Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Xu hướng và Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch tâm linh ở Việt Nam

    1. Thực trạng về tín ngưỡng, tôn giáo, và du lịch tâm linh Việt Nam.

    Theo thống kê chưa đầy đủ cho thấy Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo (trong hàng nghìn tín ngưỡng thì tín ngưỡng phổ biến là thờ cúng ông bà tổ tiên và tín ngưỡng thờ Mẫu). Đến năm 2020, về cơ sở, địa điểm, di tích tín ngưỡng tôn giáo cả nước có khoảng 45.000 điểm. Không chỉ vậy về mặt văn hóa, Việt Nam có khoảng 13 nghìn lễ hội từ bao gồm cả lễ hội tôn giáo. Riêng trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động, số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay khoảng: Phật giáo: 15,1 triệu; Công giáo: 7,1 triệu; Cao đài: 1,1 triệu; Tin lành: 1 triệu; Hồi giáo: 80.000; Phật giáo Hòa hảo: 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác (Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo,…). 

    Một số định hướng phát triển du lịch tâm linh Việt Nam

    Thứ nhất, du lịch tâm linh ở Việt Nam nên cung cấp các gói dịch vụ trên một tuyến nhằm mục tiêu đến những khách du lịch quan tâm đến sự kết hợp của các tôn giáo hoặc một tôn giáo cụ thể. Chúng tôi gợi ý 2 tuyến tôn giáo sau đây cho Việt Nam là một trong những tuyến ban đầu để nghiên cứu. 

    (1) Tuyến du lịch Lễ Chùa – Khu du lịch Đầm Vân Long – cố Đô Hoa Lư – Chùa Bái Đính – Chùa Tam Chúc cầu an năm mới. 

    (2) Miếu Bà Chúa Xứ – Chùa Vạn Linh Tự – Chùa Tây An. 

    Các tuyến du lịch tâm linh nên được thiết lập trên khắp Việt Nam, dựa trên các tôn giáo khác nhau, sẽ hiệu quả hơn để tối ưu hóa du lịch trong nước đến Việt Nam. 

    Thứ hai, về các thiết kế tuyến theo phân khúc khách du lịch. Hành hương gắn liền với du lịch trong khi du lịch giải trí có khả năng trải nghiệm hành hương nhưng hành hương và du lịch không đồng nhất. Hành hương được mô tả là một sự chuyển dịch cơ bản từ tâm trí thông thường sang tâm trí thánh thiện của hệ thống tôn giáo. Hành hương cũng là một hoạt động du lịch gắn liền với giải trí. Các yêu cầu đối với chuyến hành hương, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng, thực phẩm (ăn chay, ăn dưỡng sinh, thực phẩm sạch – an toàn…) và phương tiện đi lại, đối với khách du lịch và người hành hương là tương tự nhau. Như vậy, trong thiết kế tuyến du lịch thì không có khác biệt giữa du lịch thông thường và du lịch tâm linh ở các cơ sở hạ tầng, lưu trú,… 

    Thiết kế tuyến bao gồm gói dịch vụ tất cả các loại dịch vụ có liên quan được trình bày dưới dạng một mức giá duy nhất cho khách du lịch, trình bày thiết kế và cung cấp các hoạt động, sự kiện hoặc chương trình đặc biệt, liên quan đến tâm linh để thúc đẩy khách hàng chi tiêu nhiều hơn và cung cấp nhiều giá trị hơn trong một gói hàng. Tuy nhiên các gói dịch vụ du lịch cần được thiết kế và thực hiện riêng biệt cho từng phân khúc khách du lịch tâm linh đã xác định đến thăm khu vực tại Việt Nam. Như vậy thay vì giới hạn ở các hoạt động thông thường, cần có chiến lược áp dụng với các hoạt động của tuyến du lịch tâm linh, như vậy sẽ đạt hiệu quả tối ưu hơn nữa trong cung cấp dịch vụ du lịch.

    Thứ ba, Phát triển du lịch tâm linh trở thành động lực thu hút khách du lịch, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ du lịch khác, tạo sự đa dạng và hấp dẫn cho du lịch Việt Nam và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững; phát triển du lịch tâm linh trở thành giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững thông qua tạo việc làm, thu nhập cho cư dân địa phương, tăng cường hiểu biết giao lưu văn hóa, tìm hiểu thế giới và tạo động lực bảo tồn giá trị truyền thống, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.  

        Thứ tư, Phát triển du lịch tâm linh trở thành mục tiêu phát triển đời sống tinh thần cho nhân dân hướng tới những giá trị chân-thiện-mỹ và nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy tiến bộ xã hội; du lịch tâm linh phải phát triển theo hướng chăm lo nuôi dưỡng tinh thần tiến bộ, làm cho tư tưởng, tinh thần trong sáng đồng thời đấu tranh, bài trừ những hủ tục, dị đoan làm sai lệch tư tưởng và u muội tinh thần.

    2. Xu hướng phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam 

        Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng. Sự đa dạng và phong phú của các thắng tích tôn giáo và với số lượng lớn các tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước. Nhu cầu du lịch tâm linh của người Việt Nam đang trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển. Ngày nay, du lịch tâm linh ở Việt Nam đang trở thành xu hướng phổ biến:

       – Số lượng khách du lịch tâm linh ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa. Số khách du lịch đến các điểm tâm linh tăng cho thấy du lịch tâm linh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội.

        – Nhu cầu và du lịch tâm linh ngày càng đa dạng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động gắn với tôn giáo mà ngày càng mở rộng tới các hoạt động, sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc và những yếu tố linh thiêng khác. Hoạt động du lịch tâm linh ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đại bộ phận nhân dân.  

        – Hoạt động kinh doanh, đầu tư vào du lịch tâm linh ngày càng đẩy mạnh thể hiện ở quy mô, tính chất hoạt động của các khu, điểm du lịch tâm linh. Ra đời và phát triển ngày càng nhiều các điểm du lịch tâm linh ở hầu hết các địa phương, vùng, miền trên phạm vi cả nước, tiêu biểu như: Đền Hùng (Phú Thọ); Yên Tử (Quảng Ninh); Chùa Hương (Hà Nội); Phát Diệm (Ninh Bình); Núi Bà Đen, Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh); Chùa Bái Đính (Ninh Bình); Đại Nam Văn Hiến (Bình Dương); Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang); Công Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương); Tây Thiên (Vĩnh Phúc); Đền Trần-Phủ Dầy (Nam Định)…

        – Du lịch tâm linh ngày càng được xã hội tiếp cận và nhìn nhận tích cực cả về khía cạnh kinh tế và xã hội. Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đối với phát triển du lịch tâm linh và coi đó là một trong những giải pháp đáp ứng đời sống tinh thần cho nhân dân đồng thời với việc bảo tồn, tôn vinh những giá trị truyền thống, suy tôn những giá trị nhân văn cao cả.

    3. Một số giải pháp phát triển du lịch tâm linh Việt Nam

    3.1. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tâm linh để phát triển loại hình du lịch tâm linh

    – Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tâm linh (hành hương, hội thảo, chương trình học tập, nghỉ dưỡng, tham quan di tích tâm linh, tuyến du lịch tâm linh, ….) nhằm thu hút khách nhiều loại hình du khách.

    – Đa dạng hóa nội dung gói sản phẩm du lịch tâm linh: hành hương kết hợp nghe thuyết giảng, học thiền, yoga, tham quan địa điểm tâm linh, tham dự lễ hội và các sự kiện tâm linh, tham dự các biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tâm linh, chữa bệnh, nghỉ dưỡng, ….

    – Cải tổ lại các hoạt động du lịch tâm linh: kết hợp hoạt động du lịch tâm linh với các loại hình du lịch văn hóa và du lịch khác như nghỉ dưỡng, mạo hiểm, ….

    – Cải thiện mạnh chất lượng của các sản phẩm du lịch tâm linh hiện có nhằm nâng cao giá trị để thu hút du khách tiềm năng.

    – Cần có các hướng dẫn viên bền vững cho sự phát triển của du lịch tâm linh.

    3.2. Có chính sách, kế hoạch, chiến lược phát triển loại hình du lịch tâm linh

    – Cần có các chính sách, chiến lược và các chương trình marketing được áp dụng và thực hiện nhằm tăng dòng chảy du khách tâm linh đến nước mình. Thiết lập các chương trình quảng cáo và PR, đưa vào áp dụng ở từng điểm đến cụ thể nhằm nâng cao năng lực phát triển của du lịch tâm linh dựa trên hệ thống thông tin về thị trường tốt.

    – Cần có các chính sách và chiến lược để vượt qua được những hạn chế về mùa (thấp điểm và cao điểm) và những vấn đề về tắc nghẽn (giao thông, lượng khách) ở những điểm đến nổi tiếng/quan trọng/đã phát triển. 

    – Nghiên cứu, đánh giá những vấn đề về thái độ, hành vi, mong đợi, trải nghiệm của du khách để các nhà hoạch định chính sách của ngành có thể xử lý được các vấn đề hiện tồn tại về quản lý du khách.

    3.3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động du lịch tâm linh

    – Cần tổ chức hợp lý hệ thống quản lý hành chính trong ngành, đặc biệt là các rào cản hành chính có thể hạn chế sự phát triển ngành.

    – Khắc phục được các hạn chế ở các điểm đến du lịch tâm linh.

    – Tìm kiếm các phương thức nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các hoạt động du lịch tâm linh ở một điểm đến.

    – Xây dựng và mở rộng thị trường vùng cho du lịch tâm linh.

    – Có các biện pháp nhằm nâng cao hiểu biết của du khách tiềm năng về du lịch văn hóa của từng vùng, miền.

    3.4. Công tác quản lý, điều hành

    – Biện pháp và hệ thống quản lý các dòng du khách tôn giáo, tâm linh (hành hương, tham quan di sản tôn giáo, học tập, sự kiện tôn giáo, …).

    – Bảo lưu và giữ gìn nguyên trạng các di tích văn hóa và tâm linh.

    – Bảo vệ môi trường của các địa điểm tự nhiên vốn là nơi tổ chức thực hiện các sự kiện, nghi lễ tâm linh.

    – Sự an toàn cá nhân và an toàn về pháp lý cho du khách, cộng đồng sở tại và các bên có liên quan.

    – Hệ thống cung cấp thực phẩm.

    – Du lịch xanh: vấn đề hạn chế các tác động của hoạt động du lịch tâm linh lên môi trường, sự biến đổi khí hậu bằng việc sử dụng các phương tiện xe đạp, đi bộ, xe ngựa trên các tuyến đường hành hương.

    3.5. Công tác truyền thông, quảng bá, đào tạo nhân lực

    – Sử dụng đúng và hiệu quả các công nghệ thông tin và truyền thông. Thông tin không đầy đủ hoặc thiếu vắng các dữ liệu đáng tin cậy về mức độ, sự năng động và đặc tính của các dòng du lịch, đặc biệt là du lịch tôn giáo, sẽ là những hạn chế lớn cho sự phát triển của các chiến lược phát triển du lịch tôn giáo/tâm linh của nhiều cơ quan, tổ chức địa phương, vùng và quốc gia, trong cả các khu vực công, tư và xã hội dân sự. Số lượng các nhà quản lý trong lĩnh vực này có hiểu biết và có thể sử dụng hiệu quả các công nghệ thông tin hiện có vào việc quản lý dòng du khách cả về mặt không gian và thời gian. 

    – Các biện pháp quảng bá và marketing sản phẩm và dịch vụ mới liên quan tới du lịch tôn giáo và tâm linh.

    – Đào tạo (điểm tham quan, đơn vị cung cấp du lịch tôn giáo, tâm linh): Đào tạo là yếu tố quan trọng quyết định tính bền vững của sự phát triển du lịch tôn giáo ở bất kỳ điểm đến nào. Hoạt động đào tạo không chỉ dừng ở những yếu tố kỹ thuật của việc quản lý, phát triển du lịch, thiết lập hệ thống phòng ốc hoặc cung cấp thực phẩm và dịch vụ, trang thiết bị của di sản văn hóa mà còn là sự đào tạo về nhận thức cho tất cả các đơn vị, cá nhân, các bên có liên quan, ví dụ như việc các trường học, trung tâm giáo dục có thể đưa du lịch văn hóa, tôn giáo, tâm linh vào thành một chương trình học trong bối cảnh của những vấn đề về quản lý liên ngành, các vấn đề về xã hội, văn hóa và tâm linh.

    4. Liên kết hợp tác khai thác các sản phẩm du lịch tâm linh ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập

    Liên kết du lịch để phát triển phát huy giá trị của các khu di tích lịch sử, văn hóa tâm linh và danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch, du lịch Việt Nam cần huy động sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội trên một hành trình dài lâu. 

    Liên kết, hợp tác trong công tác quản lý Nhà nước, xúc tiến quảng bá, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh mới, đa đang và phong phú, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch hướng tới mục tiêu đón được nhiều khách du lịch tâm linh trong nước và quốc tế.

    Liên kết phát triển du lịch tâm linh giữa các tỉnh thành nhằm mục đích tăng cường các khuôn khổ chính sách, thúc đẩy hợp tác với cộng đồng, bảo vệ và gìn giữ các giá trị truyền thống; xây dựng các quy định về sử dụng tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch tâm linh nhằm tạo cơ hội việc làm, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm về du lịch tâm linh, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa. 

    Liên kết phát triển du lịch tâm linh nhằm khuyến khích giáo dục và đào tạo, nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng trong quản lý du lịch, các nhóm dân cư đặc biệt với người dân bản địa thông qua phát triển du lịch tâm linh; tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy hòa hợp, đảm bảo sự tồn tại của các giá trị truyền thống qua nhiều thế hệ.

    Sự liên kết chặt chẽ và hợp lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cũng như doanh nghiệp, hiệp hội du lịch các địa phương nhằm xây dựng những sản phẩm mới, không trùng lặp, tạo được điểm nhấn ấn tượng với khách du lịch.

    Muốn xây dựng và khai thác tốt loại hình du lịch tâm linh cần có các chương trình du lịch đặc sắc, ấn tượng thông qua liên kết bắt buộc với 5 thành tố: 

    (1) Cơ quan quản lý văn hóa, du lịch 

    (2) Giáo hội, chức sắc tôn giáo 

    (3) Công ty lữ hành 

    (4) Cư dân bản địa

    (5) Các đơn vị tổ chức cung ứng dịch vụ du lịch tại điểm đến 

    Mỗi một tour du lịch phải có sự hợp tác, phối hợp hành động giữa các đối tác này chứ không chỉ của riêng một công ty du lịch nào cả. Đây là vấn đề khó với công tác quản lý nói chung, quản lý du lịch tâm linh nói riêng ở Việt Nam khi các văn bản luật pháp của chúng ta cho phép tính tự chủ của các cá nhân, tập thể ở Việt Nam khá cao điều đó đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, phá vỡ tính hệ thống trong tổ chức kinh doanh và quản lý kinh doanh du lịch trên một địa bàn. Sự thiếu đồng bộ là phổ biến. Công việc này phải bắt đầu từ xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch gắn trực tiếp với tuyến điểm du lịch trong một địa bàn nhất định. Trên cơ sở các cơ sở hạ tầng du lịch của một địa phương đã được qui hoạch chi tiết cần xây dựng các chương trình du lịch cụ thể áp dụng cho những đối tượng khách khác nhau. Mỗi chương trình du lịch sẽ có một đặc trưng riêng phù hợp với các đối tượng khách khác nhau. Để làm được điều này, các công ty lữ hành cần phải tuân thủ sự quản lý điều hành du lịch của địa phương chứ không được tự ý xây dựng các chương trình du lịch tâm linh riêng của mình. 

    Điều này có vẻ mâu thuẫn với sự tự chủ trong kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng lại không hề mâu thuẫn nếu đặt sự phát triển của mỗi một công ty lữ hành trong tổng thể kết quả kinh doanh của ngành du lịch trên một địa bàn cụ thể. Đó chính là sự thống nhất, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để tạo nên sức mạnh tập thể. Vì lợi ích chung của ngành, của địa phương. Muốn làm được như vậy, cần xây dựng quy chế hoạt động chặt chẽ, thống nhất và phối hợp hành động vì lợi ích chung trong đó sẽ có lợi ích của các cá nhân, doanh nghiệp. Trên một địa bàn nhất định, ở mỗi thời điểm sẽ có các chương trình du lịch tâm linh khác nhau để có thể cùng một lúc phục vụ nhiều đoàn khách, nhiều đối tượng khách khác nhau. Mỗi một chương trình du lịch sẽ bắt buộc phải đi qua những tuyến điểm cụ thể. Ở mỗi điểm tham quan du lịch như vậy sẽ có các chương trình “chăm sóc khách hàng” theo đúng mọi ý nghĩa của công việc này.   

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. https://itdr.org.vn/du-lich-tam-linh-o-viet-nam-thuc-trang-va-dinh-huong-phat-trien/.
    2. Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa Tâm linh, Nxb. Hà Nội, 1996, 315 trang.
    3. Đề tài: “Nghiên cứu loại hình du lịch tâm linh ở Việt Nam”, Bộ VHTTDL.

    Vũ Văn Tuyên

    Bài cùng chuyên mục