Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khảo sát, đánh giá mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại một số tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ

    Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ “Mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ” thực hiện trong hai năm, thuộc Chương trình KHCN trọng điểm cấp Bộ lĩnh vực du lịch về “Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh”.

    Trong khuôn khổ đề tài, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức đoàn công tác do TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn cùng các thành viên tham gia đề tài, khảo sát thực địa đợt 1 tại các tỉnh/thành phốtừ Phú Yên đến Đà Nẵng từ ngày 9/7 đến 15/7/2020. Chuyến khảo sát với mục đích thu thập tài liệu, đánh giá các điều kiện và hiện trạng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (TTX) tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
    Du lịch của vùng DHNTB thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, lượng khách du lịch tăng nhanh, cơ sở vật chất ngành du lịch phát triển nhanh chóng, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành du lịch trong vùng cũng đang phải đối diện với các nguy cơ suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi, tác động từ biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, chất lượng dịch vụ cũng như hình ảnh du lịch địa phương. Vì vậy, thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là yêu cầu cần thiết và là hướng đi đúng đắn cho sự phát triển bền vững của vùng.

    Đoàn làm việc tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên
    Đoàn làm việc tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên

    Tại Phú Yên, đoàn công tác có buổi làm việc với đại diện các cơ quan, đơn vị như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên, Hiệp hội du lịch Phú Yên, Trung tâm xúc tiến du lịch, Sở Tài nguyên Môi trường, Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch Đầu tư) và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại và tiết kiệm năng lượng (Sở Công thương). Các đại biểu đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến dự án, chương trình tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hướng tới phát triển xanh, các chương trình bảo vệ môi trường… hiện đang thực hiện trên địa bàn Phú Yên.
    Đặc biệt, nội dung của buổi trao đổi tập trung đến khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài, địa điểm đề tài lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Hiện nay, sản phẩm du lịch tại Vịnh Xuân Đài chủ yếu là tham quan trên vịnh, ngắm cảnh, tắm biển và thưởng thức hải sản. Tuy nhiên, thực tế phát triển du lịch trên Vịnh Xuân Đài còn nhiều hạn chế, một trong những nguyên nhân chính là sự gia tăng nuôi trồng hải sản của người dân trên vịnh. Các đại biểu cũng đóng góp một số giải pháp để phát triển du lịch vịnh Xuân Đài theo hướng TTX như cần quản lý, quy hoạch nuôi trồng thủy hải sản phải đảm bảo yếu tố môi trường tránh phát triển chồng chéo giữa hai ngành; hạn chế, kiểm soát nguồn xả thải từ hoạt động nuôi trồng thủy hải sản; tuyên truyền cho người dân có ý thức bảo vệ môi trường cảnh quan…

    Đoàn khảo sát tại Nhất Tự Sơn, Phú Yên
    Đoàn khảo sát tại Nhất Tự Sơn – Vịnh Xuân Đài, Phú Yên
    Lồng bè nuôi tôm hùm trên Vịnh Xuân Đài, Phú Yên
    Lồng bè nuôi tôm hùm trên Vịnh Xuân Đài, Phú Yên

    Đoàn cũng đi khảo sát thực tế tại một số điểm du lịch của Vịnh Xuân Đài như Nhất Tự Sơn, bãi Ôm, Trạm Dừng Chân AStop. Qua khảo sát thực tế cho thấy còn nhiều bất cập giữa phát triển nuôi trồng hải sản và phát triển du lịch trên vịnh. Hiện nay, hoạt động nuôi hải sản (tôm hùm, hàu) của các hộ dân đang phát triển mạnh về quy mô, mang tính tự phát nhiều, gây ảnh hưởng lớn đến tài nguyên tự nhiên phục vụ phát triển du lịch (rác thải từ nuôi trồng hải sản, ô nhiễm môi trường nước, không khí, cảnh quan Vịnh…). Tuy nhiên, cơ quan quản lý địa phương chưa có những biện pháp hữu hiệu để quản lý, hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động nuôi trồng này. Do vậy, để hài hòa lợi ích giữa nuôi trồng hải sản và phát triển du lịch trên Vịnh Xuân Đài nhất là phát triển theo hướng TTX sẽ là một thách thức không nhỏ đối với Phú Yên.

    Cổng chào tại bến tàu Cù Lao Chàm, Quảng Nam
    Cổng chào tại bến tàu Cù Lao Chàm, Quảng Nam

    Tiếp tục chuyến công tác, Đoàn khảo sát tại Cù Lao Chàm, phố cổ Hội An (Quảng Nam). Đây là những điểm du lịch không chỉ nổi tiếng về tài nguyên nổi trội hấp dẫn du khách mà còn được biết đến là điểm phát triển du lịch xanh – sạch. Đặc biệt, Cù Lao Chàm được mệnh danh là hòn đảo xanh – nơi không sử dụng túi ni lông, ống hút nhựa hay chai nhựa dùng một lần. Trung bình mỗi ngày vào những tháng cao điểm du lịch nội địa (tháng 4 đến tháng 8 hàng năm) Cù Lao Chàm đón khoảng 3.000 lượt khách, có những lúc cao điểm (lễ tết, ngày cuối tuần) có thể lên tới 6.000 lượt và canô vận chuyển khách du lịch (75 chiếc) sử dụng 100% công suất (số liệu của phòng Văn hóa Thông tin, TP. Hội An). Tuy vậy, theo quan sát của đoàn công tác, môi trường nước tại các bến tàu khá sạch, trong, không có tồn dư chất thải dầu máy; môi trường cảnh quan trên đảo xanh, sạch, chất thải, rác thải từ hoạt động du lịch và của người dân trên đảo đều được thu gom và xử lý tốt. Có được những kết quả này, thể hiện nỗ lực của chính quyền thành phố Hội An nói riêng và cũng như của tỉnh Quảng Nam nói chung trong phát triển du lịch bền vững gắn với TTX.

    Đoàn làm việc với Sở Du lịch Đà Nẵng và đại diện một số Sở ngành liên quan
    Đoàn làm việc với Sở Du lịch Đà Nẵng và đại diện một số Sở ngành liên quan

    Tại Đà Nẵng, đoàn công tác của Viện đã có buổi làm việc với Sở Du lịch Đà Nẵng và đại diện một số Sở ngành liên quan. Thành phố Đà Nẵng trong thời gia cũng đã thực hiện nhiều hành động hướng tới với TTX như xây dựng các cơ sở lưu trú dựa trên nền tảng xanh; nói không với rác thải nhựa trong lưu trú; “Cá bống ăn Rác” đặt tại các bãi biển; thành lập các câu lạc bộ thường xuyên dọn rác tại Sơn Trà, các bãi biển của Đà nẵng… Tuy nhiên, với tốc độ phát triển du lịch nhanh chóng, hiện nay Đà Nẵng cũng đang gặp phải những khó khăn trong công tác xử lý rác thải, nước thải của thành phố tại một số thời điểm cao điểm du lịch chưa được đảm bảo.

    Hải đăng Tiên Sa - Sơn Trà - Đà Nẵng
    Hải đăng Tiên Sa – Sơn Trà – Đà Nẵng

    Đoàn công tác cũng đã tới khảo sát những điểm, khu du lịch tiêu biểu, giàu tiềm năng của Đà Nẵng như bán đảo Sơn Trà (hải Đăng Sơn Trà, cây đa nghìn năm, bàn cờ tiên), bãi Nam Ô… với mục đích đánh giá thực trạng phát triển du lịch, cũng như xác định các yếu tố tác động tới hướng phát triển du lịch theo hướng TTX của thành phố.

    Một góc chùa Linh Ứng - Sơn Trà - Đã Nẵng
    Một góc chùa Linh Ứng – Sơn Trà – Đã Nẵng

    Đoàn công tác đã kết thúc chuyến khảo sát tốt đẹp, thu nhận được những thông tin, dữ liệu cần thiết về thực trạng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại các địa phương khảo sát, đây sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng cho nội dung nghiên cứu đề tài./.

    Thanh Hiền

    Bài cùng chuyên mục