Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Thực trạng công tác thống kê trong hoạt động du lịch và một số đề xuất hoàn thiện

    Thống kê trong ngành du lịch là quá trình thu thập, phân tích và trình bày dữ liệu số về các yếu tố và hoạt động liên quan đến du lịch. Thống kê du lịch có vai trò quan trọng trong việc đo lường và đánh giá tình hình và xu hướng của ngành du lịch, từ đó giúp quản lý, lập kế hoạch, đưa ra quyết định và định hướng phát triển cho các hoạt động du lịch.

    Trong những năm qua, công tác thống kê du lịch luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ. Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nêu rõ nhiệm vụ “Bổ sung, hoàn thiện công tác thống kê du lịch để xác định rõ vị trí ngành du lịch trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân và của các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch”.

    Mới đây nhất, tăng cường công tác thống kê du lịch được xác định là một nội dung trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

    Các khía cạnh và phạm vi của thống kê trong du lịch bao gồm:

    1. Số liệu thống kê du lịch: Thu thập các dữ liệu về số lượng du khách, doanh thu, tỷ lệ lấp đầy khách sạn, lượng vé bán ra cho các cơ sở tham quan và hoạt động giải trí, v.v.
    2. Thống kê về du khách: Bao gồm thông tin về nguồn gốc, mục tiêu, thời gian lưu trú, loại hình du lịch (du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thương mại, du lịch văn hóa, v.v.), cũng như hành vi và sở thích của du khách.
    3. Thống kê về điểm đến: Ghi nhận các dữ liệu liên quan đến địa điểm du lịch như số lượng khách thăm, tình hình phát triển cơ sở hạ tầng, hoạt động giải trí và văn hóa, cũng như các đặc điểm văn hóa và môi trường.
    4. Kinh tế du lịch: Thống kê về thu nhập và đóng góp kinh tế của ngành du lịch cho quốc gia hoặc vùng địa phương, bao gồm doanh thu từ dịch vụ du lịch, tạo việc làm và ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác.
    5. Thống kê sự kiện và hoạt động du lịch: Ghi nhận các sự kiện, triển lãm, hội chợ, chương trình giải trí và các hoạt động khác liên quan đến du lịch.
    6. Thống kê về vận chuyển: Ghi nhận thông tin về lượng khách sử dụng các phương tiện vận chuyển như máy bay, tàu hỏa, xe buýt, v.v.
    7. Phân tích xu hướng và dự báo: Sử dụng dữ liệu thống kê để phân tích xu hướng du lịch, dự báo sự biến đổi của ngành và đưa ra các kịch bản phát triển.
    8. So sánh và đánh giá: So sánh dữ liệu thống kê giữa các thời kỳ, địa điểm, loại hình du lịch để đánh giá hiệu suất và tình hình phát triển của ngành du lịch.

    Thống kê trong du lịch giúp các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các bên liên quan có cái nhìn sâu hơn về tình hình và tiềm năng của ngành du lịch, từ đó định hình chiến lược phát triển bền vững và hiệu quả.

    Ngày 06/10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BVHTTDL quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Số liệu thống kê có vai trò quan trọng phản ánh tình hình, kết quả hoạt động, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước các cấp, giúp dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách phát triển, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân.

    Sau Thông tư 11, một loạt các thông tư khác có liên quan đã được ban hành bao gồm:

    – Thông tư số 17/2021/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chế độ báo cáo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    – Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chế độ báo cáo thống kê trong hoạt động du lịch

    Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành văn hóa, thể thao và du lịch bao gồm 66 chỉ tiêu, trong đó lĩnh vực du lịch có 14 chỉ tiêu và được chia thành 3 nhóm chính.

    (1) Nhóm đánh giá vai trò và kết quả phát triển ngành du lịch có 6 chỉ tiêu: Số lượt khách du lịch nội địa; Chi tiêu của khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài; Tổng thu từ khách du lịch; Nhân lực ngành du lịch; Đóng góp của du lịch vào tổng sản phẩm trong nước; Đầu tư công cho marketing du lịch.

    (2) Nhóm phản ánh về hoạt động kinh doanh du lịch có 2 chỉ tiêu: Công suất sử dụng phòng của cơ sở lưu trú du lịch; Số lượt khách do doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phục vụ.

      (3) Nhóm phản ánh về năng lực hoạt động của ngành du lịch có 6 chỉ tiêu: Số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; Số hướng dẫn viên du lịch; Số cơ sở lưu trú du lịch; Số buồng của cơ sở lưu trú du lịch; Số điểm du lịch và Số khu du lịch.

    Hệ thống các chỉ tiêu này được xây dựng phù hợp với TSA – hệ thống tài khoản vệ tinh du lịch.

    Do các tài khoản trong Hệ thống tài khoản quốc gia chỉ đáp ứng yêu cầu phân tích vĩ mô, phân tích các ngành kinh tế chính thuộc hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, nhưng trên thực tế nhiều hoạt động kinh tế dù không được xếp vào hệ thống phân ngành, nhưng lại có vai trò hết sức quan trọng với nền kinh tế. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, phân tích chuyên sâu, Hệ thống tài khoản quốc gia đưa ra một số tài khoản vệ tinh như tài khoản vệ tinh môi trường, công nghệ thông tin… và du lịch. Như vậy có thể hiểu Tài khoản vệ tinh là những tài khoản được dùng để phản ánh, phân tích, một cách chi tiết nhu cầu và nguồn cung của các hoạt động kinh tế đặc biệt, những hoạt động mà chưa được định nghĩa như một ngành kinh tế thuộc Hệ thống Tài khoản Quốc gia nhưng vẫn có sự liên hệ với Hệ thống Tài khoản Quốc gia.

    Tài khoản vệ tinh du lịch là một hệ thống các khái niệm, định nghĩa, các bảng và các chỉ tiêu kinh tế được sắp xếp logic và thống nhất nhằm đo lường tính toán và phản ánh kết quả các mặt hoạt động du lịch theo quan điểm cung-cầu và trong mối quan hệ qua lại với các ngành kinh tế quốc dân khác theo cùng một nguyên tắc tính của tài khoản quốc gia, nhằm đảm bảo tính so sánh được giữa các vùng, các nước, các nhóm nước. (Luận án Tiến sỹ, Nghiên cứu Thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch ở Việt Nam, Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Đại học Kinh tế Quốc dân, 2011)

    Theo khung phân tích lý thuyết thì số liệu thống kê theo phương pháp TSA được tập hợp vào 10 tài khoản (bảng) chính, đó là:

    • Bảng 1: Tài khoản thống kê ước tính tiêu dùng du lịch của khách du lịch Inbound
    • Bảng 2: Tài khoản thống kê chi tiết tiêu dùng du lịch nội địa là một phần trong tổng số tiêu dùng du lịch nội địa
    • Bảng 3: Tài khoản thống kê tiêu dùng của hoạt động du lịch outbound
    • Bảng 4: Tài khoản tổng hợp tiêu dùng khách du lịch trong nước từ bảng 1 và bảng 2
    • Bảng 5: Tài khoản thống kê hàng hóa của ngành du lịch và các ngành khác sản xuất phục vụ cho hoạt động du lịch
    • Bảng 6: Tài khoản thống kê cung du lịch nội địa và tiêu dùng quốc gia theo sản phẩm: là bảng tổng hợp từ bảng 4 và 5
    • Bảng 7: Tài khoản thống kê việc làm trong ngành du lịch
    • Bảng 8: Tài khoản thống kê tổng vốn đầu tư cố định cho ngành du lịch
    • Bảng 9: Tài khoản tổng hợp chi tiêu và tiêu dùng theo chức năng và các mức độ khác nhau của chính phủ
    • Bảng 10: Tài khoản thống kê các chỉ số phi tiền tệ như các số đêm lưu trú, số chuyến du lịch, số lượng đại lý công ty lữ hành, số lượng buồng phòng khách sạn…

    Tuy nhiên, do nhiều hạn chế khác nhau, đặc biệt là dữ liệu đầu vào, nên hiện Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác mới chỉ dừng lại ở các bảng 1,2,3,4,5,6 và 10 và chưa thực hiện các bảng 7,8,9.

    Trong hệ thống các chỉ tiêu thống kê chính thức theo Luật thống kê, các chỉ tiêu về du lịch bao gồm:

    – Doanh thu dịch vụ lữ hành (1703)

    – Số lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (1704)

    – Số lượt công dân Việt Nam xuất cảnh (1705)

    – Số lượt khách du lịch nội địa (1706)

    – Số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (1707)

    – Chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam (1708)

    – Chi tiêu của khách nội địa (1709)

    Đây là các chỉ tiêu nằm trong nhóm Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra còn 01 chỉ tiêu nằm trong nhóm Thương mại, dịch vụ là:

    – Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống

    Trong số các chỉ tiêu được thu thập, những chỉ tiêu được sử dụng nhiều nhất trong công tác nghiên cứu và báo cáo bao gồm:

    – Chỉ tiêu lượng khách du lịch (trong nước và quốc tế)

    – Tổng thu từ khách du lịch

    – Tổng số cơ sở lưu trú và số buồng

    – Tổng số lao động (trực tiếp và gián tiếp)

    Các chỉ tiêu này có thể được phân thành những chỉ tiêu nhỏ hơn để có thể hiểu rõ hơn đối tượng nghiên cứu, bao gồm:

    – Số lượng khách theo thị trường

    – Số lượng khách theo phương tiện đi lại

    – Số lượng khách theo mục đích chuyến đi

    – Tổng thu từ lưu trú, ăn uống, mua sắm, đi lại…

    – Số buồng theo xếp hạng cơ sở lưu trú

    – Lao động phân theo trình độ đào tạo

    ….

    Một số các chỉ tiêu khác về đầu tư, sử dụng đất… cũng là những chỉ tiêu rất quan trọng, tuy nhiên những khó khăn trong việc thu thập, tổng hợp cũng như bản chất của các số liệu, dự án làm cho việc thu thập và sử dụng các chỉ tiêu này còn hết sức hạn chế.

    Bên cạnh các báo cáo thống kê định kỳ được tổng hợp theo hệ thống chính quyền, các cuộc điều tra cũng được thực hiện với các nhiệm vụ và đối tượng cụ thể như:

    – Điều tra thông tin khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: năm 2014, 2017, và 2019.

    – Điều tra thông tin khách du lịch nội địa: năm 2013-2014, 2016 và 2019.

    – Điều tra thông tin khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài: năm 2016.

    Nhìn chung, trong công tác thống kê du lịch thời gian qua có thể thấy một số kết quả tích cực như:

    – Hình thành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành du lịch thống nhất, phù hợp với khuyến nghị của Liên hợp quốc và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, hoạch định chính sách tại Việt Nam.

    – Xây dựng hệ thống báo cáo thống kê du lịch để hình thành cơ sở dữ liệu thống kê du lịch của cả nước và từng địa phương.

    – Các cuộc điều tra khách du lịch đối với cả khách du lịch quốc tế đến, khách du lịch nội địa và khách du lịch Việt Nam đi nước ngoài đã được thực hiện, là căn cứ để tính tổng thu từ khách du lịch, từ đó tính được mức độ đóng góp của ngành du lịch trong GDP của đất nước theo phương pháp TSA.

    – Hình thành hệ thống thông tin thống kê du lịch theo phương pháp TSA góp phần phản ánh kết quả hoạt động và đóng góp của du lịch trong nền kinh tế.

    Bên cạnh đó, một số khó khăn thách thức được nhận định như:

    – Nguồn lực dành cho công tác thống kê còn chưa thỏa đáng, bao gồm nguồn lực tài chính, con người và công nghệ

    – Sự quan tâm tới công tác thống kê còn chưa đồng nhất giữa các địa phương, cơ quan

    – Một số chỉ tiêu chưa được thực hiện: nhân lực, đầu tư, sử dụng đất

    – Sự hiểu biết và áp dụng các khái niệm, định nghĩa các chỉ tiêu còn chưa nhất quán

    Một số vấn đề đặt ra với công tác thống kê hiện nay bao gồm:

    – Thống kê, phân định khách quốc tế đến các địa phương theo định nghĩa của UNWTO (người nước ngoài sinh sống ổn định ở Việt Nam từ 6 tháng trở lên thì khi đi du lịch ở Việt Nam được tính là khách nội địa)

    – Thống kê khách du lịch nội địa (làm rõ khách từ các thị trường nào và khách có lưu trú/khách đi trong ngày) việc thống kê khách nội địa ở cấp huyện, tỉnh/thành phố là hết sức khó khăn do không tách bạch giữa khách đi trong ngày và khách có lưu trú, và các trường hợp thống kê trùng như một khách du lịch đi tham quan nhiều xã/phường trong một huyện/thị xã/thành phố hoặc khách đi tới nhiều quận/huyện trong một tỉnh/thành phố

    – Lao động du lịch (đặc biệt đối với lao động gián tiếp, lao động thời vụ)

    – Đầu tư du lịch (du lịch thường được lồng ghép trong các dự án lớn, hoặc các dự án có tên là du lịch tuy nhiên hàm lượng “du lịch” trong dự án rất hạn chế)

    – Sử dụng đất du lịch (tương tự như với chỉ tiêu đầu tư)

    – Trùng lắp trong chỉ tiêu tổng thu từ du lịch với doanh thu các ngành, lĩnh vực khác

    – Phương pháp thống kê còn chưa thống nhất giữa các địa phương ở tất cả các cấp hành chính

    – Dữ liệu tản mát, cát cứ dữ liệu và chưa thực hiện kiểm tra chéo, đối chiếu, đối chứng nhằm xác định các sai số, bất hợp lý trong hệ thống số liệu, thiếu liên kết dữ liệu giữa các cơ quan trung ương và các cơ quan tại các địa phương

    Trong khuôn khổ một bài viết ban đầu về thực trạng và đề xuất một số giải pháp cải thiện công tác thống kê, một số nội dung sau được đề xuất:

    1. Áp dụng Công nghệ thông tin: Nâng cấp và tăng cường ứng dụng hệ thống thông tin và công nghệ để thu thập, xử lý và báo cáo dữ liệu thống kê. Các ứng dụng và phần mềm giúp tự động hóa quá trình thống kê và giảm thiểu sai sót do thủ công và nâng cao khả năng cập nhật theo thời gian thực.
    2. Thu thập Dữ liệu Đa dạng: Đảm bảo rằng dữ liệu thống kê thu thập từ các nguồn khác nhau, bao gồm cả các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan khác. Các thông tin từ các nguồn cũng sẽ được sử dụng để kiểm chứng số liệu thống kê cũng như các kết luận từ phân tích dữ liệu thống kê
    3. Xác định Chỉ số Thống kê quan trọng: Xác định các chỉ số thống kê quan trọng (số lượng du khách, thị trường, chi tiêu, thời gian lưu trú trung bình, hoạt động ưu thích…, và các thông tin khác để phân tích tình hình và xu hướng du lịch và có kế hoạch xây dựng các hệ thống thu thập dữ liệu và các cuộc điều tra phù hợp với yêu cầu, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong thực hiện công tác thống kê. Nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu quan trọng như sử dụng đất du lịch, đầu tư du lịch… trong hệ thống ngành du lịch và các ngành, lĩnh vực có liên quan.
    4. Đào tạo, tập huấn và liên tục nâng cao năng lực cán bộ: Đào tạo nhân viên liên quan đến việc thực hiện thống kê du lịch để đảm bảo họ hiểu rõ về quy trình thu thập dữ liệu và sử dụng các công cụ thống kê một cách hiệu quả.
    5. Đảm bảo Chất lượng Dữ liệu: Đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của dữ liệu thống kê. Kiểm tra và xác minh, đối chiếu, đối chứng thông tin thu thập từ các nguồn khác nhau để tránh sai sót và biến dạng dữ liệu.
    6. Hình thành quy trình liên tục: Thiết lập quy trình liên tục để thu thập, xử lý và báo cáo dữ liệu thống kê. Điều này giúp cập nhật thông tin du lịch thường xuyên và đáp ứng nhanh chóng với các biến động về thị trường cũng như nguồn cung và các yếu tố có liên quan khác.
    7. Phân tích Dữ liệu và Xu hướng: Sử dụng dữ liệu thống kê để phân tích hiệu quả, chính xác xu hướng và thông tin quan trọng. Điều này giúp các quyết định liên quan đến quản lý du lịch và phát triển ngành.
    8. Xây dựng Cơ sở Dữ liệu Tổng hợp: Xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về du lịch với thông tin thống kê và dữ liệu liên quan. Điều này có thể giúp cung cấp thông tin toàn diện và dễ dàng truy cập cho các nhà nghiên cứu, chính quyền và người quản lý.
    9. Tăng cường Hợp tác: Hợp tác với các cơ quan liên quan khác trong Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng như bên ngoài và quốc tế, các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp du lịch để chia sẻ và khai thác dữ liệu và thông tin.
    10. Theo dõi và Đánh giá: Theo dõi hiệu suất thống kê du lịch theo thời gian và đánh giá hiệu quả của các biện pháp cải thiện đã áp dụng. Điều này giúp điều chỉnh và điều tra các khía cạnh cần cải thiện thêm.

    Tài liệu tham khảo:

    – Đề tài nghiên cứu khoa học: Hệ thống tiêu chí thống kê khách du lịch nội địa, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.

    – Luận án Tiến sỹ, Nghiên cứu Thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch ở Việt Nam, Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Đại học Kinh tế Quốc dân, 2011.

    – Thông tư số 17/2021/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chế độ báo cáo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    – Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chế độ báo cáo thống kê trong hoạt động du lịch.

    – Báo cáo công tác thống kê du lịch: Công tác thống kê du lịch và áp dụng phương pháp Tài khoản vệ tinh du lịch (TSA) ở Việt Nam giai đoạn 2012-2022 và đề xuất lộ trình 2023-2030 (Trung tâm Thông tin Du lịch, 2023).

    – Tăng cường công tác thống kê du lịch, những yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới, ngày 1/6/2023 tại đường dẫn https://vietnamtourism.gov.vn/post/50084.

    Hoàng Đạo Cầm

    Phòng Nghiên cứu Chính sách, Quy hoạch và Môi trường Du lịch

    Bài cùng chuyên mục