Chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam
I. Đặt vấn đề
Từ những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, ở vùng Tây Bắc đã sớm hình thành loại hình du lịch cộng đồng nói chung và du lịch homestay nói riêng, mà tiêu biểu là mô hình du lịch homestay người Thái ở Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình). Đến năm 2000, xuất hiện thêm mô hình du lịch homestay người Tày ở Bản Dền, xã Bản Hồ (Sa Pa – Lào Cai)… Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay các mô hình du lịch homestay ở các tỉnh vùng Tây Bắc đã được xây dựng và phát triển tương đối thành công ở một số bản của người Thái, người Tày, người Dao, người Mông tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái… Nhiều điểm du lịch homestay đã và đang thu hút hàng vạn khách du lịch mỗi năm như Bản Tả Van (Sa Pa – Lào Cai); Bản Lác (Mai Châu – Hòa Bình); Bản Áng (Mộc Châu – Sơn La); Bản Mển, Phiêng Lơi (Điện Biên); Bản Tả Phìn, Cát Cát (Sa Pa – Lào Cai); Bản Thái Mù Cang Chải (Yên Bái); Bản Sin Suối Hồ, Xì Thâu Chải (Lai Châu)… Các điểm du lịch homestay này ngày càng hấp dẫn khách du lịch và đã trở thành những điểm đến không thể thiếu của các tour du lịch đến vùng Tây Bắc và chiếm giữ một vị trí quan trọng trong chương trình góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới bền vững cho người dân vùng cao.
Với những lợi thế về tiềm năng và những kết quả đã đạt được của loại hình du lịch cộng đồng homestay ở các tỉnh vùng Tây Bắc, thì việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng homestay đã và đang được nhân rộng ra các vùng khác của cả nước và là hướng đi đúng theo xu thế hiện nay. Tuy nhiên, việc định hướng phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững theo quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Nghị quyết số 08/NQTW của Bộ Chính trị đã ban hành, thì đây sẽ là những cơ hội và thách thức cho du lịch cộng đồng nói chung và du lịch homestay nói riêng.
Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước (đặc biệt là những địa phương có cộng đồng các dân tộc ít người sinh sống) phát triển du lịch cộng đồng một cách tự phát, không có quy hoạch, không theo tiêu chuẩn đúng nghĩa của du lịch cộng đồng…, từ đó dẫn đến chất lượng còn hạn chế, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và mất dần đi tính hấp dẫn ban đầu. Một số điểm du lịch trước kia có thể đón hàng nghìn khách du lịch quốc tế mỗi năm thì đến nay lượng khách đó đã giảm đi đáng kể. Theo điều tra của một số công ty lữ hành thì có khoảng 65% – 75% khách du lịch quốc tế đã từng đến các điểm du lịch cộng đồng Tây Bắc chỉ một lần và không muốn trở lại các điểm du lịch cộng đồng này nữa. Ở một số điểm du lịch cộng đồng như Mai Châu (Hòa Bình), Bản Áng (Mộc Châu)…, lượng du khách đã suy giảm đáng kể. Nhiều hộ gia đình ở đây đã đầu tư để xây dựng phòng nghỉ, nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch, thì nay dường như không có khách. Theo kết quả phỏng vấn sâu của 10 công ty lữ hành đưa khách du lịch đến các bản người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình); Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La) và Điện Biên đều có những nhận xét chung là du khách chỉ đến thăm một bản du lịch cộng đồng thì họ đã biết trước các sản phẩm du lịch của các bản khác, đều là ngủ nhà sàn, ăn cơm lam, xem múa xòe Thái, uống rượu cần…
Phát triển du lịch cộng đồng là động lực quan trọng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững thì đòi hỏi các địa phương phải tiếp tục giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phù hợp với từng địa phương một cách có định hướng, có quy hoạch và chọn lọc để tăng tính hấp dẫn với du khách. Trên phạm vi cả nước cũng như cho từng vùng, từng địa phương cần xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả hơn; cần có chính sách, cơ chế mang tính đặc thù riêng để thu hút đầu tư phát triển loại hình du lịch độc đáo này.
Trước thực trạng như vậy, việc nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng là hết sức cần thiết, nhằm góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về chương trình xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị vùng biên giới và phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời mang tính cấp bách để nhanh chóng đóng góp hiệu quả cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta, xóa bỏ các khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong cả nước.
II. THỰC TRẠNG MỘT SỐ CHÍNH SÁCH TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở VIỆT NAM
Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương.
Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch cộng đồng, trước hết cần phải có sự quan tâm của các ngành, các cấp từ trung ương tới địa phương, của toàn xã hội; đặc biệt phải được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương, và phải được hoàn thiện từng bước theo tình hình thực tiễn. Cần phải ban hành các chính sách phát triển kinh tế – xã hội phù hợp, trong đó xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung ăn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế – xã hội và góp phần xóa đói giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội cho cộng đồng.
- Chính sách vĩ mô của Đảng và Nhà nước
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến các chính sách hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của cộng đồng. Trong lĩnh vực du lịch cũng đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng tham gia các hoạt động du lịch như: phát triển du lịch homestay; cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống tại gia; hướng dẫn; trải nghiệm văn hóa, nếp sống sinh hoạt; cung cấp lương thực, thực phẩm…
Một số chính sách vĩ mô của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch cộng đồng đã được ban hành, bao gồm:
1.1. Luật Du lịch: Luật Du lịch 2017 đã quy định một số chính sách liên quan đến phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng. Cụ thể như sau:
– Tại Điều 6 về “Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch” đã quy định cụ thể như sau:
+ Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.
+ Cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
– Tại Điều 19 về “Phát triển du lịch cộng đồng” đã quy định cụ thể như sau:
+ Cá nhân, hộ gia đình nơi phát triển du lịch cộng đồng được ưu đãi, khuyến khích cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống; hướng dẫn khách du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa, nếp sống tại cộng đồng; sản xuất hàng hóa, hàng thủ công truyền thống và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch.
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng; có chính sách hỗ trợ về trang thiết bị cần thiết ban đầu và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch cho cá nhân, hộ gia đình trong cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ du lịch; hỗ trợ xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng.
+ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát triển du lịch cộng đồng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng; chủ trì xây dựng cam kết của cộng đồng nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường, ứng xử văn minh đối với khách du lịch.
+ Tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch cộng đồng có trách nhiệm tôn trọng văn hóa, nếp sống và chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch với cộng đồng.
1.2. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị: Nghị quyết 08-NQ/TW đã định hướng phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đất nước, trong đó nhấn mạnh “Tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hoá, tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao”; Đồng thời Nghị quyết cũng định hướng môi trường thể chế, chính sách hỗ trợ du lịch cộng đồng thông qua việc “Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến du lịch”.
Cụ thể, Nghị quyết 08-NQ/TW đã đề cập đến các chính sách sau:
– Về quan điểm phát triển du lịch, Nghị quyết đã nêu rõ: “Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch”.
– Về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết nhấn mạnh: “Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch”. Cụ thể như sau:
+ Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành Du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa. Chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch; xử lý nghiêm hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.
+ Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến du lịch.
1.3. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 đã xác định các mục tiêu, các quan điểm, các định hướng phát triển và xác định các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình hành động đến năm 2030, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng. Cụ thể như sau:
– Về quan điểm phát triển: “Phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm trên nền tảng tăng trưởng xanh; gắn phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt vấn đề việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”.
– Về định hướng phát triển sản phẩm du lịch:
+ Chú trọng “Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa dựa trên lợi thế về tài nguyên văn hóa và các giá trị truyền thống đặc sắc của 54 dân tộc, trong đó tập trung phát triển các loại hình sản phẩm du lịch gắn với tìm hiểu, trải nghiệm di sản văn hóa và truyền thống, ẩm thực, trải nghiệm cộng đồng; đẩy mạnh phát triển các loại hình văn hóa, trình diễn nghệ thuật, thể thao phục vụ du lịch. Ưu tiên phát triển du lịch tại các làng cổ, tại các làng nghề”.
+ “Chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn đặc biệt gắn với các làng nghề; phát triển các làng nghề theo mô hình “mỗi làng một sản phẩm” (OCOP) để vừa đa dạng hóa các sản phẩm thủ công, vừa là cơ sở hình thành các sản phẩm du lịch làng nghề, sản phẩm du lịch nông nghiệp và cung cấp nguyên liệu cho chế biến nông sản phục vụ du lịch mua sắm. Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại một số vùng nông thôn có lợi thế, có phương án nhân rộng trong phạm vi cả nước”.
– Về nhiệm vụ giải pháp:
+ “Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về vai trò, ý nghĩa quan trọng của phát triển du lịch đối với việc tạo sinh kế và phát triển cộng đồng. Khuyến khích người dân coi trọng bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, tham gia có trách nhiệm với vai trò “đại sứ du lịch” cho cộng đồng của mình và toàn xã hội.
+ “Đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách và đầu tư phát triển du lịch; Xây dựng chính sách đầu tư du lịch bền vững; khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư du lịch, ưu tiên khuyến khích cộng đồng tham gia các hoạt động du lịch ở địa phương vùng sâu, vùng xa có tiềm năng du lịch…”.
– Về chương trình hành động, xây dựng các đề án phát triển du lịch đến năm 2030, trong đó có Đề án phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn; Đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng…
- Các chính sách cụ thể của một số địa phương
2.1. Tỉnh Lào Cai
Một số chính sách đã được ban hành của Lào Cai cho phát triển du lịch cộng đồng bao gồm:
– Chương trình 148 – CTr/TU ngày 28/7/2017 của Tỉnh Ủy Lào Cai về Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá V thực hiện nghị quyết 08 – NQ/TW ngày 18 tháng 1 năm 2017 xác định rõ “Ưu tiên tạo nguồn nhân lực cho người bản địa phát triển du lịch cộng đồng”.
– Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 148 – Ctr/TU của tỉnh ủy Lào Cai cũng xác định rõ “Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Lào Cai; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, đào tạo nghề du lịch…”.
2.2. Tỉnh tuyên Quang
Để hỗ trợ và khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng Nhân dân về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Cụ thể như sau:
– Hỗ trợ 80 triệu đồng/01 homestay để tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ tối thiểu cho nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) theo quy định về kinh doanh cơ sở lưu trú.
– Hỗ trợ mua sắm thiết bị thu gom rác thải, nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch cộng đồng, mức hỗ trợ 75 triệu đồng/01 điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ mua nhà vệ sinh công cộng tại khu du lịch, mức hỗ trợ 140 triệu đồng/01 khu du lịch.
– Hỗ trợ 70 triệu đồng/01 đội văn nghệ/01 điểm du lịch cộng đồng để mua sắm đạo cụ, nhạc cụ, trang phục, dàn dựng chương trình phục vụ khách du lịch
2.3. Tỉnh Nghệ An
Để tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 31 ngày 26/11/2020, quy định cụ thể một số nội dung thực hiện Nghị quyết 07 ngày 22/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 bao gồm: Các hộ gia đình; thôn, xóm, bản; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan. UBND tỉnh yêu cầu việc hỗ trợ phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch và không hỗ trợ các nội dung đã được hỗ trợ bằng nguồn khác. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đối với mô hình hộ gia đình và thôn, xóm, bản theo Quyết định này là hỗ trợ sau đầu tư. Các hộ gia đình, thôn, xóm, bản tự huy động nguồn vốn để thực hiện, ngân sách Nhà nước hỗ trợ sau khi được Sở Du lịch thẩm định đảm bảo các điều kiện hỗ trợ và UBND tỉnh quyết định hỗ trợ theo quy định của Quyết định này.
Về định mức hỗ trợ: Hỗ trợ 1 lần cho từng nội dung chính sách đối với mô hình hộ gia đình và thôn, xóm, bản; mỗi thôn, xóm, bản được hỗ trợ 3 hộ gia đình. Hỗ trợ tối đa 2 lần cho từng nội dung chính sách đối với mỗi UBND cấp huyện trong cả giai đoạn 2021 – 2025. Mỗi UBND cấp huyện được hỗ trợ tối đa 4 thôn, xóm, bản trong cả giai đoạn 2021 – 2025. Tại Quyết định này, UBND tỉnh đã quy định cụ thể các điều kiện hỗ trợ cho từng đối tượng. Trong đó, đối với hộ gia đình phải thuộc thôn, xóm, bản có tài nguyên du lịch phù hợp với phát triển hoạt động du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An còn mở các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn về du lịch, đào tạo tiếng Anh; hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, quảng bá cho các địa phương có điểm du lịch cộng đồng… Giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch cộng đồng với tổng kinh phí khoảng 10,3 tỉ đồng.
2.4. Tỉnh Gia Lai
Để tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 108/2019/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2019 về Quy định một số chính sách hỗ trợ về đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch, và phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cụ thể như sau:
– Hỗ trợ hộ gia đình tại các làng hoặc thôn, buôn có hoạt động du lịch cộng đồng đầu tư nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch theo quy định.
– Mức hỗ trợ: Mỗi hộ gia đình chỉ được hỗ trợ 1 lần với mức 10 triệu đồng/phòng, nhưng không quá 20 triệu đồng/hộ gia đình.
– Điều kiện hỗ trợ: Các hộ gia đình đầu tư homestay tại các làng, thôn, hoặc buôn có trong phương án, dự án, hoặc kế hoạch xây dựng du lịch cộng đồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2.5. Tỉnh Đồng Tháp
Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 24 tháng 3 năm 2022 Quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 – 2026.
Liên quan đến du lịch cộng đồng homestay và loại hình farmstay, Nghị quyết nêu rõ nội dung hỗ trợ như sau: “Hỗ trợ đầu tư loại hình du lịch homestay (khách lưu trú và trải nghiệm văn hóa sinh hoạt gia đình tại nhà dân) chất lượng cao hoặc farmstay (khách lưu trú, trải nghiệm các giá trị văn hoá bản địa tại trang trại) kết hợp trải nghiệm nông nghiệp chất lượng cao”. Theo đó quy định rõ:
- Điều kiện hỗ trợ
– Phải đảm bảo chất lượng dịch vụ theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13259: 2020 Du lịch cộng đồng – Yêu cầu về chất lượng dịch vụ và Tiêu chuẩn quốc gia về nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê TCVN 7800: 2017
– Nằm trong danh mục địa điểm phát triển du lịch cộng đồng được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt
– Cam kết kinh doanh đúng dịch vụ du lịch đã đăng ký, thời gian phục vụ khách du lịch liên tục tối thiểu từ 5 năm trở lên (trừ thiên tai, dịch bệnh phải tạm dừng hoạt động theo quy định của cấp có thẩm quyền)
– Đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Thời điểm hỗ trợ
Sau khi có thông báo đủ điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay hoặc farmstay) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Mức hỗ trợ
– Đối với loại hình homestay chất lượng cao có quy mô đầu tư đáp ứng phục vụ từ 15 khách trở lên, được hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở.
– Đối với loại hình farmstay kết hợp trải nghiệm nông nghiệp chất lượng cao có diện tích tối thiểu 01 ha và có quy mô đầu tư đáp ứng phục vụ từ 30 khách trở lên, được hỗ trợ 300 triệu đồng/cơ sở.
- Đánh giá chung các tác động của chính sách đối với phát triển du lịch cộng đồng
3.1. Những kết quả đạt được
– Các chính sách vĩ mô về phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam đã được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật, Nghị quyết, Quyểt định, Thông tư… bước đầu đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng trên phạm vi cả nước.
– Hệ thống các chính sách vĩ mô đã quy định cụ thể một số quan điểm, định hướng, giải pháp, cơ chế chính sách… cho phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng trên phạm vi cả nước.
– Các chính sách về quản lý, phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam đã có nhiều tác động tích cực đến các hoạt động du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương, và đã có những thành công bước đầu, đóng góp đáng kể cho sự phát triển ngành du lịch nói chung, cũng như cho công tác bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch, đặc biệt là bảo tồn các giá trị văn hóa cộng đồng nói chung…
– Ở một số địa phương, hệ thống các chính sách cũng đã quy định chi tiết các tiêu chuẩn, quy chuẩn… về việc hỗ trợ ban đầu cho cộng đồng xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cộng đồng tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi địa phương.
– Sự hỗ trợ kịp thời thông qua hệ thống chính sách về phát triển du lịch cộng đồng đã phát huy có hiệu quả. Ở nhiều địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng đã được đầu tư thành những “Bản du lịch cộng đồng”, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, tạo điều kiện nâng cao dân trí và thu nhập cho cộng đồng, từng bước xóa đói giảm nghèo và góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.
3.2. Những hạn chế
– Trên phạm vi vùng và cả nước chưa có chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển du lịch cộng đồng để làm căn cứ pháp lý cho đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều tỉnh, thành phố cũng chưa có quy hoạch, đề án phát triển du lịch cộng đồng, nên việc triển khai phát triển loại hình du lịch này còn nhiều lúng túng và chưa hiệu quả.
– Các chính sách về phát triển du lịch cộng đồng còn thiếu các quy định, các tiêu chuẩn, các tiêu chí cụ thể đối với các hộ gia đình kinh doanh du lịch cộng đồng. Do vậy, du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương phát triển tự phát, nhiều hộ kinh doanh du lịch cộng đồng chưa đảm bảo chất lượng, nhiều giá trị văn hóa cộng đồng bị mai một hoặc bị thương mại hóa. Nhiều bản du lịch cộng đồng đang dần mất đi tính hấp dẫn vốn có ban đầu.
– Hệ thống chính sách vĩ mô của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng nhìn chung chưa cụ thể rõ ràng, nên trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc bất cập; chưa có những quy định chi tiết, cụ thể về quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí… về du lịch cộng đồng để làm căn cứ cho các địa phương thực hiện.
– Do nguồn kinh phí của các địa phương còn hạn chế, nên định mức hỗ trợ cho phát triển du lịch cộng đồng cũng gặp nhiều khó khăn; mức hỗ trợ thấp nên việc tạo ra những cơ sở vật chất, tiện nghi, sản phẩm và dịch vụ du lịch có chất lượng để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch là chưa cao.
– Chưa có các quy định, chế tài cụ thể xử lý sai phạm trong phát triển du lịch cộng đồng mà làm ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa bản địa, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng địa phương.
III. KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG
Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch hướng đến sự bền vững, góp phần phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia… Vì vậy, việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng là việc làm cần thiết của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Cơ chế, chính sách phát triển du lịch cộng đồng không chỉ được thể hiện ở hành lang pháp lý thông thoáng, mà còn phải được thể hiện bằng những chính sách hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng đầu tư và tái đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng. Điều 19 (điểm 1) Luật Du lịch 2017 cũng đã nêu rõ “Cá nhân, hộ gia đình nơi phát triển du lịch cộng đồng được ưu đãi, khuyến khích cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống; hướng dẫn khách du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa, nếp sống tại cộng đồng; sản xuất hàng hóa, hàng thủ công truyền thống và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch”.
Là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành và xã hội hóa cao, hoạt động phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng cần phải gắn liền với sự tham gia của cộng đồng dân cư – nơi có tài nguyên du lịch. Do vậy, vai trò của cộng đồng trong hoạt động du lịch là rất quan trọng, luôn đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững về mặt văn hóa xã hội, mặt khác tạo công ăn việc làm cho cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển Nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.
Để du lịch cộng đồng phát triển hiệu quả, kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cộng đồng (kể cả doanh nghiệp) tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng bằng cách khuyến khích và hỗ trợ về vốn đầu tư cơ sở vật chất, về bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, về đào tạo, về xúc tiến quảng bá… Cụ thể như sau:
– Tiếp tục ban hành những chính sách khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch ở chính nơi họ sinh sống. Chính sách này rất quan trọng, một mặt vừa thu hút được các nguồn vốn đầu tư trong dân; mặt khác tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân, giúp họ trực tiếp tham gia vào việc bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường, cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong việc khai thác tài nguyên phục vụ phát triển du lịch.
– Chính sách khuyến khích và hỗ trợ ban đầu tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch (cả trực tiếp và gián tiếp) nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực (vốn đầu tư, lao động và kinh nghiệm…) trong cộng đồng dân cư để đa dạng hóa các dịch vụ du lịch như dịch vụ homestay, farmstay, dịch vụ chuyên chở khách, trải nghiệm văn hóa, trải nghiệm sản xuất, hướng dẫn du lịch, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cung cấp lương thực, thực phẩm…
– Chính sách về phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, coi đó là giải pháp quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch bổ sung phục vụ khách du lịch; đồng thời qua đó sẽ tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia hoạt động du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và bảo vệ các nguồn tài nguyên, môi trường du lịch, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
– Chính sách cụ thể, chi tiết khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, các giá trị văn hóa bản địa…, một mặt tạo điểm tham quan cho khách du lịch, mặt khác đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cộng đồng và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
– Chính sách về bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc bản địa: Với 54 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa về lối sống, tập tục, trang mục, nghề truyền thống, phương thức canh tác… riêng biệt và đặc sắc, trong đó có nhiều giá trị văn hóa văn nghệ dân gian nổi tiếng của các dân tộc được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, trong thời gian qua do quá trình phát triển kinh tế – xã hội, quá trình đô thị hóa, và do nhu cầu sinh kế của người dân…, một số giá trị văn hóa bản địa đã dần bị mai một. Trong phát triển du lịch cộng đồng, các giá trị văn hóa bản địa là nhân tố quyết định đến sự thành công của loại hình du lịch này. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người dân khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa (nghề thủ công truyền thống, kiến trúc nhà ở nguyên bản truyền thống, các giá trị văn hóa dân gian, nông cụ sản xuất, trang phục truyền thống…) để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.
– Chính sách về đào tạo: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng các nghiệp vụ, ngoại ngữ cơ bản và kỹ năng cần thiết cho cộng đồng dân cư tham gia hoạt động và kinh doanh du lịch cộng đồng. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở các địa phương trực tiếp phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp đào tạo, hướng dẫn về nghiệp vụ cho những hộ gia đình đang kinh doanh hoặc đã đăng ký kinh doanh về nghiệp vụ du lịch cộng đồng (nghiệp vụ về kinh doanh lưu trú, ăn uống; nghiệp vụ và kỹ năng đón tiếp khách; bồi dưỡng về ngoại ngữ, kiến thức về vệ sinh môi trường; nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư về phát triển du lịch bền vững…).
– Chính sách về xúc tiến, quảng bá: Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở các địa phương có chính sách hỗ trợ cộng đồng xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch cộng đồng của địa phương (thông qua các hội chợ, triển lãm về du lịch trong và ngoài nước; trên các phương tiện thông tin đại chúng…); đồng thời có biện pháp hỗ trợ những doanh nghiệp và những hộ kinh doanh du lịch cộng đồng tiếp cận thị trường quốc tế, và phát triển thị trường nội địa để thu hút khách du lịch.
– Chính sách về xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn về du lịch cộng đồng: Thực tế cho thấy, các hoạt động du lịch cộng đồng hiện nay còn mang tính tự phát, chưa đúng bản chất của du lịch cộng đồng, còn trùng lặp về sản phẩm du lịch, chất lượng các dịch vụ còn hạn chế… Do vậy, để các sản phẩm du lịch cộng đồng đạt chất lượng cao; các hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng diễn ra đúng bản chất, chuyên nghiệp, hiệu quả về kinh tế, văn hóa và môi trường…, cần có chính sách hỗ trợ công tác nghiên cứu hoàn thiện các tiêu chuẩn cụ thể đối với hoạt động du lịch cộng đồng. Các tiêu chuẩn này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đối với hoạt động du lịch cộng đồng trên phạm vi cả nước. Các tiêu chuẩn cơ bản về du lịch cộng đồng như: Tiêu chuẩn về cơ sở lưu trú cộng đồng (homestay); Tiêu chuẩn về hộ gia đình văn hóa du lịch; Tiêu chuẩn đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm; Tiêu chuẩn về các dịch vụ trải nghiệm cộng đồng; Tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ; Tiêu chuẩn về đảm bảo vệ sinh môi trường.
IV. KẾT LUẬN
Qua các thông tin về một số chính sách phát triển du lịch cộng đồng từ Trung ương tới địa phương có thể rút ra một số kết luận sơ bộ như sau:
– Du lịch cộng đồng hiện đã phát triển tại nhiều địa phương và ý nghĩa tích cực mang lại từ loại hình du lịch này đã được thể hiện, khẳng định ngày càng rõ nét.
– Chính sách là sự kết hợp giữa chủ trương và hành động thực hiện. Chủ trương tốt và hành động quyết liệt sẽ đảm bảo chính sách thành công. Một số chính sách cần thiết để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng rất cần được quan tâm để phát huy các giá trị tích cực của du lịch cộng đồng.
– Một số chính sách cụ thể về phát triển du lịch cộng đồng của một số địa phương cho thấy, để chính sách phát triển du lịch cộng đồng được thực hiện thành công, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức, có chủ trương phù hợp, được thực hiện đồng bộ bởi các cấp, các ngành với quyết tâm cao, thực hiện triệt để đến việc triển khai thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng theo lộ trình và quyết tâm thực hiện trên phạm vi các tỉnh, thành phố, vùng và cả nước, bảo đảm lợi ích các bên tham gia với trách nhiệm bảo vệ lợi ích cho cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch, bảo tồn được các giá trị truyền thống và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương. Cần có những chính sách phù hợp và quyết tâm thực hiện cao để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng lồng ghép với các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phát triển ngành nghề và lao động… để phát huy các giá trị động lực, tạo sức lan tỏa của hoạt động du lịch, tăng cường đóng góp tích cực từ các hoạt động này cho sự nghiệp bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam “Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Hà Nội 2017.
- Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Tháp “Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 24 tháng 3 năm 2022 Quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 – 2026”, Đồng Tháp 2022.
- Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai “Nghị quyết số 108/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 quy định một số chính sách hỗ trợ về đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển du lịch cộng đồng”, Gia Lai 2019.
- Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang “Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 20 tháng 12 năm 2021 Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”, Tuyên Quang 2021.
- Quốc hội (2017), Luật Du lịch, số 09/QH14 ngày 19/6/2017, Quốc hội Khóa XIV, Hà Nội.
- Thủ tướng Chính phủ “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020, Hà Nội 2020.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An “Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 quy định cụ thể một số nội dung thực hiện Nghị quyết 07 ngày 22/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025”, Nghệ An 2020.
TS. Lê Văn Minh
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch