Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khảo sát và áp dụng thử mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại một số tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ

    Từ ngày 12/4 đến 17/4/2021, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức đoàn khảo sát tới các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu KHCN cấp Bộ “Mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ” (2020-2021). Năm 2020, đề tài đã thực hiện khảo sát các tỉnh từ Phú Yên đến Đà Nẵng nhằm đánh giá hiện trạng và các điều kiện phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (TTX) trong Vùng, từ đó đề xuất một mô hình phát triển du lịch theo hướng TTX áp dụng cho vùng nghiên cứu. Năm 2021, với mục đích áp dụng và hoàn thiện mô hình bám sát với nhu cầu thực tiễn, đề tài tiếp tục thực hiện khảo sát, làm việc với các địa phương từ Bình Thuận đến Phú Yên để có những nhận định rõ hơn về phát triển du lịch theo hướng TTX của Vùng cũng như đánh giá các điều kiện áp dụng và triển khai mô hình TTX tại đây.
    Đoàn công tác do TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn cùng các thành viên là chuyên gia Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), trường Đại học Kinh tế Quốc dân và cán bộ nghiên cứu của Viện NCPTDL tham gia nhiệm vụ.
    Tại Bình Thuận và Phú Yên, đoàn có buổi làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước gồm: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch, Đầu tư và Hiệp hội Du lịch. Buổi làm việc trao đổi xung quanh các nội dung, cụ thể:
    – Áp dụng về mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh trong du lịch và xin ý kiến về các hợp phần tham gia trong mô hình, về công tác tổ chức và triển khai mô hình;
    – Cung cấp một số thông tin về các hoạt động du lịch xanh trên địa bàn.
    Các đại biểu tham dự họp cơ bản thống nhất về mô hình phát triển du lịch theo hướng TTX do nhiệm vụ đề xuất. Tuy nhiên, có một số góp ý như sau:
    – Trong mô hình để đảm bảo tính khách quan và liên kết giữa các bên trong quá trình phát triển cần bổ sung thêm các bên liên quan như đơn vị nghiên cứu, chuyên gia độc lập;
    – Bổ sung thêm các tiêu chí cụ thể gồm: tiêu chí chung và cách thức áp dụng để các địa phương thuận tiện hơn trong việc áp dụng mô hình;
    – Thể hiện rõ các chủ thể: chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phối hợp và cơ chế vận hành của mô hình.

    Đoàn làm việc tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận

    Đối với Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài (Phú Yên), nơi đề tài lựa chọn để xây dựng mô hình thí điểm, các đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn trong việc phát triển du lịch. Vịnh Xuân Đài đã được công nhận là Khu DLQG nhưng hiện nay chưa có ban quản lý, chưa có quy chế, căn cứ pháp lý hỗ trợ cho công tác khai thác và phát triển Vịnh. Do đó, công tác quy hoạch và giải quyết vấn đề phát triển kinh tế, để “hài hòa” lợi ích giữa nuôi trồng hải sản và phát triển du lịch trên Vịnh còn gặp rất nhiều khó khăn, sẽ là một thách thức không nhỏ đối với Phú Yên trong định hướng phát triển du lịch theo hướng TTX.

    Đoàn làm việc tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên

    Ngoài ra, đoàn đã đến làm việc với đại diện một số cơ sở lưu trú (tại Bình Thuận, Ninh Thuận); điểm dừng chân (tại Bình Thuận); cơ sở vui chơi giải trí (tại Khánh Hòa); doanh nghiệp du lịch (tại Khánh Hòa, Phú Yên). Đây đều là những đại diện tiêu biểu trong hoạt động kinh doanh gắn với phát triển du lịch xanh tại địa bàn khảo sát và cũng là những hợp phần tham gia trực tiếp vào trong mô hình TTX. Các nội dung trao đổi tập trung vào: Thực trạng triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật và tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch; “xanh hóa” các hoạt động và dịch vụ du lịch thông qua thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ xanh, sạch, bảo vệ tài nguyên; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…

    “Trang trại nắng” tại Khu du lịch sinh thái Tà Cú (Bình Thuận)
    Thùng đựng rác thân thiện với môi trường tại Seahorse Resort (Bình Thuận)
    Mô hình xử lý rác tại Mũi Né Nhỏ Resort (Bình Thuận)
    Đoàn khảo sát, làm việc tại Công viên du lịch Yang Bay (Khánh Hòa)

    Chuyến khảo sát với các doanh nghiệp cho thấy nhận thức về TTX chưa rõ ràng, tuy có sự tiếp cận với du lịch bền vững, du lịch xanh được thực hiện ngay từ khi xây dựng và triển khai đồng loạt tại tất cả các bộ phận và nhân viên. Doanh nghiệp cũng đã có nhiều biện pháp khá tích cực nhằm giảm thải lượng rác và các nguồn phát thải; năng lượng tái tạo và năng lượng tự nhiên được khai thác sử dụng. Tuy nhiên, nhận thức về sử dụng năng lượng bền vững vẫn ở mức hạn chế, chưa có được những định hướng phát triển lâu dài trong việc sử dụng năng lượng bền vững. Doanh nghiệp cũng chưa quan tâm nhiều đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chủ yếu đánh giá, nhìn nhận theo kinh nghiệm nghề nghiệp và chưa đưa ra được các biện pháp ứng phó cụ thể. Những thông tin, dữ liệu thu nhận được từ chuyến khảo sát này là những tài liệu thực tiễn cần thiết phục vụ nội dung nghiên cứu của đề tài./.

    Thanh Hiền

    Bài cùng chuyên mục