Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phát huy vai trò của văn hóa biển, đảo tổ quốc nhằm phát triển bền vững du lịch biển, đảo Việt Nam

    1. Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa biển đảo

    Văn hóa là kết quả phát triển, tiến hóa của nhân loại; văn hóa là tất cả mọi sản phẩm “nhân hóa tự nhiên” của loài người trong lịch sử. Văn hóa được hình thành và phát triển trong các mối quan hệ tương tác giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 – 2026, tầm nhìn đến năm 2045.

    Việt Nam với 3.260 km đường bờ biển cùng nhiều đảo, là đất nước có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế biển, trung bình 100km2 đất liền có 1km đường bờ biển và 1km2 đất liền có 4km2 vùng lãnh hải(1). Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam có diện tích chiếm 41,3% tổng diện tích cả nước, là nơi tập trung 49,2% tổng dân số, với mật độ dân số cao hơn mức trung bình cả nước(2)

    Việt Nam còn có chủ quyền gần 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Tài nguyên vùng biển và ven biển Việt Nam được đánh giá rất phong phú và đa dạng, phân bố rộng khắp trên dải đất liền ven biển đến các vùng nước ven bờ, các hải đảo và các vùng biển khơi. Ven biển Việt Nam có khoảng 110 cửa sông đổ ra biển. Trung bình khoảng 30 km bờ biển có một cửa sông. Hiện nay, cả nước có hơn 90 cảng lớn, nhỏ, với 24.000m cầu cảng và 10 khu chuyển tải, có cầu cảng có thể tiếp nhận được tàu tới 50.000 DWT.

    Vùng biển Việt Nam nằm án ngữ trên các tuyến hàng không và hàng hải huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu và Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực, có 5/10 tuyến thương mại đường biển sầm uất nhất thế giới chạy qua vùng biển Việt Nam.

    Bên cạnh đó, biển Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, giữ vai trò quan trọng về môi trường, sinh thái trong Biển Đông, là vùng chuyển tiếp đặc biệt giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương về mặt địa lý sinh vật

    Đây cũng là khu vực có nhiều đô thị lớn, tập trung đông dân cư, có tài nguyên thiên nhiên phong phú và tài nguyên văn hóa đa dạng. Có các trung tâm công nghiệp lớn, nhiều sân bay, cảng biển quan trọng, các căn cứ hải quân, kho tàng, các công trình kinh tế, cơ sở sửa chữa, đóng tàu, đánh bắt hoặc chế biến hải sản, làm muối… thu hút hơn 15 triệu lao động. Để thích ứng với điều kiện tự nhiên và lao động, sản xuất, văn hóa ở khu vực biển, đảo hình thành những đặc trưng riêng và có sự khác biệt nhất định so với khu vực đất liền.

    Biển đảo vừa khởi tạo không gian sinh tồn, đồng thời bồi đắp không gian văn hóa rất thoáng đạt, phong phú và đặc sắc. Văn hóa biển là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam, thống nhất trong đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, tồn tại mãnh liệt trong tâm thức người Việt. Trong văn hóa biển ấy, nhiều lễ hội dân gian độc đáo được ghi dấu, lưu giữ, trao truyền, phát triển đến ngày nay, trở thành nét đẹp truyền thống, đặc trưng của người dân miền biển.

    Văn hóa Biển đảo Việt Nam thường gắn với tín ngưỡng thờ cúng các vị thần biển, thờ tổ nghề, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, cầu mùa, cầu an, cầu mưa thuận gió hòa với mong ước khởi đầu một năm bội thu, an lành. Văn hóa biển, đảo là tập hợp các biểu hiện văn hóa vật thể và phi vật thể của một cộng đồng người sinh sống ở khu vực ven biển, đảo; gồm những tri thức, thực hành phong tục, tín ngưỡng, lối sống… để ứng xử với các tác động từ biển (như ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó với hiện tượng thời tiết thiên tai khắc nghiệt như (mưa, gió, bão, lốc tố, sóng thần…) điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cách thức làm nông nghiệp, nghề thủ công phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khai thác nguồn lợi từ biển, đảo, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…).

    Du lịch biển đảo ngày càng trở thành một xu hướng và động lực mới, với nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, với lượng khách đến tăng nhiều trong những năm qua và luôn chiếm khoảng 70% tổng khách du lịch cả nước, du lịch biển đảo hiện đang là loại hình du lịch chủ đạo, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

    Tiềm năng du lịch biển đảo Việt Nam khá phong phú như những bờ cát trắng, vịnh biển hoang sơ, những hòn đảo nhiệt đới quanh năm tươi tốt… Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới và là nước có diện tích ven biển lớn ở khu vực Đông Nam Á. Và có nhiều bãi biển mà hầu hết là các bãi tắm đẹp, trong đó bãi biển Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes bầu chọn là 1 trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Việt Nam cũng là 1 trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới là Vịnh Hạ Long – Vịnh Lan Hạ, Vịnh Nha Trang.

    Bên cạnh đó, lãnh thổ vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo, nơi diễn ra du lịch biển đảo và vùng ven biển tập trung tới 7/13 di sản thế giới ở Việt Nam; 6/8 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên…

    Ngoài ra, từ bao đời nay, biển đảo không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống, mà còn là không gian để cộng đồng người Việt tạo lập nên một nền văn hóa biển đảo, với những di sản văn hóa đặc sắc. Đó là hệ thống di tích lịch sử-văn hóa liên quan đến môi trường biển, hệ thống thần linh biển, những bậc tiền bối có công trong công cuộc chinh phục biển, xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển…; các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển; văn hóa sinh kế, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa… Ðây chính là nguồn “tài nguyên” giàu có để phát triển du lịch biển đảo bền vững, đồng thời là các “cốt truyện” lý thú để người làm truyền thông, nhà báo, nhà làm phim thả sức sáng tạo về chủ đề, nội dung trong các tác phẩm của mình, trong các hoạt động truyền thông đa dạng để quảng bá cho du lịch và lồng ghép với các lĩnh vực cần thiết khác.

    2. Những kết quả đạt được từ phát triển du lịch ven biển, đảo Việt Nam

    Các tỉnh, thành phố ven biển đã và đang khai thác khá hiệu quả những nguồn tài nguyên và lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử và các giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc và đa dạng để phục vụ các hoạt động phát triển du lịch biển biển. Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2019, vùng ven biển của Việt Nam có 323 điểm du lịch, chiếm 61,5% số điểm du lịch của cả nước. Nhiều điểm đến du lịch ở vùng ven biển đã trở nên nổi tiếng thế giới, như vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, Phong Nha – Kẻ Bàng, vịnh Xuân Đài…

    Trong thời gian qua, tình hình kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa phương ven biển của Việt Nam khá sôi động. Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong năm 2021, 28 tỉnh, thành phố ven biển có 1.291 doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế có giấy phép đăng ký kinh doanh, chiếm 53,6% tổng số doanh nghiệp lữ hành có giấy phép đăng ký kinh doanh của cả nước; số cơ sở lưu trú ven biển có 7.703 cơ sở, chiếm 66,7% tổng số cơ sở lưu trú của cả nước. Các loại hình cơ sở lưu trú rất đa dạng, như khách sạn, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ, nhà có phòng cho thuê, bãi cắm trại du lịch, biệt thự du lịch… được xếp hạng từ đạt chuẩn phục vụ du khách cho đến 5 sao. Cùng với đó, các sản phẩm du lịch của những địa phương ven biển tương đối đa dạng, mang tính đặc thù, như du lịch tham quan kết hợp du lịch sinh thái ở khu vực ven biển phía Bắc; du lịch sinh thái, du lịch tham quan kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và thể thao biển ở khu vực ven biển phía Nam… Qua đó, du lịch biển đã thu hút được một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến từ các thị trường lớn, như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-lia, Mỹ, Ca-na-đa và châu Âu…, mang lại nguồn thu lớn cho các địa phương. Điển hình như năm 2019 (trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ), Thành phố Hồ Chí Minh đón 41,3 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 26.689,7 tỷ đồng; tỉnh Quảng Ninh đón 14 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 861,6 tỷ đồng; tỉnh Thanh Hóa đón 9,7 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 121,4 tỷ đồng; thành phố Hải Phòng đón 9,1 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 255,3 tỷ đồng; thành phố Đà Nẵng đón 8,7 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 2.138 tỷ đồng….

    Tổng thu du lịch từ hoạt động lữ hành của 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam tăng từ 21,9 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 32,9 nghìn tỷ đồng năm 2019, lần lượt chiếm 71,8% và 74,4% tổng doanh thu du lịch của cả nước. Trong đó, các địa phương có doanh thu du lịch lữ hành cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Quảng Nam.

    Phát triển du lịch biển, đảo nói chung và phát huy giá trị văn hóa biển đảo cũng tạo điều kiện cho việc nâng cao trình độ nhân lực trong ngành, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động việc làm cho người dân ven biển. Bên cạnh lực lượng lao động du lịch chuyên nghiệp, số lao động phổ thông phục vụ du lịch, du khách tại vùng ven biển cũng khá đông đảo, chủ yếu là người dân địa phương cung cấp hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách, như dịch vụ lưu trú, ăn uống, điểm nghỉ ngơi, vận chuyển du khách, bán đồ lưu niệm,…

    Du lịch cũng tạo điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng tại các địa phương ven biển. Nhờ được đầu tư và xây dựng mạnh mẽ, đặc biệt là ở những địa phương chưa phát triển, đã góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho người dân sinh sống trong khu vực.

    3. Bảo vệ và phát huy giá trị các nghề truyền thống, phong tục, tập quán, di sản văn hóa vùng biển, đảo.

    Cư dân biển, đảo Việt Nam có cuộc sống gắn liền với môi trường biển cả bao la, thường xuyên đối mặt với nhiều sóng gió, bất trắc nên họ có tục thờ cúng các vị thần linh, các thế lực siêu nhiên mong tìm sự bảo trợ, an lành khi đi biển với tôm cá đầy khoang. Trong quá trình sinh sống và hoạt động nghề nghiệp, cư dân vùng biển, đảo Việt Nam đã dần hình thành nên đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán, những lễ hội đặc sắc; qua đó gia tăng tinh thần cố kết cộng đồng để hỗ trợ, hợp tác cùng nhau bám biển, bảo vệ ngư trường cũng như chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

    Trong những năm gần đây, nhiều phong tục, tập quán, lễ hội vùng biển, đảo nước ta được đầu tư kinh phí, trở thành những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, những nhu cầu tinh thần không thể thiếu, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời trở thành tài nguyên du lịch đặc biệt, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đó là các tín ngưỡng lễ hội gắn với nghề biển, với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, như: Lễ hội cầu ngư và Lễ nghinh Ông gắn với tục thờ cá Ông (cá voi) ở nhiều nơi, Lễ hội đua thuyền, Lễ hội ra quân nghề cá, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), Lễ hội đền Độc cước, đền Bà Triệu (Sầm Sơn, Thanh Hóa), Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn, Quảng Ngãi), Lễ hội vía Bà (Cà Mau)… Hay các hình thái tôn giáo tín ngưỡng điển hình như: Thờ Cá Ông (Cá Voi), Thờ Mẫu Thoải (Mẫu Thủy); Tín ngưỡng thờ thần biển…

    Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn là nghi lễ truyền thống, đã tồn tại hàng trăm năm và trở thành một trong những sinh hoạt văn hóa tinh thần tiêu biểu của cư dân trên đảo để tri ân những người lính Hải đội Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước đã vượt sóng gió ghi dấu mốc chủ quyền trên biển. Trong những năm gần đây, người dân Lý Sơn lại càng quan tâm hơn bao giờ hết về những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của chính cộng đồng mình. Bên cạnh các thiết chế văn hóa vật thể từng bước được đầu tư phục hồi, nghi lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được cả cộng đồng chung tay bảo vệ và phát huy. Với nhiều nét đặc thù, hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa cổ truyền và có tác động sâu rộng đến đời sống tinh thần của cư dân vùng biển, đảo, lễ hội cầu ngư ở các làng biển Khánh Hòa tổng hợp các hình thức nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian, các trò chơi dân gian… tạo thành một bức tranh sinh động, đa sắc màu của ngày hội làng biển; qua đó bồi đắp lòng tự hào, tình yêu quê hương cho mỗi người dân cũng như ý thức bảo vệ, phát huy những giá trị di sản văn hóa quý báu của cha ông đã sáng tạo và lưu truyền.

    Bên cạnh đó, vùng biển, đảo nước ta còn có các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh rất đa dạng, phong phú, vừa mang đậm hơi thở của biển, vừa gắn bó chặt chẽ với chiếc nôi văn hóa trên đất liền, là minh chứng cho công lao to lớn của các thế hệ đi trước. Đó là những công trình xây dựng gắn liền với tín ngưỡng, tôn giáo, thờ người có công đánh giặc giữ biển đảo, có công giúp dân khai phá biển, đảo hoặc phục vụ nhu cầu tâm linh của bà con ngư dân, như đình Trà Cổ (Quảng Ninh); đền thờ thần Độc Cước (Thanh Hóa); đền Cờn (Nghệ An); Vạn An Thạnh, Vạn Thương Hải, Linh Quang Tự, đình làng Triều Dương, Bà Chúa Ngọc, Công chúa Bàng Tranh (đảo Phú Quý, Bình Thuận); chùa Hang, đình Lý Hải, Âm Linh Tự (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi); lăng cá Ông ở các tỉnh miền Trung đền thờ Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang). Ngoài ra, còn có các di tích cách mạng, các di tích ghi dấu đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số, các bến tiếp nhận và giao vũ khí, quân trang quân dụng ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam; Khu di tích lịch sử Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu)… Các di sản văn hóa trong không gian văn hóa biển, đảo nước ta có vai trò quan trọng trong việc xác định các giá trị văn hóa truyền thống và chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Thời gian qua, Nhà nước đã chú trọng đến công tác kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng các di tích, nghiên cứu sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể. Hầu hết các di tích được xếp hạng cấp quốc gia trên các đảo đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo, một số lễ hội truyền thống được phục hồi.

    Tháng 4/2023, Lễ hội Văn hóa dân gian Biển đảo Việt Nam lần đầu được tổ chức tại Hải Phòng. Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh, giữ gìn các giá trị di sản văn hoá, dân gian miền biển, kích cầu du lịch khách nội địa và quốc tế, phát triển kinh tế và chăm lo đời sống, văn hoá tinh thần cho ngư dân, chiến sĩ chuyên trách vùng biển, hải đảo. Lễ hội Văn hóa Biển đảo Việt Nam thường gắn với tín ngưỡng thờ cúng các vị thần biển, thờ tổ nghề, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, cầu mùa, cầu an, cầu mưa thuận gió hòa với mong ước khởi đầu một năm bội thu, an lành.

    Tuy nhiên, hiện nay có không ít lễ hội truyền thống vùng biển, đảo bị mai một; di tích lịch sử, văn hóa kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên đang bị xuống cấp, bị biến dạng nghiêm trọng do sự tác động thường xuyên của thiên nhiên và con người. Một số công trình đã và đang bị chiếm dụng trái phép, tình trạng xâm phạm tại nhiều di tích vẫn tồn tại. Quá trình tăng dân số chưa được kiểm soát cũng như mặt trái của cơ chế thị trường cũng có những tác động mạnh mẽ đến các di tích lịch sử, văn hóa và môi trường cảnh quan vùng biển, đảo. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị phong tục, tập quán các vùng biển, đảo còn gặp nhiều khó khăn. Người dân và bộ đội trên các huyện đảo và ngoài biển còn chịu nhiều thiệt thòi về đời sống văn hóa so với các vùng dân cư ở đất liền, chưa có những sản phẩm văn hóa, sự kiện văn hóa, dịch vụ văn hóa mới, đáp ứng kịp nhu cầu văn hóa ngày càng cao của đông đảo cư dân sinh sống ở vùng biển, đảo.

    a. Về văn hóa ẩm thực:

    Phần lớn các món ăn của người dân ở các đảo ven biển được chế biến từ hải sản nên rất đậm mùi vị cay, nồng thơm ngon của các loại ớt, tiêu, tỏi, sả, hành, gừng, nghệ… Đa phần người dân ở các đảo ven biển là những người lao động chân tay, thường chuộng các món ăn bình dân và không quen ăn uống cầu kỳ. Chỉ có những nguyên liệu rất đơn sơ, bình dị cũng tạo nên một phong thái riêng cho các món ăn ở đây. 

    Tính chất biển, đảo đã in dấu mạnh mẽ và tạo nên những đặc trưng riêng cho ẩm thực cho những làng chài ven biển, đảo như:

    Sử dụng nguyên liệu tại chỗ: được biết đến là vùng biển, đảo có nguồn lợi hải sản dồi dào, các món ăn có nguồn gốc từ biển, đảo chiếm một tỉ lệ lớn trong ẩm thực của người trên đảo ven biển ven biển, từ các món cao lương mỹ vị như vi cá, bào ngư, hải sâm, tôm hùm cho đến các món ăn dân dã như cá, ốc, mực, tôm… trong đó, cá là thức ăn rất phổ biến trong bữa cơm thường ngày của người dân trên đảo ven biển. 

    Mỗi một đảo ven biển có món ăn đặc sản riêng như: tu hài, sò huyết, hàu, bào ngư vùng biển Vân Đồn, Cát Bà; hải sâm, ốc vú nàng, mực, tôm, cua, cầu gai ở Lý Sơn; cua huỳnh đế, cá mú đỏ hấp gừng, gỏi ốc, mực một nắng, cá thu, tôm hùm vùng biển Phú Quý; tôm hùm, vẹm xanh vùng biển đảo Bình Ba (Cam Ranh).

    Làng nghề ven biển, đảo cũng mang cho mình những văn hóa đặc sắc riêng có phục vụ cho việc phát triển du lịch như: Các làng nghề đóng, sửa chữa tàu thuyền cho người ra khơi như ở một số đảo trên toàn nước ta từ lâu đã xuất hiện nhiều làng nổi tiếng với nghề đóng tàu thuyền, như Trà Cổ, Quan Lạn (Quảng Ninh); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Hòn Rớ, Tuần Lễ (Khánh Hòa), nghề đan thuyền thúng ở Phú Quốc, nghề đóng thuyền đi biển ở Phú Quý (Bình Thuận)… Làng nghề chế biến hải sản: Chế biến hải sản thành nước mắm, phơi thành đồ khô, biến cá vụn thành thức ăn gia súc; Làng nghề tận dụng các sản phẩm của biển, đảo như Nghề mỹ nghệ Ốc, sò ; nghề nuôi cấy ngọc trai ; nghề làm nước mắm… Làng nghề nuôi cá lồng bè nổi trên vịnh, đảo; Ngư cụ đánh bắt cá truyền thống của làng chài ven biển… Một số làng nghề đang bị mai một do hoạt động đánh bắt hải sản ngày càng sử dụng những dụng cụ tân tiến, một số làng nghề kinh doanh đồ hải sản rất được khách du lịch ưu thích trong các chuyến nghỉ dưỡng biển – đây là sản phẩm mua sắm chủ yếu sau mỗi chuyến đi biển.

    b. Về quản lý văn hóa trong phát triển du lịch biển, đảo

    Tài nguyên du lịch, nhất là tài nguyên nhân văn ở vùng biển, đảo nước ta rất đa dạng và phong phú, là cơ sở để phát triển nhiều loại hình du lịch. Thời gian qua, du lịch biển, đảo nước ta đã khởi sắc, định hình rõ hơn vị trí của một ngành kinh tế biển. Hệ thống sản phẩm du lịch biển, đảo được hình thành, ngày càng đa dạng và phong phú. Các trung tâm du lịch biển được hình thành, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, như Hạ Long – Cát Bà; Huế – Đà Nẵng – Hội An; Nha Trang, Phan Thiết – Mũi Né; Thành phố Hồ Chí Minh – Vũng Tàu; Phú Quốc… gắn với hệ thống đô thị du lịch ven biển ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hiệu quả này có sức lan tỏa rất mạnh sang các ngành, các vùng, miền khác, tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy các ngành, nghề khác phát triển. Hằng năm, nhiều lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống được khôi phục, tổ chức dần nền nếp và lành mạnh, phát huy được thuần phong mỹ tục. Khu vực miền Bắc là Quảng Ninh với thương hiệu “Carnaval Hạ Long”, Hải Phòng với thương hiệu “Lễ hội hoa phượng đỏ”… Khu vực miền Trung – “Miền đất của các di sản” đã dần khẳng định vị trí với thương hiệu “Con đường di sản”. Các địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã nỗ lực xây dựng thương hiệu: “The Essence of Vietnam – Tinh hoa Việt Nam” với sự hỗ trợ từ dự án “Du lịch có trách nhiệm” do Cộng đồng châu Âu tài trợ. Quảng Nam là địa phương điển hình khá thành công trong việc đưa ra hình ảnh “Quảng Nam – Điểm đến 2 di sản thế giới”; thành phố Hội An nỗ lực xây dựng thương hiệu điểm đến gắn với nghề truyền thống mà điển hình là thương hiệu “Lễ hội đèn lồng”; tỉnh Thừa Thiên Huế thì giới thiệu hình ảnh địa phương với việc xây dựng thương hiệu “Festival Huế”, Đà Nẵng với “Lễ hội pháo hoa”… Nhờ đó, du lịch biển, đảo nước ta ngày càng phát triển, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương có biển; đồng thời tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư giữ gìn, phát triển di sản văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế cũng như khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

    Tuy nhiên, quá trình phát triển du lịch biển, đảo cũng nảy sinh một số vấn đề thể hiện thiếu tính bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Các tiêu chí phát triển ngành về kinh tế, như tỷ trọng khách, thu nhập du lịch biển, đảo so với du lịch cả nước không có sự bứt phá như mong muốn, chưa tương xứng với nguồn lực và sự đầu tư. Hệ thống các khu du lịch chuyên đề biển, đảo quốc gia chưa hình thành rõ nét. Việc khai thác giá trị cảnh quan, sinh thái và những tiềm năng khác trên các đảo, nhất là các đảo ven bờ, cho phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Chưa có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang đậm đặc thù văn hóa biển, đảo, nên sự hấp dẫn và sức cạnh tranh còn hạn chế. Môi trường ở một số điểm du lịch biển, đảo bị ô nhiễm. Sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch biển, đảo còn mang tính tự phát. Công tác quản lý hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch, việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quy định quản lý hành vi văn hóa trong hoạt động du lịch còn hạn chế (vẫn còn hiện tượng chèo kéo, đeo bám, “chặt chém” ở một số điểm du lịch, nhất là trong mùa du lịch, vào các dịp nghỉ lễ)…

    4. Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa biển, đảo

    Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng các quan điểm, chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”,… nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về văn hóa và quản lý văn hóa biển, đảo, về các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân biển, đảo, về trách nhiệm và tình yêu biển, đảo. Nghị quyết TW8 của Bộ chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

    Thứ hai, Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển du lịch gắn với văn hóa biển, đảo và chủ quyền biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Thứ ba, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý văn hóa biển, đảo gắn với phát triển du lịch. Hoàn thiện chính sách xã hội hóa, du lịch – dịch vụ công trong văn hóa cho phù hợp đặc điểm tự nhiên – xã hội vùng biển, đảo. Có cơ chế xây dựng bộ máy quản lý văn hóa và nguồn nhân lực văn hóa phù hợp với từng loại huyện đảo.

    Thứ tư, huy động sự tham gia của cộng đồng cư dân biển, đảo trong quá trình quản lý văn hóa biển, đảo với việc phát triển du lịch. 

    Thứ năm, chính sách khuyến khích việc duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ bị mai một (dụng cụ đánh bắt cá…), đồng thời tạo thêm sinh kế mới cho cộng đồng ven biển, đảo. Khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng địa phương sử dụng tri thức truyền thống, kinh nghiệm địa phương trong hoạt động khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, tạo điều kiện phát huy văn hóa địa phương phục vụ cho việc phát triển du lịch. Kiểm kê, lập và công bố danh mục các di sản sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở vùng ven biển và trên các đảo, lập các bảo tàng văn hóa biển. Lập hồ sơ khoa học và nghiên cứu phục hồi, duy trì các phong tục, tập quán, lễ hội cổ truyền. Xây dựng ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến biển, đảo Việt Nam. Lựa chọn một số lễ hội truyền thống có giá trị lịch sử – văn hóa vào các danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quốc tế, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu cho các lễ hội ở khu vực biển, đảo. Kết hợp giữa bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng, lễ hội với phục hồi, tôn tạo di tích theo cơ chế đặc thù của vùng biển, đảo./.

    NCS. ThS. Phạm Thị Hải Yến

    Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

    Bài cùng chuyên mục