Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • “Ô nhiễm trắng” – những con số đáng báo động trong hoạt động phát triển du lịch biển đảo Việt Nam

    Ô nhiễm trắng là loại ô nhiễm môi trường do túi nilon và chất thải nhựa gây ra. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Hiện nay tình hình ô nhiễm trắng đang ở mức báo động ở nước ta.

    Mặc dù nhà nước đã có nhiều biện pháp khắc phục, song vẫn chưa thể cải thiện được tình trạng này. Nguyên nhân là do ý thức và thói quen tiêu dùng túi nilon của người Việt Nam chưa đồng đều.

    Nguồn gây ra ô nhiễm trắng tới đại dương

    • Nguồn gây ô nhiễm trắng từ hoạt động kinh doanh du lịch biển đảo.

    Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ và hàng loạt bãi tắm đẹp trải dọc cả nước, đó là những lợi thế thiên nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch. Trước khi dịch bệnh bùng phát, ước tính các vùng ven biển, khu du lịch biển hàng năm thu hút khoảng 70% lượng khách quốc tế tới Việt Nam, 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu ngành du lịch cả nước.

    Đáng nói, trung bình mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải khoảng 1,2kg/ngày đêm; trong khi mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5 kg/ngày. Trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 60%, chủ yếu là các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi ni lông, hộp xốp, chai nhựa, ống hút nhựa, bàn chải, lược, mũ ủ tóc, tăm bông …

    Du lịch biển phát triển nhanh và mạnh gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường biển nhức nhối nhiều năm nay. Lượng du khách gia tăng kéo theo sự phát sinh một khối lượng lớn chất thải ra môi trường, vượt qua năng lực quản lý, thu gom và xử lý chất thải của các khu du lịch biển. Rác thải chưa được thu gom, xử lý đúng quy trình, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn…

    Chỉ nói riêng về chất thải rắn, vào mùa du lịch cao điểm, tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở các điểm đến hiện đạt cao nhất chỉ rơi vào khoảng 70% đến 80% khối lượng chất thải thực sự ra môi trường. Nhiều năm nay, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các khu du lịch biển nổi tiếng như Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tàu… đều đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải.

    Bao lâu nay, khách du lịch có thói quen sử dụng tuỳ tiện các vật dụng nhựa một lần khi đi chơi vì tính tiện dụng, sau khi dùng xong thản nhiên vứt rác bừa bãi ra môi trường. Phần lớn các cơ sở kinh doanh du lịch, đặc biệt là các cơ sở ăn uống, bán hàng tạp hóa, lưu niệm, vẫn sử dụng túi ni lông, hộp xốp để gói, đựng đồ cho du khách.

    Mặt khác, rác thải nhựa trên biển cũng phát sinh từ quá trình sử dụng và phục vụ khách du lịch từ các tàu, thuyền tham quan, lưu trú trên biển… Ý thức bảo vệ môi trường của người dân và du khách còn hạn chế, nên mới xảy ra tình trạng xả rác thẳng ra môi trường gây ô nhiễm và mất đi cảnh quan đẹp tại các bãi tắm, vùng ven biển.

    Tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm khoảng 50 – 80% lượng rác thải biển, năm 2019 ước tính lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển, đảo lên tới hơn 230 nghìn tấn. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 4 trong các nước có lượng rác thải nhựa cao nhất thế giới, với trung bình khoảng 730 nghìn tấn rác nhựa ra biển mỗi năm.

    Khoảng 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển; trong khi đó, các hoạt động du lịch có ảnh hưởng tới 20-30% đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển.

    Ngoài ra nguồn rác thải nhựa đến với biển đảo còn có:

    Hiện nay rác thải nhựa có mặt ở khắp mọi nơi từ trên đường phố đến dưới sông ngòi, từ khu dân cư đến các khu công nghiệp, nhà hàng,… Nói chung ở đâu có hoạt động của con người ở đó có rác thải nhựa. Nhưng hầu hết chúng có một điểm chung là nếu không được phân loại và xử lý thì đều được xả ra biển.

    Rác thải nhựa từ đất liền trôi theo ống nước ngầm, sông, suối… ra biển. Do con người khi xả rác bừa bãi xuống sông, suối, đường phố… bị gió và mưa thổi bay, cuốn trôi ra biển. Hoặc nhiều loại rác thải nhựa như khăn ướt, bông tẩy trang, băng vệ sinh… bị xả xuống bồn cầu rồi ra biển.

    Rác thải nhựa do hoạt động đánh bắt hải sản: Các ngư cụ khai thác thủy sản bị hư, hỏng được vứt bỏ hoặc rơi xuống biển; các chất thải từ các loại tàu lưu thông trên biển cũng là nguyên nhân làm tăng rác thải nhựa trên biển.

    Rác thải nhựa bị cuốn từ đất liền xuống biển do ảnh hưởng của các hình thái thời tiết cực đoan như: mưa bão, sóng thần, lốc xoáy… 

    Rác thải nhựa do hoạt động du lịch: Khách du lịch khi tham quan, tham gia các hoạt động vui chơi, ăn uống…

    Ảnh hưởng của ô nhiễm trắng đến ngành du lịch biển đảo

    Ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển

    Ảnh hưởng đầu tiên của ô nhiễm trắng (rác thải nhựa) đến du lịch biển, đảo cần kể đến là các tác động lên các loài sinh vật biển. Theo số liệu thống kê, việc nuốt phải rác thải nhựa đã được ghi nhận với tỷ lệ cao đến 31% ở một số loài, trong đó có 46 loài thuộc Bộ Cá voi.

    Bằng chứng của việc động vật nuốt phải nhựa thường dựa trên việc giải phẫu xác động vật trên bãi biển, nhưng không biết được chúng đại diện cho tỉ lệ bao nhiêu trong tổng số cá thể bị ảnh hưởng. Rùa biển và cá voi có răng thường được phát hiện có lượng lớn túi nhựa và vải nhựa trong ruột. Cấu tạo cơ thể của một số loài rùa biển và cá voi có răng làm cho nhựa nuốt vào rất khó được đào thải. Các loài khác nhau nuốt phải các loại nhựa khác nhau với kích thước khác nhau. Nhiều loài nhầm lẫn nhựa với đồ ăn, ví dụ như cá nhầm lẫn hạt nhựa với sinh vật phù du, chim nhầm lẫn các mảnh nhựa với mực hay con mồi khác và rùa biển nhầm lẫn túi nhựa với sứa. Những con chim non thường chứa nhiều nhựa bên trong hơn những con chim già, có lẽ vì chúng không biết cách phân biệt thứ gì ăn được và đôi khi chim bố mẹ vô tình cho chim non ăn phải nhựa. Một số loài khác có thể nuốt phải nhựa có bên trong con mồi, ví dụ như các loài cá biển khơi (những loại cá sống giữa tầng đáy và mặt nước) được cho là thường ăn phải hạt nhựa và sau đó bị hải cẩu lông mao ăn. Một ảnh hưởng lớn của việc nuốt phải nhựa là gây chán ăn vì nhựa làm đầy dạ dày. Điều này có thể dẫn đến chết đói. Nuốt phải nhựa còn có thể gây ra tắc đường ruột nghiêm trọng và tổn thương nội tạng. Loại mảnh nhựa sinh vật nuốt phải phụ thuộc vào đặc điểm và hành vi của sinh vật cũng như phạm vi của loại hạt nhựa sinh vật đó tiếp xúc. Có bằng chứng cho thấy nhựa có thể được chuyển từ con mồi sang loài ăn mồi. Vi nhựa cũng được tìm thấy trong nhiều loài thương phẩm như vẹm, trai, sò, điệp. Nhiều loài hai mảnh và nhuyễn thể ăn bằng cách lọc nước, sống ở vùng nước nông gần bờ và dễ tiếp xúc với nồng độ vi nhựa cao hơn các loài không sống bám và các loài di động. Bị mắc vào lưới, dây và các loại rác thải khác cũng là một mối nguy đáng kể đối với sinh vật biển và đã được ghi nhận ở hơn 130 loài sinh vật biển trong đó có 6 loài rùa biển, 51 loài chim biển và 32 loài thú có vú ở biển. Tác động đặc biệt của hạt vi nhựa đang ngày được quan tâm nhiều hơn và vẫn còn chưa được hiểu rõ vì rất khó để định lượng vi nhựa trong mô động vật.

    Tác động lên môi trường sống của các loài

    tác động của rác thải nhựa, cộng với việc các hệ sinh thái biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. Việc xả thải rác thải nhựa tràn lan trên biển đã gây ra hiện tượng “ô nhiễm trắng” và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loài thủy, hải sản như: Có gần 300 loài sinh vật biển bị vướng hay ăn phải các mảnh rác thải nhựa trên biển, gây phá hủy tế bào, tác động xấu tới hệ tiêu hóa…, hoặc làm tắc khí quản gây ngạt thở.

    Đây chính là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài động vật. Việc trong sinh vật biển chứa nhiều mảnh vi nhựa các rác thải nhựa trôi nổi trên biển cũng là nguyên nhân gây phá hủy, hay suy giảm đa dạng sinh học và làm thay đổi cấu trúc, thành phần của hệ sinh thái biển.

    Về tác động lên môi trường sống của các loài, sau khi chạm tới đáy biển, nhựa có khả năng cao làm thay đổi sự hoạt động của hệ sinh thái. Lớp nhựa có thể ảnh hưởng tới quá trình trao đổi khí và dẫn đến hiện tượng yếm khí hay thiếu hụt oxy. Nhựa cũng có thể tạo ra các nền đất cứng nhân tạo và gây ra vấn đề, đặc biệt cho các loài vùi mình dưới đáy. Trong khi đó rác thải nhựa lại có thể có lợi cho các loài xâm hại ưa bề mặt cứng, chúng chiếm chỗ của các loài bản địa, nhất là loài ưa chuộng đáy cát hoặc bùn. Những nhà nghiên cứu kêu gọi cần phải tìm hiểu thêm về ảnh hưởng của nhựa đối với các loại hệ sinh thái khác như rặng san hô, thảm cỏ biển và đáy sâu. Rác thải nhựa ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển. Những môi trường “rác biển” tạo thành từ các vật nổi tự nhiên như gỗ, tảo biển,… dạt vào bờ thường có lẫn nhựa. Chúng chiếm chỗ của các loài cần môi trường bãi biển sạch sẽ và ảnh hưởng đến khả năng kiếm ăn của động vật hoang dã. Sự tồn tại của nhựa làm thay đổi chuyển động của nước và sự truyền nhiệt trên bãi biển. Các nghiên cứu cho thấy rằng bãi biển có chứa mảnh nhựa nóng lên chậm hơn và đạt nhiệt độ tối đa thấp hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến sinh vật hoang dã trên bãi biển.

    Các tác động xã hội

    Việc rác thải nhựa gia tăng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy môi trường liên quan đến hạt vi nhựa. Vi nhựa là những mảnh nhựa có chiều dài nhỏ hơn 5 mm, của rác thải nhựa bị phân rã, xâm nhập vào môi trường và đi vào chuỗi thức ăn của các loài động vật, nhất là các loài sinh vật biển. Các loài động vật biển nuốt phải rác thải nhựa, hấp thụ chất độc sẽ chuyển hóa thành thức ăn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe khi con người ăn phải các loài động vật đó. Rác thải nhựa có thể phá hủy nhiều sinh cảnh biển quan trọng như bãi cát biển, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hay các rạn san hô… Số liệu thống kê của các nhà khoa học cho thấy: có đến 54% số loài động vật biển đã ăn, hoặc bị vướng vào các mảnh rác nhựa, trong đó rùa biển, chim biển và các động vật giáp xác rất dễ bị tổn thương do nuốt phải, hoặc bị hóc rác thải nhựa do chúng nhầm lẫn là thức ăn. Trong khi đó, Việt Nam hiện là một trong bốn quốc gia có lượng rác thải nhựa thải ra biển nhiều nhất thế giới, khoảng từ 280 nghìn đến 730 nghìn tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới).

    Về mặt xã hội, rác thải nhựa đại dương có tác động đến sức khỏe con người và an toàn thực phẩm. Con người tiếp xúc với vi nhựa và siêu vi nhựa (nanoplastic) khi tiêu thụ hải sản như trai, sò, tôm, cua, các loài cá nhỏ như cá trích cơm và có thể cả một số loài khác như nhím biển, hải tiêu và hải sâm, thường được ăn nguyên con không lọc bỏ ruột. Bên cạnh đó, tiêu thụ các loài không xương sống kiếm ăn bằng cách lọc nước như trai sò được cho là cách phổ biến nhất dẫn đến tiếp xúc với vi nhựa, nhưng rất nhiều loài thương phẩm khác cũng có thể nhiễm hạt vi nhựa. Mặc dù hiện nay đã có bằng chứng rõ ràng con người tiếp xúc với vi nhựa thông qua thực phẩm và sự có mặt của vi nhựa trong hải sản có thể đe dọa an toàn thực phẩm, nhưng những hiểu biết về phản ứng và độ độc hại của vi nhựa trong cơ thể người vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Hạt vi nhựa cũng có thể mang theo vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virút) có khả năng gây hại cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản và sức khỏe con người. Rác thải nổi kích thước lớn là mối đe dọa đối với giao thông đường biển. Điều này có thể dẫn đến thương tích và tử vong do mất điện, do chân vịt hoặc đường ống nước bị kẹt và va chạm với các vật thể nổi hoặc chìm một phần, bao gồm thùng cách nhiệt bằng nhựa. Thương tích và tử vong cũng có thể xảy ra đối với con người do bị kẹt khi bơi và lặn. Nguy cơ này càng lớn hơn nữa khi giải cứu động vật bị mắc kẹt như cá voi, hải cẩu và rùa biển. Ngoài ra, rác thải nhựa đại dương gây ra thiệt hại về thu nhập của các ngành nghề và người dân. Ví dụ, đối với nghề khai thác thủy sản, nhựa có thể gây ô nhiễm hay hư hỏng cá, giảm giá trị thương phẩm và tiêu tốn thêm thời gian để làm sạch, sửa chữa lưới và tàu thuyền. Nếu người tiêu dùng nhận thức rằng hải sản chứa vi nhựa có khả năng gây ra những rủi ro sẽ dẫn đến thay đổi về hành vi (ví dụ như giảm tiêu dùng hải sản). Rõ ràng điều này gây thiệt hại về thu nhập cho ngành công nghiệp hải sản, còn người tiêu dùng thì mất đi một nguồn đạm an toàn mà bổ dưỡng. Đối với ngành du lịch, đây là ngành vừa bị ảnh hưởng bởi rác thải biển nhưng đồng thời lại là nguồn phát sinh rác thải lớn. Sự có mặt của rác thải trên biển khiến du khách không muốn đến bãi biển, do đó làm giảm lượng du khách dẫn đến giảm thu nhập và việc làm cho ngành du lịch.

    Các tác động về kinh tế

    Về mặt kinh tế, rác thải nhựa đại dương gây ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp về kinh tế. Ví dụ, rác thải trên biển có thể gây ra thiệt hại kinh tế cho lĩnh vực vận tải biển do tàu thuyền, hàng hóa hư hỏng vì bị kẹt hoặc va chạm với rác thải biển nói chung. Các thiệt hại do rác thải nhựa đại dương gây ra cho hoạt động du lịch, dịch vụ biển, hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản bị giảm doanh thu do tăng chi phí cho tàu cá, chi phí dọn dẹp rác, sửa chữa máy bơm tại các khu nuôi, giảm sản lượng đánh bắt, nuôi trồng. Chi phí cho việc dọn dẹp rác thải biển nhằm đảm bảo và duy trì sức hấp dẫn lẫn sự an toàn của bãi biển đối với người sử dụng và có thể tiêu tốn chi phí đáng kể, trong một số trường hợp có thể tăng thêm gánh nặng cho chính quyền địa phương.

    Một số giải pháp cụ thể

    Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường

    Để quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa; đến năm 2025, cả nước không sử dụng loại sản phẩm túi nilon dùng một lần…

    Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép các quy hoạch quản lý chất thải rắn vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh; xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, định mức kinh tế, kỹ thuật trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; quản lý nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy.

    Bên cạnh đó, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường, trong đó có việc quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính trình Quốc hội phê duyệt Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó quy định túi nilon không thân thiện với môi trường là một trong những đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường (thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy là 50.000 đồng/kg)…

    Song song với giải pháp về mặt chính sách, nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Cụ thể, phối hợp với UBND cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa; xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trôi nổi trong môi trường (tại các dòng sông, suối, kênh, rạch, bãi tắm, bãi biển, cảng cá ven biển); xây dựng và triển khai các mô hình tốt về quản lý chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy cho phù hợp với đặc thù của địa phương.

    Huy động các lực lượng nòng cốt chống rác thải nhựa

    Bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người, ngành thường xuyên phát động các phong trào phòng chống rác thải nhựa; khen thưởng kịp thời các cá nhân, tổ chức có thành tích tốt trong phong trào chống rác thải nhựa hoặc sáng kiến có giá trị; nhân rộng các mô hình tốt về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và các mô hình nói không với rác thải nhựa.

    Đặc biệt, việc huy động các lực lượng nòng cốt như phụ nữ, thanh niên tham gia phong trào là những hành động thiết thực đang được nhân rộng trên phạm vi cả nước để chống rác thải nhựa. Điển hình như tại Hà Nội, các cấp Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố đã tổ chức triển khai có hiệu quả phong trào “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác phế thải ra đường, nơi công cộng”, “Chống rác thải nhựa”, “Đổi phế liệu giữ màu xanh”, “Tái chế – Tái sử dụng – Tiết kiệm”, “Công sở xanh”, “Sử dụng làn đi chợ”, “Biến chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản,… góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường sống của Thủ đô ngày càng trong sạch, an toàn và phát triển bền vững.

    Không chỉ chú trọng chống các nguồn thải trên đất liền, các nguồn thải trên biển cũng cần được đặc biệt quan tâm. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 do Chính phủ ban hành, ngành đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương. Đẩy mạnh công tác thu gom, phân loại, xử lý và kiểm soát các nguồn thải nhựa từ đất liền ra biển, từ các hoạt động trên biển, hải đảo. Trên cơ sở đó, Bộ đề xuất, phối hợp các địa phương ven biển xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn ở một số khu kinh tế, khu đô thị, khu công nghiệp và khu chế xuất ven biển…

    Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương, trong đó tập trung hoàn thiện, xây dựng mới hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chuẩn quốc gia phục vụ rác thải nhựa đại dương; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế và thân thiện với môi trường. Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, chủ động phối hợp trong việc kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương và triển khai các sáng kiến của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương…

    Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 75% rác thải nhựa đại dương; 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn không còn rác thải nhựa…

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Chương trình quốc gia về du lịch: “Thực trạng và đề xuất phát triển du lịch tại các đảo ở vùng ven biển Việt Nam” Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – Tổng cục Du lịch năm 2020.
    2.   Nghị quyết số 36 – NQ/TW ngày 22/10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa  XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
    3.   Quyết định số 129/QĐ – TTg ngày 18/01/2010 Về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam.
    1. Báo cáo khảo sát học tập kinh nghiệm phát triển du lịch đảo Maldives – năm 2017 – của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.

    Nguyễn Tiến Độ

    PGĐ Công ty TNHH SANT Việt Nam

    Bài cùng chuyên mục