được Nguyễn Trãi khắc họa trong Bình Ngô Đại Cáo: “Ninh Kiều máu chảy thành sông, hôi tanh muôn dặm/Tốt Động thây phơi đầy nội, thối để nghìn thu”.
Huyện luôn quan tâm tới việc quản lý, bảo vệ di tích tại các địa phương, liên kết khôi phục lễ hội truyền thống, vận động các nghệ nhân truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận… nhằm gắn việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch.
Huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng có tiềm năng phát triển về Du lịch văn hóa – lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch làng nghề và các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí như: quần thể danh lam thắng cảnh, di tích cách mạng kháng chiến chùa Trầm, chùa Trăm Gian; các làng nghề truyền thống, nổi bật là làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng nghề Yên Trường, Nhật Tiến, Phúc Cầu… tài nguyên du lịch tự nhiên với hồ Văn Sơn, hồ Đồng Sương thu hút được rất nhiều du khách gần xa.
1.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên:
+ Hồ Văn Sơn: là hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích khoảng 167ha, dung tích khoảng 7 triệu m3 nước. Hồ nằm trong không gian thoáng rộng, phong cảnh nên thơ, phù hợp với các hoạt động dã ngoại, câu cá giải trí dành cho các nhóm bạn hoặc gia đình. Ngoài ra, tại đây còn có tổ hợp khu nghỉ dưỡng và sân golf Sky Lake Resort & Golf Club – Hồ Văn Sơn. Hệ thống sân gôn và khu nghỉ dưỡng Skylake xây dựng nhằm mục đích thu hút phần lớn khách hàng quốc tế và địa phương. Khung cảnh đẹp tự nhiên được tận dụng để tạo tính liên tục và nhất quán trong thiết kế tổng thể. Skylake Golf được biết đến là sân golf 36 lỗ tốt nhất gần thành phố Hà Nội với tầm nhìn đẹp và chất lượng sân cỏ đạt đẳng cấp thế giới.
Hồ Văn Sơn có thể khai thác phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, cắm trại, các hoạt động khác như câu cá, đi thuyền ngắm cảnh, thu hút du khách đến với huyện Chương Mỹ nhiều hơn trong tương lai.
+ Hồ Đồng Sương: nằm trên địa bàn xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ và tiếp giáp xã Thành Lập, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Hồ được xây dựng từ năm 1969 – 1972 có tiện tích 203 ha, dung tích 10,5 triệu m3 nước, diện tích lưu vực khoảng 45 km2. Hồ mới được cải tạo, nâng cấp một số hạng mục công trình và hoàn thành năm 2012. Nhiệm vụ của Hồ là cấp nước tưới cho 830 ha diện tích đất canh tác của của một số xã của huyện Chương Mỹ. Ngoài ra Hồ còn có nhiệm vụ giảm nhẹ lũ cho vùng hạ du, kết hợp nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái, cải thiện môi trường; điều hòa lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về.
+ Núi: Núi Trầm còn được gọi là Tử Trầm San, ngọn núi tọa lạc tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ và cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 30km. Núi Trầm sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ với điểm nhấn là những con đường mòn mềm mại uốn cong trải dọc sườn núi. Những mỏm đá trắng bào mấp mô trên đỉnh núi mang đậm dấu ấn của thời gian, vì thế mà núi Trầm được mệnh danh là “cao nguyên đá Hà Giang thu nhỏ”. Khi đến với núi Trầm ta sẽ choáng ngợp với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và hữu tình nơi đây. Phía dưới chân núi Trầm là những thảm cỏ xanh mướt, mềm mại, phía xa xa là miền quê thanh bình thẳng cánh cò bay.
Không giống như những ngọn núi cheo leo, hùng vĩ khác ở cao nguyên đá Tây Bắc, núi Trầm mang vẻ đẹp thơ mộng, duyên dáng, hữu tình đậm chất thủ đô. Dọc từ chân núi tới đỉnh núi Tử Trầm Sơn phong cảnh thiên nhiên trong lành, hoang sơ với cỏ xanh, hoa dại thơ mộng hai bên đường như một bức tranh thu nhỏ. Núi Trầm có độ cao vừa phải, không quá cao, phong cảnh hùng vĩ và thơ mộng là tọa độ lý tưởng để tổ chức cắm trại, picnic, leo núi, ngắm cảnh và check-in sống ảo vào dịp cuối tuần.
+ Đồi: Đồi Bù hay còn gọi là đồi nhảy dù 833 thuộc thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Đồi Bù là địa danh nằm giáp ranh giới huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Nơi đây có dãy núi đẹp, sườn thoải với độ dài 1,5km.
Địa điểm này phù hợp với những ai thích phượt, mong muốn trải nghiệm cảm giác hòa mình với thiên nhiên hùng vĩ. Không chỉ được khám phá thiên nhiên, đồi Bù còn tạo cơ hội ghi lại những khoảnh khắc tuổi trẻ tuyệt vời giữa bạt ngàn núi rừng, giữa những đồi lau trắng yên bình và thơ mộng.
1.2. Tài nguyên du lịch nhân văn:
Huyện chương Mỹ có rất nhiều di tích được xếp hạng, di tích lịch sử, văn hóa, đền chùa, miếu mạo như: có 374 di tích, trong đó có 170 di tích đã được xếp hạng, 32 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 138 di tích xếp hạng Thành phố, 6 di tích được gắn biển “Di tích cách mạng kháng chiến”; có 88 lễ hội dân gian, 01 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội đình Lưu Xá.
Các di tích được xếp hạng trên địa bàn hầu hết được xây dựng từ thế kỷ XVII, XVIII và XIX, trong đó có một số di tích tiêu biểu như: Chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương), chùa Trầm (xã Phụng Châu), nhà thờ danh nhân Đặng Tiến Đông (xã Lam Điền), nhà thờ Nhà sử học Ngô Sỹ Liên (xã Ngọc Hòa), Văn chỉ Thám hoa Đặng Ma La (xã Tốt Động), nhà thờ danh nhân Lê Ngô Cát (xã Thụy Hương)… và 35 làng nghề truyền thống. Một số tài nguyên du lịch nhân văn tiêu biểu của huyện.
– Di tích lịch sử – văn hóa:
+ Quần thể di tích chùa Trầm
Chùa Trầm là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cách Hà Nội khoảng 24 km, tọa lạc trên núi Trầm (hay còn gọi là Tử Trầm Sơn), thuộc địa phận xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Địa thế chùa rất đẹp với các núi nhỏ xung quanh như núi Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ.
Chùa Trầm có lịch sử lâu đời, do Tướng quân Trần Văn Tăng khởi dựng từ khoảng đầu thế kỷ 16. Quần thể danh lam thắng cảnh gồm núi Trầm và ba ngôi chùa: chùa Trầm, Động Long Tiên (hay còn gọi Hang Trầm) và chùa Vô Vi. Sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và các di tích đã làm nên một khu danh thắng tuyệt đẹp. Đây là nơi thu hút rất đông du khách tới tham quan và vãn cảnh vào dịp cuối tuần.
Chùa chính: tọa lạc trên một khoảnh đất cao, rộng rãi và thoáng mát. Chùa được xây lưng tựa núi Trầm, mặt hướng sông Đáy. Đây là lối xây dựng phong thủy quen thuộc trong tín ngưỡng người Việt. Lên bậc tam cấp bước vào nhà Trung điện 5 gian mái ngói, hàng cột hiên được dựng bằng đá vững chắc. Đi tiếp vào bên trong là Thượng điện và Hậu cung. Hậu cung là nơi tôn nghiêm người ngoài không được phép tự ý vào. Chùa có lối kiến trúc độc đáo với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo trên cửa, trên bức khảm. Ngoài ra còn có nhiều di vật đặc trưng như: Các cặp câu đối, hoành phi sơn son thiếp vàng, án thờ, ngai thờ, tượng phật …
Động Long Tiên (Hang Trầm)
Ngay bên phải của chùa Trầm là Động Long Tiên hay còn gọi là Hang Trầm trong động có chùa Hang. Cửa hang rất rộng, phía trên cửa hang khắc 3 chữ Hán khá to: “Long Tiên động”. Bên trên các vách đá khắc các bài thơ chữ nho. Trong động thờ khá nhiều tượng phật, ngoài ra còn có các hình phật khắc nổi trên cách vách đá. Trong Động còn có nhiều nhũ đá với muôn hình thù, màu sắc sinh động, du khách có thể tùy ý tưởng tượng thành mái tóc tiên, khánh đá, chuông đá hay hình rồng, hình phượng, hoa sen đá…
Hang Trầm (Chùa Hang): nguồn Internet Biểu tượng Đài tiếng nói Việt Nam
Đây còn là nơi ghi dấu lịch sử. Phía trước cửa hang có xây dựng biểu tượng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đánh dấu mốc quan trọng về điểm đầu tiên Đài tiếng nói Việt Nam di dời từ Bạch Mai, Hà Nội về hang Trầm tiếp tục công tác phát thanh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, vào đêm 19/12/1946, Đài tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, đêm giao thừa Tết Đinh Hợi năm 1947, Bác Hồ đã đến Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lời chúc tết chiến sỹ, đồng bào cả nước. Bác viết câu đối mừng nhà chùa bằng chữ Hán: “Cao sơn hữu ý thiên niên bút/Lưu thủy vô thanh vạn cổ cầm”. Bác còn viết tám chữ trên giấy điều để sư cụ chùa Trầm dâng lên bàn thờ Phật: “Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành”. Năm 1966, bác về thăm động viên đơn vị bộ đội thuộc quân chủng phòng không, không quân và làm việc một ngày tại chùa Trầm.
Chùa Vi Vô (còn gọi là Trầm Vô Vi): Đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất và cũng độc đáo nhất trong quần thể chùa chiền quanh núi Trầm. Trải qua thời gian, kiến trúc của chùa vẫn được giữ gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay.
Tương truyền, vào thế kỷ thứ X, một trong những thủ lĩnh của 12 sứ quân đến đây mai danh ẩn tích rồi dựng lên ngôi chùa. Thời Tiền Lê, chùa xây dựng ở chân núi có tên gọi là Phúc Trù tự. Thời Trần chùa được xây dựng ở lưng núi gọi là Trai Tinh tự. Thời Hậu Lê, niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) chùa dời lên gần đỉnh núi như ngày nay, đổi lại tên như thời nhà Đinh là Vô Vi tự.
Từ cổng chùa leo lên lưng chừng núi là ba gian thờ mẫu, cạnh đó là nhà thờ Tổ. Leo tiếp lên qua vài tháp nhỏ có bài thơ khắc vào vách đá. Từ dưới cổng chùa đi lên, vượt qua hơn 100 bậc đá là đến chùa Vô Vi. Cạnh chùa có một ngách thông lên nhà vuông, đây là lầu Nghênh Phong (lầu đón gió) quanh năm lộng gió, không gian thoáng mát. Đứng trên lầu Nghênh Phong, phóng tầm mắt là có thể ngắm dòng sông uốn khúc, ruộng đồng phì nhiêu, khung cảnh thanh bình, bao nhiêu mệt mỏi bỗng chốc tan biến. Phía trên có treo một quả chuông đồng đúc năm 1814 thời nhà Nguyễn.
Đến với quần thể chùa Trầm, du khách không chỉ được chiêm bái Phật, cầu sức khỏe, bình an mà còn được mãn nhãn với phong cảnh đặc sắc nơi đây. Sau khi tham quan hết các chùa, hang động bạn có thể thử sức leo núi đá. Có hai lối leo chính, một lối nằm cạnh Động Long Tiên, địa thế khá dốc, lối này dành cho những ai ưa thích mạo hiểm. Hai là vòng ra ngoài đường cái đi theo lối mòn sau chùa chính để lên núi Trầm. Khu vực núi Trầm là nơi dã ngoại nổi tiếng của các bạn trẻ vào ngày cuối tuần. Đứng trên núi không gian như được thu gọn trong tầm mắt, những cánh đồng xanh mướt, những ao cá đậm chất thôn quê. Xa xa là dãy núi nhỏ – nơi có di tích chùa Trăm Gian.
+ Chùa Trăm Gian
Chùa Trăm Gian còn gọi là chùa Tiên Lữ hay chùa Quảng Nghiêm, là một ngôi chùa nằm trên một quả đồi cao ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa Trăm Gian được coi là một trong 4 ngôi chùa thiêng thuộc hàng “tứ đại danh thắng của xứ Đoài” xưa, bên cạnh các chùa, như: Chùa Trầm, chùa Thầy và chùa Tây Phương. Ngôi chùa lớn với quy mô như hiện nay là đã được trùng tu và xây dựng thêm qua nhiều thời đại.
Chùa Trăm Gian được lập từ đời Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù thứ 10 (năm 1185). Đến thời nhà Trần, hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối. Truyền thuyết kể rằng, vào thời nhà Trần, ở làng Bối Khê có một phụ nữ sinh được một người con trai. Năm lên 9 tuổi, sau khi bố mẹ mất, người con trai ấy vào tu ở chùa Đại Bi trong làng. Lên 15 tuổi, đến thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, thấy cảnh đẹp, người thiếu niên xin yết kiến và theo học kinh kệ với vị trưởng lão tu tại ngôi chùa trên núi. Sau mười năm học đạo, người thanh niên đó hiểu thấu mọi phép linh thông. Vua Trần nghe tiếng, sắc phong là hòa thượng, đặt hiệu là Đức Minh rồi mời về tu ở chùa trong kinh đô…
Bên cạnh những giá trị về mặt lịch sử, chùa Trăm Gian đặc biệt có giá trị về mặt kiến trúc. Đây là một quần thể kiến trúc độc đáo. Theo cách tính cứ 4 góc cột là một “gian” thì chùa có cả thảy 100 gian, chia thành 3 cụm kiến trúc chính. Cụm thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội, tiếp đó là nhà Giá Ngự nhìn ra mặt hồ sen, nơi đặt kiệu thánh để xem trò múa rối nước.
Cụm thứ hai, gồm một toà gác chuông 2 tầng mái được dựng vào năm Quý Dậu – 1693, niên hiệu Chính Hòa, đời Lê Hy Tông, là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Tại tầng 2 có treo một quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai (năm 1794). Trên chuông có khắc một bài minh của Phạm Huy Ích. Qua gác chuông, leo mấy chục bậc đá xanh đến sân trên có kê một sập đá hình chữ nhật.
Cụm thứ 3 đó là chùa chính. Tại chùa Trăm Gian có hơn 100 pho tượng, hầu hết bằng gỗ quý, sơn son thiếp vàng, một số ít bằng đất nung. Trong chùa còn có nhiều bia, hoành phi, câu đối… Có hai câu đối khảm trai, tương truyền có từ thời nhà Hồ (1400-1406). Chùa còn có lầu trống bên trong treo một cỗ trống lớn và một tấm khánh đồng. Chùa Trăm Gian không chỉ thờ phật, thờ thánh mà còn thờ tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông, một vị tướng thời Tây Sơn, người có công trùng tu, tôn tạo chùa.
Lễ hội chùa Trăm Gian
Chùa Trăm Gian thuộc cả các xã Tiên Lữ xưa và Phương Khê (nay nhập thành xã mới Tiên Lữ – huyện Chương Mỹ), lại thêm Thổ Ngõa (nay thuộc xã Tân Hòa – huyện Quốc Oai). Vì thế hội chùa Trăm Gian là của dân “Tứ bích”, các thôn thay nhau đăng cai, mời dân anh Bối Khê sang dự hội. Lễ hội truyền thống diễn ra từ ngày 4 đến 6 tháng giêng. Lễ hội chùa Trăm Gian hàng năm thu hút hàng ngàn người là nhân dân địa phương và du khách thập phương. Với tục thờ Thánh, tục kết chạ, lễ hội càng thêm phần hấp dẫn, chứa đựng nhiều nét văn hóa riêng. Bằng vào những giá trị trên, chùa Trăm Gian đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 313VH/VP ngày 28/4/1962.
+ Chùa Linh Thông
Nằm cách trung tâm Hà Nội 20km, chùa Linh Thông tọa lạc trên núi Phượng Hoàng (thôn Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn). Chùa nằm trên đỉnh núi nên nhân dân địa phương thường gọi là chùa Cao Minh. Theo sử liệu, chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI. Ban đầu chùa chỉ là một am tranh nhỏ, về sau được mở mang xây dựng như hiện nay và là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của cả vùng.
Chùa Linh Thông được xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, vật liệu chính là gỗ lim, tường xây bằng gạch Bát Tràng, mái lợp ngói mũi hài. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, kiến trúc của chùa đã được mở rộng, với tòa Tam bảo vẫn giữ được lối kiến trúc hình chữ “Công”, xây kiểu chồng diêm hai tầng tám mái với hàng hiên cột vuông bao quanh bốn phía. Ngoài ra còn có các công trình khác như nhà khách, điện thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, lầu trống, lầu chuông…
+ Đình Ninh Sơn: nằm trên địa bàn thôn Ninh Sơn (thị trấn Chúc Sơn), khá gần với chùa Linh Thông. Đây là nơi thờ Lý Ông Trọng – vị võ tướng giỏi được nhân dân địa phương tôn là Thành hoàng làng. Đình được xây trên một nền đất cao, với địa thế khá đẹp. Kiến trúc của đình được thiết kế theo kiểu hình chuôi vồ. Tiền đường rộng ba gian hai chái, mặt trước có gắn 3 tấm bia. Nghi môn nhìn ra Vực Ninh, nơi có con đường chạy ven đầm tạo nên khung cảnh hữu tình. Bên phải đình là bến tắm cũ. Bên trái có một thủy đình hình lục giác với hai chiếc cầu đá ôm lấy bờ đầm. Bên trong đình, tại hậu cung hiện còn lưu giữ bộ bát cống quý hiếm có niên đại thế kỷ XVII, chỉ được sử dụng trong lễ rước kiệu mỗi dịp hội làng. Năm 2011, đình Ninh Sơn đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
+ Đình Tốt Động
Đình làng Tốt Động thuộc xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ. Đây là nơi thờ hai vị Thành hoàng là Lê Ngân và Đỗ Bí. Hai ông đã tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi đầu thế kỷ XV. Theo cuốn sách “Tạp ký bản xã chi sự và Thần phả hiện nay” lưu tại đình cho biết: Đình Tốt Động được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV. Qua thời gian đình đã qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa. Kiến trúc hiện nay của đình mang đậm nét kiến trúc nghệ thuật của lần tu bổ sửa chữa vào năm thứ 5 triều vua Bảo Đại nhà Nguyễn (1930).
Đình Tốt Động ngoài việc có các di vật, các tư liệu lịch sử, địa danh và lễ hội làng, còn là nguồn sử liệu cho việc nghiên cứu tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của dân tộc ta đầu thế kỷ XV. Đồng thời đình Tốt Động với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đã đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lao động để xây dựng quê hương, đất nước. Năm 1985, đình được công nhận là Di tích cấp lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.
+ Cụm di tích cấp quốc gia đình – chùa Yên Nhân xã Hòa Chính
Thôn Yên Nhân có một cụm di tích được xây dựng từ lâu đời. Cụm di tích này được gọi theo tên thôn từ xưa đến nay đó là đình – chùa Yên Nhân. Cụm di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2001.
Đình, Chùa Yên Nhân được xây dựng trên cùng một thửa đất trông về hướng Tây Nam. Ngôi đình được làm lùi lại phía sau ngôi chùa một khoảng sân rộng lát gạch. Đình có các hạng mục kiến trúc như: Đại bái, hậu cung, tả hữu mạc, hệ thống sân, vườn rộng rãi. Đại bái đình Yên Nhân gồm 5 gian, được làm kiểu tường xây, đầu hồi bít đốc với 2 mái chảy lợp ngói ri. Hậu cung đình Yên Nhân gồm 3 gian nhà ngang được làm song song với Đại bái, cách một khoảng sân nhỏ. Nối giữa hai gian giáp hồi Đại bái đến hai hồi Hậu cung là hai dãy tả hữu mạc, mỗi bên 3 gian. Nơi một bên dây dùng để cất giữ kiệu và một số đồ thờ, một bên kê bàn ghế tiếp khách. Đình Yên Nhân được tu sửa lớn và mở rộng vào đầu thế kỷ XX nhưng lại bảo lưu được nhiều mảng điêu khắc đẹp mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài ra đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý ở thời Lê và thời Nguyễn như: Hai bộ long ngai bài vị chạm rồng sơn son thếp vàng, bốn cỗ kiệu, một bức cuốn thư, ba bức hoành phi, 7 câu đối gỗ, một chiêng đồng, lư hương đồng, một quyển thần phả chữ Hán và các bản sao, bản dịch… Đặc biệt là có 16 đạo sắc phong của các triều đình phong kiến trước đây phong cho các vị thành hoàng làng. Năm 2020, đạo sắc phong tại đình Yên Nhân được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm.
Từ khi xây dựng đến nay đình – chùa Yên Nhân vẫn ở nguyên chỗ cũ. Qua nhiều lần tu sửa đình – chùa Yên Nhân vẫn giữ nguyên được kiểu dáng với các hạng mục kiến trúc ban đầu. Trong 2 cuộc kháng chiến, đình – chùa được sử dụng vào các công việc phục vụ cho cuộc kháng chiến và lao động sản xuất như: Làm kho tàng, hầm bí mật… nên không tránh khỏi sự xuống cấp. Toàn thể nhân dân thôn Yên Nhân cũng như Đảng uỷ, UBND xã Hoà Chính đã và đang quan tâm bảo vệ, tu bổ từng bước để giữ gìn, phát huy các giá trị của di tích cho hôm nay và mai sau.
+ Lễ hội truyền thống:
Hiện nay, mỗi năm, trên địa bàn huyện có 88 lễ hội với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau diễn ra tập trung chủ yếu vào mùa xuân (từ tháng giêng đến tháng 3 Âm lịch) nhiều lễ hội đã khôi phục được các phong tục, tín ngưỡng cổ có giá trị. Có 01 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là Lễ hội Bơi chải đình Lưu Xá, xã Hòa Chính. Những lễ hội này không chỉ thu hút người dân trong huyện mà còn thu hút du khách thập phương về trẩy hội. Người ta đến với lễ hội không chỉ để cầu xin mà còn để thể hiện niềm tôn kính, ngưỡng vọng đối với các vị anh hùng dân tộc, với thần, Phật, thể hiện sự tôn trọng đối với thiên nhiên; để được rũ bỏ những vất vả, cực nhọc, bận rộn mà hòa mình vào những trò chơi độc đáo ngày xuân.
Đến với các vùng quê của Chương Mỹ, ngoài những những ngôi đền, chùa nổi tiếng đó, du khách còn được tham dự và chứng kiến nhiều lễ hội đậm chất văn hóa vùng miền như: Lễ hội truyền thống đình làng Tốt Động, xã Tốt Động; Lễ hội truyền thống làng văn hóa Tràng An, Lễ hội truyền thống làng Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn; Lễ hội truyền thống đình làng Thụy Dương, xã Thụy Hương; Lễ hội làng Yên Cốc, xã Hồng Phong… Lễ hội đình Lưu Xá, xã Hòa Chính được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia luôn được ưu tiên bảo vệ nhằm gìn giữ nét sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của huyện Chương Mỹ. Xen kẽ trong các lễ hội đó là những tiết mục văn nghệ, những trò chơi truyền thống như tổ tôm, đánh cờ người, đập niêu, bắt vịt ao đình, kéo co, đấu vật…
+ Làng nghề truyền thống: Chương Mỹ cũng là cái nôi của làng nghề mây, tre, giang đan nên có rất nhiều sản phẩm hàng hóa độc đáo, đặc trưng có sức lôi cuốn khách du lịch đến tham quan làng nghề. Hiện nay ở huyện Chương Mỹ có 175 làng có nghề, trong đó có 35 làng được công nhận là làng nghề truyền thống và nổi bật là làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa.
Các sản phẩm làng nghề được đánh giá cao của huyện Chương Mỹ bao gồm: Hộp vuông đan mây, khay lục giác đan mây, đĩa tròn đan mây của Công ty TNHH mỹ nghệ Hoa Sơ; Trứng gà Tiên Viên của Công ty Cổ phần Tiên Viên; Trà Hoàn ngọc túi lọc SADU, Trà túi lọc Cà gai leo SADU của Công ty CPNN công nghệ cao Thăng Long; Bưởi Diễn Nam Phương Tiến của Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến; Các loại rau của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn…
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa: Trải qua hàng trăm năm phát triển, làng nghề mây, tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa luôn giữ được những giá trị truyền thống mà ông cha để lại, đồng thời phát huy sáng tạo đưa sản phẩm làng nghề dần đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật đan mây, tre Việt Nam.
Đến với làng nghề Phú Vinh, được tận mắt chứng kiến mới thấy hết những sản phẩm mây, tre đan đẹp, tinh xảo với hàng trăm mẫu mã, thể loại khác nhau. Không chỉ làm ra những vật dụng gia đình, mộc mạc đậm chất làng quê như: Khay, đĩa, rổ, rá, dần sàng, túi xách, cơi trầu… mà những sản phẩm nội thất, đồ trang trí rất hấp dẫn như: Bàn ghế, bình hoa, chao đèn, lọ lộc bình, khung ảnh. Ngày nay, người dân Phú Vinh còn làm ra những đồ lưu niệm, đồ trang sức đòi hỏi tay nghề kĩ thuật cao như: Chim bay, cá lượn, tranh chân dung, hoành phi câu đối, chao đèn, lu nước… Qua trí tưởng tượng và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, các sản phẩm thành hình mang trọn nét độc đáo và đặc trưng riêng của Phú Vinh. Bên cạnh đó, làng nghề Phú Vinh đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm.
2. Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch
Tháng 3/2022, UBND huyện đã tiến hành rà soát, tổng hợp danh mục di tích trên địa bàn, trong đó chú trọng rà soát, tổng hợp danh mục di tích chưa được khảo sát, kiểm kê để đề nghị bổ sung vào danh mục kiểm kê di tích của TP giai đoạn 2022 – 2025, từ đó hoạch định và có định hướng khai thác di tích trở thành các khu, điểm du lịch có ý nghĩa, làm động lực cho phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Sở Du lịch Hà Nội coi trọng việc khai thác, phát huy giá trị di sản, văn hóa lịch sử, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn để phục vụ phát triển du lịch của Thủ đô, biến di sản, văn hóa lịch sử, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao đời sống cho người dân tại địa phương, đồng thời phát huy giá trị di sản, văn hóa lịch sử, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Với tiềm năng, lợi thế của mình, Chương Mỹ cần định hướng phát triển du lịch bền vững theo hướng du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; Du lịch thể thao – vui chơi giải trí; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch làng nghề.
Nhưng có một thực trạng là dù có nhiều tiềm năng nhưng du lịch huyện chưa phát triển tương xứng với những tiềm năng đó. Các địa phương cũng chưa tận dụng tốt khả năng gắn kết các di sản văn hóa, làng nghề với du lịch.
Ngoài ra, thiếu sự phối hợp và chưa có sự quan tâm đúng mức của các ngành, nhất là việc phát triển hạ tầng. Các di tích lịch sử chưa được đầu tư, khai thác và nâng tầm thỏa đáng để phát triển. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp, quà lưu niệm còn nghèo nàn, sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương. Chưa xây dựng, tổ chức được các tour tuyến du lịch đến Chương Mỹ; chưa mang lại sự thỏa mãn và hấp dẫn du khách.. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm phát triển du lịch…
Để đánh thức những tiềm năng, lợi thế nhằm hấp dẫn du khách, theo các chuyên gia cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành, huyện cần có giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn, đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo môi trường du lịch lành mạnh, đẩy mạnh sự kết nối với ngành Du lịch.
Cần Tập trung sáng tạo các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, độc đáo về tham quan – trải nghiệm, nghỉ dưỡng – ẩm thực, giao lưu văn hóa – đồ lưu niệm để hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng thức nét đẹp cảnh quan.
Xây dựng và tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Chương Mỹ; khuyến khích doanh nghiệp du lịch gắn kết du lịch chùa Trăm Gian, chùa Trầm với các điểm du lịch văn hóa tâm linh khác như chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương…
Xây dựng chính sách khuyến khích các làng nghề truyền thống phát triển gắn với bảo vệ môi trường để huyện có thể phát huy giá trị trong phát triển du lịch bền vững góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển toàn diện về kinh tế – văn hóa – xã hội. Và tạo điều kiện để huyện có thể khai thác và áp dụng những hướng đi mới trong việc phát triển du lịch.
Tăng cường sự hợp tác, liên kết với doanh nghiệp du lịch trong việc tạo tour kết nối các điểm đến, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp với từng phân khúc du khách và sự phát triển của thị trường.
Để thu hút du khách cần tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt có tính trải nghiệm, tương tác cao, phát triển những sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng của địa phương. Trước mắt cần tập trung xây dựng sản phẩm chính là du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp và du lịch di tích văn hóa. Nhưng để làm được điều này cần liên kết chặt chẽ với khu vực nội thành để hình thành tour, tuyến hợp lý, có tính liên thông cao, có thể khai thác du lịch. Đầu tư vào hạ tầng, quảng bá điểm đến, thúc đẩy du lịch cộng đồng, tạo sự liên kết giữa di sản – làng nghề – các điểm tham quan, nghỉ dưỡng.
Trong đó, tập trung xây dựng các khu cụm du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực Chúc Sơn, hồ Văn Sơn, hồ Đồng Sương, khu vực cảnh quan lưu vực sông Bùi; đầu tư các khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Trăm Gian – chùa Trầm; phát triển các tuyến du lịch làng nghề tại phía Bắc quốc lộ 6, tuyến du lịch sinh thái dọc phía Nam đường Hồ Chí Minh hiện trạng, tuyến du lịch văn hóa cộng đồng dọc sông Đáy; khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội phát triển du lịch gắn với bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái, làng nghề truyền thống hiện có trên địa bàn.
Chú trọng công tác tôn tạo, bảo vệ, gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, tránh tình trạng khôi phục nhưng lại làm mất đi các giá trị lịch sử vốn có của di tích. Đồng thời, cần tăng cường quản lý di tích, bảo vệ danh lam, thắng cảnh, giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm, xâm phạm di tích. Phát huy giá trị các di tích để hình thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng./.
Tài liệu tham khảo
- https://chuongmy.hanoi.gov.vn/danh-lam-thang-canh-du-lich-sinh-thai/-/asset_publisher/ITkF7pYE4JMU/content/manh-at-con-nguoi-chuong-my-gan-voi-cac-iem-du-lich-sinh-thai-lang-nghe-truyen-thong
- https://chuongmy.hanoi.gov.vn/danh-lam-thang-canh-du-lich-sinh-thai/-/asset_publisher/ITkF7pYE4JMU/content/danh-thang-tu-tram-son
- https://kinhtedothi.vn/chuong-my-lam-gi-de-khai-thac-het-tiem-nang-du-lich.html
- https://sodulich.hanoi.gov.vn/diem-den/diem-den-du-lich-di-san-di-tich/chua-tram.html
- https://tuoitrethudo.com.vn/huyen-chuong-my-ha-noi-phat-trien-da-dang-nhieu-loai-hinh-du-lich-229777.html
Nguyễn Thị Phương
Phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm, Đào tạo và QLKH