Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Chiến lược phát triển dược liệu gắn với phát triển du lịch Việt Nam

    1. Tài nguyên dược liệu Việt Nam

    1.1. Tài nguyên dược liệu làm thuốc ở Việt Nam

    Hiện nay, nhiều khu vực ở nước ta là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm. Trong số các loài thực vật bậc cao đã được biết ở Việt Nam, có 5.117 loài cây dược liệu đã được ghi nhận, trong đó khoảng 200 loài đã được khai thác thương mại. Nhiều loài có giá trị cao, là dược liệu quý được thế giới công nhận như sâm Ngọc Linh, thông đỏ, hoa hoè, trinh nữ hoàng cung, giảo cổ lam…

    Nguồn dược liệu của Việt Nam tập trung chủ yếu ở 5 trung tâm đa dạng sinh vật, gồm: 

    (1) Trung tâm ĐDSH Hoàng Liên Sơn: Dãy Hoàng Liên Sơn, gồm: Lào Cai – Lai Châu – Yên Bái – Sơn La (Phú Thọ):

    Thuộc khu cảnh quan Hoàng Liên Sơn. Thảm thực vật chính là rừng kín thường xanh trên địa đới, ở cả đai nhiệt đới và á nhiệt đới. Các dân tộc chính là Mông, Dao, Thái. Cây thuốc đặc trưng gồm Hoàng liên, Sì to, Tam thất hoang, Sâm vũ diệp, Táo mèo. Đây là khu vực cảnh quan hùng vĩ bậc nhất Việt Nam, đã được khai thác một phần để phát triển du lịch, đặc biệt là ở Sa Pa (Lào Cai) bởi các doanh nghiệp lớn. Đây là cơ hội lớn để phát triển các sản phẩm OCOP từ dược liệu và dịch vụ du lịch gắn với đa dạng cảnh quan và văn hóa, được thực hiện bởi các HXT, SMEs dưới dạng độc lập hoặc liên kết với các doanh nghiệp lớn.

    (2) Trung tâm Đông Bắc: Cao Bằng, Bắc Kạn 

    Thuộc khu cảnh quan Việt Bắc và Đông Bắc. Thảm thực vật chính là rừng kín thường xanh trên địa đới, đá vôi ở cả đai nhiệt đới và á nhiệt đới. Đây là vùng có đa dạng các dân tộc, trong đó các dân tộc chính là Tày, Nùng, Mông, Dao. Cây thuốc đặc trưng gồm Ô đầu, Bình vôi đỏ, Bồ khai, Xuyên tâm thảo, Hồi, Hoàng liên ô rô, Mật mông hoa. Hoạt động du lịch ở một số khu vực thuộc trung tâm này đã được quy hoạch và đang phát triển nhanh, như Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng.

    (3) Trung tâm Cúc Phương – Pù Luông: Ninh Bình – Thanh Hóa – Hòa Bình – Sơn La

    Thuộc khu cảnh quan Hòa Bình – Thanh Hóa. Thảm thực vật chính là rừng kín thường xanh trên đá vôi và địa đới ở đai nhiệt đới (chủ yếu), một số ít á nhiệt đới. Các dân tộc chính: Mường, Kinh, Thái, Mông. Cây thuốc chủ yếu là Trà hoa vàng nhạt, Huyết giác, Trâu cổ, Giảo cổ lam 5 lá nhẵn, Dành dành. Hoạt động du lịch ở một số khu vực thuộc trung tâm này đã được phát triển mạnh mẽ ở Khu Tam Cốc – Bích Động, Tràng An – Bái Đính, Vườn quốc gia Cúc Phương, Suối cá thần Cẩm Thủy, Vườn quốc gia Pù Luông,… tạo cơ hội lớn cho phát triển các sản phẩm OCOP từ dược liệu và dịch vụ du lịch gắn với đa dạng cảnh quan và văn hóa.

    (4) Trung tâm Bạch Mã – Ngọc Linh: Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Kon Tum 

    Thuộc khu cảnh quan Bình – Trị – Thiên và Kon Tum – Quảng Ngãi. Thảm thực vật chính là rừng kín thường xanh trên địa đới, ở đai nhiệt đới và á nhiệt đới. Các dân tộc chính: Kinh, CơTu, Bru Vân Kiều, Tà Ôi, Xơ Đăng, Gia Rai, Ba Na, Brâu, Rơ Măm. Cây thuốc đặc trưng gồm Vàng đắng, Sâm Ngọc Linh. Hoạt động du lịch ở trung tâm này chưa phát triển mạnh, mới được thực hiện ở một số nơi như Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Vườn quốc gia Bạch Mã.

    (5) Trung tâm Lâm Viên/Lang Biang: Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đồng Nai 

    Thuộc khu cảnh quan cực nam Trung Bộ. Thảm thực vật chính là rừng kín thường xanh trên địa đới ở đai nhiệt đới, á nhiệt đới. Các dân tộc chính gồm Kinh, Kơ Ho, Mạ, Ba Na, Gia Rai, Tày, Nùng. Cây thuốc đặc trưng gồm Hoàng liên dây, Thạch tùng răng cưa, Thông đỏ, Đảng sâm, Vàng đắng, Ươi. Hoạt động du lịch ở trung tâm này đã được phát triển mạnh mẽ ở Đà Lạt, tạo cơ hội lớn cho phát triển các sản phẩm OCOP từ dược liệu và dịch vụ du lịch gắn với đa dạng cảnh quan và văn hóa.

    1.2. Tiềm năng phát triển du lịch gắn với ngành dược liệu ở Việt Nam

    Việc phát triển các sản phẩm du lịch gắn với ngành dược liệu ở Việt Nam dựa trên các lợi thế so sánh cơ bản là: 

    1) Việt Nam là quốc gia đa dạng sinh học cao, với hơn 5,000 loài cây thuốc, 450 loài động vật làm thuốc và 70 khoáng vật làm thuốc. Đây là kho tàng rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vực chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh tật (xem phần 1).

    2) Việt Nam là quốc gia đa dạng sắc tộc, với 54 dân tộc khác nhau. Mỗi dân tộc có tri thức sử dụng dược liệu, nền văn hóa riêng. Đây cũng là kho tàng rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vực chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật và các dịch vụ du lịch văn hóa (xem phần 1).

    3) Việt Nam có cảnh quan đẹp, có tài nguyên du lịch đa dạng, gồm:

    Hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3.300 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Có 95 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt: Cố đô Hoa Lư, Di tích Pác Bó, Dinh Độc Lập, Hoàng thành Thăng Long, Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích ATK Thái Nguyên, Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ, Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, Khu di tích Kim Liên, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Khu di tích Tân Trào, Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nhà tù Côn Đảo, Quần thể di tích Cố đô Huế, Thành nhà Hồ, Thánh địa Mỹ Sơn, Thắng cảnh Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, Đô thị cổ Hội An và Đền Hùng.

    Có 32 vườn quốc gia, gồm Ba Bể, Bái Tử Long, Hoàng Liên, Tam Đảo, Xuân Sơn, Ba Vì, Cát Bà, Cúc Phương, Xuân Thủy, Bạch Mã, Bến En, Phong Nha-Kẻ Bàng, Pù Mát, Vũ Quang, Bidoup Núi Bà, Chư Mom Ray, Chư Yang Sin, Kon Ka Kinh, Yok Đôn, Côn Đảo, Lò Gò-Xa Mát, Mũi Cà Mau, Núi Chúa, Phú Quốc, Phước Bình, Tràm Chim, U Minh Hạ, U Minh Thượng.

    Đã phát hiện lên tới gần 1,000 hang động, thường là các hang động nằm trong các vùng núi đá vôi có kiểu địa hình karst. Các hang động ở Việt Nam tuy nhiều nhưng số được khai thác sử dụng cho mục đích du lịch còn rất ít. Tiêu biểu nhất là: động Phong Nha (Quảng Bình), động Hương Tích (Hà Nội), hang động Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, động Địch Lộng, động Vân Trình, động Thiên Hà (Ninh Bình), hang Pác Bó (Cao Bằng), động Tam Thanh (Lạng Sơn), động Sơn Mộc Hương (Sơn La), các hang động ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)… Ba di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam là vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và quần thể danh thắng Tràng An đều là những danh thắng có những hang động nổi tiếng.

    Tính đến tháng 10/2023 Việt Nam có 9 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới tại Việt Nam: Quần thể danh thắng Tràng An, Thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long, Quần thể di tích Cố đô Huế, quần thể Vịnh Hạ Long, Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, và Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

    Có 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận là: Châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Tây Nghệ An, Đồng Nai, Cù lao Chàm, Cần Giờ, Cà Mau và biển Kiên Giang.

    Với các lợi thế như vậy, nếu gắn phát triển các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch, có thể tạo một ngành kinh tế “lai” dựa trên nền tảng văn hóa – cảnh quan – thảo dược (VHTD), có dung lượng lớn, có thể xuất khẩu tại chỗ và đặc biệt là phù hợp với các tiêu chí của Chương trình OCOP.

    2. Giải pháp phát triển ngành dược liệu gắn với ngành du lịch.

    2.1.  Quy hoạch 08 vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái để đáp ứng nhu cầu thị trường khách du lịch.

    (1) Vùng núi cao có khí hậu á nhiệt đới: Lào Cai (Sa Pa), Lai Châu (Sìn Hồ) và Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ): Phát triển trồng 13 loài dược liệu bao gồm 04 loài bản địa: Bình vôi, Đảng sâm, Hà thủ ô đỏ, Tục đoạn và 09 loài nhập nội: Actisô, Đỗ trọng, Độc hoạt, Đương quy, Hoàng bá, Mộc hương, Ô đầu, Tam thất, Xuyên khung với diện tích trồng khoảng 2,550 ha. Ưu tiên phát triển các loài: Actisô, Đương quy, Đảng sâm. 

    (2) Vùng núi trung bình có khí hậu á nhiệt đới: Lào Cai (Bắc Hà), Sơn La (Mộc Châu) và Lâm Đồng (Đà Lạt): Phát triển trồng 12 loài dược liệu bao gồm 05 loài bản địa: Bình vôi, Đảng sâm, Hà thủ ô đỏ, Tục đoạn, Ý dĩ và 07 loài nhập nội: Actisô, Bạch truật, Bạch chỉ, Dương cam cúc, Đỗ trọng, Đương quy, Huyền sâm với diện tích trồng khoảng 3,150 ha. Ưu tiên phát triển các loài: Bạch Truật, Đỗ trọng và Actisô.

    (3) Vùng trung du miền núi Bắc Bộ: Bắc Giang, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn: Phát triển trồng 16 loài dược liệu bao gồm 13 loài bản địa: Ba kích, Đinh lăng, Địa liền, Gấc, Giảo cổ lam, Ích mẫu, Kim tiền thảo, Hồi, Quế, Sả, Sa nhân tím, Thanh hao hoa vàng, Ý dĩ và 03 loài nhập nội: Bạch chỉ, Bạch truật, Địa hoàng với diện tích trồng khoảng 4,600 ha. Ưu tiên phát triển các loài: Ba kích, Gấc, Địa hoàng; duy trì và khai thác bền vững Quế và Hồi trên diện tích đã có.

    (4) Vùng đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định và Thái Bình: Phát triển trồng 20 loài dược liệu bao gồm 12 loài bản địa: Cúc hoa, Diệp hạ châu đắng, Địa liền, Đinh lăng, Gấc, Hòe, Củ mài, Hương nhu trắng, Râu mèo, ích mẫu, Thanh hao hoa vàng, Mã đề và 08 loài nhập nội: Bạc hà, Bạch chỉ, Bạch truật, Cát cánh, Địa hoàng, Đương quy, Ngưu tất, Trạch tả với diện tích trồng khoảng 6,400 ha. Ưu tiên phát triển các loài: Ngưu tất, Bạc hà, Hòe và Thanh hao hoa vàng.

    (5) Vùng các tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An: Phát triển trồng 10 loài dược liệu bao gồm các loài bản địa: Ba kích, Diệp hạ châu đắng, Đinh lăng, Củ mài, Hòe, Hương nhu trắng, Ích mẫu, Nghệ vàng, Quế, Sả với diện tích trồng khoảng 3,300 ha. Ưu tiên trồng các loài: Hòe, Đinh lăng.

    (6) Vùng Nam Trung Bộ: Quảng Nam, Khánh Hòa: Phát triển trồng 10 loài dược liệu bao gồm các loài bản địa: Bụp giấm, Diệp hạ châu đắng, Dừa cạn, Đậu ván trắng, Củ mài, Nghệ vàng, Quế, Râu mèo, Sa nhân tím, Sâm Ngọc linh với diện tích trồng khoảng 3,200 ha. Ưu tiên phát triển các loài: Bụp giấm, Dừa cạn, Sa nhân tím và Sâm Ngọc Linh.

    (7) Vùng Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông: Phát triển trồng 10 loài dược liệu bao gồm các loài bản địa: Gấc, Gừng, Hương nhu trắng, Đảng sâm, Nghệ vàng, Sa nhân tím, Sả, Sâm Ngọc linh, Trinh nữ hoàng cung, Ý dĩ với diện tích trồng khoảng 2,000 ha. Ưu tiên trồng các loài: Đảng sâm, Sâm Ngọc linh.

    (8) Vùng Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ: An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh: Phát triển trồng 10 loài dược liệu bao gồm các loài bản địa: Gừng, Trinh nữ hoàng cung, Nghệ vàng, Nhàu, Rau đắng biển, Hoàn ngọc, Tràm, Xuyên tâm liên, Râu mèo và Kim tiền thảo với quy mô khoảng 3,000 ha. Ưu tiên phát triển các loài: Tràm, Xuyên tâm liên, Trinh nữ hoàng cung.

    2.2. Một số giải pháp cụ khác

    Nền kinh tế dược liệu dựa trên nền tảng VHTD là: Nền kinh tế dựa trên tài nguyên đa dạng sinh học, tri thức và văn hóa bản địa trong dược liệu cùng cảnh quan và gắn với du lịch.

    – Phát triển du lịch gắn với ngành dược liệu là chiến lược khác biệt hóa, dựa trên các lợi thế so sánh về tài nguyên dược liệu, tri thức sử dụng đa dạng và phong phú của các dân tộc và cảnh quan đa dạng của Việt Nam. 

    – Phát triển kinh tế du lịch khai thác thông qua ngành dược liệu, được thực hiện bởi các cộng đồng dân cư, dưới hình thức các HTX, trong đó người dân vừa là chủ nhân của đa dạng sinh học, tri thức sử dụng, cảnh quan, vừa là chủ sở hữu (góp vốn), vừa là người thực hiện.

    – Khai thác giá trị văn hóa trong Y dược cổ truyền, trong đó dược liệu là nền tảng. 

    – Đa dạng các sản phẩm từ dược liệu: Từ dược liệu có thể tạo ra 3 tầng sản phẩm hàng hóa, gồm: 1) các sản phẩm chăm sóc sức khỏe dưới dạng rau ăn, đồ uống, sản phẩm chăm sóc gia đình và khách du lịch; 2) sản phẩm hỗ trợ điều trị, gồm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hương trị liệu và 3) sản phẩm điều trị, gồm dược liệu thô, dược liệu chế biến, thuốc từ dược liệu, thuốc YHCT và thuốc YH hiện đại. 

    – Gắn khai thác dược tính của dược liệu (đặc biệt là thảo dược) với tài nguyên văn hóa, cảnh quan, từ đó tạo ra 1) các điểm dừng chân có giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa từ dược liệu, dịch vụ ẩm thực từ dược liệu; 2) các điểm/mô hình tham quan, trải nghiệm, du lịch sinh thái – nông nghiệp thảo dược, các vườn cây thuốc và 3) các dịch vụ du lịch dưỡng bệnh (Hình 1).

    Hình 1: Khung chiến lược phát triển dược dược liệu trên nền tảng văn hóa – thảo dược

    Nếu thực hiện đầy đủ điều này, chúng ta có thể thực hiện Vision: “Việt Nam là Vườn thảo dược của Thế giới”.

    * Các hoạt động chủ yếu trong việc gắn kết ngành thảo dược với ngành du  lịch (đặc biệt là du lịch chăm sóc sức khỏe).

    Để thực hiện chiến lược này, cần:

    1) Hiểu rõ thực trạng: Tài nguyên dược liệu – văn hóa – cảnh quan, hiện trạng phát triển du lịch, các vấn đề tồn tại và nguyên nhân, từ đó xác định cách làm du lịch thông qua nguồn thảo dược (chiến lược).

    2) Xác định nhu cầu thị trường, gồm yêu cầu phần cốt lõi của sản phẩm/dịch vụ du lịch, các phân khúc thị trường khách du lịch, khách có nhu cầu sử dụng thảo dược cho việc chăm sóc sức khỏe, độ lớn thị trường, giá cả.

    3) Sáng tạo ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ – du lịch, chú ý kinh doanh dựa trên nền tảng văn hóa, tạo không gian văn hóa, dưỡng bệnh phù hợp với các quy định pháp lý.

    4) Xây dựng các mô hình, như phát triển vùng dược liệu an toàn, sạch, vùng đất organic, làng văn hóa – du lịch thảo dược… từ đó chia sẻ để cùng phát triển du lịch và ngành thảo dược.

    5) Xây dựng hệ thống chuẩn hóa, như các sản phẩm từ dược liệu, du lịch.

    6) Phát triển nguồn nhân lực du lịch am hiểu ngành dược liệu để có thể giới thiệu, chăm sóc sức khỏe phục vụ khách du lịch, nhằm: Tạo ra đội ngũ nhân lực tâm huyết, có thể tiếp cận công nghệ 4.0, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, có kỹ năng quản trị, nghiên cứu phát triển

    7) Kết nối thị trường: Gắn kết các chủ thể sản xuất – kinh doanh tại cộng đồng với các chủ thể khác trong chuỗi giá trị (như các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các nhà hàng,…) nhằm kéo dài chuỗi giá trị, phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm,…

    8) Xây dựng đội ngũ hỗ trợ cộng đồng, tư vấn cộng đồng.

    Tài liệu tham khảo chính

    [1] Đỗ Huy Bích, Bùi Xuân Chương, Đặng Quang Trung, Nguyễn Thượng Dong,… (2006), Cây thuốc và Động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1,2,3), NXB Khoa học và Kỹ thuật.

    [2] Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

    [3] Chuyên đề: “Chiến lược phát triển nguồn dược liệu Việt Nam” – Viện Chiến lược phát triển dược liệu.

    Nguyễn Văn Dũng

     Viện Nghiên cứu và phát triển cây dược liệu

    Bài cùng chuyên mục