Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo “Kinh tế chia sẻ trong du lịch – Những vấn đề đặt ra và giải pháp”

    Triển khai thực hiện Đề tài cấp Bộ năm 2021 – 2022 “Mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Việt Nam”, ngày 19 tháng 8 năm 2022, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Kinh tế chia sẻ trong du lịch: Những vấn đề đặt ra và giải pháp” nhằm xin ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đối với kết quả nghiên cứu ban đầu của Đề tài; đồng thời, trao đổi, thảo luận đối với những vấn đề liên quan như: cơ sở lý luận, hiện trạng, giải pháp và tham vấn khung mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Việt Nam.Hội thảo do TS. Trương Sỹ Vinh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chủ trì, cùng với sự tham gia của các đại biểu  là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực du lịch, kinh tế, thương mại, pháp luật, các trường đại học và một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

    TS. Trương Sỹ Vinh – Phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trương Sỹ Vinh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết: Mặc dù mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch đã đóng vai trò quan trọng, bước đầu mang lại những lợi ích tích cực đối với ngành du lịch. Hiện tại, đã có rất nhiều công ty công nghệ cung cấp nền tảng chia sẻ tham gia thị trường Việt Nam, trong đó, bao gồm cả công ty nước ngoài và công ty trong nước, như: Agoda, Booking, Traveloka, iVIVU, Mytour, Vntrip,…

    Tuy nhiên, mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển, vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề đặt ra như: cơ chế quản lý, vận hành, sự minh bạch của thị trường, cạnh tranh bình đẳng, an toàn và bảo mật thông tin, chống thất thoát thuế, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng,…

    Đề tài KH&CN cấp Bộ: “Mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Việt Nam” được thực hiện với mục đích xây dựng một nghiên cứu bài bản về mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch, để có căn cứ vững chắc đề xuất những định hướng, giải pháp trong tương lai; đồng thời, tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ban hành những quy định, chính sách thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch phát triển phù hợp, khách quan. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới và khó, còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảosẽ góp phần làm sáng tỏ những vấn đề trên.

    Sau bài phát biểu khai mạc, TS. Lê Quang Đăng – Chủ nhiệm Đề tài thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu với các nội dung chính: Cơ sở lý luận và thực tiễn về mô hình kinh tế chia sẻ; Hiện trạng phát triển du lịch Việt Nam theo mô hình kinh tế chia sẻ; Đề xuất khung mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch và các giải pháp thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Việt Nam.

    TS. Lê Quang Đăng – Trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu

    Hội thảo ghi nhận kết quả nghiên cứu ban đầu của đề tài với những thành công: đóng góp của kết quả nghiên cứu mới vào việc phát triển lý thuyết, lý luận về mô hình kinh tế chia sẻ nói chung và kinh tế chia sẻ trong du lịch nói riêng; đề tài đã đề xuất được khung mô hình và các giải pháp thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện các chính sách đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch còn đang nhiều dư địa phát triển ở Việt Nam; đề tài có giá trị thực tiễn và có thể nhìn trước/dự kiến được triển vọng tác động xã hội từ kết quả nghiên cứu đối với thị trường chia sẻ dịch vụ lưu trú trong du lịch, chia sẻ tour,… Tiếp sau đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến cho các vấn đề còn tồn tại và các nội dung liên quan của đề tài.

    Theo ThS. Nguyễn Thanh Bình (Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch), đề tài cần nghiên cứu và cân nhắc bổ sung để đưa ra định nghĩa (bao gồm định nghĩa hẹp và rộng) chính xác về mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch. Bên cạnh đó, cần làm rõ sự khác biệt để không nhầm lẫn giữa bán hàng trên mạng, thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ, đặc biệt là phần phân tích về kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… Đối với khung mô hình đề xuất không nhất thiết chỉ có một khung mô hình với mỗi loại hình, có thể nghiên cứu đưa ra nhiều mô hình cho mỗi loại, quan trọng là đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tính chất của từng hoạt động, căn cứ trên phân tích cái được và chưa được của các mô hình hiện có.

    ThS. Nguyễn Thanh Bình phát biểu góp ý cho đề tài

    TS. Chu Thị Hoa (Phó Viện trưởng Viện Pháp lý, Bộ Tư Pháp) có những góp ý tập trung đối với phần kinh nghiệm quốc tế và hiện trạng thể chế, chính sách quản lý mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Việt Nam. Theo TS. Chu Thị Hoa phần kinh nghiệm quốc tế nên được trình bày và kết cấu để làm nổi bật lên phản ứng chính sách của mỗi quốc gia đối với mô hình kinh tế trong du lịch là khác nhau, điều này ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: chính trị, văn hóa pháp lý, trình độ phát triển kinh tế – xã hội… Đối với phần đánh giá thực trạng mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Việt Nam có thể cân nhắc bổ sung đánh giá về thể chế như: các thông tin liên quan đến tình hình đăng ký kinh doanh của các nền tảng có tính thương mại liên quan đến kinh tế chia sẻ trong du lịch ở VN hiện nay (Booking, Agoda, Treveloka…)

    Đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu, bên cạnh đó TS. Trần Huy Đức (Khoa Du lịch, Khách sạn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) có đưa ra một số góp ý để nhóm nghiên cứu bổ sung như: Cần làm rõ bản chất của mô hình kinh tế chia sẻ, thống nhất nội hàm khái niệm; Đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch không nhất thiết phải xây dựng một mô hình hoàn hảo, nhưng phải lột tả được sự tham gia của các bên liên quan.

    TS. Trần Huy Đức phát biểu góp ý cho Đề tài

    TS. Vũ Thị Thúy Hằng (Khoa Khách sạn, Du lịch, Trường Đại học Thương mại) có những gợi ý về việc tiếp cận phân chia nền tảng chia sẻ thành 3 loại: (1)-Nền tảng chia sẻ thông tin du lịch (bao gồm các trang review, trang tìm kiếm, chia sẻ thông tin, lập kế hoạch du lịch như TripAdvisor, Trivago, Google Travel, các kênh truyền thông xã hội như TikTok, YouTube, Facebook, …); (2)-Nền tảng giao dịch du lịch điện tử (bao gồm các trang booking như Agoda, Booking, Traveloka, iViVu, MyTour, Gotadi,…); (3)-Nền tảng chia sẻ ngang hàng P2P (như AirBnb, Luxstay, Dichung).

    Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý cụ thể cho các nội dung nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học như: GS. TS. Nguyễn Văn Đính (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Hiệp hội Du lịch); PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh (Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường); TS. Vũ Nam (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân); TS. Nguyễn Phương Nga (Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Phenikaa); Bà Phạm Thái Hà (Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch); Ông Phùng Xuân Khánh (Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong); TS. Trần Thị Tuyết (Khoa Khách sạn, Du lịch, Trường Đại học Thương mại); Bà Trần Thị Lan Anh (Phó Tổng biên tập Tạp chí Du lịch)…

    GS.TS. Nguyễn Văn Đính phát biểu góp ý cho Đề tài

    Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Trương Sỹ Vinh – Chủ trì Hội thảo, đã gửi lời cảm ơn trân trọng đến quý đại biểu đã tới dự và đóng góp ý kiến cho Hội thảo. Đây là những góp ý quý báu, gợi mở cho nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện đề tài, chuẩn bị cho nghiệm thu, đạt được kết quả tốt nhất.

     Tin và ảnh: Trần Thị Hồng Trang

    Bài cùng chuyên mục