Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Đánh giá tác động của xu hướng kinh tế chia sẻ đối với lĩnh vực lưu trú du lịch tại Việt Nam

    Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch giao Viện NCPT Du lịch thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng về “Đánh giá tác động của xu hướng kinh tế chia sẻ đối với lĩnh vực lưu trú du lịch tại Việt Nam”. Ngày 30/9/2020, Viện NCPT Du lịch tổ chức buổi họp xin ý kiến các chuyên gia về một số nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ, nhằm đưa ra những nhận định, đánh giá có tính khách quan về tác động của xu hướng kinh tế chia sẻ đến lĩnh vực lưu trú du lịch. Từ đó đề xuất định hướng, giải pháp để đảm bảo sự phát triển của loại hình kinh doanh lưu trú trong xu thế mới.


    Phó Viện trưởng Viện NCPT Du lịch – TS. Đỗ Thị Thanh Hoa  chủ trì buổi họp. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Viện NCPT Du lịch, các vị đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, hiệp hội khách sạn Việt Nam. Về phía đại biểu khách mời tham gia trình bày tham luận có TS. Trần Huy Đức – Khoa Du lịch – Khách sạn, Đại học Kinh tế quốc dân và ông Phạm Kim Cương – Tổng Giám đốc và nhà sáng lập Công ty TNHH Cohost Việt Nam. Cuộc họp xin ý kiến chuyên gia về “Đánh giá tác động của xu hướng kinh tế chia sẻ đối với lĩnh vực lưu trú du lịch tại Việt Nam” diễn ra theo phương thức chia sẻ kỹ thuật, thảo luận sôi nổi những kinh nghiệm và nhận định chuyên sâu, đồng thời cũng rất cởi mở.

    ThS. Nguyễn Hoàng Mai trình bày tóm tắt báo cáo kết quả nhiệm vụ

    Đại diện nhóm nghiên cứu, ThS. Nguyễn Hoàng Mai, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Chủ trì nhiệm vụ đã trình bày tóm tắt báo cáo kết quả nhiệm vụ. Tiếp đó, các diễn giả trình bày các tham luận và chia sẻ về kinh nghiệm trong nước, quốc tế liên quan đến nghiên cứu khoa học và thực tiễn hoạt động kinh doanh. TS. Trần Huy Đức trình bày tham luận: “Cơ hội và thách thức đối với hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch trên nền tảng kinh tế chia sẻ trong giai đoạn bình thường mới”. Ông Phạm Kim Cương chia sẻ về “Nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch trên tế nền tảng kinh chia sẻ tại Việt Nam”.

    Diễn giả trình bày tại tại cuộc họp

    Qua trao đổi, thảo luận, các đại biểu đã được nghe nhiều điển hình về các hình thức kinh tế chia sẻ. Theo đó, khái niệm về kinh tế chia sẻ được nhìn nhận rộng rãi không chỉ ở hình thức mà còn về lĩnh vực kinh doanh. Các luận điểm chính được ghi nhận gồm:
    – Xác định rõ khái niệm về kinh tế chia sẻ nguyên bản và phái sinh; các hình thức chia sẻ với ý nghĩa là làm tăng thêm giá trị sử dụng hay “giả” chia sẻ là hoạt động thuê để cho thuê lại.
    – Nền kinh tế chia sẻ là một xu hướng tất yếu trong thời đại phát triển khoa học, công nghệ. Trong đó, công nghệ làm thay đổi phương thức, thói quen và hành vi tiêu dùng, ảnh hưởng tới chuỗi giá trị du lịch. Thông tin đa chiều nâng cao nhận thức của các bên liên quan khiến cho quá trình ra quyết định được chắc chắn và đầy đủ căn cứ, giá trị cốt lõi là phục vụ người dùng cuối cùng được nâng cao và đặt vào trung tâm của điều chỉnh pháp lý, quản lý và kinh doanh. Thậm chí, nền kinh tế chia sẻ đang có xu thế định vị lại giá trị cuộc sống và tái cấu trúc ngành, không những ảnh hưởng tới lĩnh vực lưu trú du lịch, vận chuyển, lữ hành, đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
    – Thách thức chính của xu hướng kinh tế chia sẻ đối với lĩnh vực lưu trú du lịch: Xuất phát từ việc quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự khu dân cư trên địa bàn theo Luật Cư trú, vấn đề cho người nước ngoài thuê và cho thuê lại cơ sở lưu trú tạo ra rào cản trong kiểm soát an toàn cho khách du lịch, thậm chí ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
    Liên quan tới những nỗ lực trong thời gian gần đây của các công ty kinh doanh trên nền tảng kinh tế chia sẻ, nhiều hành động tích cực đã được thực hiện. Airbnb là một công ty tiên phong trong hoạt động này. Tại nước sở tại mà Airbnb có văn phòng đại diện, công ty này đã hiện triển khai công cụ thu hộ thuế đối với các chủ hộ kinh doanh, phạt nặng đối với trường hợp có bằng chứng về việc khách phá hỏng trang thiết bị của cơ sở lưu trú, bảo vệ người thuê nếu người cho thuê có biểu hiện kỳ thị, phân biệt đối xử khách du lịch.

    Các đại biểu trao đổi thảo luận

    Chia sẻ về việc triển vọng phát triển kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch trên nền tảng kinh tế chia sẻ, bà Lê Tuyết Lan, đại sứ Airbnb chia sẻ: do xu hướng phát triển kinh doanh lưu trú có trách nhiệm và bền vững trên thế giới cũng như hiệu quả quản lý du lịch của các quốc gia được tăng lên, trong tương lai, các danh mục tài sản thuê (listing) kém chất lượng và lệch chuẩn, không được đầu tư bài bản sẽ phải tự động rút khỏi thị trường.

    TS. Đỗ Thị Thanh Hoa phát biểu kết thúc cuộc họp

    Kết thúc cuộc họp, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa nhấn mạnh, kinh tế chia sẻ chắc chắn sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho các bên liên quan. Ngược lại, những thách thức do sự thiếu hụt về kết nối các nền tảng công nghệ, quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp đòi hỏi nhóm nghiên cứu đề xuất, kiến nghị những giải pháp và cơ quan quản lý có biện pháp hữu hiệu để hạn chế các tác động tiêu cực. Như vậy, các nền tảng kinh tế chia sẻ sẽ ngày càng hoàn thiện, tiêu chuẩn quốc gia, chế tài quản lý đối với loại hình lưu trú trên nền tảng kinh tế chia sẻ được xây dựng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng hơn với doanh nghiệp kinh doanh lưu trú truyền thống.

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục