Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Nghiên cứu trao đổi về Du lịch Xanh tại Việt Nam hiện nay: Bài học kinh nghiệm của Thái Lan và triển vọng trong tương lai

    Giới thiệu
    Khái niệm du lịch xanh đã được đề cập đến nhiều từ những năm 1980 nhưng không được hưởng ứng rộng rãi cho tới khi có khái niệm về du lịch sinh thái. Nhiều học giả đã đưa ra các quan điểm riêng về du lịch xanh nhấn mạnh đến ý nghĩa khác nhau về mặt quy mô, coi trọng thiên nhiên, và giảm thiểu tác động tới môi trường. Theo định nghĩa của tác giả Martin Oppermann, (Bách khoa toàn thư về Du lịch, tác giả Jafar Jafari và Honggen Xiao (2002), du lịch xanh là một hình thức du lịch thay thế thường liên quan đến du lịch nông thôn, là một hình thái của du lịch thiên nhiên, thân thiện với môi trường và hầu như không tạo ra tác động về sinh thái tại điểm đến du lịch. Như vậy, theo cách hiểu này, du lịch xanh đã được sử dụng thay thế cho các khái niệm như du lịch sinh thái, du lịch thiên nhiên, và du lịch nông thôn (Sung-kwon và cộng sự. 2003). Nhiều doanh nghiệp đã tiếp nhận quan điểm về du lịch xanh với một ý nghĩa rộng lớn hơn: bất kỳ hoạt động du lịch nào theo cách thân thiện với môi trường đều được xem là du lịch xanh (1: Tổng hợp từ Bách khoa toàn thư về du lịch (Jafari J., Xiao H (2002) và Pintassilgo P. (2016) Green tourism). Tại Việt Nam, tác giả Trần Văn Hùng trong bài nghiên cứu “Du lịch xanh tại Việt Nam” đã xác định: Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hoá, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương (2:https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/phat-trien-du-lich-xanh-viet-nam-62184-u.html Truy cập ngày 4/3/2019). Theo chúng tôi, du lịch xanh có thể được hiểu là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Du lịch xanh gắn với kinh tế xanh(3: Kelly Bricker, The International Ecotourism Society, University of Massachusetts Amherst, 2013 Marketing Outlook Forum – Outlook for 2014)
    Trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội toàn cầu và xu thế tiêu dùng phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên trên thế giới có ảnh hưởng không nhỏ tới suy thoái môi trường, các doanh nghiệp và chính phủ các nước đã quan tâm nhiều hơn tới những biện pháp liên kết, đổi mới công nghệ và đặc biệt là cách tiếp cận với một nền kinh tế xanh. Theo tác giả Doods và Joppe (2001) (4: Bách khoa toàn thư về du lịch (Jafari J., Xiao H (2002)), khái niệm du lịch xanh có thể được chia thành bốn cấu phần sau: a) Trách nhiệm đối với môi trường – bảo vệ, bảo tồn và nâng cao vai trò của thiên nhiên và môi trường vật lý để đảm bảo tính bền vững lâu dài của hệ sinh thái; b) Khả năng phát triển lâu dài của kinh tế địa phương – hỗ trợ kinh tế địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng để đảm bảo sự phát triển của kinh tế và tính bền vững; c) Tính đa dạng sinh học – trân trọng các nền văn hóa và các biểu đạt đa dạng văn hóa để đảm bảo các nền văn hóa địa phương tiếp tục phát triển thịnh vượng; d) Sự đa dạng về trải nghiệm – mang lại trải nghiệm phong phú và thỏa đáng thông qua sự tham gia tích cực, từng cá nhân và có ý nghĩa, và sự tham gia với tự nhiên, con người, địa điểm và văn hóa.
    Nhiều doanh nghiệp du lịch sinh thái đã kết hợp thành công các hoạt động có lợi cho môi trường, phát triển bền vững vào hoạt động và tạo trải nghiệm cho khách du lịch và tăng cường lợi nhuận thông qua các mô hình kinh doanh bền vững. Cụ thể, các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường đã tạo ra những vị trí làm việc mới như Điều phối viên chương trình môi trường và Quản lý bền vững để đạt được các mục tiêu có lợi cho môi trường. Ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, ngành du lịch quan tâm cơ cấu lại theo hướng phát triển bền vững dựa trên chuỗi cung ứng giá trị và chất lượng dịch vụ du lịch. Theo đó, tạo ra những mối quan hệ đối tác mới và đa dạng trong việc phát triển kinh doanh.
    Ngành du lịch xanh phát triển cần nâng cao hiệu quả hệ thống năng lượng, nước và chất thải. Thực tế, việc đầu tư có hiệu quả vào việc tạo ra các nguồn năng lượng, nước sạch và xử lý chất thải sẽ làm giảm chi phí vận hành, tạo ra lợi nhuận nhiều hơn, trong khoảng thời gian hoàn vốn ngắn hơn,và nâng cao giá trị đa dạng sinh học, hệ sinh thái và di sản văn hóa. Vì vậy, du lịch xanh chắc chắn đòi hỏi nguồn nhân lực trực tiếp và gián tiếp có chất lượng, biết quan tâm tới môi trường và thực hiện quy tắc ứng xử phù hợp với xu thế thân thiện với môi trường.
    Bên cạnh đó, du lịch xanh có tiềm năng tạo ra việc làm mới, có lợi cho môi trường. Phát triển du lịch xanh hỗ trợ nền kinh tế địa phương và giảm nghèo thông qua nhiều cơ hội việc làm và trong chuỗi giá trị và cung ứng du lịch địa phương, cũng như có ý nghĩa quan trọng trong thú đẩy du lịch theo hướng bảo tồn và làm giàu văn hóa địa phương và môi trường tự nhiên.
    Phát triển du lịch xanh tại Thái Lan dựa trên 7 khái niệm thành phần (concept)(http://asiapacific.unwto.org/sites/all/files/pdf/thailand.pdf)

    1.Tâm Xanh (Green heart): Kêu gọi khách du lịch nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội. (To urge tourists to be socially responsible and environmentally aware).
    2. Vận chuyển Xanh (Green Logistics): Khuyến khích sử dụng các phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường phục vụ cho ngành du lịch (To encourage more environmentally-friendly tourism-related modes of transport) .

    3. Điểm đến Xanh: Quảng bá các điểm du lịch được quản lý theo nguyên tắc có trách nhiệm và bảo vệ môi trường (To promote responsibly managed tourist sites that respect the environment)

    4. Cộng đồng Xanh (Green Community): Hỗ trợ loại hình du lịch cộng đồng ở cả thành thị và nông thôn gắn với thúc đẩy bảo tồn môi trường, truyền thống và lối sống địa phương (To support community-based tourism in both urban and rural areas that promote conservation of the environment, local traditions and ways of life)

    5. Hoạt động Xanh (Green Activities): Thúc đẩy các hoạt động du lịch phù hợp với cộng đồng và có sự tham gia của cộng đồng địa phương (To promote tourism activities that are well-suited to local communities)

    6. Dịch vụ Xanh (Green Service): Kêu gọi các bên liên quan cung cấp dịch vụ du lịch tạo ấn tượng và truyền cảm hứng mạnh mẽ thông qua việc thể hiện sự tôn trọng, quan tâm và bảo vệ môi trường (To urge all tourism-related service providers to win hearts and minds by demonstrating respect, care and concern for the environment)

    7. Phương pháp tiếp cận Xanh vượt trội (Green Plus): Khuyến khích doanh nghiệp tăng cường trách nhiệm xã hội (To encourage Corporate Social Responsibility (CSR) among operators), ví dụ như doanh nghiệp giảm thiểu các hoạt động gây hại tới môi trường, tăng cường các sáng kiến tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo được, cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường.

    Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam
    Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo tồn, phát huy tối ưu các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt coi trọng bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.”
    Chiến lược cũng nêu một trong những giải pháp mang tính hỗ trợ cho Chiến lược là: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý tài nguyên; kiểm soát, cảnh báo ô nhiễm và sự cố môi trường tại các khu, điểm du lịch và thực hiện các quy hoạch du lịch; Ứng dụng mô hình thương mại điện tử trong kinh doanh du lịch; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến quảng cáo và xây dựng thương hiệu du lịch; Ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch, điểm du lịch; Phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ khách du lịch.
    Đặc biệt trong các nội dung liên quan đến “Tăng cường bảo vệ môi trường”, chiến lược đã thể hiện rõ những việc cần làm: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao năng lực, nhận thức, ý thức về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; tăng cường xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; tăng cường khả năng thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; Nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm môi trường; thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các đề án,dự án phát triển du lịch theo quy định hiện hành; Khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch hạn chế gây ô nhiễm môi trường và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
    Triển vọng của Du lịch Xanh(7: http://www3.weforum.org/docs/TTCR11/WEF_TravelTourismCompetitiveness_Report_Chapter1_7GreenGrowth_2011.pdf)
    Ngành du lịch cần phải phát triển theo hướng du lịch xanh như một xu thế tất yếu, vì ngành du lịch phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và cũng cần bảo về thiên nhiên để phát triển. Vì vậy, ngành cần giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, Biến đổi khí hậu có khả năng phá hủy các điểm đến du lịch phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, các điểm du lịch có tính mùa vụ cao như các bãi biển và hải đảo.
    Du lịch cần được quản trị theo hướng làm giảm tính dễ bị tổn thương và cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nhà quản lý cần phải ưu tiên xử lý các tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường, đặc biệt là các hệ sinh thái và các khu bảo tồn thiên nhiên biển có nguy cơ hoặc bị đe dọa cao nhất, cũng như dịch vụ hệ sinh thái khác có ý nghĩa hỗ trợ sinh kế.
    Du lịch phải đi đầu trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Lượng khí thải carbon tổng thể của ngành là khoảng 5% tổng lượng phát thải toàn cầu, nhỏ hơn nhiều so với đóng góp kinh tế xã hội nói chung. Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng các chính phủ cần phải cam kết mạnh mẽ hơn nữa, trong các thỏa thuận trong nước và quốc tế. Những tổ chức lớn và có khả năng tạo đột phá nhất là Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) trong việc đưa ra cam kết nhằm giảm phát thải dần dần cho đến năm 2020, để đạt được sự tăng trưởng trung tính carbon.
    Bên cạnh đó, cần thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, phát triển và ứng dụng công nghệ, từ việc hoạch định chính sách và đến thực hành các nguyên tắc “kinh doanh xanh”; tạo việc làm; đầu tư xanh vào cơ sở hạ tầng liên quan đến du lịch trong khách sạn, giao thông đường bộ, sân bay, công viên và các khu bảo tồn, các thành phố giảm thiểu phát thải carbon bền vững, cùng với việc thiết kế các công trình xanh.
    Nhờ đó, các doanh nghiệp sẽ thấy rõ lợi thế trong việc tiết kiệm năng lượng hiệu quả, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo được và cải thiện quản lý chất thải, điển hình là ở các cơ sở lưu trú. Tương tự, cần phải bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì sinh thái bền vững ở các lĩnh vực kinh doanh khác, thông qua đầu tư ngày càng tăng vào các dịch vụ sản phẩm du lịch xanh và du lịch dựa trên thiên nhiên, bao gồm vườn quốc gia, các khu bảo tồn, và vùng đất ngập nước, vùng ven biển.
    Tài liệu tham khảo:
    1. Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/04/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
    2. Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục