Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Kinh nghiệm phát triển du lịch gắn với nghệ thuật Rối cạn ở một số quốc gia trên thế giới

    Tóm tắt:  Nghệ thuật múa rối truyền thống có sản phẩm các trò diễn là chính các con rối, con rối này là sản phẩm văn hóa vật chất, nhưng giá trị các trò diễn phản ánh hiện thực đời sống người nông dân thì nội dung các trò diễn thuộc về văn hóa tinh thần. Ở Việt Nam, nghệ thuật múa rối truyền thống chia làm 2 loại hình là Rối nước và Rối cạn. Rối nước là loại hình nghệ thuật duy nhất trên thế giới chỉ có ở Việt Nam, tuy nhiên việc phát triển các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, trong đó có nghệ thuật Rối cạn cũng cần được quan tâm và phát huy hơn nữa để phát triển song hành cùng Rối nước của Việt Nam.

    Du lịch là một trong những những biện pháp giữ gìn và phát triển các loại hình di sản và nghệ thuật truyền thống hiệu quả. Bởi muốn phát triển du lịch, cần phải có những nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa, rồi các điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật nhất định. Thông qua du lịch, sự quan tâm của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng xã hội đối với di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng mà công tác bảo tồn, giữ gìn song song với việc phát huy các giá trị nghệ thuật trở nên hiệu quả. Một số quốc gia như Indonesia, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Ý… là một trong những quốc gia rất thành công trong việc phát triển du lịch gắn với nghệ thuật Rối cạn.

    * Nghệ thuật  rối cạn Wayang ở Java và Bali, Indonesia

    Rối cạn là một trong những môn nghệ thuật truyền thống lâu đời ở Indonesia, hiện phát triển mạnh nhất ở khu vực đảo Java và đảo Bali (Ramli và Lugiman, 2012). Các hình thức rối cạn được chia ra là 3 loại chính (Cohen, 2007), bao gồm: Wayang Kulit (rối bóng), Phát triển tại miền Trung và miền Đông Java; và đảo Bali (Bộ Du Lịch Indonesia, 2021). Trong đó Wayang Kulit ở Java được phát triển như một môn nghệ thuật cung đình, trong khi Wayang Kulit ở Bali nằm trong dòng văn hóa nghệ thuật dân gian (Ramli và Lugiman, 2012). Wayang Klitik (rối gỗ phẳng). Wayang Golek (rối gỗ 3-D): Phát triển tại miền Tây đảo Java (Bộ Du Lịch Indonesia, 2021).

    Việc khai thác các hoạt động rối cạn trong du lịch tại Indonesia đã bắt đầu từ những năm 1970, và phát triển mạnh mẽ vào thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Trong quá khứ, việc khai thác rối cạn trong du lịch thường được diễn ra dưới hình thức các buổi trình diễn ngắn cho du khách, hoặc được biểu diễn tại các khách sạn, các bữa ăn của du khách (Tannenbaum, 2018). Trải qua nhiều năm, hiện nay việc ứng dụng rối cạn vào trong các hoạt động du lịch ở Indonesia đã được đẩy mạnh hơn, điều chỉnh sao cho hiệu quả hơn cũng như đã phát triển đa dạng hơn so với thời kỳ đầu, cụ thể:

    Trình diễn nghệ thuật rối cạn tại các cung điện: Tại Java, Wayang Kulit là một môn nghệ thuật cung đình. Bởi vậy các hoạt động trình diễn rối bóng tại đây thường được tổ chức ngay trong khuôn viên của các di tích là cung điện hoàng gia, như Cung điện Yogyakarta hay Cung điện Surakarta (Bộ Du Lịch Indonesia, 2021). Đồng thời, định hướng phát triển các di tích lịch sử gắn với hoàng gia của Indonesia là biến các địa điểm này trở thành những “bảo tàng sống”, lưu giữ những giá trị văn hóa đặc trưng của đảo Java. Bởi vậy, nghệ thuật Wayang Golek, mặc dù là đặc trưng văn hóa của miền Tây đảo Java, cũng được trình diễn tại các cung điện hoàng gia (vốn nằm ở miền Trung Java) (Wijayanti and Damanik, 2019).

    (Nguồn: internet, http://redsvn.net/wayang-kulit-nghe-thuat-roi-bong-dac-sac-cua-indonesia/)

    Cấu trúc lại các buổi trình diễn để phù hợp với hoạt động du lịch: Tại Bali, các vở trình diễn rối cạn truyền thống vốn gắn với thực hành các lễ nghi truyền thống của người dân Bali. Tuy nhiên, các vở diễn này thường có tính chất kéo dài nên không phù hợp để trình diễn cho khách du lịch. Để giải quyết vấn đề này, những nghệ nhân rối cạn ở Ubud, Bali để xây dựng các vở diễn mới, lấy cảm hứng từ vở Mahabrata. Theo đó, thay vì kể câu chuyện về cuộc chiến giữa Pandawa và Kurawa như trong nguyên tác, những nghệ nhân đã xây dựng một vở diễn mới “Pandawa chiến đấu với quái vật” có thời lượng ngắn hơn, để dành riêng cho các khách du lịch muốn trải nghiệm loại hình nghệ thuật này (Pradana, 2018).

    Phát triển du lịch nông thôn gắn với nghệ thuật rối cạn: Bên cạnh việc trình diễn nghệ thuật rối cạn, các hoạt động sản xuất con rối cũng được khai thác để phát triển du lịch nông thôn, với điển hình là mô hình tại làng Kepuhsari, miền trung Java (Bộ Du Lịch Indonesia, 2021). Cụ thể, tại Kepuhsari, các lớp học làm con rối đã được phát triển thành một hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch, song song với các sản phẩm đặc trưng khác như trình diễn nghệ thuật múa Reog, du lịch ẩm thực, hoạt động du lịch tại các thác nước tự nhiên… (Reynaldi, 2018).

    Kinh doanh các sản phẩm lưu niệm gắn với nghệ thuật rối cạn: Bên cạnh việc xây dựng các hoạt động du lịch gắn với nghệ thuật rối cạn, việc kinh doanh các sản phẩm lưu niệm liên quan cũng được đẩy mạnh tại Java. Ở các thành phố du lịch lớn, gắn với lịch sử hoàng gia như Yogyakarta hay Surakarta, hệ thống các cửa hàng đồ lưu niệm kinh doanh mô hình rối bóng Wayang Kulit như Pak Sagio, Pak Tugiman, Pak Kawi đã được xây dựng (Tannenbaum, 2018). Các cơ sở này làm việc trực tiếp với các nghệ nhân để sản xuất các mặt hàng lưu niệm rối bóng dành riêng cho du khách. Đồng thời, một hệ thống xếp hạng trình độ các nghệ nhân, gồm 5 cấp cũng được xây dựng để phục vụ việc định giá các sản phẩm mô hình rối bóng. Điều này cũng đảm bảo sự đa dạng về giá cả cho các mặt hàng lưu niệm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tốt hơn.

    * Nghệ thuật rối dây của Pháp

    Nghệ thuật rối dây của Pháp phát triển từ đầu thế kỷ 19, khi Laurent Mourguet, một nha sĩ tại Lyon sử dụng những màn trình diễn rối để thu hút mọi người đến “phòng nha” trên phố của ông (McQueen, 2017). Những vở diễn rối dây này đã không chỉ kéo thêm khách hàng cho phòng nha của ông, mà còn biến ông trở thành một nghệ sĩ rối dây nổi tiếng, cũng như người mở đường cho sự phát triển của môn nghệ thuật này tại Pháp.

    Khai thác nghệ thuật rối cạn phục vụ phát triển du lịch:

    Trình diễn rối dây tại các nhà hát: Pháp sở hữu một hệ thống nhiều nhà hát rối dây ở trên khắp cả nước. Ngay ở thành phố Paris, đã có ít nhất 8 nhà hát rối dây (McQueen, 2016). Hiện nay, các nhà hát này vẫn tiếp đón các khách du lịch vào xem các buổi trình diễn, tuy nhiên, các vở diễn vẫn được xây dựng để phục vụ nhu cầu của khán giả địa phương nhiều hơn, do các vở diễn thường được trình bày bằng tiếng Pháp.

    Xây dựng bảo tàng nghệ thuật rối dây: Thành phố Lyon, nơi khai sinh ra bộ môn nghệ thuật rối dây của Pháp đã cho xây dựng bảo tàng rối dây Gadagne. Nơi đây trưng bày hơn 300 con rối, giới thiệu về lịch sử rối dây của nước Pháp. Bảo tàng rối dây Gadagne cũng tổ chức các workshop làm rối cho khách tham quan, cũng như các buổi trình diễn rối dây. Đặc biệt, bảo tàng cũng cung cấp các vở diễn được cá nhân hóa cho riêng du khách, trong đó du khách được phép chọn lựa nhân vật ưa thích của mình và nghệ sĩ sẽ xây dựng các vở diễn xoay quanh nhân vật này (Văn Phòng Du lịch và Hội nghị thành phố Lyon, 2021).

    * Nghệ thuật rối Bunraku, Nhật Bản

    Cùng với kịch Nô và kịch Kabuki, nghệ thuật rối Bunraku là một trong ba loại 17-19). Năm 2008, Bunraku được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng của Nhật Bản, được phát triển từ thời Edo (từ TK nhân loại (UNESCO, 2021b).

    Khai thác nghệ thuật rối cạn phục vụ phát triển du lịch:

    Đầu tư cơ sở vật chất cho Rạp Bunraku Quốc gia: Sớm nhìn nhận được giá trị của nghệ thuật rối Bunranku, kể từ năm 1984, Rạp Bunraku Quốc gia đã được chính phủ Nhật Bản xây dựng. Rạp Bunraku Quốc gia được thiết kế hiện đại, với 2 hội trường, 1 khu trưng bày và 1 phòng văn thư lưu trữ các văn bản, dữ liệu liên quan tới nghệ thuật rối Bunraku (ANA, 2021).

    Cung cấp dịch vụ thuyết minh âm thanh cho khách du lịch: Kể từ năm 2004, nhằm mục tiêu nâng cao trải nghiệm của khách du lịch, Rạp Bunraku Quốc gia đã đầu tư phát triển dịch vụ thuyết minh âm thanh cho các vở diễn Bunraku. Bên cạnh thuyết minh các câu thoại trong vở diễn, dịch vụ thuyết minh cũng cung cấp thêm một số nội dung bổ trợ như giải thích về nội dung, cách biểu đạt trong nghệ thuật Buranku, giới thiệu về cốt truyện, về âm nhạc… được sử dụng trong trình diễn Buranku.

    (Nguồn:https://lod.com.vn/blogs/thong-tin-bo-ich/kabuki-nghe-thuat-van-hoa-dac-sac-cua-nhat-ban)

    * Nghệ thuật rối bóng Trung Quốc

    Rối bóng Trung Quốc là môn nghệ thuật đã có lịch sử hơn 1000 năm, với đặc trưng là sử dụng những con rối màu được làm bằng da hoặc bằng giấy, được điều khiển bằng dây. Khi trình diễn, các nghệ nhân sẽ căng một tấm màn trắng làm bằng vải, sau đó chiếu đèn từ phía sau để tấm vải phản chiếu cái bóng của con rối, từ đó tạo nên những vở múa rối đặc sắc. Năm 2011, rối bóng đã được UNESCO liệt kê vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (UNESCO, 2021a)

    Khai thác nghệ thuật rối cạn phục vụ phát triển du lịch:

    Xây dựng công viên giải trí: Bên cạnh việc xây dựng các rạp hát rối cạn và bảo tàng rối cạn quốc gia (trong khuôn viên bảo tàng Thành Đô), Trung Quốc đã cho xây dựng Công viên giải trí rối bóng tại thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc (CGTN, 2019). Công viên giải trí rối bóng Đường Sơn có tổng diện tích 350,000m², là chuỗi tổ hợp gồm công viên nước, rạp rối bóng, nhà sách rối bóng và 17 khu trưng bày về nghệ thuật rối bóng. Công viên được đưa vào hoạt động từ năm 2019, với mục tiêu tạo không gian cho khách du lịch thưởng thức, cũng như hiểu thêm về rối bóng Trung Quốc – di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    * Nghệ thuật rối dây vùng Sicilia, Ý

    Nghệ thuật rối dây của Ý bắt đầu được phát triển vào đầu thế kỷ 19, tại các đô thị thuộc vùng Sicilia như Palermo hay Catania. Đặc trưng của rối dây vùng Sicilia là sử dụng những con rối làm bằng gỗ, có kích thước khoảng gần 1m và được điều khiển bằng dây. Nội dung của các vở diễn rối gỗ này thường gắn với nhiều chất liệu văn hóa dân gian, như các mẩu chuyện từ thời Trung Cổ, và đôi khi sử dụng chất liệu thi ca thời kỳ Phục Hưng. Các vở diễn thường được tổ chức bởi các nhà hát quản lý bởi các gia đình, dòng họ ở Sicilia.

    Kể từ thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế tại Ý vào những năm 50 của thế kỷ trước, môn nghệ thuật này đã bắt đầu thoái trào và đã từng đứng trước nguy cơ thất truyền. Rất may, bằng sự chuyển dịch mô hình kinh tế, từ phục vụ khách địa phương sang phục vụ thêm cả khách du lịch, cùng với sự quan tâm bảo tồn của UNESCO, giá trị của nghệ thuật rối dây đã được bảo tồn và hiện đang là một sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Sicilia. Hiện nay, vùng Sicilia vẫn còn lưu giữ được khoảng 11 nhà hát rối dây, phân bố ở các thành phố như Palermo, Catania, Acireale, Siracusa…

    Khai thác nghệ thuật rối cạn phục vụ phát triển du lịch:

    Bên cạnh việc trình diễn các vở rối dây tại các nhà hát, đồng thời tổ chức một số buổi workshop tại các rạp hát, Tổ chức bảo tồn văn hóa dân gian Sicilia đã tổ chức nhiều hoạt động nổi bật nhằm bảo tồn văn hóa rối dây cũng như đẩy mạnh khai thác bộ môn nghệ thuật này để phát triển du lịch. Cụ thể:

    Xây dựng Bảo tàng Rối dây Quốc tế (Bảo tàng Antonio Pasqualio): Bảo tàng Rối dây Quốc tế được đặt theo tên của Antonio Pasqualio, người sáng lập ra Tổ chức bảo tồn văn hóa dân gian Sicilia, đồng thời cũng là người có công lớn trong việc phục hồi nghệ thuật rối dây. Bảo tàng được đặt tại trung tâm thành phố Palermo, trưng bày khoảng 5000 hiện vật liên quan tới rối dây truyền thống vùng Sicilia, cũng như nghệ thuật múa rối ở nhiều nơi khác trên thế giới. Trong đó, có nhiều hiện vật được lấy từ bộ sưu tập cá nhân của chính Antonio Pasquilio. Bảo tàng Antonio Pasquilio đã trở thành một điểm tham quan nổi tiếng, thu hút nhiều du khách muốn tìm hiểu về nghệ thuật rối dây vùng Sicilia. Năm 2017, bảo tàng đã vinh dự nhận được giải thưởng bảo tàng tốt nhất nước Ý của ICOM Italy.

    Tổ chức Festival Rối dây Quốc tế (Festival di Morgana)

    Kể từ năm 1975, Tổ chức bảo tồn văn hóa dân gian Sicilia đã tổ chức Festival rối dây quốc tế – Festival di Morgana (EFA, 2020). Đây là một sự kiện được tổ chức vào khoảng tháng 11 hoặc 12 hàng năm, thu hút nhiều du khách quốc tế đến tham gia tìm hiểu và trải nghiệm nghệ thuật rối dây vùng Sicilia. Đồng thời các cơ quan nhà nước cũng hết sức nỗ lực để nâng tầm ảnh hưởng của Festival di Morgana nhằm nâng cao sức thu hút của hoạt động này với du khách. Cụ thể, Chính quyền vùng Sicilia đã đưa festival này vào trong danh sách các sự kiện du lịch quan trọng; Chính phủ đã thông qua việc đưa Festival di Morgana vào mạng lưới Festival quốc gia. Ở cấp độ quốc tế, Festival di Morgana cũng đã được công nhận là thành viên của mạng lưới “Europe for Festivals – Festivals for Europe” dành cho các sự kiện lớn được tổ chức ở khu vực châu Âu.

    Tài liệu tham khảo

    ANA (2021) Traditional comprehensive performing art created through storytelling, music and puppets – ANA. Available at: https://www.ana.co.jp/en/gb/japan-travel-planner/osaka/0000020.html (Accessed: 22 November 2021).

    Bộ Du Lịch Indonesia (2021) The Riveting WAYANG KULIT SHADOW PUPPET SHOWS of Java and Bali. Available at: https://www.indonesia.travel/gb/en/trip-ideas/the-riveting-wayang-kulit-shadow-puppet-shows-of-java-and-bali (Accessed: 21 November 2021).

    CGTN (2019) China’s first shadow puppetry theme park opens – CGTN. Available at: https://news.cgtn.com/news/3d3d414d3045444e34457a6333566d54/index.html (Accessed: 22 November 2021).

    Cohen, M. I. (2007) ‘Contemporary “Wayang” in Global Contexts’, Source: Asian Theatre Journal, 24(2), pp. 338–369.

    EFA (2020) Festival di Morgana – European Festivals Association. Available at: https://www.festivalfinder.eu/festivals/festival-di-morgana (Accessed: 22 November 2021).

    ThS. Lê Hoàng Anh

    Phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm, Đào tạo và QLKH

    Bài cùng chuyên mục