Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Nguồn lực tài nguyên – tiềm năng lớn cho phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh

    1. Mở đầu

    Là một tỉnh nằm ở phía Đông của Việt Nam, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương có tài nguyên du lịch nổi trội và đặc sắc nhất cả nước, cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa. Nơi đây sở hữu nhiều danh lam – thắng cảnh nổi tiếng, được khách du lịch trong nước và quốc tế đặc biệt yêu thích như: Vịnh Bái Tử Long; VQG Bái Tử Long; đảo Cô Tô; đảo Tuần Châu;  các bãi biển: Trà Cổ, Ti Tốp, Minh Châu; quần thể di tích danh thắng Yên Tử…Đặc biệt, vịnh Hạ Long của Quảng Ninh – kỳ quan thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận – đã trở thành một trong những điểm đến vô cùng hấp dẫn không chỉ của riêng tỉnh Quảng Ninh mà còn của cả nước nói chung. 

    Lợi thế về tài nguyên du lịch, cùng với các yếu tố nguồn lực khác như vị trí địa lý, chính trị, kinh tế, chiến lược, hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ du lịch được đầu tư, phát triển đã góp phần đưa ngành du lịch Quảng Ninh đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong những năm qua. Năm 2019, Quảng Ninh đã thu hút hơn 14 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 5,7 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Theo Báo cáo đánh giá chỉ số cạnh tranh du lịch Việt Nam năm 2021 (VTCI 2021) đối với 15 tỉnh/thành phố theo các nhóm, trụ cột (Hình 23), Quảng Ninh có vị trí xếp hạng rất cao, xếp hạng chung đứng thứ 2/15 (sau Đà Nẵng); trong đó, trụ cột Tài nguyên tự nhiên đứng thứ 4/15 (sau Lâm Đồng, Quảng Bình, Kiên Giang); trụ cột Tài nguyên văn hóa đứng thứ 5/15 (sau Hà Nội, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh) – đây là một kết quả khá tốt cho thấy tiềm năng du lịch của Quảng Ninh so với các địa phương khác là rất lớn. Khai thác tốt lợi thế tài nguyên và phát huy sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch, sẽ đưa du lịch Quảng Ninh cất cánh hơn nữa trong thời gian tới, khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

    2. Nguồn lực tài nguyên tỉnh Quảng Ninh

    • Tài nguyên du lịch tự nhiên

    * Tài nguyên du lịch biển, đảo

    Quảng Ninh sở hữu tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, phong phú, trong đó tài nguyên tự nhiên biển đảo là thế mạnh của tỉnh với vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long có giá trị đặc sắc về địa chất, địa mạo và cảnh quan. 

    – Vịnh Hạ Long: Vịnh Hạ Long là một vịnh biển kín với diện tích 1.553 km2, bao gồm 1.969 hòn đảo (trong đó vùng được công nhận di sản có diện tích 434 km2 với 775 hòn đảo). Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với giá trị về tiêu chí thẩm mỹ – cảnh đẹp thiên nhiên (1994) và giá trị về địa chất – địa mạo (năm 2000). Năm 2012, vịnh Hạ Long chính thức trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do New Open World bình chọn. Trên vịnh Hạ Long có hàng ngàn hòn đảo đá vôi với nhiều hình thù cùng các tên gọi như hòn Oản, hòn Gà Chọi, hòn Ấm Tích, hòn Con Cóc… Đặc biệt, trên vịnh có nhiều hang động karst với những nhũ đá, măng đá, cột đá sinh động, hấp dẫn khách du lịch như: hang Đầu Gỗ, hang Bồ Nâu, hang Mê Cung…
    Vịnh Bái Tử Long: Vịnh Bái Tử Long nằm trong khu vực vịnh Bắc Bộ, bao gồm một phần của biển Hạ Long, Cẩm Phả và Vân Đồn. Vịnh Bái Tử Long là một chuỗi dài gồm hàng trăm các hòn đảo lớn nhỏ được tạo ra khi toàn bộ cao nguyên đá vôi bị chìm dưới mực nước biển. Vịnh Bái Tử Long gồm nhiều điểm tham quan nổi tiếng như đảo Cô Tô, đảo Vân Đồn…

    Cùng với đó là nhiều bãi biển đẹp như: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Sơn Hào, Bãi Dài (Vân Đồn); Hồng Vàn, Vàn Chảy (Cô Tô); Trà Cổ (Móng Cái); bãi biển Ti Tốp (vịnh Hạ Long)… 

    Đây là những tài nguyên có giá trị cao, đã được quy hoạch đánh giá và định hướng khai thác phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển.

    * Tài nguyên cảnh quan núi, rừng, hệ sinh thái

    Cảnh quan vùng núi của Quảng Ninh được thiên nhiên kiến tạo nhiều danh thắng đẹp, hùng vĩ với rừng, núi trùng điệp tạo nên khung cảnh độc đáo cho khu vực Duyên hải Đông Bắc.  Một số địa bàn có cảnh quan đẹp, là nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi, thể thao, cắm trại như: núi Yên Tử (TP.Uông Bí); núi Cao Ly, núi Cao Xiêm, “Sống lưng khủng long”, cảnh quan đường tuần tra biên giới (Bình Liêu).

    Quảng Ninh có hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng, có giá trị hấp dẫn du lịch bởi tính đa dạng sinh học cao, bảo tồn được nhiều nguồn gen, loài quý hiếm đặc trưng cho vùng nhiệt đới, trong đó có nhiều loài đặc hữu thuộc các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên như: VQG Bái Tử Long, Khu bảo tồn biển Cô Tô – Đảo Trần, rừng đặc dụng Yên Tử, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng. Những giá trị tài nguyên này thuận lợi để khai thác, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch lặn biển; du lịch mạo hiểm; du lịch cộng đồng, du lịch nghiên cứu, trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ.

    * Tài nguyên sông, suối, hồ, thác nước

    Quảng Ninh hệ thống sông, suối, suối khoáng nóng và thác nước khá đặc sắc, giàu tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái, dã ngoại, cắm trại, các hoạt động trải nghiệm băng rừng, chinh phục thác, tắm thác…Các điểm tài nguyên tiêu biểu, bao gồm: sông Ba Chẽ, suối Năm (TP. Hạ Long); hồ Yên Trung, thác Lựng Xanh, Khe Song – Thác Bạc (TP. Uông Bí); hồ Khe Chè (TX. Đông Triều); hồ Trúc Bài Sơn (huyện Hải Hà); suối khoáng nóng Quang Hanh (TP. Cẩm Phả), thác Mơ (TX. Quảng Yên); thác Khe Vằn – thác Sông Móc (Bình Liêu); thác Pạc Sủi (huyện Tiên Yên).

    Tài nguyên du lịch văn hóa

    Quảng Ninh là vùng đất chứa đựng những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giàu tiềm năng cho phát triển du lịch; đặc biệt nơi đây có hệ thống di tích kiến trúc văn hóa, tôn giáo tiêu biểu – là lợi thế quan trọng cho phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Toàn tỉnh hiện có 161 di tích lịch sử – văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng, trong đó có: 88 di tích cấp tỉnh, 58 di tích cấp quốc gia, 06 di tích quốc gia đặc biệt và 07 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài ra, có 02 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bao gồm: Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, được phân bố và thực hành ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Ninh.

    Hệ thống tài nguyên văn hóa có giá trị cho phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh bao gồm:

    * Di tích lịch sử – văn hóa

    – Di tích lịch sử gắn với tôn giáo, tín ngưỡng: Quảng Ninh là địa phương có hệ thống di tích, đền, chùa với kiến trúc nghệ thuật, tâm linh rất có giá trị cho hoạt động du lịch như: Đình Đền Công (TP. Uông Bí); Đền Trần Hưng Đạo, Miếu Vua Bà, Đền Trung Cốc, Đình Trung Bản thuộc Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, Chùa Yên Đông (TX. Quảng Yên); Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (TX. Đông Triều); Đền Cửa Ông (TP. Cẩm Phả, huyện Vân Đồn); Cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quan Lạn, Chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn); Chùa Long Tiên, Đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (Thành phố Hạ Long), chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí)… Trong đó, nổi bật nhất là Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí) với những giá trị tâm linh – thiên nhiên – văn hóa, lịch sử, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg, ngày 27/9/2012).

    – Di tích lịch sử cách mạng: Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng, lưu niệm sự kiện và danh nhân có thể khai thác cho loại hình du lịch văn hóa – lịch sử, tiêu biểu có: di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô; cầu Poóc Tích 1 – trận địa pháo Cao xạ – hầm chỉ huy của xí nghiệp tuyển than Cửa Ông (TP. Cẩm Phả); địa điểm lịch sử Trung tâm chiến khu Đông Triều (chùa Bắc Mã, TX. Đông Triều); khu di tích lịch sử Pò Hèn (TP. Móng Cái).

    – Di tích khảo cổ: Quảng Ninh còn lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ của văn hóa Soi Nhụ và văn hóa Hạ Long – đây là hai nền văn hóa đánh dấu sự tiếp xúc khá phổ biến của cư dân Việt cổ với nền kinh tế biển, tạo dựng được phương thức sống phức hợp theo định hướng khai thác biển. Các di chỉ khảo cổ liên quan đến hai nền văn hóa này được phát hiện tại hang Soi Nhụ, Tiên Ông, Bồ Quốc, Bồ Nâu; động Mê Cung, Thiên Long thuộc Vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long… Ngoài ra, còn có di chỉ/di tích khảo cổ của các triều đại dưới thời Lê Trung hưng, thời Trần tại các điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều như: đền An Sinh, am Ngọa Vân, Đá Chồng…

    Xu hướng du lịch của khách ngày càng đa dạng, nhiều phân khúc khách có nhu cầu du lịch kết hợp với nghiên cứu tìm hiểu các di tích, di chỉ khảo cổ. Với những giá trị di tích, di chỉ khảo cổ hiện có Quảng Ninh hoàn toàn có thể khai thác phát triển thành các dòng sản phẩm để phục vụ phân khúc thị trường khách nêu trên để góp phần đa dạng hóa sản phẩm, vừa tăng khả năng thu hút khách du lịch.

    * Lễ hội truyền thống

    Lễ hội truyền thống là một hình thức sinh hoạt văn hoá, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử; là nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của mỗi vùng, địa phương. Các lễ hội nổi tiếng ở Quảng Ninh phần nhiều là lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng tâm linh gắn với các điểm di tích nổi tiếng của tỉnh, được tổ chức hàng năm. Tiêu biểu có các lễ hội như: Lễ hội Đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội Yên Tử, Lễ hội chùa Long Tiên… Ngoài ra còn có những lễ hội mang màu sắc đặc trưng của tập tục, lề thói riêng biệt của các đồng bào thiểu số đang sinh sống tại Quảng Ninh: ngày hội Soóng Cọ của người Sán Chỉ, ngày hội “kiêng gió” của người Dao, lễ cấp sắc của người Dao, lễ hội Bàn Vương của người Dao… Nếu được khai thác đúng hướng, đây sẽ là những giá trị hấp dẫn khách du lịch.

    * Nghệ thuật dân gian

     Quảng Ninh sở hữu nhiều loại hình dân ca như: hát đúm, hát đối cổ, hát đối, hát giao duyên, hát chèo đường của cư dân vùng biển. Bên cạnh đó, các làn điệu dân ca – dân nhạc của người các đồng bào thiểu số như hát “soóng cọ” của người Sán Chỉ, hát “sán cố”, hát “pả dung” của người Dao, hát nhà Tơ. Đặc biệt Then của người Tày ở Bình Liêu (một phần của Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam) và Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (trong đó có Quảng Ninh) đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Quảng Ninh.

    *Làng nghề và nghề truyền thống

    Quảng Ninh có nhiều nghề và các làng nghề truyền thống đặc trưng như: làng nghề đan ngư cụ Hưng Học và làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương, nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Đò Chanh, nghề làm bánh gio Phong Cốc, nghề làm bún Hiệp Hòa (thị xã Quảng Yên); làng nghề gốm sứ Vĩnh Hồng, Đức Chính (thị xã Đông Triều); làng nuôi cấy ngọc trai (huyện Vân Đồn); làng chài Cửa Vạn (TP. Hạ Long); nghề mỹ nghệ than đá (TP. Hạ Long, thị xã Cẩm Phả) và một số làng nghề khác như làng nghề cói phương Nam, nghề thủ công mỹ nghệ tại phường Phương Đông, làng nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan tại xã Thượng Yên Công (TP. Uông Bí); nghề dệt thổ cẩm Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán (huyện Ba Chẽ); nghề làm miến dong Bình Liêu (huyện Bình Liêu)… Phát triển du lịch làng nghề góp phần phát huy các các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

    * Ẩm thực truyền thống 

    Sự đa dạng về địa lý và dân tộc đã giúp Quảng Ninh sở hữu lợi thế về giá trị ẩm thực phong phú và độc đáo, vừa mang đặc trưng của vùng biển, vừa mang đặc trưng của núi rừng vùng cao, pha trộn văn hóa ẩm thực của khu vực biên giới, hải đảo. Một số sản vật nổi tiếng của Quảng Ninh như: sá sùng Vân Đồn, mực ống Cô Tô, chả mực Hạ Long, miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ, nếp cái hoa vàng Đông Triều… Một số món ăn tiêu biểu được khách du lịch yêu thích như: các món ăn được chế biến từ sản vật biển (xôi chả mực, bún hải sản, bún cù kỳ… ở TP. Hạ Long); chế biến từ sản vật của sông suối, rừng (cá suối cuốn lá lốt, ốc khe nấu bỗng; chả lá lốt trứng kiến, trứng kiến xào ăn với xôi, canh rau ngót rừng, bánh dày, bánh chưng gù của người dân tộc Tày, Sán Chỉ ở Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên); ngoài ra còn có các loại rượu làm từ men lá, rượu ngô, rượu khoai, rượu ba kích tím (Ba Chẽ, Tiên Yên), rượu mơ Yên Tử (Uông Bí). Với tiềm năng về văn hóa ẩm thực nêu trên, Quảng Ninh có thể khai thác phát triển loại hình du lịch khám phá ẩm thực, góp phần tăng sức hấp dẫn cho du lịch của tỉnh.

    Khu di tích và danh thắng Yên Tử

    * Tài nguyên văn hóa gắn với đời sống sinh hoạt và khung cảnh làng, bản cho phát triển du lịch cộng đồng

    Khung cảnh bình dị của các bản, làng, không gian thoáng đãng, những phong tục tập quán, làn điệu dân ca, ẩm thực phong phú là nguồn tài nguyên du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Điển hình, có thể kể đến làng quê Yên Đức thuộc thị xã Đông Triều; sông nước Phương Nam – xã Thượng Yên Công thuộc TP. Uông Bí; bản Sông Moóc – xã Đồng Văn (người Dao Thanh Phán), thôn Lục Ngù – xã Húc Động (người Sán Chỉ), thôn Bản Cáu – xã Lục Hồn, bản Đồng Thanh (người Tày) – xã Hoành Mô thuộc huyện Bình Liêu; thôn Tầm Làng (người Dao) – xã Quảng An thuộc huyện Đầm Hà; thôn Pò Hèn (người Dao và người Sán Chay), xã Hải Sơn thuộc TP. Móng Cái…  

    * Các công trình sáng tạo

    Quảng Ninh còn có những công trình sáng tạo mang tính hiện đại, ấn tượng và đặc sắc, lôi cuốn khách du lịch, tiêu biểu như: Bảo tàng Quảng Ninh; Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm; Cầu vượt biển Vân Tiên; Đường bao biển Trần Quốc Nghiễn; Cầu Tình Yêu; Cầu Bãi Cháy. Có thể thấy, các công trình sáng tạo đã trở thành tài nguyên văn hóa, tạo sức hấp dẫn cho không gian điểm đến, góp phần thu hút khách du lịch đến với Quảng Ninh.

    Bảo tàng Quảng Ninh

    3. Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh từ nguồn lực tài nguyên

    3.1. Hệ thống sản phẩm du lịch

    Với những lợi thế đặc biệt về nguồn lực tài nguyên du lịch, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch phong phú và đặc sắc nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, trong đó tập trung 4 dòng sản phẩm chính, bao gồm: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch biên giới.

    – Du lịch biển đảo, có các sản phẩm tiêu biểu: du lịch tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan (sử dụng phương tiện: tàu thủy, thủy phi cơ, trực thăng)/lưu trú/thể thao, vui chơi giải trí (xuồng cao tốc, thuyền kayak, cano kéo dù bay, mô tô nước…)/nghỉ dưỡng trên du thuyền khám phá Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tắm biển Hạ Long, Tuần Châu, Vân Đồn, Cô Tô, Vĩnh Thực, Cái Chiên, Quan Lạn, Ngọc Vừng…; du lịch ẩm thực biển Hạ Long, Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô, Trà Cổ; du lịch sinh thái, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên trên vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Bái Tử Long, trên các đảo đất của huyện Vân Đồn, vịnh Bái Tử Long, Cô Tô, Vĩnh Thực, Cái Chiên, Quan Lạn, Ngọc Vừng; du lịch trải nghiệm ngắm san hô và ngắm bình minh ở đảo Thanh Lân, Cô Tô.

    – Du lịch văn hóa, tâm linh, có các sản phẩm tiêu biểu và đặc thù: du lịch tham quan, trải nghiệm tại các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng; du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh tại Hạ Long, Cô Tô, Vân Đồn, Cẩm Phả; du lịch lễ hội (lễ hội Carnaval Hạ Long, lễ hội truyền thống, biểu diễn sinh thực cảnh, sự kiện quốc gia, quốc tế..); du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh quần thể di tích danh thắng Yên Tử; du lịch văn hóa làng chài tại các khu vực làng chài cũ tại các vùng Biển Quảng Ninh; du lịch sinh thái – văn hóa – cộng đồng tại các bản làng dân tộc Dao, Sán Dìu tại Bình Liêu, Tiên Yên; du lịch trải nghiệm dành cho giới trẻ…

    – Du lịch cộng đồng, có các sản phẩm chính đã khai thác, bao gồm: du lịch cộng đồng ở đảo Cô Tô, Vân đồn, Quan Lạn, Cái Chiên (khu vạn chài); du lịch tham quan, trải nghiệm tại làng du lịch cộng đồng tại Bình Liêu; du lịch cộng đồng kết hợp lễ hội: Ngày hội Kiêng gió, hội hát Soóng cọ, lễ hội đình Lục Nà, hội hoa sở, hội mùa vàng…; du lịch cộng đồng với chợ phiên văn hóa Vùng cao, trung tâm văn hóa Sán Chỉ Tiên Yên.

    Du lịch biên giới: Các hoạt động du lịch gắn với thương mại tại các cửa khẩu biên giới (Móng Cái – TP. Móng Cái, Hoành Mô – huyện Bình Liêu, Bắc Phong Sinh – huyện Hải Hà) cũng được thúc đẩy phát triển, các sản phẩm du lịch biên giới chính bao gồm: Du lịch tham quan, mua sắm qua cửa khẩu; Du lịch MICE; Du lịch xe tự lái (Caraval).

    3.2. Số lượng khách, tổng thu từ du lịch, đóng góp của du lịch vào GRDP

    Tác động của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, diễn ra từ năm 2020 cho đến nay đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành du lịch trên toàn thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Vì vậy, bài viết chỉ đề cập đến số liệu về khách du lịch, tổng thu từ du lịch và đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn trước năm 2020, điều này sẽ phản ánh tương đối chính xác về sự phát triển du lịch của Quảng Ninh trong điều kiện bình thường của giai đoạn trước (không chịu tác động của dịch bệnh).

    * Khách du lịch 

    Sở hữu giá trị tài nguyên du lịch hấp dẫn, cùng hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú, Quảng Ninh luôn là một trong những tỉnh thu hút được lượng khách du lịch đến đông đảo trong cả nước, đứng thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng (chỉ xếp sau Hà Nội). Giai đoạn 2011 – 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân của khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 10,2%/năm. Năm 2011, Quảng Ninh đón được 6.459.000 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng đến năm 2019 số lượt khách đến Quảng Ninh đã đạt 14.005.000 lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2011. 

    Hình 13. Biểu đồ khách du lịch đến Quảng Ninh giai đoạn 2011 – 2019

    (Nguồn: Số liệu thống kê do Sở Du lịch Quảng Ninh và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổng hợp)

    * Tổng thu từ du lịch 

    Cùng với sự gia tăng của khách du lịch, tổng thu từ du lịch của Quảng Ninh cũng tăng trưởng nhanh trong những năm qua. Năm 2011, tổng thu từ du lịch của Quảng Ninh đạt 8.718 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt 29.488 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với năm 2011, tốc độ tăng trưởng trung bình về tổng thu từ du lịch giai đoạn 2011 – 2019 đạt 17,4%/năm.

    * Đóng góp của du lịch vào GRDP

    Giai đoạn 2011 – 2019, tăng trưởng GRDP du lịch của Quảng Ninh ở mức cao. Năm 2011, GRDP du lịch ước đạt khoảng 5.725 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt khoảng 20.642 tỷ đồng, gấp 3,6 lần, so với năm 2011. Tính riêng năm 2019, tỷ trọng GRDP du lịch của Quảng Ninh chiếm khoảng 10,7% tổng giá trị GRDP của tỉnh (GRDP toàn tỉnh đạt 194.132 tỷ đồng), đây là mức đóng góp tương đối lớn, thể hiện du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. 

    Bảng 1. Tổng thu từ du lịch và GRDP du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2011 – 2019

    2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019
    Tổng thu từ du lịch (tỷ đồng) 8.178 8.740 9.268 9.605 10.900 13.300 17.885 23.630 29.488
    GRDP Du lịch 5.725 6.118 6.488 6.724 7.630 9.310 12.520 16.541 20.642

    (Nguồn: Số liệu thống kê do Sở Du lịch Quảng Ninh và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổng hợp)

    • Kết luận

    Tận dụng tốt những ưu thế về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch nổi trội, hấp dẫn cả về tự nhiên lẫn văn hóa, đặc biệt có vịnh Hạ Long – là kỳ quan thiên nhiên đã được UNESCO 2 lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Quảng Ninh đã và đang trở thành một trung tâm du lịch lớn trong cả nước, được đông đảo khách du lịch quốc tế yêu thích.  

    Tuy nhiên, dù đã phát huy những ưu thế về tài nguyên du lịch trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú nhưng quy mô và chất lượng các sản phẩm du lịch của Quảng Ninh vẫn chưa tương xứng tối ưu với tiềm năng, lợi thế nổi trội của địa phương. Các sản phẩm du lịch của Quảng Ninh mới chủ yếu chỉ tập trung khai thác lợi thế tài nguyên sẵn có, còn chậm đổi mới so với nhu cầu và xu thế thị trường; các sản phẩm văn hóa, giải trí, mua sắm còn thiếu và kém sức hấp dẫn, chưa tạo được nhiều sản phẩm khác biệt, có chất lượng cao; thiếu các sản phẩm và dịch vụ đẳng cấp khu vực và quốc tế để phục vụ đối tượng khách cao cấp. 

    Du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch. Vì vậy, trong thời gian tới, để du lịch Quảng Ninh cất cánh hơn nữa, một trong những ưu tiên hàng đầu đó là cần phát huy tối đa dựa trên sự tôn trọng, ưu tiên bảo tồn và phát triển nguồn lực tài nguyên du lịch vượt trội trong duy trì, hoàn thiện các sản phẩm du lịch đã có, đồng thời xây dựng các loại hình sản phẩm hoàn toàn mới, chất lượng đẳng cấp, riêng có của tỉnh Quảng Ninh. Có như vậy, Quảng Ninh mới thực sự trở thành trung tâm du lịch quốc tế, địa bàn trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, đúng như mục tiêu và kỳ vọng của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh./.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (2014), Quyết định  phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, số 1418/QĐ-UBND ngày 04/7/2014.
    2. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Quyết định phê duyệt đề án phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, số 1419/QĐ-UBND ngày 04/7/2014.
    3. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Quyết định về việc ban hành quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, số 06/2019/QĐ-UBND ngày 29/01/2019.
    4. UBND tỉnh Quảng Ninh, Quyết định về việc phê duyệt Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long – vịnh Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô, số 4686/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2020 của .
    5. UBND tỉnh Quảng Ninh Quyết định về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, số 4839/QĐ-UBND ngày 29/12/2020.
    6. Dương Quỳnh Phương, Lê Thanh Huệ, Di sản thiên nhiên – thế mạnh để phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh, Tạp chí Khoa học ĐHSP TP.HCM, số 2 (80)/2016, tr.109 – 118.
    7. https://www.quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietBVGioiThieu.aspx?bvid=417, truy cập ngày 14/4/2023.
    8. https://laodong.vn/xa-hoi/du-lich-quang-ninh-phat-trien-chua-xung-tam-voi-tai-nguyen-vuot-troi-1158718.ldo, truy cập ngày 14/4/2023.

    ThS. Trần Thị Hồng Trang, ThS. Nguyễn Thùy Vân 

    Phòng Nghiên cứu Chính sách, QH&MT Du lịch

    Bài cùng chuyên mục