An ninh phi truyền thống trong hoạt động kinh doanh du lịch: Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác động đến hoạt động du lịch
TÓM TẮT
Vấn đề an ninh phi truyền thống là mối đáng lo ngại trong hoạt động kinh doanh du lịch của nhiều quốc gia hiện nay, trong đó có ngành du lịch Việt Nam. Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở nước ta đang có xu hướng diễn biến ngày một phức tạp. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, Bài viết này phân tích tác động của An ninh phi truyền thống đến ngành du lịch như thế nào trong thời gian qua, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác động đến ngành du lịch.
- Khái niệm
An ninh phi truyền thống là thuật ngữ xuất hiện từ những năm 80 của thế kỉ XX và được sử dụng rộng rãi trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Đến nay, an ninh phi truyền thống trở thành thuật ngữ phổ biến thường được dùng trong các hội nghị, diễn đàn, hợp tác song phương, đa phương giữa các quốc gia.
Dù vậy, trên thế giới hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều những ý kiến khác nhau về khái niệm an ninh phi truyền thống, vì vậy thuật ngữ này chưa được định nghĩa một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản an ninh phi truyền thống là một loại hình an ninh mới do những yếu tố phi chính trị, phi quân sự gây ra, tác động trực tiếp đến nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của một quốc gia.
Ở Việt Nam tuy còn sự khác biệt giữa các quan niệm về ANPTT nhưng các học giả cơ bản thống nhất nhận định: “An ninh phi truyền thống không phải là an ninh quân sự, mà là an ninh tổng hợp, bao gồm: các mối đe dọa đến an ninh con người và xã hội một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh và môi trường sinh thái… Tổng hợp từ nhiều nghiên cứu khác nhau, nội dung an ninh phi truyền thống bao gồm: Thiếu hụt tài nguyên, bùng phát dân số, môi trường sinh thái suy giảm, xung đột tôn giáo, sắc tộc, bạo loạn và ly khai trong nước, khủng hoảng kinh tế và tài chính tiền tệ, chủ nghĩa khủng bố, tin tặc, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, nghèo đói, tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mới nổi, tội phạm mạng, di dân, tị nạn kinh tế, dịch bệnh, kinh tế ngầm, tội phạm rửa tiền.
- Đặc điểm, tầm ảnh hưởng của an ninh phi truyền thống
– Về đặc điểm
+ Các vấn đề an ninh phi truyền thống diễn ra với phạm vi vô cùng rộng lớn, tốc độ lan truyền siêu nhanh trên phạm vi khu vực hoặc toàn cầu. Một số vấn đề nổi cộm hiện nay như: dịch bệnh, tội phạm, biến đổi khí hậu…
+ Các tác nhân đe dọa an ninh phi truyền thống thường là tự nhiên hoặc do các cá nhân, nhóm người, tổ chức nước ngoài tiến hành.
+ Mối đe dọa an ninh phi truyền thống uy hiếp trực tiếp đến cá nhân, cộng đồng rồi lan rộng ra phạm vi toàn quốc.
+ Những vấn đề mang tính phi bạo lực (kinh tế, văn hóa, môi trường,…) và các vấn đề mang tính bạo lực (khủng bố, tội phạm có tổ chức,…) cũng là những mối đe dọa của an ninh phi truyền thống.
+ Hợp tác, ngoại giao được xem là biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết mối bận tâm này.
– Về ảnh hưởng
+ Ngày trước, an ninh phi truyền thống xuất hiện sớm hơn nhưng rất ít người quan tâm, chú trọng đến so với an ninh truyền thống.
+ Đến nay, do tác động của toàn cầu hóa, mặt trái của sự phát triển khoa học, kỹ thuật,… các vấn đề an ninh phi truyền thống hiện lên với những vấn đề nổi cộm, phức tạp, đe dọa trực tiếp đến an nguy tính mạng của quốc gia.
+ Trong hai năm trở lại đây, dịch bệnh Covid – 19 chính là ví dụ điển hình cho thấy sự nguy hiểm, đe doạ an ninh phi truyền thống với tốc độ lan truyền nhanh đến đáng sợ, ảnh hưởng đến hầu hết quốc gia trên thế giới.
+ Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống ban đầu tác động trực tiếp đến con người, cộng đồng về lâu dài sẽ hủy hoại an ninh của quốc gia.
- Đánh giá tác động của an ninh phi truyền thống ảnh hưởng đến ngành du lịch
- Dịch bệnh
Dịch COVID-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23%/năm về lượng khách quốc tế của giai đoạn 2015-2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1% và tổng thu du lịch giảm khoảng 58,7%. Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,5 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch giảm 41%. (Theo Báo cáo của Tổng cục Du lịch năm 2020, 2021).
Dịch vụ du lịch bị tác động bởi dịch COVID-19, trong đó tác động mạnh nhất như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%… Công suất buồng phòng các khách sạn chỉ đạt 10-15%; gần 90% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa.
Nhân lực du lịch các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70% – 80%. Sang năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động cầm chừng chiếm 10%. Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch với 800.000 lao động trực tiếp, trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch khác…
- Chiến tranh và khủng bố (điển hình chiến tranh Nga và Ukraine)
Năm 2019, trước khi xảy ra dịch COVID-19 và chiến tranh giữa 2 nước, Việt Nam đón khoảng 650 ngàn lượt khách Nga, chiếm 25% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Qua khảo sát, khách Nga đến Việt Nam có thời gian lưu trú khoảng 14 ngày/khách; chi tiêu khoảng 1.500 USD/người, tương đương 110 USD/ngày/khách. Cho đến năm 2020 Việt Nam đón được có 249.000 lượt khách Nga đến Việt Nam, sang năm 2021 thì lượng khách Nga giảm mạnh có 39.000 lượt khách. Lượng tụt giảm quá mạnh do bị ảnh hưởng kép từ dịch Covid và chiến tranh.
Nguồn: Cục Du lịch QGVN
Ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ukraine làm đồng rúp mất giá khiến công ty mất đi một lượng khách Nga phân khúc tầm trung và thấp, số khác đã gác lại ý định đi du lịch vì lo ngại kinh tế sẽ gặp khó khăn; Lạm phát tăng cao, giá dầu leo thang… các hãng bay đã giảm tần suất bay từ 8 chuyến/tháng xuống còn 5-6 chuyến/tháng. Lượng khách cũng chưa lấp đầy chuyến bay nên doanh nghiệp bù lỗ khá nhiều. Lượng khách hủy tour cũng tăng lên khoảng 30%.
- Gia tăng rủi ro và sự cố môi trường
Thực tế những năm qua cho thấy, Việt Nam đang đối mặt và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về môi trường sinh thái. Các sự cố môi trường tiếp tục gia tăng nghiêm trọng, nhiều vụ ảnh hưởng trên phạm vi rộng, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác xử lý và khắc phục hậu quả. Hầu hết, các sự cố môi trường xảy ra do chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đổ thải trộm hoặc do công trình xử lý, lưu trữ chất thải gặp sự cố, cháy nổ, rò rỉ hóa chất, tràn dầu,… dẫn đến lượng lớn chất thải chưa qua xử lý xả thải ra môi trường.
Điển hình sự cố môi trường biển 04 tỉnh miền Trung;
Sự cố ô nhiễm môi trường biển từ việc xả thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh (hồi tháng 4/2016) đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch của các tỉnh miền Trung. Đặc biệt, lượng du khách đến nghỉ dưỡng tại các bãi biển nổi tiếng như Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Thuận An… giảm sút nghiêm trọng so với cùng kỳ mọi năm.
Bãi tắm thu hút rất ít khách do lo ngại về môi trường nước biển ảnh hưởng đến sức khỏe của khách du lịch. Hệ thống cơ sở lưu trú nhà nghỉ, khách sạn, các khu du lịch, resort và các dịch vụ phục vụ du khách như nhà hàng, chế biến hải sản, bán đồ lưu niệm, vận chuyển ở các khu du lịch này bị ảnh hưởng rất nhiều. Hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp không có việc làm. Những điều này tác động tiêu cực tới hình ảnh, thương hiệu du lịch biển của khu vực, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan và đời sống của nhân dân. Sự cố nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh tác động đến cuộc sống của hơn 200 ngàn người dân, trong đó có 41 ngàn ngư dân. Thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của ngư dân, đến những hộ nuôi thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến du lịch biển và cuộc sống của cư dân miền trung. Chỉ riêng tỉnh Quảng Bình có 18 xã chuyên làm nghề biển với hơn 14.000 hộ và 24.000 lao động nghề biển. Cơ quan du lịch quốc gia ước tính sự cố gần như hoàn toàn phá hủy ngành du lịch của khu vực, doanh thu từ du lịch giảm tới 90% trong 11 tháng từ sự cố diễn ra. Nguồn:Formosa Hà Tĩnh ảnh hưởng nặng nề đến Du lịch miền Trung| Báo Pháp luật Việt Nam điện tử (baophapluat.vn) |
Đặc biệt, gần đây, liên tiếp xảy ra các sự cố môi trường nghiêm trọng, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, mà còn đe dọa đến trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường du lịch, điển hình sự cố cháy nổ tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (28/8/2019) đã làm phát tán lượng thủy ngân ra môi trường ước khoảng 15,1 – 27,2 kg; sự cố đổ dầu thải trên sông Đà (10/10/2019) gây khủng hoảng nước sạch kéo dài cho nhân dân các Quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông,… Hàng năm, trung bình có khoảng 5 – 6 vụ tràn dầu lớn được ghi nhận chủ yếu do va chạm, quá trình bốc dỡ hoặc đắm tàu gây ra. Hiện tượng dầu dạt vào bờ biển một số tỉnh miền Trung và miền Nam không rõ nguyên nhân, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế – xã hội.
Tại Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 5 vụ sạt lở đất làm 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương. Sạt lở đất kèm theo các hiện tượng mưa lớn, ngập lụt, lốc xoáy đã gây hư hại 235 căn nhà, 6 cầu dân sinh, 2 điểm trường, 4 công trình thủy lợi cùng hàng trăm mét đường dân sinh. Gần đây nhất là cuối tháng 7, sau nhiều ngày mưa lớn, tại đèo Bảo Lộc (tuyến đèo quan trọng trên quốc lộ 20), một trận sạt lở đã vùi lấp trạm cảnh sát giao thông, làm 3 cán bộ – chiến sĩ cảnh sát giao thông và 1 người dân tử vong. Vụ sạt lở cũng cắt đứt giao thông qua đèo Bảo Lộc trong nhiều giờ. Trước đó, ở hẻm Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt cũng xảy ra vụ sạt lở làm 2 người tử vong do bờ taluy công trình đang xây dựng đổ sập sau một trận mưa lớn… Với địa hình dốc, chia cắt và thường xảy ra sạt lở trong mùa mưa lũ, hiện tỉnh Lâm Đồng đã xác định được 163 điểm có nguy cơ sạt lở. Nguy cơ sạt lở tại các vùng đô thị có mật độ dân cư cao vẫn luôn tiềm ẩn.
- Cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và vấn đề an ninh nguồn nước
Các tài nguyên thiên nhiên (TNTN) ở Việt Nam đang diễn biến theo chiều hướng xấu, tiếp tục bị thu hẹp cả về số lượng và chất lượng. Đây là hệ quả kéo dài của hoạt động khai thác TNTN một cách thiếu hợp lý, cùng với việc sử dụng TNTN lãng phí và công tác quản lý yếu kém của các cấp chính quyền. Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt TNTN sau một thời gian dài xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế của Đất nước chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thô, kỹ năng và năng suất lao động thấp, giá rẻ. Tài nguyên rừng bị thu hẹp; tài nguyên ĐDSH suy giảm mạnh và các loài sinh vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất cao; cạn kiệt và thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước; tài nguyên khoáng sản đang dần cạn kiệt; tài nguyên đất nông nghiệp bị giảm do chuyển sang phục vụ công nghiệp và dịch vụ; đất bị hạn hán, nhiễm mặn, hoang mạc hóa ngày một tăng;…
An ninh nguồn nước: Việt Nam là nước có hệ thống sông ngòi dày đặc với 2.372 con sông và nguồn nước mưa dồi dào, mỗi năm khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình 1.500 – 2.000 mm. Tuy nhiên tại Việt Nam lại đang tồn tại một nghịch lý, khi mưa nhiều thì lũ lụt, ngập úng; Hết mưa thì hạn hán, thiếu nước sạch dùng cho sinh hoạt.
Bên cạnh đó, hàng loạt nguy cơ mất an ninh nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến cấp nước an toàn đã diễn ra từ quy mô nhỏ đến quy mô vùng và quy mô lưu vực đã được truyền thông đưa tin.
Có thể kể đến nguồn nước cấp cho Nhà máy nước sông Đà bị ô nhiễm dầu (9/2022); Sông Cái Lớn ở Hậu Giang ô nhiễm, nước chuyển màu đen (5/2019); Nước hồ điều tiết lũ ở Bà Rịa – Vũng Tàu đổi màu tím (2017); Cá chết trắng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (từ 2019 – 2021); Hệ thống sông Đồng Nai kêu cứu (từ 2011- 2020); Nguồn nước sông Sài Gòn đang ô nhiễm nghiêm trọng (2021); Hạn hán thiếu nước kỷ lục vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn (2020); Sông Hồng ô nhiễm nặng 2011 – Sông Hồng đang chết dần 2022; Ô nhiễm Arsen trong nước mặt ở đồng bằng Sông Cửu Long (2010 – 2020); Mối nguy ô nhiễm đe dọa hệ thống sông Cửu Long (2017 – 2020).
Để bảo đảm sử dụng bền vững tài nguyên nước, mức khai thác không vượt ngưỡng 30% nguồn nước, nhưng hầu hết các sông ở miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã và đang khai thác trên 30-50% lượng dòng chảy. Việc khai thác quá mức nguồn nước, đặc biệt xây dựng các hồ thủy lợi, thủy điện là nguyên nhân làm suy giảm rõ rệt số lượng và chất lượng nước của các sông lớn như: Sông Hồng, Đồng Nai – Sài Gòn, Gia Vu, Thu Bồn, Ba, Srêpốk,… Do tập quán canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều nước của nhân dân nhưng lại thiếu các biện pháp dự trữ nước hợp lý trong mùa mưa để dùng dần trong mùa khô, nên thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước vào mùa khô ở nhiều nơi. Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước” do lượng nước mặt bình quân đầu người chỉ đạt 3.840 m3/năm, thấp hơn chỉ tiêu của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (4.000 m3/người/năm). Đây được xem là một nghịch lý đối với một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc như nước ta.
Thác Liên Khương huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Thác nằm ngay cạnh quốc lộ 20 từ TP. HCM lên Đà Lạt, cách Đà Lạt chừng 27km, cách sân bay Liên Khương khoảng 1km. Tuy được xếp hạng di tích quốc gia nhưng hiện nay, do không được quan tâm bảo trì đúng mức, thác Liên Khương đã cạn nước nên đã đóng cửa khai thác, không tổ chức phục vụ khách tham quan. Cuối năm 2008, Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng đã gửi văn thư đề nghị UBND cho phép tham mưu để Bộ VHTTDL thu hồi giấy phép xếp hạng.
Thác Dray K’nao nằm trên địa phận xã Krông Jing, huyện M’Drak (Đắk Lắk) là một trong những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh Đắk Lắk. Năm 2012 diểm du lịch này đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Thế nhưng hiện nay, thác Dray K’nao như bị đã bỏ mặc, cảnh quan môi trường đang bị tàn phá nặng nề. Khảo sát về tình hình sử dụng nguồn nước của khách sạn Caravelle năm 2019 là khách sạn đẳng cấp 5 sao tọa lạc tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh cho thấy, lượng nước cấp tiêu thụ trung bình của khách sạn này là 350m3/ngày và sử dụng nước thủy cục, trong đó nước dùng cho các phòng khách là 200m3/ngày; nước cho các nhà hàng căn tin là 135m3/ngày; và nước dùng cho nhân viên khách sạn là 15m3/ngày. Từ những con số về việc sử dụng nước của khách sạn Caravelle có thể thấy Du lịch cần nguồn nước đủ để duy trì và phát triển ở hầu hết các hoạt động của nó, từ những cái sẵn có trong tự nhiên như: thác nước, sông suối, hang động… phục vụ khách ngắm cảnh đến các lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn…phục vụ khách ăn ngon, nghỉ dưỡng thoải mái nhất. Nếu thiếu nước Du lịch sẽ “chết”. Nhà hàng, khách sạn hay các hoạt động dịch vụ hiện tại đều có nguy cơ thiếu nguồn nước để phát triển trong tương lai. Vì nhiều lý do, nước ta bị Hiệp hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA) liệt vào nhóm quốc gia thiếu nước với ngưỡng dưới 4000 m3/năm khi nhu cầu nước đến năm 2020 của Việt Nam sẽ là 80 tỉ m3/năm, năm 2030 sẽ là 87-90 tỉ m3/năm. Khối lượng này bằng khoảng 11% tổng tài nguyên nước, hoặc 29% tài nguyên nước nội địa. Đây là một thực trạng đáng báo động và nếu không quản lý tốt nguồn tài nguyên này thì chỉ trong tương lai gần, nước ta sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm nước. Thác Đray H’linh là một trong những thác nước đẹp và hùng vĩ nhất của sông Serepôk thuộc địa phận Đắk Lắk. Tuy nhiên, thác lại được ít người biết đến vì nơi đây đã bị chặn dòng để xây dựng nhà máy thủy điện Đray H’linh 1 từ những năm 90 của thế kỷ 20. Do dòng chảy đã bị thay đổi nên hầu hết thời gian mùa khô nước chảy qua thác rất ít và khu vực thác nằm trong vòng bảo vệ nghiêm ngặt của nhà máy thủy điện Đray H’linh 1. Hay gần đây là hiện trạng thác Bảy Nhánh của Khu Du lịch Bản Đôn – Đắk Lắk chỉ còn nhánh số 7 có nước là ví dụ rõ ràng nhất chỉ ra hậu quả của việc xây dựng các dự án thủy điện tràn lan mà không tính đến tác động trở lại của môi trường. Công ty cổ phần Thủy điện Buôn Đôn (chủ đầu tư Thủy điện Srêpốk 4A) đã đề xuất xây đập tràn ở nhánh số 7 để dâng mực nước chảy qua 6 nhánh còn lại của thác Bảy Nhánh. Nhưng kể cả khi thủy điện này xả gấp đôi mực nước đã cam kết, đoạn sông Srêpốk phía sau cống phay xả nước vẫn bị khô cạn làm ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến thác Du lịch Bảy Nhánh và cuộc sống người dân. Nguồn: http://dwrm.gov.vn/ |
– Ảnh hưởng sinh thái và an ninh môi trường xuyên biên giới
Các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có ô nhiễm môi trường xuyên biên giới ngày càng phức tạp và trở thành một trong những thách thức đối với Việt Nam. Chúng ta đang phải gánh chịu nhiều tác động xấu tới môi trường nước theo lưu vực sông xuyên biên giới (sông Hồng, sông Mê Kông, sông Hồng,…) bởi chất thải của các quốc gia đầu nguồn đổ xuống lưu vực. Bên cạnh đó, việc gia tăng xây dựng các dự án thủy điện của một số quốc gia trên dòng chính sông Mê Kông dự báo sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh nguồn nước, nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học của nước ta. Ô nhiễm môi trường trên biển Đông diễn biến phức tạp và chưa có biện pháp ứng phó hiệu quả, đặc biệt nổi lên là ô nhiễm dầu từ các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí, giao thông vận tải biển và sự cố tràn dầu đã ảnh hưởng tới các vùng ven biển ở nước ta. Vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới mặc dù chưa có biểu hiện rõ ràng nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nhất định. Môi trường không khí nước ta đang chịu ảnh hưởng từ nguồn xuyên biên giới theo quy luật mức độ ô nhiễm tăng đáng kể vào mùa đông.
Đằng sau việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, sinh vật ngoại lai và biến đổi gen vào Việt Nam đã gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, thể hiện âm mưu chiến tranh sinh thái, đe dọa an ninh môi trường ở nước ta. Các nước nghèo như Việt Nam rất dễ bị mắc bẫy này.
- Đề xuất giải pháp ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống
Ở Việt Nam khả năng ứng phó trước các vấn đề an ninh phi truyền thống của mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả về trình độ kinh tế, hệ thống chính trị, quan điểm, chiến lươc phát triển, trình độ khoa học công nghệ, văn hóa, trong đó cũng có cả lĩnh vực du lịch… Vì vậy, cần phải dựa trên thực trạng nguồn lực và khả năng hiện có của quốc gia và ngành du lịch mà lựa chọn săp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ quan trọng và cấp bách để có đầu tư giải quyết và tăng cường khả năng chống chịu cũng như thích ứng của các tầng lớp dân cư. Việt Nam cần huy động tối đa sức mạnh tổng hợp từ nguồn lực về tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ, văn hóa, thể chế, mối liên kết,… để giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống trong phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng, bảo đảm môi trường cho sự phát triển bền vững và nâng cao đời sống con người.
Một là tăng cường nhận thức về an ninh phi truyền thống đối với lĩnh vực du lịch để tăng cường khả năng chống chịu trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống thì trước tiên người dân nói chung và cộng đồng tham gia hoạt động kinh doanh du lịch và các cấp chính quyền quản lý về du lịch phải nhận thức đầy đủ toàn diện về các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đối với an ninh con người (Khách du lịch), an ninh cộng đồng, an ninh quốc gia và an ninh nhân loại. Tất cả các chủ thể đều chịu trách nhiệm quản trị an ninh phi truyền thống, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân nhận thức đầy đủ các thách thức, tác động, ảnh hưởng của an ninh phi truyền thống đối với đời sống con người, cộng đồng và an ninh quốc gia. Mỗi chủ thể cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, chủ động phòng ngừa và ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống đối với ngành du lịch (tài sản, khách du lịch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngành, lãnh thổ, uy tín quốc gia…). Việt Nam cần tích hợp các giải pháp phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trong ngành du lịch vào từng chiến lược, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế xã hội chung. Chỉ khi Việt Nam gắn được tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước đi và từng chính sách phát triển; kiểm soát phân tầng xã hội; tích cực xóa đói, giảm nghèo, chăm lo hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm môi trường và điều kiện phát triển lành mạnh thì mới phòng ngừa, hạn chế và ứng phó hiệu quả được các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Hai là, tăng cường sức mạnh nội lực, sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành du lịch nói riêng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giảm thiểu tác động tiêu cực của việc phát triển du lịch khi rơi vào khủng hoảng. Thêm vào đó, Ngành du lịch – dịch vụ cần thúc đẩy hợp tác quốc tế để phòng ngừa và ứng phó ngay các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Việt Nam cần xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ công nghệ cao, chuyên gia am hiểu về các lĩnh vực an ninh phi truyền thống trong lĩnh vực du lịch như (Biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, dịch bệnh, các sự cố môi trường, đủ năng lực phòng ngừa và ứng phó hiệu quả đối với an ninh mạng, một số dịch bệnh…. Ngành du lịch Việt Nam cũng cần xây dựng một chiến lược năng lượng thay thế (nặng lượng gió, sóng, mặt trời…), hạn chế tối đa khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo, phòng ngừa và bố trí cả lực lượng tại chỗ và lực lượng chuyên nghiệp để đủ sức ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, xử lý các khủng hoảng môi trường, các thảm họa tự nhiên.
Ba là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các hoạt động du lịch, hoạt động an ninh phi truyền thống trong ngành du lịch nhằm nghiên cứu trao đổi chia sẻ, học tập kinh nghiệm với các nước bạn, Việt Nam cần tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực để giải quyết vấn đề chung từ các đe dọa an ninh phi truyền thống. Cần tranh thủ nguồn lực tài chính, khoa học – công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thể chế và chính sách cho phòng ngừa và ứng phó của lĩnh vực du lịch đối với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Bốn là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao trình độ, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự trên không gian mạng trong lĩnh vực du lịch Việt Nam cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật quản trị an ninh phi truyền thống, nhất là trước những vấn đề mới xuất hiện để tạo cơ sở luật pháp gia tăng khả năng ứng phó và chống chịu các vấn đề an ninh phi truyền thống trong lĩnh vực du lịch. Việt Nam cần sớm luật hóa các chức năng chuyên ngành quản lý an ninh phi truyền thống để có cơ sở cho xây dựng bộ máy, đội ngũ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất một cách chuyên nghiệp. Việt Nam cần xây dựng, đào tạo được một lực lượng chuyên trách quản lý an ninh phi truyền thống chuyên ngành du lịch có hiểu biết đầy đủ về pháp luật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Lực lượng này cần đảm bảo hoạt động chuyên nghiệp và không ngừng nâng cao năng lực tác nghiệp./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- https://luatvietnam.vn/linh-vuc-khac/bai-thu-hoach-an-ninh-phi-truyen-thong-883-93114-article.html#demuc931140.
- Báo cáo tổng kết ngành về hoạt động kinh doanh du lịch của Cục du lịch QGVN qua các năm.
- Đề án Đảm bảo trật tự an toàn xã hội cho các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Nha Trang giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020;
- Đề án Quản lý và khai thác bãi biển du lịch Đà Nẵng năm 2010.
Tác giả: Nguyễn Hoài Nam
Trưởng phòng thương gia – Hãng hàng không Việt Nam