Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại các khu du lịch ven biển Việt Nam

    * Bài viết hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2022 – “Chỉ một Trái đất”

    MỞ ĐẦU

    Với những ưu thế về sự tiện dụng, giá thành rẻ, các sản phẩm làm từ nhựa trở nên phổ biến và được sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc lạm dụng đồ nhựa và túi ni lông, nhất là những sản phẩm dùng một lần đã thải ra lượng lớn rác thải nhựa và tác động không nhỏ đến cảnh quan, môi trường xung quanh, sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, cũng như nguy cơ ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe của con người. Vì vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức là một trong những giải pháp quan trọng và cần ưu tiên thực hiện nhằm thay đổi hành vi, ứng xử và trách nhiệm của người dân, của du khách trong việc giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy là rất quan trọng.

    I. TÁC HẠI CỦA RÁC THẢI NHỰA TẠI CÁC KHU DU LỊCH

    Từ những năm 1950, Thế giới đã sản xuất ra 8.3 tỷ tấn nhựa, trong đó 6.3 tỷ tấn biến thành rác thải nhựa. Chỉ một phần nhỏ lượng rác nhựa thải ra được đem đi tái chế hoặc xử lý đúng cách. Trên thực tế, hơn 70% tổng số rác nhựa được đổ ra các bãi rác hoặc vứt bỏ trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Trong năm 2010, các đại dương đã phải hứng chịu khoảng 8 triệu tấn rác nhựa. Từ nay tới năm 2025, lượng rác nhựa thải vào đại dương có thể lên tới 155 triệu tấn. Việt Nam đứng thứ tư trong số năm quốc gia xả rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới.

    Trong bối cảnh rác thải nhựa đã trở thành một cuộc khủng hoảng cấp quốc gia và toàn cầu Việt Nam nói chung và các khu du lịch biển, đảo nói riêng cần phải nhận thức và đánh giá đầy đủ các tác động, ảnh hưởng rác thải nhựa từ đó có các biện pháp để thay đổi hành vi nhằm giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) xả ra môi trường.

    1. Tác động của rác thải nhựa

    Tác động đến cảnh quan môi trường

    Trong những năm qua, du lịch biển phát triển nhanh, kéo theo sự gia tăng lượng khách du lịch… xu hướng này vẫn còn tiếp tục ra tăng trong thời gian tới khi quy mô về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch, hệ thống hạ tầng, lưu trú, vận chuyển, giải trí… được mở rộng. Trong khi đó, tại nhiều khu vực ven biển hiện nay, do hoạt động du lịch phát triển đã vượt năng lực quản lý, hoặc do nhận thức của những người có trách nhiệm và điều hành còn hạn chế nên các hoạt động du lịch đã vượt khả năng đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái môi trường. Lượng khách du lịch tăng cao kéo theo sự phát sinh chất thải trong khi số lượng được thu gom, xử lý còn có những hạn chế nhất định, hầu hết các khu du lịch, tỷ lệ thu gom chất thải rắn hiện đạt chỉ đạt khoảng 70 – 80%, vào mùa du lịch cao điểm, tỷ lệ này còn thấp hơn, hiện nay tại nhiều khu du lịch biển (Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…) đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.

    Thành phần rác thải nhựa tại các bãi biển chủ yếu là các sản phẩm tiện ích dùng 1 lần như: Túi nylon, hộp xốp, vỏ sữa, chai nhựa, ống hút nhựa… những sản phẩm thải bỏ trên cần ít nhất 100 – 200 năm phân hủy, trong thời gian đó, rác thải nhựa không mất đi và gây ra hệ lụy lớn đối với môi trường. Tình trạng ô nhiễm do rác thải, trong đó có rác thải nhựa tại một số khu du lịch biển đang ngày càng gia tăng. Rác thải chưa được thu gom, xử lý đúng quy trình, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn… Ý thức bảo vệ môi trường của người dân và du khách còn hạn chế, do vậy thường xuyên xảy ra tình trạng vứt rác, thức ăn, đồ uống bừa bãi trên các bãi tắm, những người bán hàng rong không thu nhặt rác thừa của khách… gây ô nhiễm môi trường và mất đi cảnh quan đẹp tại các bãi tắm.

    Tác động đến sức khỏe con người

    Con người tiếp xúc với vi nhựa và siêu vi nhựa (nanoplastic) khi tiêu thụ hải sản như trai, sò, tôm, cua, các loài cá nhỏ như cá trích cơm và có thể cả một số loài khác như nhím biển, hải tiêu và hải sâm. Hiện nay đã có những bằng chứng rõ ràng về việc con người tiếp xúc với vi nhựa thông qua thực phẩm và sự có mặt của vi nhựa trong hải sản có thể đe dọa an toàn thực phẩm. Hạt vi nhựa cũng có thể mang theo vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virút) có khả năng gây hại cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản và sức khỏe con người.

    Rác thải nổi kích thước lớn là mối đe dọa đối với giao thông đường biển. Điều này có thể dẫn đến thương tích và tử vong do mất điện, do chân vịt hoặc đường ống nước bị kẹt và va chạm với các vật thể nổi hoặc chìm một phần, bao gồm thùng cách nhiệt bằng nhựa. Thương tích và tử vong cũng có thể xảy ra đối với con người do bị kẹt khi bơi và lặn.

    Tác động về kinh tế

    RTN đại dương gây ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp về kinh tế. RTN trên biển có thể gây ra thiệt hại kinh tế cho lĩnh vực vận tải biển do tàu thuyền, hàng hóa hư hỏng vì bị kẹt hoặc va chạm với rác thải biển nói chung. Các thiệt hại do rác thải nhựa đại dương gây ra cho hoạt động du lịch, dịch vụ biển, hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản bị giảm doanh thu do tăng chi phí cho tàu cá, chi phí dọn dẹp rác, sửa chữa máy bơm tại các khu nuôi, giảm sản lượng đánh bắt, ảnh hưởng nuôi trồng thủy hải sản. Du lịch là một trong số các ngành lớn và phát triển nhanh nhất trên thế giới, với mức đóng góp 10% GDP toàn cầu, 7% xuất khẩu toàn cầu và cứ 10 việc làm trên toàn thế giới thì có một việc làm liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, sự xuất hiện của rác thải đặc biệt là RTN đã làm suy giảm lượng khách đến các khu, điểm du lịch dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho ngành du lịch, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương và vùng, nhất là những khu vực có hoạt động du lịch phát triển.

    2. Tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy

    Sản phẩm nhựa dùng một lần là những vật dụng được sản xuất từ nhựa với mục đích sử dụng một lần sau đó thải bỏ. Một số sản phẩm nhựa phổ biến được sử dụng nhiều hiệu nay như: chai nhựa; hộp đựng mì; thùng xốp; bao bì nhựa; cốc, bát, ống hút nhựa… Túi ni lông khó phân hủy hay túi bóng là một loại bao bì được sản xuất từ nhựa (polyme) và các chất phụ gia khác, túi ni lông có đặc tính rất mỏng, nhẹ, dẻo và rất tiện dụng.

    Các sản phẩm dùng một lần thường và túi ni lông được làm từ các vật liệu nhựa, không có khả năng tái chế và có thời gian phân hủy rất lâu gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến môi trường. Bên cạnh đó, các sản phẩm này khi gặp nhiệt độ cao sẽ giải phóng monostyren – loại chất độc gây nguy hại cho sức khoẻ con người khi ngấm vào đồ ăn và nước uống.

    II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH, CHÍNH SÁCH VÀ CÁC SÁNG KIẾN GIẢM THIỂU RÁC THẢI NHỰA

    1. Các chính sách, pháp luật về quản lý giảm thiểu rác thải nhựa trên thế giới

    Chính sách, quy định trong công quản lý rác thải nói chung và RTN trên thế giới đã được hình thành từ rất lâu, tập trung vào các hiệp ước môi trường đa phương; các quy định, nguyên tắc pháp lý quốc tế và các thông lệ quốc tế được ký kết giữa các quốc gia để làm căn cứ triển khai thực hiện.

    – Các hiệp ước môi trường đa phương (ràng buộc đối với các nước ký kết và phê chuẩn tham gia): Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển; Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra; Công ước London và Nghị định thư London.

    – Các tuyên bố, hướng dẫn quốc tế: Mục tiêu phát triển bền vững Liên Hợp Quốc; Bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm; Chương trình Hành động toàn cầu về BVMT biển trước các hoạt động trên đất liền…

    – Các thông lệ, nguyên tắc quốc tế liên quan đến rác thải biển trong đó có RTN (áp dụng với mọi quốc gia, ngoại trừ các quốc gia phản đối): Nguyên tắc phòng ngừa thiệt hại môi trường; Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

    2. Các chính sách về quản lý giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam

    Chính phủ Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp ước, công ước quốc tế liên quan đến quản lý chất thải. Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, quy định để quản lý rác thải nhựa.

    Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

    Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

    Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

    Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

    Quyết định số 1316/QĐ-TTg, ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở VN

    Trong lĩnh vực du lịch, Bộ VHTT&DL đã ban hành Công văn số 1857/BVHTTDL-TCDL, ngày 15/5/2019 về việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần.

    3. Các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa

    a. Trên thế giới

    Tập đoàn khách sạn Iberostar đã may đồng phục nhân viên bằng nhựa tái chế và loại bỏ đồ nhựa sử dụng một lần khỏi các phòng lưu trú;

    Tập đoàn khách sạn Hilton cam kết loại bỏ ống hút nhựa ở tất cả 650 địa điểm và loại bỏ chai nhựa trong quá trình phục vụ hội nghị;

    Tập đoàn Marriott International đang loại bỏ ống hút nhựa và thay thế các chai nhỏ đựng đồ vệ sinh cá nhân bằng máy rút trong các khách sạn ở Bắc Mỹ;

    Bãi biển Fort Myers, ở Florida, Mỹ đã cấm bán hoặc sử dụng ống hút nhựa trên khắp hòn đảo nhằm bảo vệ những con rùa làm tổ trên các bãi biển;

    Walt Disney cấm ống hút và máy khuấy bằng nhựa dùng một lần khỏi gần như tất cả các công viên giải trí và khu nghỉ dưỡng từ giữa năm 2019;

    Một số hãng hàng không quốc tế như Delta Airlines, Alaska Airlines, American Airlines, Virgin Australia và United Airlines đã cam kết loại bỏ các loại nhựa sử dụng một lần như ống hút và máy khuấy; hãng Ryanair đã cam kết loại bỏ tất cả đồ nhựa không thể tái chế vào năm 2023, thay vào đó là dao kéo bằng gỗ và cốc cà phê có thể phân hủy sinh học;

    Tại Italia, quần đảo Isole Tremiti đã cấm sử dụng tất cả các đĩa, cốc và dụng cụ bằng nhựa, và phạt tiền đối với những người không tuân thủ.

    b. Tại Việt Nam

    – Tại Hà Nội, “Liên minh các nhà bán lẻ” đã được thành lập nhằm tập hợp các siêu thị và nhà bán lẻ tại Hà Nội để cùng chống lại rác thải nhựa, giảm sử dụng túi ni lông dùng một lần phấn đấu đến năm 2025, tất cả các siêu thị phải sử dụng túi thân thiện với môi trường.

    – Tại Cù Lao Chàm, Hội An (Quảng Nam) là khu địa điểm đầu tiên trên cả nước “nói không” với túi ni-lông. Hoạt động truyền thông về tác hại của túi nilon thường xuyên được đẩy mạnh. Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cùng Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường các hoạt động giám sát việc sử dụng túi ni-lông của người dân và du khách trong thời gian đầu, sau đó là phát triển mô hình cộng đồng tự giám sát. Chính nhờ sự tích cực hoạt động của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, ý thức bảo vệ của người dân đã thay đổi với các khẩu như “xách giỏ đi chợ, phong cách người nội trợ”, “nói không với túi nilon để bảo vệ môi trường biển”… Nhiều khách sạn, nhà hàng đã tham gia vào chiến dịch Refill station (đặt các máy lọc nước miễn phí để người dùng lấy nước trong bình tự mang theo, giảm thiểu việc mua nước đóng chai), ống hút nhựa được thay bằng ống hút tre, ống hút làm từ sả, cỏ bàng… Dự án “ReForm Plastic” với nguyên tắc đầu vào là rác thải nhựa, đầu ra là các tấm nhựa có khổ lớn, sau đó được làm thành các sản phẩm như thùng đựng rác, bàn ghế, tấm lợp, vách ngăn… đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ chính quyền địa phương. Đây là một bước quan trọng để giải quyết bài toán RTN, góp phần đưa Hội An trở thành thành phố du lịch xanh.

    – Tại một số khu dự trữ sinh quyển Thế giới của Việt Nam, Dự án “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh” do UNESCO phát động đã tìm ra đước 03 sáng kiến nhằm giảm thiểu RTN.

    + Sáng kiến máy thu gom rác WSCA1.0 tự động trên mặt nước, máy hoạt động với chức năng chính là thu những rác nhựa và rác trôi nổi trên bề mặt nước, có thể chứa 50 – 75kg rác/1 lần, sử dụng năng lượng mặt trời, điều khiển từ xa thông qua sóng wifi, nâng cấp định vị GPS tự tìm rác, được tích hợp bộ điều khiển không dây từ xa thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.

    + Sáng kiến robot Biya nhằm nhắc nhở việc thu gom và phân loại rác. Robot Biya là robot trí tuệ nhân tạo có 3 ngăn thu rác thải nhựa và trò chuyện, cung cấp thông tin về môi trường, du lịch để nâng cao nhận thức của người phát thải. Robot có thể điều chỉnh kích thước và hình dạng cổng nhận rác. Trước hết, robot được đặt ở địa điểm cầu cảng tại Cù Lao Chàm tiến đến là các điểm du lịch khác.

    + Sáng kiến thu gom rác đại dương bằng tri thức địa phương từ nghề lưới đăng truyền thống của ngư dân biển Nhơn Lý – Bình Định. Ý tưởng xuất phát từ kinh nghiệm của những ngư dân đi biển và quan sát dòng nước, theo đó rác có thể tấp gần bờ hoặc xa bờ và liên tục bị nước cuốn đi do vậy sáng kiến làm bẫy từ ngư cụ cũ, bẫy rác có chiều rộng 5m, có thể duy trì độ sâu từ 3 – 4m bởi lớp viền chì bên dưới, phía trên có phao nổi để giữ mép lưới luôn trên bề mặt, chặn được rác nhựa trôi trên tầng mặt, dựa vào sóng, gió và dòng hải lưu để gom rác trôi nổi, bẫy có thể vớt rác nhựa loại Macroplastic (>200mm).

    – Tại các thành phố biển như Phú Quốc, Rạch Giá, Phú Yên, Đà Nẵng đã tính toán ra và đưa ra lượng phát sinh RTN nhằm tìm kiếm các mô hình, ý tưởng khả thi để tăng tỉ lệ và hiệu quả quản lý, xử lý và tái chế rác thải nhựa đồng thời thúc đẩy giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

    Bên cạnh đó, còn rất nhiều các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa từ tổ chức, cá nhân và các địa phương trên cả nước đã và đang được thực hiện, khu du lịch biển Sầm Sơn hoàn toàn có thể áp dụng để giảm thiểu RTN.

    III. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU SỬ DỤNG CÁC SẢN PHẨM NHỰA DÙNG MỘT LẦN VÀ TÚI NI LÔNG KHÓ PHÂN HỦY TẠI CÁC KHU DU LỊCH

    1. Các biện pháp chung

    Để giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại các khu du lịch ven biển Việt Nam, cần có sự tham gia của các bên liên quan và thực hiện đồng bộ các biện pháp chung như:

    – Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về BVMT và giảm thiểu RTN nhằm kịp thời phát hiện và có chế tài xử phạt thích hợp đối với các đối tượng vi phạm.

    – Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi thói quen, hành vi trong tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến BVMT, giảm thiểu RTN; phổ biến các Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương ở các địa phương có khu du lịch ven biển. Tuyên truyền về tác hại của RTN đối với môi trường và sức khỏe con người; Các kinh nghiệm và hướng dẫn trong công tác phân loại, tái sử dụng RTN; Tuyên truyền thực hiện giải pháp 5R (Refuse – Reduce – Reuse – Recycle – Rot, nghĩa là Từ chối – Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế – Phân hủy)…

    – Thực hiện phân loại chất thải rắn (CTR) tại nguồn, đặc biệt là RTN; tăng tỷ lệ tái sử dụng, tái chế các sản phẩm nhựa để thu hồi năng lượng và giảm áp lực cho môi trường, đồng thời ngăn chặn RTN thoát ra biển.

    – Xây dựng quy định, bộ quy tắc ứng xử với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong hoạt động du lịch tại khu du lịch ven biển Việt Nam. Các quy định trên có thể lồng ghép vào các nội quy chung của các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch.

    2. Các biện pháp cụ thể

    Đối với các cơ sở du lịch

    Đối với cơ sở lưu trú: Hệ thống cơ sở lưu trú là đối tượng dễ tác động để giảm thiểu tối đa lượng RTN thông qua các biện pháp cụ thể.

    – Thay thế toàn bộ sản phẩm chăm sóc cá nhân được làm từ sản phẩm nhựa dùng một lần như chai đựng dầu gội, sữa tắm, sữa rửa tay, bàn chải đánh răng, lược… để phục vụ khách du lịch lưu trú trong khách sạn bằng các sản phẩm có thể sử dụng lại nhiều lần hoặc các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ.

    – Khuyến khích khách du lịch mang theo đồ chăm sóc và chai nước cá nhân thông qua việc tặng quà, tích điểm hoặc giảm giá thuê phòng nhằm hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong quá trình lưu trú của khách du lịch.

    Đối với cơ sở ăn uống

    – Không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần (Bát, đũa, cốc, thìa, ống hút, hộp xốp…), khăn ướt đóng gói, túi nilông khó phân hủy; hạn chế phục vụ nước uống đóng chai nhựa trong quá trình phục vụ ăn uống cho khách du lịch.

    – Yêu cầu các nhà sản xuất, cung cấp thực phẩm, đồ uống cho các cơ sở ăn uống sử dụng bao bì thân thiện với môi trường để đóng gói các sản phẩm và yêu cầu thực hiện trách nhiệm  mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

    – Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tối đa hoạt động bán hàng lưu động, cửa hàng bán đồ ăn nhanh cho khách mang đi. Khuyến khích các cơ sở này sử dụng bao bì thân thiện với môi trường để gói đựng đồ ăn, đồ uống cho khách du lịch.

    Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác: Đối tượng này bao gồm dịch vụ bán hàng lưu niệm, dịch vụ xe điện và một số dịch vụ nhỏ lẻ (bán hàng rong, chụp ảnh lưu niệm, cho thuê phao bơi…). Cần có những biện pháp giám sát việc thực hiện các quy định như bỏ rác đúng nơi quy định; sử dụng bao bì thân thiện với môi trường trong quá trình bán hàng phục vụ khách du lịch.

    Bảng 1. Các sản phẩm có thể thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại các cơ sở lưu trú và ăn uống

    TT

    Bộ phận

    Sản phẩm nhựa

    Sản phẩm thay thế

    1 Phòng nghỉ Chai nước Chai thủy tinh/chai kim loại/máy lọc nước tại các khu vực chung
    Bàn chải/dao cạo/lược/

    tăm bông…

    Các sản phẩm làm từ rơm/tre/gỗ/trúc/cói
    Dầu gội/sữa tắm/xà phòng… Lắp đặt hoặc sử dụng các loại chai lọ có thể nạp lại
    Túi ni lông lót thùng rác Không sử dụng túi ni lông lót thùng rác/Sử dụng túi phân hủy sinh học
    Vỏ đựng café, trà gói, đồ ăn vặt… Sử dụng lọ thủy tinh, gốm sứ/Có máy cung cấp café, trà ở khu vực chung của mỗi tầng
    2 Bếp/bar/nhà hàng Chai nước/Chai đựng đồ uống Chai có thể tái sử dụng/chai kim loại/Hộp đựng đồ uống bằng giấy/máy lọc nước
    Ống hút Ống hút giấy/tre/inox/chỉ cung cấp khi có yêu cầu
    Hộp xốp/nhựa/màng bọc/túi ni lông đựng thực phẩm Hộp/túi tự hủy sinh học/màng bọc làm bằng sáp ong
    Các hũ nhựa đựng gia vị chia nhãn Dụng cụ đựng gia vị có vòi nhấn/hũ thủy tinh/gốm sứ
    Túi ni lông lót thùng rác Sử dụng túi tự hủy sinh học
    Đồ trang trí đồ ăn, đồ uống bằng nhựa Đồ trang trí có thể tái sử dụng/Đồ trang trí bằng gỗ, tre/Không sử dụng
    3 Phòng Hội nghị Chai nước Cốc thủy tinh/Chai thủy tinh
    4 Bộ phận dọn phòng Chai tẩy rửa Sử dụng bình có thể nạp lại/Sử dụng các vật liệu làm sạch sinh học
    Túi ni lông đựng rác Sử dụng túi tự hủy sinh học

     

    Đối với cộng đồng địa phương

    Cộng đồng địa phương được xác định là đối tượng chủ đạo có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu RTN. Bên cạnh đó, vai trò của cộng đồng còn được thể hiện thông qua quyền làm chủ và trách nhiệm trong việc BVMT nhằm đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành không bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm và được hưởng những lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

    – Từ bỏ thói quen dùng sản phẩm nhựa một lần, túi ni lông khó phân hủy bằng cách mỗi khi mua sắm nên mang theo giỏ, làn đựng thức ăn và những vật dụng khác thay thế túi nilon.

    – Thực hiện phân loại rác tại nguồn, một số loại rác có thể tái chế, tái sử dụng (như vỏ chai nhựa, các loại rác thải nhựa, chai thủy tinh, giấy…) được thu gom để riêng và bán cho những người thu gom, hoặc tái chế để làm thành các sản phẩm với công dụng khác như lọ hoa, đồ trang trí…

    – Tích cực tham gia các hoạt động thu gom rác thải làm sạch bãi biển theo các chương trình phát động của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể.

    – Đối với cộng đồng là ngư dân đánh bắt thủy sản nên ưu tiên sử dụng ngư cụ có khả năng phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường và tránh để thất lạc ngư cụ trong quá trình đánh bắt.

    Đối với khách du lịch

    – Tuân thủ, hưởng ứng tích cực các quy định chung về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, rác thải từ hoạt động du lịch ra cộng đồng, cảnh quan xung quanh, ở các khu du lịch, các địa phương trong quá trình tham quan trải nghiệm tại các điểm đến du lịch.

    – Chủ động, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng các đồ dùng cá nhân như chai, lọ, lược, túi xách… thân thiện với môi trường, ý thức vứt bỏ rác thải đúng chỗ, góp phần gìn giữ môi trường cảnh quan.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền ra biển (Jambeck, et al. 2015) https://science.sciencemag.org/content/347/6223/768;
    2. Alhazmi, H., Almansour, F. H., & Aldhafeeri, Z. (2021). Plastic waste management: A review of existing life cycle assessment studies. Sustainability (Switzerland), 13(10), 1–21. https://doi.org/10.3390/su13105340 4;
    3. Anh, H. (2021). Ô nhiễm nhựa tại Việt Nam: Bài toán cần tìm lời giải cấp thiết. Báo Thế Giới và Việt Nam. https://baoquocte.vn/o-nhiem-nhua-tai-viet-nam-bai-toan-can-timloi-giai-cap-thiet-147962.html ;
    4. 4. Hùng, N. N. (2021). Nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa. Báo Chính Phủ. https://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=448948 ;
    5. Việt Nam xả rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới http://www.vasi.gov.vn/tin-tonghop/viet-nam-xa-rac-thai-nhua-ra-bien-nhieu-thu-4-the-gioi/t708/c223/i1288

    Ths. Nguyễn Thùy Vân – Ths. Trần Doãn Cường
    Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

     

    Bài cùng chuyên mục