Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển du lịch cộng đồng hướng tới phát triển du lịch bền vững – Bài học cho vùng Tây Bắc mở rộng

    Ngành du lịch được xem như là một ngành kinh tế chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho khách du lịch, trong đó phần lớn các doanh nghiệp ở quy mô nhỏ. Du lịch cộng đồng (DLCĐ) là một hình thức du lịch nhằm trao quyền cho các cộng đồng quản lý du lịch để đạt được kết quả đóng góp cho sự thịnh vượng của cộng đồng, bao gồm phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, DLCĐ không chỉ liên quan đến sự mối quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp du lịch và cộng đồng để mang lại lợi ích cho cả hai bên, mà còn liên quan đến sự hỗ trợ của cộng đồng và ngoài cộng đồng đối với các doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ, từ đó, các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho các dự án của cộng đồng nhằm phát triển cộng đồng.

    Theo TS. RW (Bill) Carter (2015), Du lịch cộng đồng là hoạt động du lịch do cộng đồng sở hữu, vận hành, và quản lý hoặc điều phối ở cấp cộng đồng, góp phần mang lại sự thịnh vượng cho cộng đồng thông qua hỗ trợ sinh kế bền vững và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa xã hội và tài nguyên di sản văn hóa và thiên nhiên.[1]

    Kinh nghiệm quốc tế

    Campuchia

    Campuchia đã thành công trong việc phát triển của các điển hình tốt dựa trên “phương pháp tiếp cận có sự tham gia” của nguyên tắc 4P và 5A, gồm: Public – Private -People – Partnership (Mối quan hệ đối tác Công – Tư – Người dân) và Attitude – Access – Accommodations – Attractions – Advertising (Thái độ – Khả năng tiếp cận điểm đến – Cơ sở lưu trú – Điểm thu hút – Quảng cáo).

    Bài học điển hình của tỉnh Chi Phat: Trước năm 2007, tỉnh Chi Phat phải đối mặt với nạn phá rừng do làm nương rẫy, lấn chiếm đất công để xây dựng và sự xuống cấp của thế giới hoang dã do tác động của nạn buôn bán động vật trái phép. Khoảng 10.000 người dân sống trực tiếp hoặc dán tiếp dựa vào lợi ích của đa dạng sinh học, 60% sống với mức dưới 1,5 USD/ ngày và gần 30% sống hoàn toàn dựa vào khai thác, chặt phá rừng và săn bắt động vật. Năm 2007, mô hình DLCĐ của Chi Phat được thành lập với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Liên minh cứu hộ động vật hoang dã, chuyển đổi sinh kế thông qua hoạt động du lịch, giảm bớt nguy cơ phá hủy các nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.

    Theo đó, Chi Phat đã phát triển DLCĐ dựa trên sự tham gia và làm chủ của cộng đồng địa phương với các mục tiêu cụ thể như: bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn văn hóa địa phương; cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương; giao lưu văn hóa giữa khách du lịch và địa phương; trao quyền cho các cộng đồng quản lý DLCĐ độc lập. Thực tế, Chi Phat đã xây dựng các tổ công tác, lập kế hoạch, hoạch định chính sách, theo dõi, giám sát các nội dung công việc cần làm; triển khai kế hoạch công tác hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn ASEAN về du lịch cộng đồng; tổ chức các cuộc hội thảo của thành viên cộng đồng; Đánh giá thử nghiệm kết quả thực hiện kế hoạch theo tiêu chuẩn ASEAN và tiếp tục phấn đấu đáp ứng cao nhất yêu cầu của tiêu chuẩn.

    Cơ chế tài chính: Các nguồn thu tài chính cho mô hình DLCĐ của Chi Phat từ các tổ chức phi chính phủ và từ khách du lịch. 20% tổng số đó được đóng góp cho quỹ phát triển DLCĐ, trong đó: Tiết kiệm 14%; Chi phí cho vận hành dự án, duy trì sản phẩm, hoạt động và thu gom rác thải 25%; Phát triển cộng đồng, đường xá, trường học, chùa, cầu và các công trình công cộng 2%; Hỗ trợ kiểm lâm 5%; Marketing 7%; Hỗ trợ người già và hoạt động từ thiện 1%; Hỗ trợ Ban quản lý DLCĐ 45%; Hỗ trợ quỹ tham gia phát triển du lịch sinh thái 1%.[2]

    Lào

    Hiện nay Lào có trên 50 sản phẩm DLCĐ tại 11 tỉnh trong cả nước, gồm những sản  phẩm chính như: khám phá đường mòn (trekking); homestay; tham quan bằng tàu; cưỡi voi, quan sát các loài chim; bán sản phẩm thủ công; cắm trại; biểu diễn văn hóa;

    Bài học điển hình của DLCĐ tỉnh Nam Nern với sản phẩm công viên bảo tồn động vật hoang dã Nam Nern (Nam Nern Night Safari): công viên nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn Nam Et-Phou, thuộc tỉnh Huaphan. Chương trình DLCĐ này do Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã phối hợp xây dựng với 14 bản của tỉnh Huaphan. Có 5 nhóm công tác tham gia cung cấp dịch vụ, mỗi nhóm khoảng 5-10 người, gồm nhóm hướng dẫn viên, tàu tham quan, nấu ăn, cắm trại và sản xuất thủ công.

    Cơ chế tài chính: Thu nhập được chia đều cho 14 bản và quỹ đóng góp trực tiếp cho bảo vệ rừng, bảo tồn và các chương trình phát triển kinh tế dựa trên hoạt động du lịch của các bản.

    Kết quả trong việc áp dụng tiêu chuẩn DLCĐ ASEAN: Lào đã thực hiện 2 khóa tập huấn cho đào tạo viên, các hội thảo phổ biến Tiêu chuẩn, đánh giá các cộng đồng mục tiêu; 2 cộng đồng đã nhận được giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN năm 2017. Trong tương lai, Lào sẽ tiếp tục các hoạt động nâng cao nhận thức về DLCĐ và du lịch sinh thái, đồng thời, lựa chọn và phát triển các cộng đồng mục tiêu đáp ứng đủ tiêu chuẩn DLCĐ ASEAN.[3]

    Myanmar

    Xây dựng tiêu chuẩn du lịch cộng đồng áp dụng cho 15 điểm du lịch, chú trọng tới các tiêu chí về quản lý. Bộ Du lịch Myanmar quy định các dự án do Bộ quản lý trong 3 năm đầu, sau đó chuyển giao quyền quản lý cho địa phương. Thành lập Tổ công tác phát triển du lịch Thandaunggyi, bao gồm: a) Hội đồng tư vấn, thành phần gồm Tổ chức Xã hội dân sự và Chính phủ; b) Tổ chức thực hiện gồm các thành viên của khoảng 15 thôn và cân bằng về giới; c) Tổ chức hỗ trợ gồm các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs).

    Bài học điển hình của điểm du lịch Thandaung-Gyi ở bang Kayin phía Bắc Myanmar: Du lịch được xem như là một ngành kinh tế, trong khi vẫn bảo tồn bản sắc cộng đồng. Chú trọng phát triển du lịch phù hợp với sức chứa của điểm đến. Các sản phẩm du lịch chủ yếu bao gồm: du lịch nông nghiệp; B&B; đường mòn khám phá các đồi chè (đi bộ hoặc đạp xe), bản làng, thác và suối khoáng nóng; làng nghề truyền thống giỏ mây tre; lễ hội Karen mừng năm mới và vụ mùa. Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch năm 2015 xác định tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Cụ thể: Việc quy hoạch cho điểm đến đều phải chú trọng đến vai trò của người dân địa phương và quản lý du lịch, phù hợp với chính sách chung của quốc gia về sự tham gia của cộng đồng trong du lịch. Các dự án thí điểm tại các địa điểm lựa chọn sẽ giới thiệu các điển hình tốt trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, các nhóm dân tộc thiểu số và người nghèo, nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cho cộng đồng địa phương, các tổ chức chính phủ và doanh nghiệp tư nhân.[4]

    Thái Lan

    Thái Lan thành lập Cục Phát triển các Vùng Du lịch Bền vững (DASTA – Development Designated Areas for Sustainable Tourism Administration). Đây là một cơ quan thuộc nhà nước chịu trách nhiệm về Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững các khu du lịch được chỉ định; xây dựng chiến lược về du lịch cộng đồng, du lịch giảm thiểu carbon, và du lịch sáng tạo. Cho tới nay, DASTA đã xây dựng được 14 mô hình DLCĐ với tiêu chí cùng sáng lập, phương pháp tiếp cận có sự tham gia, và tiếp cận từ dưới lên.

    Bài học điển hình của bản Baan Nam Chieo: Cộng đồng cùng thảo luận và chia sẻ quan điểm về phát triển cộng đồng, đi đến kết luận là phát triển DLCĐ theo hướng bảo tồn, khuyến khích khách du lịch học hỏi về lối sống địa phương; Tổ chức các cuộc họp hàng tháng tại cộng đồng và cuộc họp thường niên của các chuyên gia về DLCĐ kể từ năm 2006 để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm; Xây dựng quy định đối với khách du lịch khi nghỉ tại homestay, đồng thời quy định quy mô, sức chứa của các cơ sở; Phân chia trách nhiệm để đạt được sự quản lý hiệu quả. Các hoạt động được khách du lịch đánh giá cao đặc biệt là các hoạt động du lịch, ẩm thực và an toàn; Ngoài ra, tổ chức đào tạo cho các bên liên quan tham gia du lịch cộng đồng, gồm quản lý, nhà cung cấp dịch vụ, cơ quan bảo tồn, và người dân địa phương; Xây dựng quỹ và phân bổ ngân sách cho phát triển du lịch cộng đồng. Thu nhập từ du lịch được phân chia đều cho cộng đồng sau khi đã trừ các khoản đầu tư để phát triển và tài trợ cho các hoạt động khác như ngày Thiếu nhi, ngày cho người già hoặc các dịp lễ khác.

    Tình hình phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo tại 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng trong thời gian qua

    Với đặc điểm gần gũi về địa hình, tương đồng về địa điểm, điều kiện kinh tế – xã hội, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch nhằm khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của các địa phương và thúc đẩy tăng trưởng du lịch của các khu vực vào năm 2008 và ký gia hạn vào tháng 6/2010. Dự án Tăng cường năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) và tổ chức quốc tế SNV đã hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc mở rộng đẩy mạnh quảng bá, chú trọng quy hoạch du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của mỗi tỉnh và cơ chế hợp tác liên vùng giữa các trung tâm xúc tiến du lịch của mỗi tỉnh. Một số tuyến, điểm du lịch mới cũng được khảo sát và đưa vào khai thác như: 4 tuyến trong vườn quốc gia Hoàng Liên của huyện Sa Pa (Lào Cai), chương trình hát Xoan làng cổ trong dịp giỗ tổ Hùng Vương – lễ hội đền Hùng (Phú Thọ); tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng của 3 tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai. Đặc biệt, loại hình du lịch homestay đã được triển khai rộng rãi ở nhiều điểm đến du lịch ở các vùng Tây Bắc mở rộng.

    Theo kết quả khảo sát được ghi nhận, năm 2012, các điểm du lịch cộng đồng Sa Pa (Lào Cai) có tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không có du lịch; tỷ lệ hộ nghèo ở các điểm du lịch cộng đồng của Mai Châu (Hòa Bình) chỉ chiếm 8-11% ít hơn nhiều so với tỷ lệ 25% hộ nghèo trong toàn huyện[5],[6]. Trong nhiều năm trở lại đây, du lịch đã trở thành lựa chọn hàng đầu trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở khu vực này. Lượng khách du lịch đến tham quan 8 tỉnh năm 2010 là 9.657.948 lượt, năm 2015 là 15.578.000 lượt (khách quốc tế: 1.187.894 lượt; khách nội địa 14.390.106 lượt), tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2010 – 2015 đạt 10,03%/năm; Tổng doanh thu du lịch xã hội năm 2010 đạt 2.681 tỷ đồng, năm 2015 đạt 9.949 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn là 29,9%/năm. Tổng số cơ sở lưu trú du lịch năm 2010 là 1092 cơ sở, năm 2015 là 1790 cơ sở, tốc độ giai đoạn 2010 – 2015 là 10,3%/năm. Thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch: Giai đoạn 2010 – 2015, 8 tỉnh đã tích cực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Tổng mức đầu tư vào lĩnh vực du lịch ước đạt 18.404 tỷ đồng[7].

    Bảng 2: Tình hình phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng giai đoạn 2011 – 2014

    Chỉ tiêu ĐVT 2011 2012 2013 2014 2015
    Khách du lịch Triệu lượt 9.720 10.482 11.768 14.394 15.578
      Thu nhập du lịch Tỷ đồng 4.162 4.328 6.388 7.825 9.949
    Cơ sở lưu trú CSLT 1.305 1.439 1.617 1.790

     Nguồn: Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Ban Chỉ đạo Hợp tác phát triển du lịch khu vực Tây Bắc mở rộng

    Bài học kinh nghiệm cho các tỉnh Tây Bắc mở rộng

    Thông qua các điển hình tốt và chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực và qua phân tích thực trạng phát triển du lịch của các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc mở rộng, có thể thấy các quốc gia đã xem du lịch cộng đồng là một hình thức du lịch có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế địa phương và phát triển du lịch bền vững. Nhiều quốc gia đã xây dựng bộ tiêu chuẩn du lịch cộng đồng riêng và có tham khảo, cũng như từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn chung của ASEAN.[8]

    Tham luận này đưa ra một số bài học về phát triển du lịch cộng đồng bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa như sau:

    1. Tăng cường thể chế quản lý du lịch sinh thái bền vững Vùng

    1. Tổ chức quản lý điểm đến du lịch vùng chịu trách nhiệm phát triển DLCĐ
    2. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong vùng
    3. Phát huy vai trò điều phối, truyền thông, quảng bá và hỗ trợ các cộng đồng
    4. Nâng cao năng lực cho cộng đồng hướng tới tự quản lý du lịch cộng đồng
      1. Mô hình phát triển DLCĐ bền vững
    5. Giai đoạn Chuẩn bị:
      1. Phân tích tác động của du lịch
      1. Đánh giá tiềm năng
      1. Xây dựng quy chế, quy tắc ứng xử cho khách du lịch và cộng đồng
      1. Xây dựng liên minh hợp tác
      1. Xác định mục tiêu
      1. Phân tích thị trường mục tiêu
    6. Giai đoạn Bán hàng và Tiếp thị:
      1. Tạo ra ấn tượng về sản phẩm với giá trị gia tăng
      1. Quảng bá sản phẩm, tạo hình ảnh đẹp của cộng đồng như thân thiện, dễ tiếp cận, có trách nhiệm…
      1. Có cơ chế chia sẻ lợi ích minh bạch
    7. Giai đoạn giám sát và đánh giá định kỳ:
      1. Quản lý tri thức, thu thập thông tin
      1. Kiểm soát chất lượng
      1. Điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế
      1. Chia sẻ, trao truyền tri thức và kinh nghiệm
      1. Hợp tác giữa các bên liên quan
    8. Hợp tác với các ngành liên quan như Giao thông Vận tải, Văn hóa về xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông của Vùng, ưu tiên dành nguồn lực phát triển hạ tầng du lịch cho khu vực Tây Bắc.
    9. Hợp tác với ngành Văn hóa về hỗ trợ kinh phí phát triển các sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống các dân tộc, các giá trị nghệ thuật biểu diễn phục vụ du lịch.
    10. Hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm cho cộng đồng gắn với phát triển du lịch.

    2. Các nguyên tắc trụ cột phát triển và chia sẻ lợi ích

    • Lợi ích về kinh tế: Lợi ích về kinh tế được đánh giá thông qua việc quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên so với việc tạo ra được nhiều việc làm.
      • Lợi ích về xã hội: Tạo ra môi trường an toàn cho cộng đồng, tình hữu nghị và thu hút tầng lớp thanh niên địa phương trở lại nông thôn làm việc.
      • Lợi ích về môi trường: Tránh làm suy thoái môi trường do tác động của nạn phá rừng và sự thờ ơ của người dân.
      • Lợi ích cho cộng đồng: Các cộng đồng hiểu nhau hơn và hiểu được bức tranh toàn cảnh của du lịch cộng đồng trong vùng du lịch.
      • Lợi ích cho quốc gia: Các cộng đồng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của quốc gia.

    Tài liệu tham khảo:

    [1] TS. RW (Bill) Carter và cộng sự, Tiêu chuẩn Du lịch cộng đồng ASEAN, Bộ Du lịch Campuchia, Phnom Penh, Campuchia, 2015

    [2] Ông Bou Chan Serey, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Du lịch & Hợp tác Quốc tế, Bộ Du lịch Campuchia, Tham luận tại Hội thảo Đào tạo Đào tạo viên về Tiêu chuẩn Du lịch cộng đồng ASEAN trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lancang, 8-12/5/2018, SiemReap, Campuchia

    [3] Ông PhouthoneDalalom, Phó Giám đốc Viện Truyền Thông Đại chúng, Văn hóa và Du lịch, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, Lào. Tham luận tại Hội thảo Đào tạo Đào tạo viên về Tiêu chuẩn Du lịch cộng đồng ASEAN trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lancang, 8-12/5/2018, SiemReap, Campuchia

    [4] Ông Nyo Aye và Khun Tun Oo, Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar. Tham luận tại Hội thảo Đào tạo Đào tạo viên về Tiêu chuẩn Du lịch cộng đồng ASEAN trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lancang, 8-12/5/2018, SiemReap, Campuchia

    [5] Trần Hữu Sơn – Trần Thùy Dương, khảo sát năm 2015. Phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc

    http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Viet-nam-tren-duong-doi-moi/2015/34182/Phat-trien-du-lich-cong-dong-vung-Tay-Bac.aspx Truy cập ngày 25/2/2019

    [6] Trần Thị Bích Hằng, Phát triển du lịch nhằm xóa đói giảm nghèo tại 8 tỉnh Tây Bắc Mở rộng ở nước ta. Tạp chí Khoa học Thương mại, số 86-87, 2015

    [7] Báo cáo tổng kết 5 năm 2010 – 2015

    [8] Bà WatchareeChurugsa, Giám đốc Văn phòng Du lịch Cộng đồng, Cục Phát triển Vùng Du lịch Bền vững, Thái Lan. Tham luận tại Hội thảo Đào tạo Đào tạo viên về Tiêu chuẩn Du lịch cộng đồng ASEAN trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lancang, 8-12/5/2018, SiemReap, Campuchia

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục